slider

Tình cảm của văn nghệ sĩ dành cho nhà văn hóa Hồ Chí Minh

08 Tháng 08 Năm 2020 / 1181 lượt xem

Nguyễn Thị Kim Liên

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Là người khai sáng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho nền văn học nghệ thuật mới, vừa dân tộc vừa hiện đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá nghệ thuật là di sản quý báu của văn hoá Việt Nam nói chung và của nghệ thuật nói riêng. Người đã có những lời chỉ bảo tận tình, cần thiết cho đội ngũ làm công tác văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là văn nghệ sĩ. Bài viết giới thiệu những chuyện kể, những hồi ức cảm động của các văn nghệ sĩ đã có dịp được tiếp xúc với Bác Hồ, được Người quan tâm, thăm hỏi, động viên. Qua đó góp phần làm rõ hơn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là tư tưởng và tình cảm yêu thương của Bác Hồ đối với văn nghệ sĩ Việt Nam cũng như hình tượng của Bác trong lòng đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho xứ Nghệ, một vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, mang đậm chất văn hoá truyền thống chung của dân tộc và những nét đặc trưng riêng của dải đất miền Trung gian khó. Nếu ảnh hưởng của người cha Nguyễn Sinh Sắc đối với các con là nền học vấn với một nhân cách yêu nước thương nòi, trọng nghĩa khí, thì người mẹ Hoàng Thị Loan đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ con cái những bài học đầu tiên về đạo lý làm người. Bà đã truyền vốn hiểu biết văn học dân gian phong phú của mình cho con qua những lời ru ngọt ngào, chan chứa tình cảm. Chính điều này đã góp phần tạo nên tâm hồn rộng mở, tấm lòng nhân ái, nhen nhóm tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng trong tâm hồn Người. Người thường dẫn Chinh phụ ngâm, Kiều, những câu hò, lời ca, điệu ví vốn rất đặc trưng tiêu biểu cho văn nghệ dân tộc như hát tuồng, chèo, hát ví, hát dặm... để nhắc nhở những người làm công tác văn hóa về thái độ trân trọng vốn văn hóa dân tộc. Năm 1950, đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa được đi công tác cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khi đi đường, Bác hỏi: “Chú Khoa làm công tác văn nghệ, có thuộc Chinh phụ ngâm không? Đạo diễn trả lời: “Thưa Bác, cháu thuộc từng đoạn thôi ạ”. Bác bảo: “Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu”. Và từ hôm ấy trong khi đi đường, mỗi buổi sáng, Bác dạy anh bốn câu trong Chinh phụ ngâm, buổi chiều Bác bảo đọc lại, rồi Bác lại dạy bốn câu tiếp. Cứ thế trong mấy chục ngày đường đi bộ, Bác dạy anh Khoa thuộc lòng cuốn Chinh phụ ngâm từ đầu đến cuối(1).

Vốn văn hóa cổ truyền quý báu của dân tộc, dù ở miền nào, địa phương nào đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng và cảm thụ với niềm xúc động sâu sắc. Quan điểm của Người là: “Văn nhân, nghệ sĩ thi đua nhau sáng tác cho hay, cho nhiều, để cổ động trong nhân dân, tuyên truyền ra thế giới, và để lưu lại cho đời sau những sự tích vĩ đại trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta”(2). Qua các đoạn hồi ký của giáo sư Hoàng Châu Ký, chúng ta được biết: Lúc sinh thời, khi tiếp thân mật các vị khách quý nước ngoài ở Phủ Chủ tịch, Bác Hồ thường cho gọi học sinh trường sân khấu lên biểu diễn phục vụ. Bác chỉ thị cụ thể là diễn lớp Hai Bà Trưng đề cờ khởi nghĩa. Có lần Bác giảng giải: - Ta phải giới thiệu với bạn rằng, dân tộc ta, từ đầu Công nguyên đã có hai phụ nữ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm và giành độc lập đầu tiên cho đất nước, đồng thời ta cũng giới thiệu ta có nghệ thuật tuồng độc đáo. Mấy năm sau khi ngành cải lương có vở Võ Thị Sáu, Bác lại chỉ thị diễn thêm lớp Võ Thị Sáu trên đường ra pháp trường, để nói thêm với khách là Việt Nam thời hiện đại có cả một thiếu nữ đấu tranh chống ngoại xâm và khi bị địch bắt xử tử hình, cô bé vẫn đi với thái độ thanh thản, hái bông hoa bên đường cắm lên mái tóc(3).

