slider

Tình bạn đặc biệt của Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Thủ tướng Chu Ân Lai

08 Tháng 08 Năm 2020 / 9962 lượt xem

ThS Lường Thị Lan

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh có mối tình cảm hết sức đặc biệt đối với cách mạng Trung Quốc, Người tham gia sôi nổi vào phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc và tạo dựng mối quan hệ mật thiết với nhiều bạn bè, đồng chí, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong đó đặc biệt là với Thủ tướng Chu Ân Lai. Chu Ân Lai sinh năm 1898, kém Chủ tịch Hồ Chí Minh 8 tuổi. Là một thanh niên thông minh và giàu nghị lực, từ những ngày còn rất trẻ, ông đã quyết chí hiến thân cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Trung Quốc. Năm 1919, ông tham gia phong trào “Ngũ tứ”, một phong trào cách mạng lôi cuốn thanh niên đi theo con đường đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Năm 1920, cùng với những thanh niên tiên tiến của Trung Quốc thời bấy giờ sang Pháp, vừa làm vừa học để tìm đường cứu nước, hấp thụ nền văn hóa, khoa học, kỹ thuật tiên tiến của các nước phương Tây. Mùa hè năm 1922, ông được gặp và làm quen với Nguyễn Ái Quốc, sau đó được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu kết nạp Đảng Cộng sản Pháp cùng sinh hoạt chi bộ với Người. Sau này, đồng chí Chu Ân Lai nhắc đến những kỷ niệm của ông đối với Bác Hồ từ đầu những năm hai mươi, khi 2 người cùng sống và hoạt động cách mạng tại Paris. Ông nói: “Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt tôi trong những bước đầu tiên tham gia công tác cách mạng. Người đã giới thiệu một số đồng chí chúng tôi vào Đảng Cộng sản Pháp. Lúc đó tôi thường tới gặp Người ở ngõ hẻm Côngpoanh tại khu La tinh. Người sống rất thanh đạm, giản dị, nhưng sự hiểu biết của Người rộng lớn, sự hoạt động của Người thật phong phú. Người biết nhiều tiếng nước ngoài. Đạo đức, trí tuệ của Người như một thanh nam châm, cuốn hút, hấp dẫn chúng tôi, những thanh niên mới bước vào con đường cách mạng...”(V).

Đến những năm 1924 - 1927, Nguyễn Ái Quốc và Chu Ân Lai có dịp hoạt động cùng nhau tại Quảng Châu, trong thời kỳ cao trào cách mạng Trung Quốc. Khi đó, dưới bí danh Lý Thụy về danh nghĩa Người là cố vấn riêng và phiên dịch cho đồng chí Bôrôđin, người được Chính phủ Liên Xô cử làm cố vấn cho Tôn Dật Tiên (người đứng đầu Quảng Châu lúc đó) nhưng thực chất thì đồng chí Bôrôđin là đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc và Lý Thụy là người phụ trách Cục Phương Nam thuộc Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Ngoài ra, với cương vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch của Quốc tế Nông dân, Người còn được Đoàn Chủ tịch giao phụ trách phong trào nông dân của Trung Quốc, Đông Dương, Miến Điện, Nam Dương, Đài Loan (khi đó còn là thuộc địa của Nhật) ... (quyết định của Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân ngày 31/7/1924). Còn Chu Ân Lai thì sau 4 năm vừa làm vừa học ở Pháp và Đức đã được Đảng đưa về nước hoạt động. Đó là thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác lần thứ nhất. Từ năm 1924 đến năm 1926, Chu Ân Lai lần lượt giữ chức Chủ tịch khu ủy Quảng Đông - Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Ban Chính trị Trường Quân sự Hoàng Phố, Chủ nhiệm Ban Chính trị Quân đoàn 1 Quân cách mạng quốc dân. Vốn quen biết, gần gũi nhau từ những ngày còn ở Paris nên Chu Ân Lai và Lý Thụy thường gặp nhau trao đổi về những vấn đề chiến lược trong cách mạng giải phóng dân tộc, về phong trào nông dân, về việc đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng quân sự. Đồng thời, Lý Thụy thường tới thăm và nói chuyện với Trường Quân sự Hoàng Phố theo lời mời của Chủ nhiệm Ban Chính trị của Trường là Chu Ân Lai. Và ngược lại, Chu Ân Lai cũng thường cử các giáo quan của Trường Hoàng Phố tới ngôi nhà 131 phố Văn Minh, Quảng Châu để giúp Lý Thụy đào tạo cán bộ cách mạng cho Việt Nam. Được Chu Ân Lai giới thiệu, Lý Thụy còn lần lượt mời các đồng chí Lý Phú Xuân, Bành Bái, Lưu Thiếu Kỳ đến giảng cho lớp bồi dưỡng. Trong vòng hai năm rưỡi, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Quốc tế Cộng sản, của các nhà cách mạng Liên Xô và Trung Quốc, Lý Thụy đã đào tạo được gần 200 cán bộ nòng cốt cho cách mạng Việt Nam.

