slider

Tiết kiệm thời gian, làm việc khoa học, hiệu quả theo tấm gương Bác Hồ

14 Tháng 09 Năm 2022 / 1040 lượt xem

ThS. Vũ Kim Yến

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Học tập Bác về tác phong làm việc khoa học, trước hết chúng ta học tập cách quý trọng thời gian, sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết và tác phong hiện đại. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được ” và Người nhấn mạnh: “Ai mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại” . Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy như thế. Đó là kinh nghiệm Người đúc rút ra từ quá trình tự học, làm việc và trong cả cuộc đời làm cách mạng của Người.

Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu một cuộc sống vất vả, khó khăn, đi nhiều nơi, chiêm nghiệm nhiều, lao động để sống, để học tập, để hoạt động cách mạng. Người đã tiến hành tự học khi không thầy, không phương tiện, không thời gian. Nhưng Người đã vượt lên hoàn cảnh, luôn tranh thủ thời gian, khai thác tối đa quỹ thời gian eo hẹp và tạo ra thời gian để kiên trì học tập, trau dồi kiến thức. Theo tác giả Trần Dân Tiên trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, khi làm phụ bếp trên tàu L' Amiral Latouche Tréville: “Mỗi ngày 9 giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi (những người Việt Nam làm công trên chuyến tàu) ngủ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm”. Những ngày làm vườn cho ông chủ tàu ở Saint Adresse “anh học tiếng Pháp với cô sen”. Những ngày sống ở Anh, “hàng ngày buổi sáng sớm và buổi chiều anh Ba ngồi trong vườn hoa Hayden, tay cầm một quyển sách và một cái bút chì. Hàng tuần, vào ngày nghỉ anh đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý”. Người còn tham gia vào Hội Du lịch đưa khách đi thăm nước Pháp và những nước lân cận với giá tiền rất rẻ bởi như Người đã nói với bạn rằng: “Trong những ngày nghỉ, không nên tiêu phí tiền bạc, mất thì giờ ở bãi bể để nhìn những người đàn bà đi tắm, mà nên đi du lịch, học hỏi được nhiều”(2). Nhờ vậy, Người có dịp đi thăm nhiều nơi để mở rộng tầm nhìn và cơ hội học hỏi. Khi bắt đầu đi tìm đường cứu nước, trình độ học vấn mà Người được đào tạo ở nhà trường chẳng được là bao. Thế mà chỉ bằng việc tự học, Người đã trở thành một Danh nhân văn hoá.

Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muốn tiết kiệm có kết quả tốt, thì phải khéo tổ chức”, công việc nhiều như vậy, nhưng Bác làm việc rất có kế hoạch. Hàng tuần, hàng ngày, có khi cả hàng giờ nữa Bác đều có chương trình làm việc rõ ràng, khoa học, cụ thể. Một ngày làm việc của Bác bắt đầu từ rất sớm: “Khi đài tiếng nói Việt Nam mở nhạc hiệu thì Bác cũng bật đèn phòng ngủ. Bác làm suốt cả ngày, nhiều hôm đến tận đêm khuya”(3). Trong một ngày Bác giải quyết rất nhiều công việc, từ tiếp cán bộ, tiếp khách ngoại giao, đi thăm cơ sở, họp Bộ Chính trị, nghiên cứu tài liệu, viết báo, viết thư v.v... Trong khi bộ máy giúp việc cho Bác tại Văn phòng ở Phủ Chủ tịch cũng rất ít. Ngoài bốn cán bộ làm công tác văn phòng (kể cả đồng chí Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác) còn có một số đồng chí nấu ăn, cần vụ, lái xe, làm vườn, tất cả hơn mười người. Nhưng sự phân bổ thời gian hợp lý khoa học và phong cách làm việc thiết thực cụ thể đã giúp Bác tiết kiệm nhiều thời gian và giải quyết hiệu quả một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp trên cương vị một người lãnh đạo đất nước. Khi cần nắm rõ công việc của ngành nào, địa phương nào, Bác cho gọi người phụ trách ngành đó, địa phương đó, nếu cần thì đem theo cả chuyên viên đặc trách đến báo cáo. Bác thường bố trí thời gian tiếp cán bộ đến làm việc hoặc tiếp khách vào đầu các buổi sáng sớm để sau đó dành nhiều thời gian cho công việc. Công việc xong mà chưa đến giờ ngủ Bác lại đọc sách, báo. Chủ nhật, ngày lễ cũng có chương trình. Vì vậy không mấy khi Bác có thời gian rảnh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người có nhiều thời gian sống gần Bác trong những năm Người sống và làm việc tại Phủ chủ tịch đã nhận định: “Theo tôi biết...thật sự Bác không có ngày nghỉ và ngày nào cũng như ngày nào bao giờ cũng có chương trình làm việc với những giờ giấc rất nghiêm ngặt, mà Hồ Chí Minh là người gương mẫu trong việc tuân thủ kỷ luật đó. Có lẽ lúc nghỉ ngơi là lúc Bác gặp các cháu thiếu niên và nhi đồng, nhất là gặp đồng bào chiến sĩ miền Nam trong thời chống Mỹ, hoặc trong lúc xem phim vui tối thứ bảy ở Phủ Chủ tịch cùng với bao con cháu các đồng chí làm việc ở chỗ Bác và một số cơ quan gần bên. Có khi, trong những buổi xem phim như vậy, Bác tiếp khách nước ngoài hoặc đại sứ các nước anh em”(4).

