slider

Tìm hiểu một số lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo tổ quốc Việt Nam

18 Tháng 05 Năm 2022 / 872 lượt xem

ThS. Lê Thị Cẩm Tú

Phòng Hành chính, Tổng hợp

Việt Nam là quốc gia ven biển, với bờ biển dài trên 3.260 km, cùng hàng ngàn hòn đảo, trong đó có hai huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cả nước có 63 tỉnh, thành phố thì 28 tỉnh, thành phố có biển. Biển, đảo Việt Nam có vị trí địa lý kinh tế quan trọng, nằm án ngữ tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch của thế giới và các nước trong khu vực. Biển Việt Nam còn có trữ lượng lớn về dầu mỏ khí đốt, nguồn lợi hải sản phong phú và nhiều điều kiện phát triển du lịch. Biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam, đồng thời là nơi lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa biển Việt Nam.

Đối với quốc phòng - an ninh, biển Đông được ví như cửa ngõ, giữ vai trò là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước, trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể dùng để kiểm soát các tuyến hàng hải qua lại biển Đông và mục đích quân sự. Biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có tới 2/3 các cuộc chiến tranh, kẻ xâm lược sử dụng đường biển để tấn công nước ta. Dân tộc ta cũng có nhiều chiến công đánh thắng giặc ngoại xâm trên biển. Với kinh nghiệm trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những năm tháng gắn bó với biển. Người đã đi qua các thương cảng nổi tiếng: Macxây, Lơ Havơrơ, Đoongkéc, Normandy của Pháp, và dừng chân ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anggiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông.. .Vì vậy, Người hiểu tầm quan trọng của biển trong việc mang đến nguồn lợi phong phú phát triển kinh tế và biển còn là cửa ngõ đất nước, bảo vệ biển tức là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Với tầm nhìn xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tiềm năng, lợi thế, vai trò quan trọng của biển đảo. Nhiều lần Bác về công tác tại các tỉnh có biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, thăm vịnh Hạ Long, bãi biển Sầm Sơn, Trà Cổ, các đảo Tuần Châu, Cát Hải, Cát Bà, Cô Tô, Vạn Hoa, thăm vùng đất lấn biển Tiền Hải (Thái B1nh). Đi kiểm tra nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc của hải quân, Người quan tâm t1m hiểu, chia sẻ những thiếu thốn trong sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ. Người tặng ảnh cho các lực lượng vũ trang và nhân dân các đảo Cô Tô, Thanh Lân, Ngọc Vừng, Hòn Rều, tặng máy thu thanh để nghe tin tức cho chiến sĩ đảo Hòn Rồng, Cồn Cỏ. Tự hào về biển đảo Tổ quốc, ngày 22/01/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghec-man Ti-tốp đến thăm Hạ Long và giới thiệu về cảnh đẹp ở biển.

Trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao và văn hóa của đất nước. Theo Người, sức mạnh bảo vệ biển, đảo là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Trong sức mạnh đoàn kết toàn dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trước tiên phải kể đến lực lượng trực tiếp và nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam. Ngày 07/5/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (nay là Quân chủng Hải quân) v1 sớm thấy được nguy cơ xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta từ các thế lực thù địch. Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phát động miền biển, Bác đã chỉ rõ nguy cơ này: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”(1). Bác nhắc nhở muốn cải cách miền biển tốt phải dựa vào quần chúng: “Động viên, tổ chức, đoàn kết quần chúng. Lấy sức quần chúng mà vượt qua khó khăn”(2) vì theo Người, sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người, chứ không phải chỉ bằng thành tích nổi bật của một số cá nhân anh hùng và càng ở nơi hiểm yếu thì việc dựa vào dân càng quan trọng. Người đặt ra yêu cầu phải đoàn kết bằng hình ảnh rất sinh động: “một chiếc thuyền phải có người chèo, phải có người lái. Chỉ có người chèo không có người lái cũng không được. Cho nên người chèo và người lái phải đoàn kết với nhau”(3).

Ngày 15/3/1961, đến thăm bộ đội hải quân lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Đồng thời, Người căn dặn các chiến sĩ Hải quân: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên”(4). Người cũng lưu ý: “Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh”. Đây là nguyên tắc chiến lược, bởi vì khi có nguy biến thì lực lượng và phương tiện tại chỗ của đồng bào sẽ ứng phó kịp thời, cản trở hữu hiệu mọi sự đe dọa, xâm lấn chủ quyền biển, đảo trước khi có sự phối hợp của các lực lượng khác.

Ngày 9/5/1961, trong chuyến ra đảo Cô Tô, tới thăm hợp tác xã nông nghiệp của bà con Hoa kiều trên đảo, nói chuyện trước hơn 2.000 đồng bào, cán bộ, bộ đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Về trật tự trị an, các đồng chí bộ đội, công an, dân quân và cán bộ lâu nay đã làm tròn nhiệm vụ. Như thế là tốt. Các đồng chí cần tiếp tục cố gắng học tập chính trị nghiệp vụ văn hoá, cần đoàn kết chặt chẽ với nhân dân. Đồng bào thì cần giúp đỡ các đồng chí ấy làm nhiệm vụ cho thật tốt. Để làm tốt việc trên đây đồng bào phải nhận thấy rõ và làm thật đúng nghĩa vụ của người chủ nước nhà. Cán bộ phải chí công vô tư, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”(5). Đây không chỉ là tình cảm của Người đối với hải quân nhân dân Việt Nam, khẳng định vị trí, vai trò của lực lượng hải quân đối với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ với miền Bắc sau này mà còn là định hướng chiến lược, khái quát về tiềm năng biển nước ta và trách nhiệm đối với việc khai thác và bảo vệ biển. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp, bởi phạm vi chủ quyền biển, đảo của nước ta rộng lớn, trong khi thực lực của chúng ta còn hạn chế; nước ngoài có thể sử dụng nhiều thủ đoạn, kể cả vũ lực để xâm chiếm biển, đảo. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách đánh phù hợp với điều kiện, con người, địa hình bờ biển nước ta, cùng trang bị vũ khí hiện có, học tập cách đánh hiện đại kết hợp với truyền thống đánh giặc của tổ tiên. Bên cạnh việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tập hợp lực lượng, phương thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thì việc mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo được Người đặc biệt quan tâm.