Ngày 29/9/1938, sau 5 năm hoạt động và học tập ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc rời Matxcơva trở lại Trung Quốc để tìm đường trở về Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Thế là sau hơn 10 năm xa cách, Nguyễn Ái Quốc và Chu Ân Lai lại gặp nhau trên “đất thánh” của cách mạng Trung Quốc - khu căn cứ cách mạng Diên An. Lúc này Chu Ân Lai đang được Đảng phân công là Bí thư Cục miền Nam và làm công tác Mặt trận thống nhất trong vùng Quốc dân đảng nắm quyền. Đầu năm 1939, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử một đoàn giáo quan do tướng Diệp Kiếm Anh dẫn đầu tới Hồ Nam mở lớp huấn luyện về chiến tranh du kích. Đây là một dịp thuận lợi đối với Nguyễn Ái Quốc trong việc tìm đường về phía Nam, tìm đường về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Dưới bí danh Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá, Người đã tham gia đoàn. Người đã tham gia giảng dạy trong 2 khóa liền tại tỉnh Hồ Nam từ giữa tháng 2/1939 đến hạ tuần tháng 9/1939...

Sau khi Cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Chu Ân Lai được cử làm Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng, Chu Ân Lai đã nhiều lần sang thăm Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhân dân ta đón tiếp hết sức trọng thể và thân tình. Riêng tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai thì vẫn thắm thiết như thuở ban đầu. Ngày 21/11/1956, Thủ tướng Chu Ân Lai và đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm hữu nghị Việt Nam. Tại bữa tiệc chào mừng Chu Ân Lai, Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức sang thăm nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng giới thiệu: “Ba mươi mấy năm qua, do có Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên mối quan hệ láng giềng thân thiện có sẵn từ xưa đến nay giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc càng thêm thân mật”. “Riêng phần tôi, đồng chí Chu Ân Lai còn là anh em của tôi. Chúng tôi đã từng đồng cam cộng khổ, cùng làm công tác cách mạng. Ba mươi mấy năm qua, Thủ tướng Chu Ân Lai là bạn chiến đấu thân mật của tôi”.

Thủ tướng Chu Ân Lai nói: “Đúng thế! Cách đây ba mươi bốn năm, hồi còn ở Pari, tôi đã quen biết với Hồ Chủ tịch. Lúc bấy giờ, Hồ Chủ tịch đã là người dẫn đường cho chúng tôi. Lúc đó, Người đã thành thuộc chủ nghĩa Mác, còn tôi thì mới vào Đảng Cộng sản, Hồ Chủ tịch là anh cả của tôi”(2).

Ông còn kể lại một tình tiết thú vị đó là: Sau khi Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và người đứng đầu chính phủ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng Hồ Chí Minh là ai? Chính ông cũng chưa biết đích xác. Phải tới tháng 10/1945, sau khi Hà Ứng Khâm - Tổng Tư lệnh lục quân Trung Quốc đi thị sát tình hình đầu hàng của quân Nhật tại Hà Nội trở về Trùng Khánh nói với ông: Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, năm 1924 từng làm trong văn phòng của Bôrôđin tại Quảng Châu. Ít lâu sau, mấy đồng chí đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc từ Hà Nội trở về Trùng Khánh báo cáo công việc cho Cục phương Nam của Đảng, có mang theo một số tư liệu về Cách mạng Tháng Tám. Khi Chu Ân Lai nhìn thấy tấm ảnh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông vô cùng ngạc nhiên, bất giác kêu lên: “Đây chính là Nguyễn Ái Quốc!”(3).