2. Học tập Bác tác phong làm việc khoa học, tiết kiệm thời gian để chúng ta không chỉ tiết kiệm thời gian của riêng mình, mà còn không làm lãng phí thời gian của người khác, nhất là trong các cuộc hội họp, buổi lễ... Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khoá 5 trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Cách tôi làm việc đúng giờ. Tôi khuyên anh em làm việc phải cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”(5).

Bác quý trọng thời gian của mình bao nhiêu, thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Vì thế, Bác không để bất cứ ai phải đợi mình bao giờ. Bác đã hẹn là đến, Bác đã hứa là làm, hẹn đồng chí nào giờ nào đến gặp, đến đúng giờ ấy là thấy Bác đã chờ sẵn. Nhiều đồng chí cán bộ dự chiến dịch Tây Bắc năm 1952 kể lại Bác đã đến hội nghị với một hình ảnh không ai có thể quên được. Mấy hôm ấy trời mưa to, nước lũ từ các đầu nguồn tràn về cắt đứt cả đường sá nhưng Bác đã vượt suối lũ, tới hội nghị. Bà con địa phương đi đến đấy gặp lũ phải đứng lại, thấy thế cũng hăng hái theo Bác và đều lội qua được. Tất cả các đồng chí dự hội nghị đều biết rằng mùa mưa vượt suối nước lũ không phải là việc dễ, cho nên khi thấy Bác đã tới hội nghị rất đúng giờ, chẳng những cảm động trước sự săn sóc chu đáo của Bác với quân đội, mà còn là một bài học cần ngay cho họ trước khi ra trận. Bài học ấy, như Bác thường nói, là: “quyết tâm, có quyết tâm thì việc gì làm cũng được”(6).

