slider

“Thi đua là đoàn kết, là yêu nước là tinh thần quốc tế...!”

18 Tháng 05 Năm 2022 / 350 lượt xem

Hồ Thị Quỳnh Trang

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Từ giữa năm 1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thông báo kế hoạch chuẩn bị tổ chức Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ I vào tháng 5/1952 và giao cho các đồng chí trong Ban trù bị Đại hội có trách nhiệm trước Ban chấp hành Trung ương Đảng. Các đồng chí phụ trách các ngành, các đoàn thể có trách nhiệm cử cán bộ đến giúp đỡ việc chuẩn bị Đại hội theo yêu cầu của Ban trù bị. Ngày 11/4/1952, Ủy ban trù bị Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu đã gửi công văn tới Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Liên lạc Nông dân Cứu quốc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Canh nông, Bộ Giáo dục, Bộ Giao thông Công chính, Bộ Công thương, Tổng cục Cung cấp, Tổng cục Chính trị thông báo số lượng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu để các ngành làm căn cứ lựa chọn và giới thiệu người đi dự Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I.

Trước đó, Bộ Lao động đã gửi công văn hướng dẫn việc đào tạo và bầu chiến sĩ thi đua (CSTĐ) vì một vài địa phương tổ chức bầu CSTĐ không thiết thực, chỉ cốt lấy con số báo cáo lên cấp trên. Người CSTĐ không được dìu dắt, giáo dục, không hiểu rõ nhiệm vụ của mình, không gây được ảnh hưởng trong nhân dân và không lôi kéo được mọi người tham gia thi đua. Nội dung hướng dẫn nhấn mạnh: khi bầu là đồng thời tổng kết, kiểm điểm thi đua, vì vậy phải chuẩn bị kỹ tuyên truyền giải thích về: Ý nghĩa và mục đích cuộc bầu để lựa chọn các chiến sĩ xứng đáng để khen thưởng, trao đổi kinh nghiệm trong nhân dân và có mục đích lựa chọn người đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu cấp tỉnh, khu, toàn quốc sắp tới; Giải thích phương pháp bầu: áp dụng dân chủ bình nghị tức là nhân dân nhận xét và bầu ra chiến sĩ của mình. Phê bình thành thực và nhìn vào hoàn cảnh của từng người, so sánh thành tích chính, thành tích phụ, sáng kiến...; Đả phá những tư tưởng sai lầm có thể xảy ra trong cuộc bầu. Thí dụ: Báo cáo quá đáng về thành tích, giấu khuyết điểm, đầu óc địa phương, bản vị, chỉ muốn bầu những người ở đơn vị mình mà không bầu người ở đơn vị khác mặc dầu thành tích hơn, tư tưởng kiêu căng khi được bầu, tư tưởng chán nản khi không được bầu, tư tưởng coi thường chiến sĩ mà không quan niệm là tuy ai cũng trở thành chiến sĩ được nhưng đã được bầu làm chiến sĩ thì là một vinh dự của người ấy và của cả đơn vị người ấy, vì càng có nhiều chiến sĩ, công việc kháng chiến càng được thực hiện có kết quả; Giải thích về chủ trương của Chính phủ về việc bầu chiến sĩ (theo tài liệu của Bộ Lao động nếu có) và đại hội CSTĐ ở các cấp, nhất là Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952. Ngày 21/4/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị chiến sĩ lao động gương mẫu, Người viết: “Bác thân ái chúc các cô, các chú, các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, trao đổi được nhiều kinh nghiệm hay và bầu cử những đại biểu rất xứng đáng để đi dự Đại hội chiến sĩ toàn quốc”. Sáng ngày 30/4/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với đoàn đại biểu chiến sĩ nông nghiệp tham dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc. Người biểu dương các cán bộ, chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp đã có nhiều cố gắng trong phong trào tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến và căn dặn mọi người cần đẩy mạnh hơn nữa sản xuất nông nghiệp, thực hiện khẩu hiệu: hậu phương thi đua với tiền phương.