Tuy nhiên, đáng lưu ý là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật dân tộc là phải biết gạn đục khơi trong, “tránh phục cổ một cách máy móc” (Thư gửi Hội nghị cán bộ văn hoá ngày 28/2/1957). Việc giữ gìn và bảo tồn vốn văn hóa cổ truyền dân tộc phải gắn với việc phát huy, phát triển. Phát triển nhưng không làm sai lạc, mất đi cái tinh tuý cái bản sắc của nó, như lời Bác căn cặn là “chớ có gieo vừng ra ngô”. Nghệ sĩ tuồng Ngô Thị Liễu của đoàn Tuồng khu Năm kể: Năm 1954, đoàn Tuồng khu Năm được vào Phủ Chủ tịch, diễn tuồng Chị Ngộ. Khi diễn lớp chị Ngộ bị giặc bắt buộc phải ôm đầu anh Tài quăng xuống cống, tôi nhìn thấy Bác chống tay lên cằm nghiêng đầu cúi xuống. Tôi lo lo. Đến khi buông màn kết thúc, Bác nắm tay chúng tôi động viên, cổ vũ, đồng chí Trường Chinh mới cho biết là xem lớp đó, Bác nói với các đồng chí ngồi bên rằng: “Thấy giặc quăng đầu đồng chí mình như vậy, Bác đau nhói trong tim, chịu không nổi!”. Lời Bác nói đã làm chúng tôi giật mình nhìn kỹ lại, khiến ai cũng ghê sợ lớp tuồng đó. Bác đã dạy chúng tôi một cảm xúc thẩm mỹ mới. Từ ấy không ai có thể diễn nổi lớp đó nữa, và cũng từ ấy lớp đó được cắt bỏ(4).

Nghệ sĩ chèo Song Kim cũng giữ mãi một kỷ niệm đáng ghi nhớ khi cùng đoàn văn công nhân dân Trung ương đi biểu diễn phục vụ Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (tháng 5/1952). Khi chị Dịu Hương hát bài May áo theo một làn điệu chèo, Bác thân mật nói: Điệu hát và giọng hát đều hay. Nhưng phải làm sao cho nội dung bài hát phù hợp với việc phục vụ kháng chiến. Ví dụ như các cô gái ở hậu phương may áo gửi cho chiến sĩ ở ngoài mặt trận chẳng hạn.. .Qua những điều Bác nói, các nghệ sĩ hiểu rằng, Bác rất hiểu và yêu thích chèo - một loại hình nghệ thuật rất đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Bác nhắc các nghệ sĩ cố gắng khai thác, học hỏi, sáng tác và biểu diễn thêm nhiều làn điệu, nhiều tích cũ có giá trị và nhiều vở mới nữa. Vì vậy, ngay trong buổi tối hôm đấy, bài hát chèo May áo của chị Dịu Hương đã được thay đổi lời như Bác dạy. Bài hát nói lên tâm tình xúc động, xao xuyến và tràn đầy tin tưởng của người phụ nữ hậu phương đối với các chiến sĩ ngoài mặt trận”(5).

Dù bận nhiều công việc quốc gia đại sự, Bác vẫn dành thời giờ eo hẹp và quý báu của mình đến dự các hội nghị của ngành văn hóa thông tin, xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật, gặp gỡ các đoàn nghệ thuật, các văn nghệ sĩ tại các đơn vị nghệ thuật, các trường nghệ thuật hay mời các đoàn đến biểu diễn tại Phủ Chủ tịch... Với tư cách người xem, Bác còn có những nhận xét chi tiết về chuyên môn để giúp nghệ sĩ khắc phục nhược điểm, yếu kém nhằm đem lại hiệu quả nghệ thuật cao hơn, phục vụ công chúng tốt hơn. Có thể nói, bộ môn nghệ thuật nào cũng được Bác quan tâm chỉ bảo. Với văn học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt yêu cầu “phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm”(6). Nhà văn Phan Tứ kể: “Bác căn dặn chúng tôi khi trở về miền Nam cần chú ý viết người thật, việc thật... Bác dặn là khi viết cho giới có văn hóa đọc, chớ quên bà con nông dân và dân tộc ít người. Nên vẽ nhiều tranh truyện với nét vẽ giản dị, lời chú thích ngắn và rõ nghĩa, in đậm nét và chữ to để bà con nghèo chữ dễ xem (Bác không dùng từ dốt chữ hay mù chữ như hồi Cách mạng Tháng Tám mới thành công). Nên đưa những mẫu người tốt việc tốt ở cái mức ai cũng làm được. Viết ngắn và vui, dễ hiểu, dễ làm như các truyện Nhị thập tứ hiếu ngày xưa mà nhiều người còn nhớ”(7).

