slider

Thế hệ trẻ Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

10 Tháng 09 Năm 2021 / 14480 lượt xem

Hồ Thị Quỳnh Trang

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Thế hệ tuổi trẻ hôm nay sinh ra khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác mãi mãi khắc ghi trong trái tim chúng ta với sự ngưỡng mộ tôn kính và lòng biết ơn vô hạn. Được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, không phải chịu đựng sự đau thương của cảnh “nước mất nhà tan”, của kiếp “nô lệ”, chứng kiến những hy sinh, mất mát mà lớp cha anh đã trải qua vì độc lập tự do của dân tộc..., tuổi trẻ chúng ta hiểu rằng hạnh phúc ngày hôm nay được tiếp nối bằng truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, qua những bước đi trên con đường gian nan cứu nước 30 năm của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, đánh đổi bằng bao xương máu của nhân dân Việt Nam đã hy sinh. Để kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó, các thế hệ trẻ Việt Nam đang nỗ lực lao động, dựng xây, đóng góp công sức để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, coi đây là nhiệm vụ lâu dài, hết sức quan trọng và cần thiết của Đảng, Nhà nước và cũng là trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của đoàn thanh niên. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn Đảng ta cần chăm lo, giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(1).

Do những điều kiện sống, học tập, lao động và hoạt động cách mạng vô cùng khắc nghiệt, gian khó nhưng sôi động của thời tuổi trẻ mà Hồ Chí Minh sớm đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc tình cảnh, khát vọng của đồng bào và tuổi trẻ nước nhà. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người đã nói lên tình cảnh của thanh niên và những người dân bản xứ: “Các đồng chí đều biết rằng chủ nghĩa tư bản Pháp đã vào Đông Dương từ nửa thế kỷ nay; vì lợi ích của nó, nó đã dùng lưỡi lê để chinh phục đất nước chúng tôi. Từ đó, chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã, mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm. Tôi xin nhấn mạnh từ “đầu độc” bằng thuốc phiện, bằng rượu, v.v... Trong vài phút, tôi không thể vạch được hết những sự tàn bạo mà bọn tư bản ăn cướp đã gây ra ở Đông Dương. Nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người”(2). Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã viết những dòng thống thiết trong bài Gửi thanh niên An Nam: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Với nhãn quan chính trị sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào lực lượng hùng hậu của nhân dân, nhất là sức mạnh dời non, lấp biển của tuổi trẻ, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Không: người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi... Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(3). Như vậy là, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã ý thức được vai trò, vị trí to lớn của tuổi trẻ và Người đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chăm lo bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ, mạnh dạn giao nhiệm vụ và từng bước dìu dắt thanh niên tham gia đấu tranh cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc. Tuy còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng tiền đồ rạng rỡ của đất nước mở ra trước mắt thế hệ trẻ. Với niềm tin yêu và hy vọng ở tuổi trẻ nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Trong những năm tháng cả dân tộc bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Người đã chỉ rõ vai trò và nhiệm vụ của thanh niên: Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên; thanh niên “là bộ phận quan trọng của dân tộc”, “là những đội xung phong trên các mặt trận”, “là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ”; trong mọi công việc ở đâu thanh niên ta cũng nêu cao khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định luận điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”(4). Đây chính là mục đích của công tác giáo dục thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. Sự kế tục giữa các thế hệ nối tiếp nhau vốn là quy luật phát triển của xã hội loài người, song tư tưởng của Hồ Chí Minh về vai trò kế tục của thanh niên có những nét mới đặc biệt. Người nhận định: Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng. Từ đầu thế kỷ tới nay, các thế hệ cách mạng nước ta đan xen và kế tiếp nhau, hiện thực hóa khát vọng của dân tộc và lý tưởng của Đảng. Do những điều kiện lịch sử cụ thể mà mỗi thế hệ có những ưu điểm và những hạn chế nhất định, song thế hệ sau bao giờ cũng được chuẩn bị tốt hơn, tài giỏi hơn và có trách nhiệm lớn hơn thế hệ trước. Hồ Chí Minh nhận định: “Công việc ngày càng nhiều, càng mới... Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt”. Người nhắc câu tục ngữ “con hơn cha là nhà có phúc” để động viên, khích lệ thanh niên và cũng là để nói lên những kỳ vọng của Người đối với thế hệ trẻ Việt Nam có đủ cả đức và tài để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đó là những phẩm chất: “a) Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc). b) Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được. c) Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý. d) Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc. e) Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch. f) Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết”(5). Bên cạnh đó, Người không ngừng dốc lòng, dốc sức tuyên truyền, giác ngộ thanh niên, tạo cho họ sứ mệnh trọng đại trong từng giai đoạn lịch sử và luôn đòi hỏi cao đối với sự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của thanh niên. Người đặc biệt coi trọng công tác giáo dục lý tưởng và mục đích cuộc sống của thanh niên. Để từ đó giúp họ thấy rõ vai trò, vị trí của mình trong xã hội, tự xác định phương hướng hành động và tự rèn luyện mình trở thành người có ích cho xã hội.

Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ đất nước “đổi mới tư duy”, nền kinh tế chuyển dần sang cơ chế thị trường, đất nước mở cửa hội nhập với thế giới, các giá trị và sinh hoạt văn hóa truyền thống được giữ gìn song hành với quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa từ bên ngoài vào... Chính vì thế, thanh niên Việt Nam luôn luôn đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn, đối diện hàng ngày với nhiều cơ hội và thách thức mà các thế hệ thanh niên trước đó chưa từng gặp phải. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc thế hệ trẻ đã và đang trải qua những quá trình phân hóa phức tạp cả về ý thức chính trị, trình độ giáo dục, điều kiện kinh tế, định hướng giá trị, xu hướng lối sống và ứng xử cá nhân.