Ngày 10/5/1960, Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ Trung Quốc sang thăm Việt Nam tới Hà Nội. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Ân Lai. Hai bên đã trao đổi với nhau về những vấn đề quốc tế quan trọng và các vấn đề liên quan chung đến hai Đảng. Ngày 13/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng Thủ tướng Chu Ân Lai và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Sau diễn văn chào mừng của Chủ tịch ủy ban hành chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng và lời đáp của Thủ tướng Chu Ân Lai, Người nói chuyện với đồng bào dự mít tinh về thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá II, về tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. “Nhân dịp này, Bác tiết lộ một bí mật, Thủ tướng Chu Ân Lai vốn là bạn cũ của Bác. Hai người quen biết nhau đến nay đã hơn 40 năm rồi”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ mối quan hệ thâm tình, thân thiết nhất đối với Thủ tướng Chu Ân Lai. Vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Trung Quốc, hay sinh nhật đồng chí Chu Ân Lai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi điện thăm hỏi, chúc mừng với tình cảm thân ái nhất. Người luôn giữ tình cảm thắm thiết với Chu Ân Lai và cả gia đình của ông. Chu Ân Lai và vợ Đặng Dĩnh Siêu, rất mực quý trọng Người. Ngày 2/3/1961, với tư cách là Chủ tịch Hội phụ nữ Trung Quốc, bà Đặng Dĩnh Siêu dẫn đầu Đoàn đại biểu phụ nữ Trung Quốc sang thăm Việt Nam và dự Đại hội lần thứ 3 Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Nhân dịp này, bà đã đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời bà Đặng Dĩnh Siêu tới thăm nơi ở của Người tại Khu Phủ Chủ tịch. Tại vườn hoa Phủ Chủ tịch, Người đã cùng bà trồng một cây đa lưu niệm. Tới thăm trường Trung học Trung Hoa và bà con Hoa kiều ở Hà Nội, Người đã kể lại cho thầy trò nhà trường nghe về tình bạn giữa Người với Thủ tướng Chu Ân Lai cùng bà Đặng Dĩnh Siêu.

Suốt giai đoạn 1954 - 1969, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất nhiều lần sang thăm Trung Quốc, tham gia cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo hai nước trong đó có Thủ tướng Chu Ân Lai. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1955, 20 giờ, ngày 7/7/1955, với tư cách Chủ tịch kiêm Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người cùng với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai ký Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 9/2/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đến Bắc Kinh, trên đường từ Liên Xô về nước. Ra sân bay đón Người có đồng chí Chu Ân Lai cùng nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đến tối ngày 10/2, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, có Thủ tướng Chu Ân Lai cùng dự. Ngày 26/9/1959, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm Trung Quốc, Chu Ân Lai cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc: Lưu Thiếu Kỳ, Tống Khánh Linh, Đổng Tất Vũ,... đã ra sân bay đón Người. Ngày 18/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc: Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Ngũ Tu Quyền về tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Ngày 3/9/1963, khi đang ở Suối nước nóng Tùng Hoá, ngoại ô thành phố Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), Người đã gặp gỡ và tiếp chuyện với Thủ tướng Chu Ân Lai từ Bắc Kinh xuống thăm. Khi nói về cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Đừng nói là phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh, đánh cho đến khi thắng lợi hoàn toàn!”. Người còn kể cho các cán bộ phục vụ về tình bạn giữa Người và Thủ tướng Chu Ân Lai 40 năm trước đây. Người nói: “Đầu những năm 20, hồi ở Pháp, Bác đã quen đồng chí Chu Ân Lai. Lần này ở Quảng Châu, lại có dịp được gặp nhau”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay sang Trung Quốc nghỉ dưỡng và chữa bệnh. Những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc chữa bệnh, Thủ tướng Chu Ân Lai hết sức chăm lo sức khỏe cho Người. Năm 1957, Thủ tướng Chu Ân Lai giới thiệu ông Cố Lưu Hinh - một giáo sư thể thao y học Trung Quốc sang hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh luyện Thái cực quyền để rèn luyện sức khỏe. Trong dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang chữa bệnh ngày 16/4/1967, Thủ tướng Chu Ân Lai đã đến thăm và nghe các bác sĩ Trung Quốc báo cáo kết quả hội chẩn và bàn kế hoạch điều trị cho Người. Ngày 2/1/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ tại Quảng Châu. 12 giờ 30 cùng ngày, Người rời Quảng Châu đi Bắc Kinh. Đích thân Đồng chí Chu Ân Lai ra sân bay Bắc Kinh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh... Vào năm 1968 Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý định vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Vì thế ngày 19/3/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư bằng chữ Hán gửi Thủ tướng Chu Ân Lai nói rõ ý định quan tâm nhất và bí mật nhất của Người là đi vào miền Nam để thăm và động viên đồng bào, chiến sĩ, đồng thời yêu cầu Thủ tướng Chu Ân Lai giúp đỡ(5). Tuy nhiên chuyến đi của Người đã không được thực hiện.

Đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng Chu Ân Lai cùng với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tích cực sắp xếp nhiều đội ngũ bác sĩ sang chăm sóc tận tình cho Người. Ngày 31/8/1969, khi biết tin bệnh tình của Người trở nên nghiêm trọng phía Trung Quốc đã cử bác sĩ Ngô Gia Bình đi cùng đồng chí Lương Phong (Phó Vụ trưởng Vụ Á châu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc) đáp chuyên cơ đưa thuốc cấp cứu tới Hà Nội. Trước khi đoàn xuất phát, Thủ tướng Chu Ân Lai trực tiếp gặp và giao nhiệm vụ, chỉ thị phải tập trung chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông báo tình hình sức khỏe của Người cho Thủ tướng biết. Tuy nhiên do tuổi cao sức yếu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không qua khỏi.

