slider

THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA BÁC: “PHẢI GIỮ GÌN ĐẢNG TA THẬT TRONG SẠCH” LÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ CHẤN HƯNG ĐẤT NƯỚC

15 Tháng 09 Năm 2011 / 3924 lượt xem
Th.s Cao Hải Yến
Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta thành một Đảng cách mạng chân chính, bộ tham mưu sáng suốt, kiên cường của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong những di sản tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, những luận điểm của Người về Đảng Cộng sản Việt Nam, về xây dựng Đảng, đặc biệt trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền là một phần cực kỳ quan trọng. Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm chỉnh đốn, đổi mới Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng chính trị lãnh đạo toàn xã hội, là một nhiệm vụ chủ yếu nhất của toàn Đảng, toàn dân ta và cũng là vấn đề then chốt bảo đảm thắng lợi cho công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay.
Nước ta là một nước ngàn năm văn hiến, có truyền thống trọng đạo đức Lịch sử hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc giành được thắng lợi vẻ vang, trước hết phải khẳng định: nhân tố quyết định làm nên uy tín và sức lôi cuốn của một Đảng lãnh đạo đó là sự trong sạch về đạo đức, sự liêm khiết trong phẩm chất của người của người cán bộ, đảng viên. Điều đó được minh chứng trong mọi phong trào, mọi cuộc vận động đấu tranh cách mạng, người lãnh đạo đều phải dựa trên cơ sở yêu nước, nhân nghĩa, đạo đức mới lôi cuốn được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia. Chúng ta thắng được kẻ thù mạnh hơn ta gấp bội không phải vì ta mạnh hay vì ta ở thế “đất hiểm” mà chúng ta thắng bởi vì “ đức cao” như cha ông ta đã khẳng định.
Chân lý này được thể hiện trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ngay từ năm 1927, để thức tỉnh đồng bào đứng lên làm cách mạng lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã để lên hàng đầu “tư cách người cách mạng”. Người yêu cầu mỗi chiến sĩ tiên phong “tự mình phải:
Cần kiệm,
Vị công, vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Hy sinh.
ít lòng tham muốn về vật chất...
Bằng việc làm của mình, suốt cuộc đời Hồ Chí Minh nêu tấm gương sáng và kiên trì xây dựng, rèn luyện Đảng ta “thành một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để”(1). Người dày công bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên thành những người kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân, những người mà:
Giàu sang không thể quyến rũ,
Nghèo khó không thể chuyển lay,
Uy lực không thể khuất phục (2).
Điều này được thể hiện trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc, bởi có lúc cách mạng lâm vào thoái trào, bọn thống trị thực dân và bọn tay sai phong kiến bắt bớ hàng loạt cán bộ, đảng viên, mặc cho chúng giam cầm, tù đày, bắn giết, người trước ngã xuống, người sau lại tiếp bước đi lên, không hề sờn gan nản chí. Có những lúc nhiều cơ sở Đảng bị tan vỡ, nhưng Đảng vẫn phục hồi nhanh chóng. Có những lúc cơ quan đầu não của Đảng chỉ còn rất ít người, nhưng sự lãnh đạo của Đảng vẫn đúng đắn kịp thời, nhạy bén, thông suốt từ trên xuống dưới, từ Bắc vào Nam. Có được những thành công này phải kể đến công lao to lớn của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Người đã xây dựng được đội ngũ đảng viên sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân và xương máu của mình cho độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc, cơm áo hạnh phúc cho nhân dân, họ luôn chăm lo gữi gìn khí tiết cách mạng, phẩm chất đạo đức của người công sản, không màng đến công danh, lợi lộc. Không hiểu được sức mạnh đạo đức đó, nên nhiều người (thế hệ sau) và những người nước ngoài không thể giải thích và hiểu nổi, vì sao trong những điều kiện cực kỳ khó khăn Việt Nam có thể làm nên chiến công phi thường như vậy.
Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng cũng phạm sai lầm khuyết điểm, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã thoái hoá biến chất, làm tổn hại đến uy tín và thanh danh của Đảng. Một số ít cán bộ đảng viên không vượt qua được sự cám dỗ của giàu sang, đã sập bẫy, sa ngã ngay trên địa vị của quyền lực. Với dự cảm sáng suốt của người dày dạn kinh nghiệm và qua nhiều thử thách, Hồ Chí Minh đã sớm tiên liệu về những suy thoái có thể xảy ra đối với cán bộ đảng viên trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Trong một lần tiếp cán bộ làm sách “ Người tốt, việc tốt”, Người nói: “Trước đây, Bác và các chú bước vào con đường cách mạng, ai cũng sẵn sàng nhận lấy hai cái này: một là ngồi tù, hai là máy chém. Ngoài cái được lớn là độc lập, tự do cho nhân dân, Tổ quốc, không ai nghĩ đến sẽ dành phần danh lợi cho cá nhân mình. Bây giờ, ta đã có chính quyền rồi, hoàn cảnh khác trước”(3).
Hoàn cảnh khác trước Bác nói đến đó là, mọi người dân Việt Nam từ người nô lệ trở thành người làm chủ, từ người bị áp bức thống trị trở thành người cầm quyền, từ người vô sản trở thành người hữu sản, nắm giữ trong tay nguồn tài sản khổng lồ của đất nước, bao nguồn sinh lợi của nhân dân. Làm dân thường thì tư lợi ít (ăn cắp giờ công), nhưng làm lãnh đạo trên cương vị người cầm quyền để tránh vấp phải tư lợi là điều rất khó khăn. Vì, địa vị càng cao, chức quyền càng lớn, cơ hội làm giàu bất chính càng gần với tầm tay. Nếu không giữ được đạo đức cách mạng trong sáng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thì khó có thể tránh khỏi những thử thách đời thường. Nếu ai vấp phải những quy tắc đạo đức “ bất biến” này, không sớm thì muộn sẽ rơi vào thoái hoá, biến chất.