Đúng 19 giờ 30 ngày 30/4/1952, lễ khai mạc Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ I và cũng là kỷ niệm ngày 1-5 diễn ra tại Hội trường tám mái thuộc xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Tham dự đại hội có 154 đại biểu công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang tiêu biểu cho phong trào thi đua trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Đại hội cùng 74 đại biểu trong Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các Đảng Chính trị và Đoàn thể nhân dân. Tham dự đại hội còn có đồng chí Xi- Hon và đồng chí Nu Hắc đại diện cho nước bạn Lào. Đại hội có mặt các đoàn chiến sĩ công, nông, binh, cán bộ gương mẫu, chiến sĩ dân công, chiến sĩ diệt dốt và học sinh gương mẫu. Có 41 chiến sĩ công nghiệp (2 dự thính), 41 chiến sĩ nông nghiệp (4 dự thính), 52 chiến sĩ quân đội (2 dự thính), 5 chiến sĩ diệt dốt, 7 chiến sĩ dân công, 6 cán bộ gương mẫu, 2 học sinh gương mẫu, tổng cộng: 154 chiến sĩ (8 dự thính). Những chiến sĩ trên đại diện cho phong trào thi đua từ Liên khu 5 trở ra. Về phần Nam Bộ, việc tổng kết bầu chiến sĩ cử đi dự Đại hội chưa làm xong trước tháng 6/1952, nên Đại hội có dành một số ghế cho chiến sĩ Nam Bộ (3 ghế anh hùng toàn quốc, trong đó có 1 công nhân, 1 nông dân và 1 quân đội; 19 ghế chiến sĩ thi đua toàn quốc trong đó có 9 quân đội, 4 công nhân và 6 nông dân). Tại Đại hội, 7 anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của cả nước đã được bầu chọn, gồm 3 Anh hùng Lao động là: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh và 4 Anh hùng Quân đội là Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến ý nghĩa và mục đích của thi đua, đó là: “Nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến, chuẩn bị chuyển sang Tổng phản công. Quân đội ta thi đua diệt giặc lập công để tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chuẩn bị chuyển sang Tổng phản công. Để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới để tiến lên xã hội chủ nghĩa”. Sau bài khai mạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện của Quốc hội, Trung ương Đảng, Tổng liên đoàn lao động, các đảng phái chính trị, đại diện chính phủ Lào và đại biểu chiến sĩ thi đua lên phát biểu chào mừng Đại hội. Kết thúc buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thay mặt Chính phủ công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cho chiến sĩ các cấp: Chiến sĩ Xã, Chiến sĩ Huyện, Chiến sĩ Tỉnh, Chiến sĩ Khu. Người dặn các chiến sĩ sẽ bầu lấy những người xứng đáng được thưởng Huân chương và danh hiệu Anh hùng để trình Chính phủ duyệt và Người thông báo sẽ tặng cho mỗi chiến sĩ thi đua một Huy hiệu có ảnh của Người và cho một nữ chiến sĩ thi đua quyển sổ tay của đồng bào vùng địch gửi biếu Người.

Ngày 01/5/1952, đúng 6 giờ 30, Đại hội tiếp tục ngày họp thứ 2. Chủ tịch Đoàn là các ông: Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Tạo, chiến sĩ La Văn Cầu, chiến sĩ Ngô Gia Khảm. Nói chuyện với Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích mục đích, nội dung, ý nghĩa, cách thức của thi đua yêu nước.

Người chỉ rõ: “Thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới, là cải tạo con người”. Người kêu gọi đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện khẩu hiệu: “Người người thi đua; Ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng; Địch nhất định thua”. Tiếp theo là các chiến sĩ thi đua điển hình báo cáo tự thuật thành tích. Đến 8 giờ 30, Chủ tịch Đoàn tuyên bố tạm nghỉ và mời Đại hội xem chiếu phim về ngày 01/5/1950 ở Liên Xô.

Ngày 02/5/1952, đúng 7 giờ, Đại hội bắt đầu ngày họp thứ 3. Chủ tịch Đoàn có mặt các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Nguyễn Văn Tạo, Hồ Việt Thắng và các chiến sĩ thi đua La Văn Cầu, Ngô Gia Khảm, Vũ Viết Thân, Hoàng Hanh, Nguyễn Thị Chiên. Các chiến sĩ thi đua tiếp tục báo cáo thành tích (tổng số có 6 chiến sĩ quân đội, 5 công nhân, 3 nông dân, 1 dân công, 1 diệt dốt, 1 cán bộ gương mẫu, 1 học sinh gương mẫu). Đến 22 giờ, Đại hội nghỉ và xem chiếu phim: “Hồng quân đánh chiếm Berlin”.

Ngày 3/5/1952, sau khi nghe CSTĐ các ngành nông nghiệp và quân đội báo cáo thành tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu. Người khẳng định: “So sánh với địch về vật chất và trang bị cái gì ta cũng kém. Thế mà chúng ta dám quyết kháng chiến và nhất định thắng lợi. Đó là do tinh thần của nhân dân ta rất anh hùng, có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc.Các chiến sĩ thi đua gần gũi quần chúng, học hỏi, đoàn kết với quần chúng”.

Ngày 4/5/1952, đúng 7 giờ 15, Đại hội tiếp tục họp. Chủ tịch Đoàn có: Cụ Tôn Đức Thắng, ông Hồ Việt Thắng, ông Nguyễn Văn Tạo, cụ Lê Đình Thám, chiến sĩ La Văn Cầu, Hoàng Hanh, Nguyễn Thị Chiên. Sau khi nghỉ giải lao, Chủ tịch Đoàn tuyên bố mời Đại hội xem vở chèo “Tổ 3 nhà” của Tú Mỡ.