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, người có 17 năm được chụp ảnh Bác, kể về lần đầu tiên được gặp Bác năm 1948 và nghe Bác huấn thị về công việc của người chụp ảnh. Bác căn dặn ông: “Chú làm nghề ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật như các nghệ thuật khác, cũng phải phản ánh chân thật cuộc sống của quân và dân ta. Muốn làm được như vậy phải đi vào đời sống các tầng lớp nhân dân”. Nghệ sĩ Đinh Đăng Định cho biết, dù bận trăm công nghìn việc, Bác cũng luôn quan tâm đến nhiếp ảnh. Bác không những coi nhiếp ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật, Người còn là người am hiểu về công việc này. Người dạy: “Chụp ảnh phải làm sao cho tự nhiên, chớp lại được cái “thần”, cái bản chất của con người ta!”(8). Năm 1963, Bác đi xem Triển lãm ảnh nghệ thuật lần thứ tư của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Chỉ vào một bức ảnh đêm pháo hoa ở Hồ Gươm, Bác bảo: “Ảnh nghệ thuật mà chụp bóng đèn sáng loá ngay giữa ảnh như thế này là không nghệ thuật”. Đến bên bức Thiếu nữ Việt Nam, Bác xem lại khá lâu rồi nói: “Sao cô gái Việt Nam mà lại mặc áo cổ thêu diêm dúa như vậy?”. Bác không nói hết ý, nhưng các nghệ sĩ nhiếp ảnh đều hiểu Người căn dặn: nghệ thuật phải đậm đà tính dân tộc!”(9).

Với ngành điện ảnh, “đứa em út” của ngành nghệ thuật, Bác cũng luôn chú ý khích lệ động viên, xây dựng để mau lớn mạnh. Ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL đặt Phòng Điện nhiếp ảnh trong Nha tuyên truyền và văn nghệ thành “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam” - tiền thân của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ngày 31/10/1959, trường điện ảnh được thành lập thì hơn ba tháng sau, vào ngày 10/02/1960, Bác đến thăm nhà trường. Dù chuyến thăm chỉ diễn ra trong mấy chục phút ngắn ngủi nhưng là sự động viên rất lớn của vị Chủ tịch nước tối cao đối với ngành nghệ thuật non trẻ “sinh sau đẻ muộn” trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh. Bác rất mực quan tâm và thông cảm với những khó khăn về vật chất, kỹ thuật khi làm việc của anh chị em làm nghề điện ảnh. Bác đã ân cần động viên các nghệ sĩ phải có tinh thần vượt khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy kể lại: Tại Hội nghị thành lập mặt trận Liên Việt (tháng 3-1951) được tổ chức trong một khu rừng Việt Bắc. Trong hoàn cảnh kháng chiến, máy móc cũ kỹ kém phẩm chất, đèn chụp không có, nơi họp lại ở trong nhà giữa rừng rậm, thiếu ánh sáng, nhiệm vụ đặt nặng lên bộ phận điện ảnh, nhiếp ảnh phục vụ hội nghị. Anh em lo lắng, bàn đi bàn lại, cuối cùng đi đến kết luận là chỉ còn cách dỡ một phần mái phía trên chỗ Đoàn Chủ tịch ngồi. Và bất ngờ là khi anh em xin phép Bác, không cần hỏi thêm chi tiết, Bác thấy rõ ngay những khó khăn về nghề nghiệp của anh em và Bác đồng ý cho dỡ hẳn một phần mái nhà(10).

Đạo diễn Thanh Hạp chia sẻ: “Có một kỷ niệm tuyệt vời là tôi được tham gia buổi diễn của Đoàn Cải lương Nam bộ phục vụ buổi tiếp Nguyên soái Diệp Kiếm Anh của Bác tại Phủ Chủ tịch. Lúc đó, tôi chỉ là hậu đài thôi nhưng vui lắm. Đoàn diễn lớp “Lôi đình tụng” kinh điển của vở cải lương Khuất Nguyên được Bác và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh khen ngợi rất nhiều. Sau đó, Bác gặp các nghệ sĩ, phát chuối, xôi, gà cho mọi người và nhẹ nhàng nói: “Các cháu diễn tốt và cháu diễn vai Khuất Nguyên rất tốt. Nhưng cách cháu diễn là của sân khấu lớn. Ở đây, Bác và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh ngồi gần lắm!”. Bác chỉ nói vậy nhưng mọi người đều à lên bất ngờ vì không ngờ Bác tinh tế đến vậy. Đây là bài học mà sau này khi học đạo diễn tôi càng thấm thía và càng cảm phục Bác - khi biểu diễn phải tính toán chu toàn, phù hợp từ đối tượng khán giả đến cả điểm diễn”(11).