Quý trọng thời gian, Bác không muốn anh em giúp việc, cán bộ ngồi chơi không và luôn căn dặn anh em phải “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”(7), học trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, người trực tiếp bảo vệ Bác từ năm 1946 đến năm 1951 kể lại: Có những lần hết giờ gác, chúng tôi nằm tán chuyện với nhau. Một hôm Bác gặp chúng tôi đang nằm chơi, Bác nói: “Các chú không có việc gì làm à? Nếu không có việc thì mang chiếc giường dỡ ra rồi lắp lại, nếu còn thì giờ nữa thì ra ngoài kia vật nhau hay tăng gia”. Ý Bác muốn nói là phải tìm việc mà làm, không nên ngồi tán gẫu...(8). Đồng chí lái xe ít xem sách báo. Những buổi anh rỗi việc Bác gọi lên, bảo ngồi ở buồng bên, rồi đưa sách báo cho đọc. Thỉnh thoảng, Bác qua kiểm tra. Có lần Bác vào, thấy tờ báo mở trên bàn, đồng chí lái xe tựa lưng vào ghế ngủ. Bác nhẹ nhàng đi ra. Lúc khác, Bác nói: “Mới đọc chưa hiểu, dễ buồn ngủ. Đọc ít lâu, hiểu rồi sẽ ham. Ham rồi sẽ không buồn ngủ nữa”(9). Cũng với ý đó, Bác đã từng nói với những cán bộ phục vụ thật thấm thía: Chăm cũng quen đi, mà lười cũng quen đi, quen nhanh thôi chứ không lâu đâu. Thế nào là khó khăn? Khó khăn là cái chưa quen. Rèn luyện cho quen đi thì khó cũng không còn khó nữa. Bác nói như vậy và suốt đời mình từ việc to đến việc nhỏ, lúc nào Bác cũng làm đúng như vậy. Rèn luyện, rèn luyện đến khi việc khắc phục khó khăn nhuyễn vào người mình, thành bản lĩnh, thành ra nếp tự nhiên của mình. Thường Bác thấy một bạn trẻ nào đó không đúng giờ nghỉ mà lại nằm dài trên giường hoặc có khi nằm vắt chân chữ ngũ cầm tờ báo hay cuốn sách gì đó đọc, Bác nhắc: “Đã đọc sách thì lại bàn ngồi đọc, nghiên cứu cho đàng hoàng. Đừng nằm thế chú ạ, nằm rồi nó ưỡn xương sống quen đi”(10). Thời kỳ kháng chiến, phải sống ở hang đá, nhưng hàng ngày Bác vẫn giữ đúng giờ giấc. Đến giờ, nếu ai ngủ chưa dậy thì Bác khẽ đánh thức. Song, đối với anh em cán bộ mới đi công tác về, Bác bảo anh em khác phải im lặng, giữ ý từng bước chân, để anh em được ngủ thêm một lúc(11). Bác là vậy, luôn có nguyên tắc nhưng lại chu đáo quan tâm thương yêu cán bộ nhất mực. Tại Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5/1952), Bác tặng chị Nguyễn Thị Điều chiếc đồng hồ với lời căn dặn: “cô là chiến sĩ giao thông, Bác tặng một cái đồng hồ. Cô sẽ dùng nó để đi những đường thư thật đúng hẹn”. Câu nói và món quà của Bác cho thấy Bác hiểu hết những khó khăn và thuận lợi của một người liên lạc làm chị Điều xúc động không ngờ. Từ buổi đó và mãi mãi về sau này, ngay cả khi Bác đã đi xa, món quà của Bác vẫn đi cùng chị trên các nẻo đường công tác, càng thôi thúc chị phải làm việc, học tập nhiều hơn. Muốn đạt kết quả tốt phải biết quý trọng thời giờ. Đó cũng là điều mong muốn của Bác.

3.            Từ thực tiễn cuộc sống và hoạt động cách mạng, đặc biệt là những năm Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chuẩn mực về phong cách sống, phong cách làm việc. Đây là những bài học thực tiễn sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các cán bộ đảng viên trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh mở cửa hội nhập với thế giới, đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam phải có một phong cách làm việc khoa học, hiện đại và hiệu quả để góp phần đưa đất nước phát triển.

Thực trạng hiện nay cho thấy, việc quản lý lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế và yếu kém, dẫn đến lãng phí thời gian lao động, làm cho năng suất, chất lượng hiệu quả công tác chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; ý thức kỷ luật lao động kém; vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc như làm việc riêng, đi muộn, về sớm, chơi games, đánh bài, uống rượu, bia trong giờ làm việc, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức.

Để thực hiện mục tiêu hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, phấn đấu đưa nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần phải học tập và làm theo tấm gương của Bác, đặc biệt là tác phong làm việc khoa học, hiệu quả, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thời gian. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước cần tăng cường áp dụng các biện pháp tổ chức lao động một cách khoa học, sử dụng hợp lý thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mỗi cá nhân cần xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, chi tiết; cần tích cực thi đua trong lao động, học tập, sản xuất; cần xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; rèn luyện tác phong công nghiệp, thể hiện trước nhất ở việc tuân thủ và biết quý trọng thời gian; phát triển khả năng độc lập và tự chủ trong công việc; không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức chuyên môn, ý thức trách nhiệm và tinh thần cầu tiến. Đây cũng chính là biện pháp để chúng ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng quan tâm xây dựng: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước... Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”(12).

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 6, tr.115.

2.            Hoàng Kỳ: Học tập ý chí và phương pháp tự học của Bác Hồ, báo Giáo dục và Thời đại (Online), tháng 2-2010.

3.            Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. CTQG, H.2005, tr.303.

4.            Phạm Văn Đồng: Một con Người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự thật, H.1990, tr.73.

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.115.

6.            Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. CTQG, H.2005, tập 1, tr.221-222.

7.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.361.

8.            Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Sđd, tr.127-141.

9.            Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Sđd, tập 1, tr.732-736.

10.          Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Sđd, tập 2, tr.592.

11.          Avoóc Hồ (Hồi ký) Nxb. Văn hoá dân tộc, H.1977.

12.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.122.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)