Ngày 5/5/1952, Chủ tịch Đoàn: cụ Tôn Đức Thắng, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Tạo, cụ Lê Đình Thám và các chiến sĩ La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Hoàng Hanh, Vũ Viết Thân. Đại hội nghỉ lúc 10 giờ 30 tối và xem biểu diễn âm nhạc, ca vũ, kịch của đoàn văn công.

Nhà thơ Tú Mỡ (Bút chiến đấu) kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian mấy ngày diễn ra Đại hội như sau: “Vui tính không lúc nào rời Bác trong suốt thời gian Đại hội. Chiều mát, Bác đến từng tổ chiến sĩ ân cần thăm hỏi, rồi mọi người theo Bác ra một quãng đồi san phẳng để vui chơi tập thể. Hồi đó, phong trào nông tác vũ “son la son” mới gia nhập chiến khu Việt Bắc. Bác bảo các chiến sĩ: “Các cô, các chú, chiến đấu đã chiến đấu hăng, vui nhộn phải vui nhộn mạnh. Nào, ta nhảy đi!” Đám thanh niên rất sẵn sàng, nhưng đám thiếu nữ còn sượng sùng ra ý rụt rè. Bác bảo: “Các cô còn phong kiến thế à?” Được lời Bác khuyến khích, cả nam lẫn nữ bấy giờ mới tay cầm tay, nhảy tưng bừng giữa dàn nhạc mồm “son la son... son đô sí la son mì...” vang dội cả khu đồi... Đại hội tiến hành long trọng, tưng bừng chưa từng thấy. Bác luôn luôn chủ toạ các buổi họp; một đôi khi Bác vắng mặt hẳn là vì bận công việc gì quan trọng lăm... Khi chiến sĩ công nghiệp số 1 (sau được Đại hội tặng danh hiệu anh hùng) Ngô Gia Khảm lên đọc báo cáo thành tích, bàn tay của anh bị thương tật vì tai nạn thuốc nổ, lật giở trang giấy lúng túng, thấy vậy Bác rơm rớm nước măt. Anh báo cáo xong, Bác nói: “Khảm là “binh công xưởng” đầu tiên của quân đội Việt Nam, đã chế tạo ra quả lựu đạn đầu tiên cho kháng chiến. Khảm bị què tay, mờ măt, điếc tai, vẫn hăng hái làm tròn nhiệm vụ. Với tinh thần ấy, trăm thằng Tây, trăm thằng Mỹ ta cũng đánh tan (thằng đây có nghĩa là một đế quốc)”. Bác điều khiển Hội nghị rất linh hoạt. Sau mỗi bản báo cáo, Bác lại động viên mọi người hát và hò, xen cái vui tươi vào cái trang nghiêm, nên tuy làm việc khẩn trương mà không ai thấy mỏi mệt. Buổi họp nào văng Bác thì tôi cảm thấy như thiếu thốn một cái gì, khó ai bổ sung được. Buổi tối hôm sau, một bữa tiệc linh đình tiễn đưa các anh hùng, chiến sĩ. Bác nhanh nhẹn, niềm nở đến từng bàn để thù tiếp, mỗi bàn Bác ngồi một lát, không sót một bàn nào. Bác nói: “Hôm nay Bác thay mặt nhân dân tiếp đãi các anh hùng, chiến sĩ”. Bác xới cơm, găp thức ăn cho mọi người, không ai từ chối được. Tiệc xong, bát đũa ngổn ngang trên các bàn ăn. Bác điềm nhiên “thu dọn chiến trường” lại gọn ghẽ và nói: “Thu xếp lại một tí, đỡ công vất vả cho các đồng chí phục vụ”. Mọi người cảm phục, làm theo Bác. Bác thực nhân đạo chí tình, dạy cho chúng ta ý thức trong cuộc chung sống dân chủ. Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Mỗi người biết chịu khó bận mình một tí, sẽ đỡ nhiều khó nhọc cho người khác.”

Ngày 6/5/1952, lúc 7 giờ 30, Đại hội họp phiên bế mạc. Chủ tịch Đoàn là các ông Hồ Việt Thăng, cụ Tôn Đức Thăng, ông Trường Chinh và các chiến sĩ Nguyễn Thị Chiên, Hoàng Hanh, Ngô Gia Khảm, La Văn Cầu. Đại hội tuyên bố tặng thưởng, ký giao ước thi đua, lễ tuyên dương anh hùng và thưởng huân chương cho một số chiến sĩ. Buổi tối cùng ngày, Đại hội làm lễ hạ cờ. Lúc 22 giờ 30, các đại biểu dự tiệc trà, xem biểu diễn ca vũ âm nhạc của đoàn văn công bộ đội và xem chiếu phim “Phái đoàn Việt Nam tại Đại hội liên hoan của thanh niên thế giới ở Berlin” và phim “Kháng Mỹ viện Triều”.

Tài liệu tham khảo:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7.

2.            Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tập 5.

3.            Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất năm 1952, Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Hà Nội. 2012.

4.            Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 2.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)