Ngày 16/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hải Phòng, vịnh Hạ Long và một đơn vị hải quân Việt Nam. Nghe báo cáo về sự phát triển các đơn vị tàu chiến đấu, Bác khen ngợi: “Các chú có nhiều cố gắng thế là tốt. Hiện nay tàu bè, vũ khí của ta chưa nhiều, phải từng bước, từng bước xây dựng. Trước mắt giữ gìn những gì đã có để có thể đánh địch khi cần thiết” và căn dặn: “Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có”. Lúc thuyền đưa Bác vào thăm hang Đầu Gỗ - nơi xưa kia Trần Hưng Đạo đóng cọc gỗ cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên - Mông xâm lược, Bác nói: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên...”.

Ngày 13/11/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa, Quảng Ninh. Bác kể cho cán bộ, chiến sĩ hải quân nghe về danh tướng Trần Khánh Dư thời Trần dùng mưu đánh chiếm đoàn thuyền tiếp lương của quân Nguyên sang xâm lược nước ta và căn dặn: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”. Câu nói của Bác đã cổ vũ lòng yêu nước, yêu quê hương của các chiến sĩ, tinh thần gìn giữ biển, đảo như gìn giữ chính nhà mình. Đồng thời còn vạch hướng chỉ đạo, xây dựng các đảo của Tổ quốc thành những mảnh đất giàu mạnh của Tổ quốc.

Với chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo quân dân ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên vùng trời, vùng biển, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền trên biển đảo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quan tâm đến đồng bào và chiến sĩ trên đảo, Người đã 2 lần gửi thư khen, động viên các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ anh dũng bắn rơi máy bay Mỹ và trực tiếp tuyên dương chiến công của các lực lượng phòng không, hải quân đã đánh bại các hoạt động của máy bay, tàu chiến đến khiêu khích, ném bom, bắn phá vùng biển, vùng trời miền Bắc nước ta.

Ngày 07/8/1964, trong buổi lễ tuyên dương các đơn vị phòng không và hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ và các địa phương cần rút kinh nghiệm để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Các chú phải tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt công tác và luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”(6). Ngày 11/8/1965, nhân dịp hải quân ta vừa tròn 10 tuổi, Người gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ hải quân, vừa khen ngợi thành tích, vừa vạch rõ sự cần thiết xây dựng hải quân vững mạnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta. Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà”(7).

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta là một bộ phận của cách mạng thế giới, nên những hoạt động đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam có mối quan hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ; nhưng phải “dĩ bất biến”, “ứng vạn biến” để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Vì vậy, phải có chính sách đối ngoại rộng mở, hội nhập quốc tế và hợp tác, hòa bình tốt; tránh đối đầu và không gây thù oán với ai. Theo Người, để tập hợp các lực lượng quốc tế đoàn kết ủng hộ Việt Nam, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về đất nước, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Năm 1961, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 với mật danh “Đoàn tàu không số” được xây dựng để mở đường chiến lược trên biển, mang tên Bác Hồ kính yêu “Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông” để vận chuyển, chi viện cho miền Nam. Từ năm 1961 đến năm 1975, “Đoàn tàu không số” đã cùng với các lực lượng hải quân đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và phương tiện vũ khí tiến đánh, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Trong tình hình hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển đảo, khai thác nguồn lợi từ biển, vẫn mang tính thời đại sâu sắc. Những chuyến đi về biển đảo cũng như sự quan tâm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhân dân vùng biển để lại bài học sâu sắc cho cán bộ, chiến sĩ hải đảo học tập, làm theo trong thực thi nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và giúp nhân dân vững vàng trước sóng gió, ổn định và xây dựng đời sống. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, phát triển bền vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” như Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XII khẳng định. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Những năm đầu thế kỷ XX đến nay, khu vực biển Đông luôn tồn tại những tranh chấp quyết liệt và phức tạp, tiềm ẩn nhân tố mất ổn định, tác động đến quốc phòng và an ninh. Do vị trí địa - chính trị Việt Nam liền kề với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc nên dân tộc Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết về hiểm họa tiềm tàng chưa bao giờ dứt này. 64 người lính bảo vệ đảo Gạc Ma, trong cuộc chiến không cân sức, một bên chỉ có cuốc xẻng, súng AK giữa biển trời mênh mông, một bên là tàu lớn, súng to đã vĩnh viễn nằm xuống dưới làn mưa đạn. Trong giờ phút sinh tử, các chiến sĩ đã nắm tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc “Không lùi một bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc..Câu nói của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương không chỉ thể hiện khí phách anh hùng mà còn thể hiện tinh thần người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó cũng là ý chí không gì lay chuyển của cả dân tộc trong cuộc đấu tranh giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo quốc gia, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước” và nay các thế hệ Việt Nam phải “cùng nhau giữ lấy nước”.

Chú thích:

1, 2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.309-311.

4.       Truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2005), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.80.

5.       Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo: Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long, tháng 7-2007, tr.110.

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 367.

7.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd. tập 14, tr. 597.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)