Thủ đô kháng chiến ở đâu?
19 Tháng 09 Năm 2011 / 8665 lượt xem
Trịnh Tố Long (*)
Ông Tạ Quang Chiến vinh dự trực tiếp phục vụ Bác Hồ suốt thời kỳ chống Pháp (1947 - 1954) cùng Ban liên lạc cựu cán bộ Chủ tịch phủ ở ATK Việt Bắc rất phiền lòng theo dõi những thông tin về các địa danh mình một thời gắn bó: chưa được hiểu đúng, làm đúng như lịch sử vốn có:
Vài cứ liệu
Ông Chiến và các vị lão thành nhân chứng sống cung cấp cho người viết bài này nhiều văn bản, sách, tư liệu thông tin chính thức cùng những thư, kiến nghị ... để đối chiếu, xác minh và quan trọng, thấy rõ sự quan tâm, tấm lòng vô tư, tâm nguyện như thế nào trước vấn đề đặt ra của các bậc tiền bối đáng kính.
Xin dẫn vài ví dụ: Đề án Quy hoạch tổng thể phục hồi, bảo tồn, tôn tạo, và phát huy Khu di tích lịch sử Cách mạng và Kháng chiến, chiến Khu Việt Bắc (Giai đoạn 1941 - 1954) của Bộ Văn hoá - Thông tin, tháng 3/1998 (gọi tắt Đề án). Một công trình được nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch - công sức của nhiều ngành chức năng và địa phương từ năm 1962 với đầy đủ các cứ liệu cụ thể từng ngày tháng, địa danh, sự kiện đã diễn ra, gắn với hoạt động chủ yếu của Bác Hồ. Sách Văn phòng Chính phủ 56 năm xây dựng và trưởng thành. Nhiều bản sao công văn, Quyết định, thư riêng, kiến nghị của tập thể, cá nhân gửi các vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ về các vấn đề liên quan. Rồi, các cuộc gặp riêng, điện thoại v.v... Song, tình hình vẫn như dẫn liệu dưới đây, thật đáng ngạc nhiên..
Một nhà báo lão thành kể, phải ... 4 lần về chiến khu xưa mới biết "Thủ đô gió ngàn" hoá ra là ... Định Hoá. Bài đăng ở một tờ báo lớn (ngày 22/11/2006) nêu
rõ: Định Hoá là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cơ quan đầu não ... ở và làm việc trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược...
Trong cuộc Hội thảo (ngày 6/12/2003) vị lãnh đạo tỉnh sở tại phát biểu đề dẫn: ... Vùng Định Hoá đã trở thành mảnh đất Cội nguồn của cách mạng Việt Nam ... Giám đốc Sở chức năng nêu rõ hơn: Định Hoá là trung tâm ATK - Thủ đô kháng chiến ... Kể từ đầu năm 1947, hầu hết các cơ quan đầu não kháng chiến..., các lãnh tụ: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng ... đã sống, làm việc Chủ yếu tại Định Hoá...
Sự thực
Thời kỳ 1946 - 1954, Bác Hồ là lãnh tụ tối cao: Chủ tịch Đảng, Nhà nước và Chính Phủ. Văn phòng giúp việc Bác mang mật danh CQ41 hoặc Ban kiểm tra 12 theo thống kê chi tiết về ngày, tháng, địa danh chia ra: Người ở Hà Tây và Phú Thọ; 4 tháng 5 ngày. Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên: 1 năm 7 tháng. Riêng Tuyên Quang: 5 năm 10 tháng 25 ngày. Cộng 7 năm 10 tháng. Quy định chung: trước tháng 8-1945 gọi là Di tích Cách mạng, sau đó, là Di tích Kháng chiến. Bác Hồ trước tháng 8 - 1945, Người từ Cao Bằng về qua Bác Kạn tới Tân Trào, nên không có Di tích "cách mạng" về Bác ở Thái Nguyên. Lịch sử Cách mạng Việt Nam chưa hề đặt ra: đâu là "chiếc nôi" - kể cả Pắc Bó.
Cơ quan đầu não là một cách nói, chỉ cơ quan cao nhất - một nước, một tỉnh, một ngành ... Ngày kháng chiến chống Pháp, đóng trụ sở ổn định lâu dài bên Tuyên Quang, ngoài Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ, còn có Ban thường trực Quốc Hội, 13 Bộ - trừ Bộ Quốc phòng, Văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh đóng ổn định bên Định Hoá (cuối năm 1953 cũng chuyển về Yên Sơn Tuyên Quang ở hầm ngầm Kim Quan).
Một sự thật xin đừng quên: bằng Quyết định số 32/2000/QĐ-BVHTT ngày 7/12/2000, do Thứ trưởng Bộ VHTT Lưu Trần Tiêu ký ghi rõ:
Điều 1: Nay công nhận
Di tích lịch sử
địa điểm chủ tịch phủ - thủ tướng phủ thời kỳ 1947 - 1954
xã bình yên, huyện sơn dương, tỉnh tuyên quang.
Chính tại đây, dưới chân núi Thác Dẫng bên bờ sông Phó Đáy, chiều 15/8/2005, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đương chức Phó Thủ tướng Thường trực) đã chủ trì lễ động thổ xây dựng Khu di tích Chủ tịch Phủ - Thủ tướng Phủ (báo Nhân dân 16/8/2005).