Trong rất nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn nhắc nhở: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a,b,c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”(4).
Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(5).,là
Chính vì vậy, khi đã trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên cốt cách, phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, vẫn luôn cho mình chỉ là một người phục vụ, người công bộc của nhân dân.
Trong mọi sinh hoạt hàng ngày, Người sống rất giản dị, thanh bạch. Người chỉ ở căn nhà sàn làm bằng gỗ, mặc bình dân đơn giản, ăn những bữa cơm thanh đạm. Trong hoàn cảnh nước nhà còn nghèo, dân còn khổ, cuộc sống giản dị, tiết kiệm của các nhà lãnh đạo là những tấm gương cổ vũ rất lớn. Bởi vì, nếu những người có chức, có quyền cứ giàu lên nhanh chóng, sống trong những ngôi biệt thự sang trọng, thích hưởng thụ, ăn chơi... thì không thể nào yêu cầu người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, trong điều kiện Đảng cầm quyền đang bị tác động của cơ chế thị trường, đạo đức cách mạng đang phải trải qua những thử thách nghiêm trọng. Không lảng tránh sự thật, dù sự thật đau lòng, không che giấu khuyết điểm sai lầm, dù khuyết điểm sai lầm làm chúng ta đau đớn, Đảng ta dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, khắc phục đến cùng.  Tại Hội nghị 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII (12-1999) đã ra Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Nội dung Nghị quyết đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất là vấn đề giáo dục lý luận - chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, quan liêu. Cho nên, phải xây dựng và “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch” không chỉ là lời nhắc nhở, ân cần chỉ bảo, mà còn là mệnh lệnh nghiêm khắc của Bác Hồ đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Vừa qua, chúng ta đã phải chứng kiến những vụ tham nhũng cỡ lớn, những suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở mọi cấp, mọi ngành có chiều hướng trở thành phổ biến. Tham nhũng trở thành quốc nạn. Bệnh quan liêu với nhiều biểu hiện khác nhau đã làm tổn thương không nhỏ đối với mối quan hệ của Nhà nước với nhân dân.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (4-2006) trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã nêu “...lãnh đạo cuộc vận xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa đạt được yêu cầu và đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới và của xã hội...”. Tình trạng tham nhũng diễn ra với quy mô ngày càng lớn, phạm vi rộng, tính chất ngày càng phức tạp, nguy hiểm. Để xảy ra điều này Đảng phải dũng cảm thừa nhận rằng do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức Đảng và đảng viên vẫn còn hạn chế, thậm chí không ít nơi đã bị tham nhũng làm tê liệt. Tình trạng nể nang, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật đang là căn bệnh của nhiều tổ chức Đảng; một số cấp uỷ và cán bộ chủ chốt chưa thực sự gương mẫu trong công tác và sinh hoạt. Nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của hệ thống chính trị chưa được coi trọng. Công tác tổ chức cán bộ còn yếu kém, để lọt một bộ phận cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất, cơ hội nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Hoạt động của các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước như kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tham nhũng.
Chính vì vậy, nghiêm khắc xem xét, đánh giá kết quả của cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng là chưa đạt yêu cầu, vì một số vụ việc chưa được giải quyết, xử lý không nghiêm, một số đồng chí, bao gồm cả những đồng chí chủ trì chưa thật thà tự phê bình, việc đấu tranh nhận rõ đúng, sai về một số quan điểm chính trị còn mập mờ. Việc khắc phục tệ quan liêu còn rất chậm, việc ngăn ngừa tệ tham nhũng chưa quyết liệt; lãng phí xa hoa, không thực hành tiết kiệm còn rất phổ biến... Những khuyết điểm trên không chỉ làm tổn hại đến niềm tin của nhân dân, mà còn tạo điều kiện để kẻ địch lợi dụng, công kích và xuyên tạc chống phá chế độ ta, nghiêm trọng hơn là nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ.
Để khắc phục tình trạng này, Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu lên những giải pháp hữu hiệu nhằm chống tham nhũng có hiệu quả. Song, việc chúng ta cần làm ngay, cấp bách lúc này là phải làm chuyển biến về nhận thức, xây dựng quyết tâm chính trị cao trong phòng chống tham nhũng; tăng cường chất lượng giáo dục cán bộ, đảng viên; chỉ đạo chống tham nhũng phải kiên quyết, triệt để và ráo riết hơn.
Và phải tích cực tham gia cuộc vận động học tập và làm theo đạo đức của Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu để làm người cộng sản như Bác Hồ đã dạy: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Những người cộng sản Việt Nam mãi mãi là hình ảnh đẹp và cao thượng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam do Người         sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.6, tr.174
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6,tr.184
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.12, tr.555
(4) Nhiều tác giả: Chúng ta có Bác Hồ, Nxb Lao động, H.1990, tr.17
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tr.12

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)