slider

Thực trạng công tác giáo dục di sản tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

19 Tháng 05 Năm 2022 / 634 lượt xem

ThS. Nguyễn Thị Bình

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Theo quan niệm truyền thống, nhìn chung bảo tàng, di tích có hai chức năng cơ bản là nghiên cứu khoa học và tuyên truyền, giáo dục khoa học. Hai chức năng này có quan hệ mật thiết với nhau và lệ thuộc vào nhau. Giáo dục là chức năng cơ bản và tất yếu của mọi di tích, bảo tàng. Công tác giáo dục của di tích, bảo tàng là thông qua các hình thức tiếp cận để chuyển giao có mục đích những thông tin, những tri thức về khoa học, đạo đức và thẩm mỹ. Công tác giáo dục của di tích, bảo tàng dựa trên những kết quả hoạt động của công tác nghiên cứu khoa học, công tác tư liệu hóa và công tác trưng bày. Không giống với các cơ quan tuyên truyền, giáo dục khác như phát thanh, truyền hình, báo chí, thông tin cổ động, giáo dục trong bảo tàng không thông qua phương tiện mà là giáo dục trực tiếp từ những hiện vật, tài liệu.

Mô hình giáo dục di sản tại di tích, bảo tàng hiện rất phát triển trên thế giới, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nước ta có hệ thống di tích, bảo tàng đa dạng, phong phú, nhưng đa số di tích, bảo tàng chưa chú trọng đến công tác giáo dục di sản. Trong khi đó, thực tế hiệu quả bước đầu của việc thí điểm giáo dục di sản trực quan tại một số di tích, bảo tàng trên địa bàn Hà Nội cho thấy mô hình này cần được nhân rộng.

Trên thực tế hiện nay, công tác giáo dục di sản tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có thực trạng sau:

1. Công tác giáo dục tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay thường dựa vào trực quan sinh động: giáo dục không thông qua phương tiện và những thông tin tiếp nhận được đều là những thông tin gốc, những tri thức gốc về sự kiện, hiện tượng được thông qua hiện vật tại các nhà di tích để khách tham quan được tận mắt quan sát và cảm nhận về cuộc sống sinh hoạt đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tài liệu, hiện vật, di tích chứa đựng các thông tin lịch sử, văn hóa và khoa học, trực tiếp hiển hiện trước mắt người xem có sức truyền cảm mạnh mẽ làm cho người xem có được ấn tượng sâu sắc, sinh động và cụ thể, tăng cường sự ghi nhớ, thúc đẩy tư duy và nhận thức của người xem. Tuy nhiên, hiện nay Khu di tích chưa sử dụng các ứng dụng công nghệ để có thể tăng hiệu quả tương tác hơn nữa đối với khách tham quan. Khách tham quan chủ yếu được tiếp nhận thông tin từ sự quan sát trực tiếp và nghe giới thiệu hướng dẫn chứ chưa có thêm phương tiện công nghệ nào hỗ trợ để có thể giúp khách tham quan được tự mình tìm tòi, khám phá. Cách giáo dục và tiếp cận còn truyền thống, chưa ứng dụng được các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại.

2.         Giáo dục di sản tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch hiện nay chủ yếu đơn thuần là tích luỹ các yếu tố thông tin. Thực tế quá trình học tập tại Khu di tích, khi được xem các hiện vật về cuộc sống và sinh hoạt của Bác Hồ, khách tham quan có cảm giác chân thực và mong muốn được hiểu biết nhiều hơn. Theo kinh nghiệm hoạt động của các di tích, bảo tàng trong nước và quốc tế, vai trò giáo dục của Khu di tích có thể đạt được bằng nhiều cách nhưng có hai cách cơ bản và phổ biến nhất là các cuộc trưng bày (giới thiệu, diễn giải) và các chương trình giáo dục. Mỗi phương pháp có thể có quy trình và kiểu thông tin riêng. Hiện nay, Khu di tích Phủ Chủ tịch hướng đến việc chỉnh lý, bổ sung trưng bày tài liệu, hiện vật tại các nhà di tích gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nhà 54, Nhà Sàn, Nhà 67,..) và các trưng bày chuyên đề trong và ngoài nước để giới thiệu thông tin một cách đại chúng. Mọi hoạt động tuyên truyền hay giáo dục của Khu di tích đều phải bắt đầu và dựa vào kết quả trưng bày, mỗi một trưng bày đều là một hay nhiều công trình nghiên cứu khoa học, được phản ánh qua việc lựa chọn bố cục và trình bày các hiện vật, các sưu tập hiện vật gốc và các tài liệu trưng bày. Với nhiều cuộc triển làm, trưng bày chuyên đề tại Khu di tích, được tổ chức lưu động tại nhiều địa phương trên cả nước và nhiều cuộc được tổ chức tại nước ngoài có thể thấy rất rõ hiệu quả của công tác này trong việc tuyên truyền rộng rãi về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đối với các trưng bày tại các nhà di tích hay các triển lãm, trưng bày chuyên đề vẫn chưa thực sự thoả mãn cả trong hai trường hợp là có người hướng dẫn giới thiệu và không có người hướng dẫn giới thiệu. Thực tế cho thấy, những trưng bày cố định tại các nhà di tích hay trưng bày chuyên đề, triển lãm đều hiệu quả và truyền đạt thông tin tốt hơn nếu có người giới thiệu. Hay nói cách khác, thông tin giáo dục vẫn nghiêng về thụ động, một chiều.