Hiểu về hai chữ Thủ đô
Theo Từ điển Tiếng Việt, Thủ đô là thành phố (hoặc địa danh - TTL)... nơi làm việc của Chính phủ và các cơ quan trung ương. Ông Hoàng Bình Quân Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang nhấn mạnh: lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh và cả ba bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Việt Minh, Liên Việt... đều đóng Đại bản doanh lâu dài trong tỉnh. Nơi đây còn có Nhà khách quốc tế, nơi làm việc của lãnh tụ các nước bạn, các chuyên gia cố vấn nước ngoài...
Sinh thời, nhà thơ Tố Hữu hơn một lần khi trả lời ai đó hỏi : - Địa danh "Thủ đô gió ngàn" là ở đâu, ông cười hóm hỉnh : - Là Việt Bắc. ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi trí bền... (theo lời kể của ông Cù Văn Chước được nhà thơ tặng tập thơ "Sáng tháng Năm"). Tháng 5/1951, đối chiếu với tập Đề án thì từ tháng 3 đến tháng 6/1951, lần thứ tư Bác về ở Thác Dẫng, sau đó tới Hang Bòng, đối diện bên này sông Phó Đáy là hang núi Thia nơi ở của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Từ đó qua Trung Sơn chỗ ở của Bác Tôn, lên khu hầm Kim Quan... đôi bờ sông đều... Xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn...
Cũng thật khớp với câu Bác dặn anh em mỗi khi đi tìm địa điểm mới: Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta vui/ Tiện đường sang Bộ Tổng (Tư lệnh, qua đèo De)/ Thuận lối tới Trung ương. (Văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh gần đó).
Vậy, Thủ đô gió ngàn... là Sơn Dương Tuyên Quang? – Cũng không! Một hình tượng nghệ thuật trong thơ thôi. Tân Trào là Thủ đô Khu Giải phóng. Việt Bắc là Thủ đô gió ngàn theo Tố Hữu. Trong đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho biết, gồm 3 tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn với 8 huyện làm địa bàn chính khi Hồ Chủ tịch giao cho hai vị Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng đi chuẩn bị An Toàn Khu - ATK Việt Bắc: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá, Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương và chợ Mới, chợ Đồn (tham luận Hội thảo 12/5/1997: ".... Định Hoá trong căn cứ địa Việt Bắc").
Từ Thủ đô gió ngàn trong thơ, ai đó suy tưởng nên Thủ đô kháng chiến, rồi truyền miệng thành một hiện tượng tự vinh danh lan toả ra các địa phương. Mong rằng không nên “độc quyền” tự tôn "Thủ đô " cho riêng một huyện, tỉnh nào!. Càng hết sức tránh coi mình là chiếc nôi, trung tâm, tiêu điểm..., mảnh đất…, cuội nguồn…, của Cách mạng và kháng chiến cả nước.
Nỗi niềm bậc tiền bối :
Năm ngoái kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ trở lại Việt Bắc lãnh đạo Kháng chiến, bà Phó Chủ tịch UBND Tuyên Quang Vũ Thị Bích Việt về Hà Nội dự họp mặt với các ông bà CQ41 thời ATK. Chỉ còn 1/4 dăm chục vị cố gắng đến dự để nghe tình hình "quê hương thứ hai" năm xưa, nay thế nào. Bà con các dân tộc vẫn nghèo. Cân nhắc lắm, đồng tiền bát gạo dành chi trước cho điện - đường - trường - trại...?
Chúng tôi hỏi ông Chiến mấy lần, lại vẫn cẩn thận phôn nghe từ địa phương : ông Huỳnh - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, ông Tăng bên Uỷ ban, đều được trả lời: Dự án Di tích Ban kiểm tra 12 chưa triển khai được. Các bậc cha chú nhân chứng vừa nén lòng thông cảm, vừa bức xúc mong ngóng, nguyện cầu may có kịp một lần về lại... Thủ đô mà ngắm nhìn bộ mặt tiêu biểu bậc nhất của di sản thiêng liêng ATK Việt Bắc mở đầu cho một trang sử oanh liệt nhất, vẻ vang nhất tới vị thế Việt Nam hôm nay, trang sử thời đại Hồ Chí Minh.
Mong nữa, mai đây Đường Hồ Chí Minh xuyên Việt từ Pắc Bó, qua Tân Trào, xuôi Đền Hùng... cả miền Việt Bắc nối liền các quần thể kiến trúc di sản lịch sử - văn hoá - kinh tế - du lịch toả sáng giữa thiên nhiên kỳ vĩ, niềm tự hào một vùng địa đầu của Tổ Quốc. Muốn vậy, cần bắt đầu từ hôm nay dù đã là muộn, một quy hoạch cấp quốc gia liên thông, thống nhất toàn vùng có điểm nhấn trọng tâm dứt khoát phải là Di tích Chủ tịch Phủ - Thủ tướng Phủ theo Quyết định 32/2000- không nên để địa phương mạnh ai nấy làm như hiện nay, nhất là trong cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.