Đối với người nghệ sĩ, không chỉ về chuyên môn, Bác còn dành sự quan tâm đến đời sống thường ngày và quan hệ xã hội gia đình của họ. Nghệ sĩ Kim Ngọc - một giọng ca vàng của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị - đã nhiều lần được gặp Bác Hồ. Năm 1959, nghệ sĩ Kim Ngọc sinh cháu đầu lòng. Sau khi sinh cháu, chị lại được gặp Bác. Vì vừa sinh con nên sức còn yếu, có lúc thấy giọng hát chị đuối dần. Bác nói với chị: “Cháu vừa sinh nở, người gầy lắm, phải chú ý bồi dưỡng cho mau lại sức”. Chị thưa với Bác là do sức khoẻ kém nên tiếng hát không được như trước. Bác lại bảo: “Thế thì cháu phải đi học thêm về ca nhạc dân tộc... chân không đến đất, cật không đến trời, thì không ứng dụng được đâu...”. Vâng lời Bác, sau đó chị đã xin đi học một lớp dân ca và nhờ đó sức hát lại lên.

Nghệ sĩ Tường Vi - một giọng ca được nhiều người yêu mến - kể lại vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Trong nhiều lần ấy, Bác thường hỏi một câu mà nghệ sĩ Tường Vi và mấy bà mẹ trẻ là diễn viên của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị không thể ngờ tới: “Thế các cháu đi diễn dài ngày thì gửi con cho ai?” Câu hỏi ấy làm cho các chị cảm động đến ứa nước mắt. Nghệ sĩ Tường Vi kể một câu chuyện rất riêng của mình: - Lần tôi sinh cháu đầu lòng, không may cháu bị mất. Tôi đau buồn quá đến phát ốm. Không rõ ai đã nói chuyện này với Bác, Bác cho gọi tôi vào. Được Bác gọi, tôi mừng quá, vội vào ngay. Bác nhìn tôi hồi lâu rồi bảo: “Thôi, “thua keo này, bày keo khác”. Trông cháu thiếu máu quá, nghỉ hát, bồi dưỡng đã.”. Lần gặp Bác này, tôi càng cảm nhận sâu sắc một điều: Bác quan tâm đến mọi người, đặc biệt là đối với các bà mẹ và trẻ em(12).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 50 năm, còn có rất nhiều văn nghệ sĩ chưa có duyên gặp Bác hay thuộc thế hệ sau, không còn cơ hội trực tiếp biểu diễn cho Người xem nhưng vẫn luôn dành tình cảm tôn kính Bác, xem Người là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận, vẫn hàng ngày nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh để nối bước, xứng đáng với niềm tin tưởng, với tình cảm của Bác dành cho “những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.

 

Chú thích:

1.       Trích trong sách: Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995, tr.80-84

2.       Giấc ngủ mười năm, viết năm 1949

3.       Trích trong sách: Bác Hồ với đất Quảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.240-242

4.       Trích trong sách: Người là Hồ Chí Minh, (Tập hồi ký), Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1995

5.       Trích trong sách: Những kỷ niệm sâu sắc của phụ nữ Việt Nam với Bác Hồ, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2005, tr.73-79

6.       Bài nói tại đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc 1.5.1952, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, tr.471-472

7.       Trích trong sách: Bác Hồ với đất Quảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.207-210

8.       Trích trong sách: Còn mãi những khoảnh khắc, Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1998

9.       Trích trong sách: Còn mãi những khoảnh khắc, Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1998

10.     Trích trong sách: Muôn vàn tình thân yêu, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1975, tr.37-40

11.     https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/van-ng-he-si-tphcm-va-nhung-co-duyen-duoc-gap-bac- ho-1491861979

12.     Trích trong sách: Mênh mông tình thương Hồ Chí Minh, Nxb.Thanh niên, Hà Nội, 2002, tr.37-39

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)