THỰC HIỆN KHÁT VỌNG “ĐỒNG BÀO NAM BẮC NHẤT ĐỊNH SẼ SUM HỌP MỘT NHÀ” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG DI CHÚC
08 Tháng 09 Năm 2011 / 7432 lượt xem
Nguyễn Hồng Thúy
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Sinh ra và lớn lên khi đất nước đã đắm chìm trong vòng nô lệ, ngày 5/6/1911, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rời Tổ quốc, bắt đầu chặng đường lao động kiếm sống và khảo nghiệm thực tiễn để tìm đường cứu nước. Dành cả cuộc đời mình hoạt động và đấu tranh không mệt mỏi vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất, vì sự nghiệp giải phóng nhân loại cần lao thoát khỏi sự áp bức và bất công, thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, nhưng đến lúc rời xa thế giới này, Hồ Chí Minh vẫn còn trĩu nặng ưu tư vì miền Nam ruột thịt chưa được giải phóng. Khát vọng, niềm tin tất thắng và ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc Người dặn lại trong bản Di chúc lịch sử: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(1) trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước trong hành trình chiến đấu và chiến thắng.
1. Hoài bão lớn nhất của Hồ Chí Minh là nước Việt Nam độc lập, tự do và thống nhất, nhưng phải là độc lập tự do hoàn toàn và thống nhất. Vì vậy, mỗi khi nhắc đến miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, đến ước mơ "Bắc Nam sum họp một nhà", lòng Người lại trào dâng niềm xúc động: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”. Đó chính là tình cảm, là tấm lòng, cũng là nỗi khắc khoải của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với miền Nam, với đồng bào miền Nam trong những ngày đất nước còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền.
Dành cho miền Nam sự quan tâm đặc biệt, ngay khi thực dân Pháp với dã tâm thống trị nước ta một lần nữa đã núp bóng quân Anh, nổ súng đánh úp Nam Bộ, ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ đồng bào: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ... "Thà chết tự do còn hơn là sống nô lệ"(2). Đồng thời, Người đã thông qua những bài báo, những lời phát biểu, trả lời phỏng vấn, truyền đến cho đồng bào và các chiến sỹ ở tiền tuyến sức mạnh niềm tin vào một ngày mai thống nhất, và khẳng định: Nam bộ là máu của máu, là thịt của thịt Việt Nam, "đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi"(3).
Khi chiến tranh ngày càng lan rộng, tuyên bố với quốc dân tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một ngày mà Tổ quốc chưa được thống nhất, đồng bào còn chịu đau khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ yêu quý nhất định trở lại trong lòng Tổ quốc”. Niềm tin của Người, ý chí của cả dân tộc về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã được ghi rõ, được khẳng định tại Điều 2, Chương 1- Hiến pháp 1946: "Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia"(4).
Bỏ lỡ những cơ hội cho một nền hòa bình, thực dân Pháp đã trắng trợn gây chiến và trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đồng bào và chiến sĩ cả nước đã đồng lòng kháng chiến và kiến quốc với niềm tin và sức mạnh tinh thần: nước Việt Nam là một, từ Nam chí Bắc cùng một tiếng nói, một lịch sử, một nền văn hoá và một nền kinh tế; nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều xương máu đấu tranh cho độc lập, tự do, quyết không một lực lượng nào ngăn cản được sự nghiệp thống nhất Tổ quốc mình. Trong những năm tháng gian lao ấy, luôn dành sự quan tâm đến miền Nam, truyền đến đồng bào và chiến sĩ miền Nam tình cảm, niềm tin của mình, của cả dân tộc về một ngày mai “non sông liền một dải”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư, đã động viên đồng bào, chiến sĩ quyết kháng chiến với tinh thần: “Lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ, cùng toàn thể quân đội và nhân dân các nơi luôn ở bên cạnh các bạn, theo dõi các bạn, yêu mến các bạn”(5). Vì vậy mà “thống nhất độc lập nhất định thành công”.
Vượt mọi gian nguy và trường kỳ kháng chiến với quyết tâm và ý chí: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: quyết không làm nô lệ; chỉ có một chí: quyết không chịu mất nước; chỉ có một mục đích: kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”(6), sức mạnh đoàn kết của quân dân hai miền Nam - Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, kết thúc cuộc trường chinh 9 năm "kháng chiến kiến quốc" chống thực dân Pháp đã kết thúc. Tuy nhiên với những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, chỉ có miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Còn ở miền Nam, đế quốc Mỹ trắng trợn, ngang nhiên phá hoại Hiệp định, can thiệp vào miền Nam, biến miền Nam trở thành “địa ngục trần gian”.
“Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”, Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy, và trong tư tưởng của Người, độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước, luôn xuyên suốt và nhất quán. Khi đất nước vẫn còn cảnh chia ly bởi bờ Bắc, bờ Nam, khôn nguôi nỗi nhớ miền Nam, vì miền Nam ruột thịt, vì niềm hy vọng “Bắc, Nam sum họp một nhà”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: phải "củng cố miền Bắc và chiếu cố miền Nam". Khôi phục, cải tạo, phát triển và xây dựng CNXH để miền Bắc trở thành hậu phương lớn, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Người nhấn mạnh rằng: trong khi miền Bắc sinh hoạt và xây dựng trong hòa bình thì đồng bào miền Nam đang anh dũng hy sinh chiến đấu oanh liệt chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, vì vậy “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Vì vậy, những đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những chuyến xe chở lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men,v.v.. từ miền Bắc chuyển vào đều thiết thực ủng hộ đồng bào miền Nam và góp phần thực hiện khát vọng “Bắc, Nam sum họp một nhà”.