Phần đông thanh niên hiện nay vẫn hướng tới những giá trị tốt đẹp, có khát vọng trong sáng về tương lai. Nhưng bên cạnh đó có một bộ phận thanh niên đang chịu ảnh hưởng và ngả theo xu hướng lối sống tiêu cực, không lành mạnh như: Buông thả bản thân; Hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật; ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm và nhiệt tình của tuổi trẻ; Hời hợt, a dua theo các trào lưu nhất thời, tiếp thu xô bồ ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài. Tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh niên hiện nay diễn ra khá nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng về số vụ, số loại tội phạm và cả về tính chất, mức độ phạm tội.

Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung và đối với tuổi trẻ nói riêng, đồng thời tạo ra những thách thức mới đối với mỗi chúng ta trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay phải quan tâm đầy đủ nhiều hơn đến vấn đề bồi dưỡng đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và trong nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ - thế hệ rường cột của nước nhà. Kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Vấn đề cơ bản nhất khi thực hiện cuộc vận động là thế hệ trẻ ngày nay phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của vấn đề đạo đức, thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó đặc biệt chú ý đến các nội dung sau:

- Bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị đúng đắn (trình độ ở đây bao gồm cả nhận thức, định hướng và giáo dục một cách có hệ thống về ý thức chính trị).

- Nêu cao tinh thần yêu nước (yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta nên cần phải được kế thừa và phát triển trong cuộc sống hiện đại một cách thiết thực).

- Có ý chí vươn lên trong lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc (học tập trong xã hội hiện đại bây giờ rất thuận lợi và nhanh chóng hơn trước, tuy nhiên cần xác định đúng mục tiêu học tập vì ai? vì điều gì? không phải chỉ học có bằng cấp cho oai).

- Giữ gìn đạo đức cách mạng, đấu tranh loại bỏ tiêu cực xã hội, tâm lý chạy theo đồng tiền làm giàu bất chính và mặt trái của cơ chế thị trường (đây là tác động ngược của một xã hội đang bị thị trường hóa nhiều mặt và đặc biệt là thế hệ trẻ dễ bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhất do nông nổi, nóng vội, thiếu kinh nghiệm sống...).

- Thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư: Chúng ta cần khắc phục những vi phạm chuẩn mực đạo đức trong thanh thiếu niên hiện nay và nhấn mạnh với các em về trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức của mình.

Thanh niên ngày nay đang đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đất nước, lớp lớp thanh niên mới đã và đang hình thành với những ưu điểm nổi trội. Đó là khả năng tiếp cận với những thành tựu mới của khoa học, công nghệ; là sự năng động, nhạy bén trong học tập, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân khắp các vùng miền của Tổ quốc. Nhiều gương mặt trẻ trong công nhân, nông dân, trí thức, dân tộc thiểu số... đang là những bông hoa tiêu biểu cho ý chí vươn lên của tuổi trẻ Việt Nam, với khẩu hiệu hành động của thanh niên trong giai đoạn cách mạng mới: “Thanh niên hăng hái tiến lên hàng đầu, ra sức cống hiến nhiều nhất, học tập và rèn luyện tốt nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Vì sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước Đảng, Nhà nước ta đã chỉ rõ: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững chắc theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn phụ thuộc vào lực lượng thanh niên”.

Trong giai đoạn này thanh niên đã khẳng định rõ vai trò của mình qua các phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” và bổ sung phát triển phong trào “Thanh niên tình nguyện”, hàng triệu đoàn viên, thanh niên cả nước lên rừng, xuống biển, xông vào những nơi khó khăn, gian khổ, thể hiện sức trẻ khát khao xây dựng nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, để có thể sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng khẳng định và nhấn mạnh cần phải: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”(6). Là thế hệ thanh niên trẻ, nguồn nhân lực quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước cần phải có những ý tưởng, sáng kiến làm theo lời Bác gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công việc. Thế hệ trẻ hôm nay vẫn cần cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác. Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng là cách giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình. Có nhiều cách để học tập, làm theo tấm gương của Bác, nhưng nên chăng chúng ta cần thực hiện chính những lời dạy của Bác về thanh niên, rèn luyện những phẩm chất đạo đức mà Bác đòi hỏi ở thế hệ tương lai của nước nhà. Sự trưởng thành của thanh niên Việt Nam hôm nay đã khẳng định tư tưởng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên. Người đã đặt niềm tin giao trọng trách cho họ để họ thực hiện sứ mệnh trọng đại của mình cùng toàn Đảng, toàn dân giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Điều này được đồng chí Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: “Thanh niên Việt Nam ngày nay là người có ý chí cách mạng và có nhiều tài năng sáng tạo đang bước tiếp bước cha anh đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Hơn 90 năm qua, được sự lãnh đạo của Đảng, theo tư tưởng của Bác Hồ kính yêu, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, lực lượng thanh niên Việt Nam đã đóng góp công sức, xương máu của mình để có ngày toàn thắng hôm nay. Các thế hệ thanh niên kế tiếp nhau luôn và sẽ mãi mãi xứng đáng với niềm tin của Đảng và Bác Hồ là những thế hệ thanh niên anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.612.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.34.

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.140.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.178.

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.218.

6.       Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)