Sau khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Thủ tướng Chu Ân Lai vô cùng tiếc thương. Ngoài việc gửi điện chia buồn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Trung Quốc cử Phó thủ tướng Lý Tiên Niệm dẫn đầu Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Trung Quốc sang dự Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức vào ngày 9/9/1969. Thủ tướng Chu Ân Lai còn quyết định trước đó vào ngày 4/9, ông và Diệp Kiếm Anh, Vi Quốc Thanh cùng đến Hà Nội, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp. trực tiếp ra tận sân bay đón tiếp. Thủ tướng Chu Ân Lai rơm rớm nước mắt, nói: “Tôi đến muộn rồi, không thể gặp mặt lần cuối cùng với Hồ Chủ tịch!”. Khi hội đàm với những nhà lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng Chu Ân Lai đều nói rõ các thành viên của Đoàn đại biểu đều là những đồng chí quan hệ mật thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân đồng chí thay mặt cho Chủ tịch Mao Trạch Đông đến. Đảng và Chính phủ Trung Quốc luôn rất coi trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chu Ân Lai nói: “Hồ Chủ tịch có quan hệ đặc biệt mật thiết đối với cách mạng Trung Quốc, với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đồng chí mấy lần đến Trung Quốc, tham gia cách mạng Trung Quốc, cùng chung hoạn nạn, kề vai sát cánh chiến đấu với nhân dân Trung Quốc, dày công vun đắp tình cảm sâu đậm với nhân dân Trung Quốc, với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”. Đối với bản thân mình ông nói: “Tôi được gặp Người nhiều lần và qua mỗi lần gặp đó đều in vào khối óc những kỷ niệm sâu sắc. Người đem ánh sáng Mác-Lênin chiếu rọi vào tâm hồn tôi rạng rỡ, kỳ diệu, nuôi dưỡng sức chiến đấu cao đẹp của lý tưởng. Tiếp thu ánh sáng ấy, tôi bỗng trở thành một con người biết sống và có nhân phẩm. Niềm vinh dự và nỗi sung sướng, tự hào nhất của đời tôi là được trở thành đảng viên cộng sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt, giúp đỡ. Cũng từ đó, giấc mơ của tôi trở thành sự thật và phấn đấu để có một cuộc đời như cuộc đời của Người...”.

Lúc đó, thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được giao cho chuyên gia Liên Xô để tiến hành xử lý y học, không cho người không có phận sự tiếp xúc, nên đáng lẽ Đoàn không thể đến với Người. Với tình bạn, tình đồng chí hữu nghị sâu đậm của Thủ tướng Chu Ân Lai với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi Đoàn lên đường về nước, Lãnh đạo Đảng Nhà nước ta đã phá lệ, bố trí cho Thủ tướng Chu Ân Lai và các đại biểu trong Đoàn đến bái biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh.Trước linh cữu Người, ông nói: “Bất cứ người nào có lương tri trên thế giới này muốn có cuộc đời như cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sẽ cảm thấy cuộc sống như ấm áp hơn, đáng tự hào và có hy vọng hơn. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta những hình ảnh phi thường,. hình ảnh một con người vĩ đại, nhưng sống rất giản dị, hình ảnh một nhà lãnh đạo với phong thái đàng hoàng trong bất cứ tình huống nào, dù ở trong rừng rậm hay trong các dinh thự Nhà nước, trong đàm phán hay trong chiến tranh, hình ảnh của một lãnh tụ trước hết là đầy tớ của nhân dân.

Cuộc đời ấy, tấm lòng ấy khác nào biển rộng, sông dài, còn tươi sáng mãi trong lịch sử thời đại ngày nay. Công ơn của Người đối với Tổ quốc chúng tôi cũng to lớn và vô cùng hiển hách”(5).

Có thể nói mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chu Ân Lai không chỉ trên cương vị là lãnh đạo của hai nhà nước mà còn như những người anh em thân thiết trong gia đình, cùng trợ giúp nhau trên con đường đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của mỗi dân tộc. Ngày nay truyền thống đáng quý ấy đang được Đảng và nhân dân hai nước tiếp tục giữ gìn, kế thừa, phát huy.

 

Chú thích:

1, 2, 5. Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2013

3.       Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.166- 167 (bản Trung văn).

4.       Hồng Tả Quân: “Phong vũ thiên tải hình” - Tạp chí Nhân vật (Trung Quốc), số tháng 2-1994

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)