3.         Các chương trình giáo dục có thể thông tin đến từng cá nhân thì chưa thực sự được chú trọng. Một số chương trình đã được đề ra nhưng chưa được bài bản và thiếu tính thực tế nên không đạt hiệu quả. Điều này xuất phát từ việc chưa được đào tạo bài bản về công tác giáo dục di sản và thiếu sự cố vấn từ các chuyên gia về lĩnh vực này. Đây là một thực tế không chỉ có ở Khu di tích Phủ Chủ tịch mà tại rất nhiều bảo tàng, di tích trên cả nước. Mặc dù việc xây dựng và ứng dụng các chương trình giáo dục di sản đã rất phát triển trên thế giới và đã được ứng dụng hiệu quả tại một số đơn vị di tích, bảo tàng. Các ý tưởng về chương trình giáo dục di sản của Khu di tích Phủ Chủ tịch chưa gắn với việc cần đưa di sản đến với các đối tượng để giáo dục chứ không chỉ thụ động đợi chờ họ tìm đến Khu di tích để được giáo dục, tìm hiểu về di sản.

Để chương trình giáo dục di sản đạt hiệu quả cao, đòi hỏi kiến thức tổng hợp, chuyên sâu, nhưng phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Phương pháp giáo dục phải thay đổi liên tục mới tránh được sự nhàm chán. Hiện chưa có cán bộ chuyên sâu làm công tác giáo dục di sản, chưa có nguồn kinh phí thường xuyên để bổ sung trang thiết bị, dụng cụ, học liệu... Trong điều kiện đó, Khu di tích cần năng động phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, các trường học trong cả nước. cũng như cần có sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng khi nhân rộng mô hình giáo dục di sản. Khu di tích có khả năng và nhu cầu giáo dục di sản trực quan có thể khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực bằng cách đào tạo tại chỗ, cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu hoặc mời chuyên gia cố vấn. Ngoài ra, Khu di tích cần nghiên cứu, thiết kế không gian trải nghiệm cho học sinh, sinh viên; có biện pháp thu hút đội ngũ cộng tác viên; xã hội hóa các hoạt động và phát triển công chúng...

4.         Công tác giáo dục di sản của Khu di tích còn thiếu yếu tố gợi mở. Yếu tố gợi mở nhằm hai mục đích, một là khắc phục tính thụ động trong việc tiếp thụ những thông tin hay những tri thức. Điều này càng ngày càng trở nên rất quen thuộc trong thế giới hiện đại, khi trình độ dân trí đã cao, khi lượng thông tin ngày càng nhiều, đa dạng thì nhận thức của con người càng cao và không dễ gì chấp nhận khi những thông tin tri thức ấy chưa đầy đủ hoặc còn thiếu thuyết phục. Công chúng đến Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để nghiên cứu, để bổ sung những vấn đề, những tri thức cần thiết hoặc thậm chí đến Khu di tích để tranh luận khoa học, trao đổi, phản biện thông tin... Điều này là một cơ sở thực tiễn để nghiên cứu thu hút khách đến Khu di tích trong tương lai.

5.         Công tác tuyên truyền giáo dục tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cần khuyến khích mọi người cùng tham gia vào quá trình khai thác, khám phá các thông tin, các tri thức từ tài liệu, hiện vật về Bác Hồ tại các nhà di tích và không gian, cảnh quan vườn cây, ao cá.. Đây là điều kiện hết sức cần thiết cho việc thu hút khách tham quan đến với Khu di tích không chỉ một, hai lần mà có thể quay lại tìm hiểu và khám phá nhiều lần với nhiều chủ đề quan tâm, gợi mở khác nhau. Nếu yếu tố này được thực hiện thì việc khai thác các thông tin ở từng hiện vật càng ngày càng phong phú và càng đa dạng hơn. Ví dụ: Từ trước đến nay, khách tham quan vào Khu di tích thường tự đi tham quan một vòng quan sát các di tích, tài liệu hiện vật hoặc được thuyết minh giới thiệu nội dung thông tin về tài liệu, hiện vật các nhà di tích. Hầu hết, với các đối tượng đều được tiếp cận Khu di tích theo 2 phương thức truyền thống này. Tuy nhiên, môi trường cảnh quan, hệ sinh thái hay kiến trúc các công trình trong Khu di tích cũng là những giá trị di sản cần được khám phá đa chiều để thu hút sự quan tâm, hào hứng của nhiều đối tượng khác nhau.

