slider

Tư liệu mới: Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô J. Xtalin

08 Tháng 08 Năm 2020 / 1132 lượt xem

Đ.H.L

Cuối tháng 1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh. Lúc đó Mao Trạch Đông cùng Chu Ân Lai đã đi Moscow để đàm phán và ký hiệp định hợp tác với Liên Xô. Theo đề nghị của ta, Trung Quốc đã điện báo cho Nguyên soái Xtalin về sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bắc Kinh và ý định của Người muốn sang Liên Xô để trực tiếp thông báo về tình hình cách mạng Việt Nam. Xtalin đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm không chính thức Liên Xô. Từ ngày 10 đến 17/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật đi thăm Liên Xô. Tại Moscow, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc với các đồng chí trong Ban lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc như Xtalin, Môlôtốp, Kazanôvích, Khơrútsốp, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai... Xtalin đã đồng ý với đường lối chiến lược, sách lược của Đảng ta và khuyên Việt Nam nên chú trọng toàn bộ vùng rừng núi phía tây, nắm được vùng đó, sẽ nắm được quyền làm chủ đất nước, đồng thời thỏa thuận với Trung Quốc một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho cách mạng Việt Nam. Ngày 16/2/1950 là 30 tết Kỷ Sửu cổ truyền của cả Trung Quốc và Việt Nam, Xtalin tổ chức đại tiệc tại điện Kremli để mừng Hiệp ước Hữu nghị Xô - Trung và cũng là mừng năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nửa đùa, nửa thật nói với Xtalin: “Đồng chí đã ký với đồng chí Mao Trạch Đông Hiệp ước Xô-Trung, vậy nhân dịp này đồng chí và tôi cùng ký nhận một bản Hiệp ước Xô - Việt được chứ?”. Xtalin cười nói: “Nhưng đồng chí Hồ ơi, đồng chí sang thăm chúng tôi chuyến này là bí mật vì vậy tôi và đồng chí chưa thể ký Hiệp ước được. Nếu ký hiệp ước, người ta hỏi đồng chí đột ngột ở đâu hiện ra thì chúng tôi biết giải thích thế nào?”. Người cười nói: “ Chuyện đó dễ lắm. Đồng chí cho chúng tôi lên máy bay bay một vòng rồi đáp xuống sân bay, cử một số đồng chí ra đón chúng tôi, cho các báo dưa tin này thế là xong!”. Xtalin cả cười: “Quả là sức tưởng tượng độc đáo của người phương Đông các đồng chí! Tuy nhiên chúng ta có thể ký với nhau một bản khẩu ước ngay tại đây, trước sự chứng kiến của quan khách”, Người tiếp ngay lời Xtalin: “Việt Nam nỗ lực bằng mọi giá phải đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi. Xtalin Liên Xô bằng mọi khả năng của mình sẽ ủng hộ Việt Nam chiến thắng thực dân Pháp”. Mọi người đều vỗ tay hoan hô, Xtalin nói tiếp: “Yêu cầu của Việt Nam không lớn. Nên có sự phân công giữa Trung Quốc và Liên Xô. Liên Xô hiện đang phải lo nhiều cho các nước Đông Âu. Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những thứ đang cần. Những thứ gì Trung Quốc chưa có, thì hãy lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, và sẽ được Liên Xô hoàn trả”, Xtalin còn nói vui: “Trung Quốc không thiệt khi trao cho Việt Nam những thứ đã dùng rồi, vì sẽ nhận lại ở Liên Xô những thứ mới. Trong quan hệ quốc tế phải có đi có lại. Liên Xô viện trợ cho Trung Quốc một xe tăng, Trung Quốc trả lại một con gà, một khẩu pháo, trả một quả trứng. Việt Nam trả Trung Quốc thế nào thì tùy...”. Mao Trạch Đông quyết định: “Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khí trên đất Trung Quốc. Tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam”. Liên Xô cho ta một trung đoàn pháo cao xạ 37ly, một số xe vận tải Môlôtôva và thuốc quân y; Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh và vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho ta, đồng thời sẽ cử cố vấn quân sự sang giúp ta và đồng ý cho ta đưa Trường lục quân sang đất Vân Nam để đào tạo và bổ túc cán bộ. Với nguồn viện trợ này, mấy tháng sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo quân dân ta tiến hành chiến dịch Biên Giới thắng lợi. Sau chiến thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư bằng tiếng Anh, ký mật danh là Đinh, gửi Nguyên soái Xtalin ngày 14/10/1950 để thông báo vắn tắt về diễn biến và kết quả của chiến dịch Biên Giới. Dưới đây là phần dịch nội dung chính của bức thư:

Đồng chí Xtalin yêu quý,

Tôi vui mừng gửi tới Đồng chí bản báo cáo như sau:

Nhờ sự giúp đỡ to lớn của các Đồng chí và Đảng Cộng sản Trung Quốc, giai đoạn thứ nhất cuộc phản công của chúng tôi ở biên giới đã kết thúc thắng lợi. Mặt trận Cao Bằng - Đông Khê - Thất Khê có chiều dài gần 70km và nằm ở vùng núi hiểm trở. Lực lượng của chúng tôi gồm: 25.500 bộ đội chính quy. 970 bộ đội địa phương. 18.000 nông dân cả nam giới và phụ nữ làm nhiệm vụ vận chuyển, mỗi người làm việc 10 ngày. Lực lượng của địch gồm 6.000 lính (có gần 1.700 lính da trắng, 2.600 lính Bắc Phi, 700 lính người Việt). Các giai đoạn chiến đấu:

1, Cầu Đông Khê, từ 16 đến 20/9. Lực lượng địch gồm 350 lính. Chúng đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng tôi chiếm được Đông Khê.

2, Các đội quân địch rút khỏi Cao Bằng nhằm đến được Thất Khê cùng với 1.650 binh lính (ngày 3/10). Tuy nhiên khi gần đến Đông Khê, chúng đã bị chúng tôi tiêu diệt. Chỉ huy của chúng là đại tá Charton cùng quân lính đã phải đầu hàng.

3,       Các lực lượng quân địch khác, khoảng gần 2.000 lính được phái tới Thất Khê để gặp toán quân của Charton. Khi gần đến Đông Khê chỉ cách Charton khoảng 1km, chúng cũng đã bị chúng tôi tiêu diệt. Viên chỉ huy của chúng, đại tá Le Page cùng binh lính và đại tá, bác sĩ Durif đã phải đầu hàng. Cuộc chiến đấu bắt đầu ngày 3/10 và kết thúc ngày 11/10.

Kết quả: Chúng tôi đã giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê và tịch thu được một lượng lớn chiến lợi phẩm. Chúng tôi đã tiêu diệt gần 2.300 binh lính và sĩ quan địch, bắt làm tù binh khoảng 2.500 người (3 đại tá, 1 sĩ quan chỉ huy, 5 đại úy, 20 trung úy. Các con số này còn chưa đầy đủ). Theo thông báo mới nhất, quân địch cũng đã phải bỏ lại tỉnh Thái Nguyên ngày 11/10. Chỉ cách đây 10 ngày khi chiếm được tỉnh này (ngày 1/10), đối phương đã gọi đây là “Thủ đô của Hồ Chí Minh” và làm rùm beng về điều đó. Một kết quả quan trọng khác: Lần đầu tiên chúng tôi tiến hành một trận đánh lớn, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và cũng thấy rõ những thiếu sót của mình. ... Đồng chíXtalin kính mến, tôi cho rằng thắng lợi của chúng tôi, mặc dù còn chưa lớn, nhưng cũng là một bộ phận trong thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa quốc tế vô sản cách mạng do vị lãnh tụ yêu quý và quả cảm là Đồng chí lãnh đạo? Khoảng tháng 12, chúng tôi sẽ tiến hành Đại hội toàn quốc để thành lập đảng mới là Đảng Lao động Việt Nam. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là phải cải tổ để trở thành một đảng gồm nửa triệu đảng viên được huấn luyện tương đối tốt về học thuyết Mác - Lênin (hiện nay chúng tôi có hơn 750.000 đảng viên).

Tôi hy vọng sẽ nhận được những cuốn sách mà Đồng chí đã hứa viết riêng cho chúng tôi. Tôi sẽ tự mình dịch những cuốn này. Đó sẽ là món quà quý giá nhất của Đồng chí dành cho Đảng chúng tôi. Tôi xin nhờ Đồng chí chuyển lời chào anh em của tôi đến các Đồng chí ở Bộ Chính trị. Ôm hôn Đồng chí và chúc Đồng chí dồi dào sức khỏe và trường thọ. Thân ái

Đinh (Cao Bằng ngày 14/10/1950)

Lá thư này do Đại sứ Liên Xô tại nước CHND Trung Hoa V. Rosin chuyển đến Moscow và Xtalin nhận được ngày 30/12/1950. Bản gốc tiếng Anh bức thư hiện được lưu tại Viện Lưu trữ lịch sử chính trị và xã hội nhà nước Nga, Phông 558, hồ sơ 295, tờ 4-6-7-8./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)