Nói về tình cảm của Người dành cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam, nói về tình Bắc Nam ruột thịt, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Trái tim của tôi và của 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam,... không một giờ một phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ - Diệm để cứu nước cứu nhà"(7). Tình cảm đó không chỉ ẩn chứa trong mối bức thư, trong mỗi bài phát biểu, mà còn đậm sâu, hiển hiện trong những bài thơ chúc Tết - những lời nhắn nhủ của Người mỗi dịp Xuân về, Tết đến, đặc biệt là: “Vì Độc lập, vì Tự do, Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào, Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”- trong bài Thơ mừng Xuân 1969.
2. Nỗi đau đất nước bị chia cắt đã làm nhức nhối trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh và mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Song nỗi đau bị chia cắt đã hun đúc ngọn lửa đoàn kết đấu tranh, đã nhân nguồn sức mạnh của dân tộc ta trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cả nước đồng lòng vượt qua mọi khó khăn gian khổ và chiến đấu với quyết tâm không gì lay chuyển nổi: "Nước ta phải thống nhất. Nam Bắc là một nhà”.
Từ trái tim mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, kẻ thù không thể chia cắt Tổ quốc ta, chia rẽ hai miền Nam Bắc, chia rẽ gia đình ta, nên ngay cả khi được Quốc hội quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng, Người cũng dành những lời tâm huyết để nói về miền Nam. Cả tấm Huân chương vinh danh, Người cũng muốn chờ đến ngày miền Nam được giải phóng, chờ đến ngày đất nước thống nhất mới nhận: “Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp lại đấu tranh chống Mỹ- Diệm, đồng bào miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”. Vì lẽ đó, tôi xin Quốc hội chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”(8).
Không thể vào thăm miền Nam, khi gặp đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, trong không khí xúc động nghẹn ngào, Người ôm hôn đồng chí Nguyễn Văn Hiếu mà tưởng như đang ôm cả miền Nam vào lòng. Người hỏi thăm cặn kẽ tình hình đời sống, tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam. Thay mặt các đại biểu báo cáo tình hình mọi mặt của miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu gửi đến Người món quà của đồng bào miền Nam gồm: Bản cương lĩnh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tập thơ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển, tập ảnh về phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam và một lọ hoa do đồng bào làm bằng vỏ đạn đại bác Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận quà và nói Người không có gì tặng cho đồng bào miền Nam. Đưa tay mình lên ngực, nơi trái tim của người Cha già đang đau đớn và xúc động, Người nói: Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nguyện vọng của tôi cũng như nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, và khát vọng đó được Người khẳng định: “Nhân dân ta nhất định sẽ vượt tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được thống nhất đất nước, Nam, Bắc một nhà”(9). Vì vậy, có thể chia cắt đất nước ta về không gian và thời gian, song đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai không thể chia cắt ý chí và niềm tin của cả một dân tộc có bề dày truyền thống trong lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, lại càng không thể chia cắt tình cảm của nhân dân hai miền Nam Bắc, bởi tất cả đều là “con Rồng, cháu Tiên”. Niềm tin vào một ngày mai thống nhất của nhân dân hai miền Nam Bắc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bồi đắp bằng ý chí, bằng quyết tâm của cả dân tộc qua Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước ngày 17/7/1966: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn"(10). Mùa xuân năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn được vào thăm miền Nam trước khi quân ta mở màn đợt 3 cuộc tổng tiến công. Trong bức thư gửi cho đồng chí Lê Duẩn ngày 10/3/1968, Người viết rằng: "đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em"... Tuy nhiên, vì điều kiện sức khoẻ của Người, vì cuộc chiến tranh đang trong giai đoạn quyết liệt, khó đảm bảo an toàn, nên Bộ Chính trị đã thuyết phục Người hoãn chuyến đi này.
Năm 1969, sức khỏe của Người ngày một yếu. Trong những ngày cuối đời, khi nằm trên giường bệnh, dù phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật, song mỗi khi tỉnh lại, câu đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh dành để nói, vẫn là những câu hỏi về tình hình chiến sự ở miền Nam. Ở những giây phút cuối của cuộc đời trần thế, Người vẫn nghĩ đến miền Nam. Hình ảnh miền Nam vẫn luôn luôn ở trong trái tim của Người. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xa chúng ta, mang theo mình một khát vọng, một niềm tin tất thắng: "Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn" về với cõi vĩnh hằng. Người đã đi xa, nhưng niềm tin của Người và chỉ thị: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi", cùng với lời tiên đoán "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" đã trở thành mệnh lệnh hành động.
Khát vọng của Người và của cả dân tộc, những lời dặn lại trong Di chúc của Người, ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã đưa cả nước vào trận cuối cùng với niềm tin tất thắng. CuộcTổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975 đã thắng lợi. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam Bắc đã sum họp một nhà. Mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của đồng bào và chiến sĩ cả nước đã trở thành sự thật. Cùng với thời gian, những vết thương chiến tranh đã dần hàn kín miệng. Nỗi đau chia cắt đã vĩnh viễn lùi xa. Đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất liền một dải đang vươn lên, hội nhập cùng bạn bè quốc tế.
Đi xa Người dặn còn non nước, và niềm tin của Người về một đất nước Việt Nam "đàng hoàng hơn to đẹp hơn", sánh vai cùng bạn bè quốc tế thuở nào đang trở thành hiện thực sinh động trong thực tiễn. Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Ở nơi xa, Người vẫn dõi theo, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết và kiên định, tin tưởng và quyết tâm, vượt qua mọi thử thách, phát huy nguồn sức mạnh nội lực được hun đúc trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước để xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.12, tr. 498-499
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 27
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , tập 4, tr. 246
(4) Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1994, trang 272
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t.5, tr. 215
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.151
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11, tr.158-159
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11 , tr.62
(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, tr.199
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.108