Công tác giáo dục di sản tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch không chỉ đơn thuần là “tuyên truyền” mà cần nâng cao hiệu quả “giáo dục”, thực chất là tiếp tục công tác nghiên cứu khoa học về tài liệu, hiện vật, di tích, đồng thời đóng góp vào sự nghiệp giáo dục đào tạo nguồn lực con người cho đất nước. Bên cạnh việc tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Khu di tích còn có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các tri thức, các thông tin “gốc” phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển văn hóa của đất nước. Việc nghiên cứu, thu thập, khai thác thông tin từ các di tích, tài liệu, hiện vật trong Khu di tích Phủ Chủ tịch sẽ phục vụ đắc lực cho nhận thức của con người trong xã hội hiện đại. Điều đó còn có ý nghĩa lớn lao và lâu dài cho sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong mọi lĩnh vực và mọi ngành không phải chỉ vì lợi ích kinh tế mà vì lợi ích tinh thần, không phải chỉ vì mục đích cá nhân mà vì lợi ích cộng đồng, quốc gia và dân tộc. Đó chính là giá trị của di sản Hồ Chí Minh trên con đường vươn tới các giá trị Chân, Thiện, Mỹ - một hằng số của văn hóa.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cùng các di tích, bảo tàng với tính chất tiêu biểu là cơ quan giáo dục phổ thông có sức truyền cảm và tin cậy, trong thiên niên kỷ mới sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu của xã hội. Vai trò giáo dục của Khu di tích ngày càng tăng trong đời sống hiện đại. Khu di tích phải cùng với các đơn vị giáo dục khác tạo ra cơ hội học tập suốt đời cho mọi cá nhân, nuôi dưỡng tri thức và khuyến khích sáng tạo. Khu di tích sẽ trở thành những giảng đường sinh động cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, không bị giới hạn bởi quốc gia hay sắc tộc, không bị phân biệt bởi trình độ học vấn hay văn hóa. Giáo dục di sản cho giới trẻ thông qua các thiết chế văn hóa tiêu biểu, nhất là tại Khu di tích Phủ Chủ tịch là phương pháp được các chuyên gia văn hóa, giáo dục đánh giá cao. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hiệu quả giáo dục theo phương pháp này chưa được như mong muốn. Khách tham quan là đối tượng trẻ (học sinh, sinh viên,..) chưa thật sự có ý thức về bài học ngoại khóa từ những chuyến tham quan tại Khu di tích. Thông thường, các nhà trường tổ chức cho hàng trăm, hàng chục học sinh, sinh viên cùng đi nên chủ yếu vẫn chỉ mang tính chất đến - xem - nghe thuyết minh xong rồi về, ít được tương tác, phản hồi. Vì thế, trước khi xây dựng chương trình học tập thực tế cho học sinh, sinh viên, Khu di tích cần phối hợp hơn nữa với các nhà trường trong công tác chuẩn bị. Giáo viên cho học sinh, sinh viên trao đổi về những tư liệu tìm được và giới thiệu tổng quan về Khu di tích để khi tới thực địa, việc tìm hiểu và ghi nhớ những thông tin liên quan trở nên dễ dàng hơn. Khu di tích tùy theo đối tượng lứa tuổi và yêu cầu mục tiêu để thiết kế các hoạt động phục vụ cũng như nội dung thuyết minh phù hợp nhằm tăng tính tương tác, tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho khách tham quan.

Giáo dục di sản tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là hoạt động mang tính lâu dài, là cả quá trình chứ không thể “ăn xổi” một hai lần. Hơn nữa, muốn việc giáo dục di sản có được hiệu quả cao, phong phú, hình thức hấp dẫn, gần gũi rất cần có sự chung tay từ nhiều phía, bao gồm sự nghiên cứu đầu tư, tổ chức dài hơi của các đơn vị quản lý; tính sáng tạo, chủ động của cán bộ Khu di tích; sự phối hợp tư vấn của nhà chuyên môn văn hóa, giáo dục... từ đó góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức và hành vi của khách tham quan, giới trẻ và học sinh, sinh viên về các giá trị di sản Hồ Chí Minh nói riêng và giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc, tự nhiên,. nói chung.

Tài liệu tham khảo:

1.         Hein G.E. (2002), Learning in the museum, Routledge, London, tr.3;2.

2.         David Anderson (1999), A Common Wealth, Museum in the Learning Age, the Stationery Office, London. tr.9;7.

3.         Gary Edson - David Dean (2001), Cẩm nang bảo tàng (bản dịch Lê Thị Thuý Hoàn), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xuất bản, tr.403.

4.         Lê Thị Minh Lý, Chức năng giáo dục của Bảo tàng.

5.         Lê Thị Minh Lý, Bảo tàng - Thiết chế văn hoá đặc thù, bài giảng lớp tập huấn “thuyết minh, diễn giải và giáo dục di sản” tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/2021

6.         Luật Di sản văn hóa (2001), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.33.

7.         Vương Hoằng Quân (2002), Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc (bản dịch của Nguyễn Duy Chiếm), Nxb Cổ tịch, Thượng Hải, tr.13.

8.         Timothy Ambrose and Crispin Paine (2000), Cơ sở bảo tàng (bản dịch của Lê Thị Thúy Hoàn), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xuất bản, tr.582;588.

9.         Hoàng Vinh (1999), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.130;231;232;287.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)