slider

Tư tưởng đối ngoại hòa bình và nhân văn Hồ Chí Minh

14 Tháng 11 Năm 2019 / 840 lượt xem

ThS. Lường Thị Lan
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
ThS. Lê Thị Bích Ngọc
Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam


Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Tư tưởng của Người là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, là sự vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhằm mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng, mọi người đều được phát triển toàn diện.

Nét đặc sắc trong quan điểm Hồ Chí Minh về văn hóa hòa bình được thể hiện từ rất sớm, trong quá trình hoạt động cách mạng của Người và gắn liền với giải phóng dân tộc, giữ gìn hòa bình cho Việt Nam. Năm 1911, khi còn đang hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam đến các đại biểu cường quốc Đồng minh dự Hội nghị Vécxây (vì Đồng minh đã tuyên bố trước thế giới cuộc đấu tranh của họ là “Văn minh chống Dã man”, là trao trả độc lập thuộc địa…)(1). Tin tưởng vào lời hứa văn hóa – hòa bình ấy mà Nguyễn Ái Quốc đã nêu 8 yêu sách với họ bằng những lời lẽ ôn hòa với cách ứng xử hòa bình. Có thể nói, đó là Tuyên ngôn quan điểm văn hóa hòa bình đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Bản Yêu sách 8 điểm đã không nhận được một lời phúc đáp. Thực tế ấy không làm nản lòng Nguyễn Ái Quốc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Việt Nam bằng mọi cách.

Với tầm nhìn xa rộng, trước khi lãnh đạo nhân dân ta đứng lên tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh đã đưa ra đề nghị 5 điểm qua J.Xanhtơni gửi tới Chính phủ Pháp, lần một vào tháng 7-1945 và lần sau đó vào ngày 18-8-1945. Trong đề nghị đó, Hồ Chí Minh đề xuất thực hiện một cuộc phổ thông đấu phiếu để bầu ra một nghị viện do một người Pháp làm chủ tịch. Sau 5 năm, chậm nhất là 10 năm, Pháp sẽ trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, nước Pháp sẽ được hưởng những ưu tiên về kinh tế. Đó là đề nghị mà sau này J.Xanhtơni cho là “khá khiêm tốn và hoàn toàn có thể chấp nhận được”. Nhưng Chính phủ Pháp im lặng.

Ngay sau cách mạng tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương (tháng 10-1945), trong đó Người tỏ lòng kính trọng đối với nhân dân Pháp, nêu lên những điểm tương đồng giữa hai dân tộc Việt – Pháp là khát vọng độc lập, tự do và kêu gọi: “Hỡi những người Pháp ở Đông Dương!Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình – một nền hòa bình chân chính xây trên hòa bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da…”(2). Đây cũng là tinh thần nhất quán được Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc lại trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại và trao đổi thư điện với các chính khách, chính quyền thực dân…

Sau khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, tiến hành xâm lược trở lại Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn kiên trì giải pháp thương lượng, sẵn sàng chấp nhận, nhân nhượng trên cơ sở bảo đảm độc lập của Việt Nam, tránh một cuộc chiến tranh tàn khốc cho nhân dân Việt Nam với chính quyền thực dân Pháp. Những nỗ lực của Hồ Chí Minh nhằm thực thi đối thoại, chủ trương giải quyết hòa bình những mâu thuẫn và khác biệt trong quan hệ Việt – Pháp được thể hiện tập trung nhất trong việc quyết định ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3 và Tạm ước 14- 9-1946.

Khi nguy cơ cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đã bao trùm, một mặt nhân dân Việt Nam đề cao cảnh giác, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến theo chỉ thị Toàn dân kháng chiến (ra ngày 12-12- 1946); mặt khác, nhằm cứu vãn hoà bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn gửi đi một thông điệp hòa bình đến phía Pháp, Người tuyên bố: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh… Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách… Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm, thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi… Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy”(3).

Khi nhân dân ta buộc phải cầm súng đứng lên kháng chiến, Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn luôn bày tỏ thiện chí, giương cao ngọn cờ hoà bình. Cả trước và sau 19-12-1946, khi mà kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ, Chính phủ Việt Nam vẫn giữ liên hệ với J.Xanhtơni (đại diện Chính phủ Pháp) để tìm tiếng nói chung, tìm mọi cách tránh chiến tranh. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp vẫn quyết tâm trở lại Việt Nam một lần nữa. Trong bức thư gửi Xanhtơni tháng 2-1947, Hồ Chí Minh viết: “Tôi tin chắc rằng, cũng như tôi, ông rất tiếc công việc chung vì hòa bình của chúng ta đã bị phá hủy bởi cuộc chiến tranh anh em này… Về phần tôi, tôi sẵn sàng cộng tác vì hòa bình, một nền hòa bình chính đáng và danh dự cho hai nước chúng ta…”(4). Chính Xanhtơni, với cương vị đại diện Chính phủ Pháp đối thoại với Hồ Chí Minh trong suốt thời gian dài, đã bày tỏ cảm tình sâu sắc với Hồ Chí Minh và tỏ ra nuối tiếc trong việc bỏ lỡ một cơ hội hòa bình trong quan hệ Việt – Pháp được ông viết lại trong Một nền hòa bình bị bỏ lỡ được xuất bản lần đầu năm 1954.

Trả lời phỏng vấn của các nhà báo vào ngày 23-3-1947, Hồ Chí Minh nói: “Từ ngày 19 tháng 12, đã mấy lần tôi kêu gọi chính phủ và nhân dân Pháp ngăn trở sự chiến tranh, thí dụ những bức thư gửi ngày 21-12-1946, ngày 23-12-1946, ngày 01-1-1947, ngày 07-01-1947, ngày 10-01-1947, ngày 25-01-1947, ngày 18-02-1947, ngày 05-3-1947, có khi nhờ các lãnh sự ngoại quốc chuyển lời cho Chính phủ Pháp…”(5). Trong một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp luật sư Max Clainville Bloncourt, một người bạn cũ đến thăm, Người bày tỏ nỗi lòng: “Tôi không hề căm thù người Pháp. Tôi không hề ghét bỏ nhân dân Pháp. Tôi yêu mến nước Pháp và nhân dân Pháp. Tôi đến đây để đàm phán, để đòi độc lập và tự do cho nhân dân tôi. Chỉ có thế thôi”(6). Trong Lời kêu gọi Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp ngày 10-01-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”(7). Người thấu hiểu được “Không có trận đánh nào “đẹp” cho dầu thắng lợi lớn”. Đáng tiếc, Chính phủ Pháp đã nêu các cớ khác nhau, hoặc thực dân Pháp ở Đông Dương cố ý dìm những thứ ấy đi, không có hồi âm.

Kháng chiến được 5 tháng, tại núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp giáo sư Pôn Muýt, Người được phía Pháp cử đến đưa những điều kiện đàm phán, những điều kiện mà Hồ Chí Minh đã trực tiếp hỏi Pôn Muýt: “Thế ở địa vị tôi, ông có nhận hay không?”, Pôn Muýt trả lời “không!”. Thế là rõ dã tâm của thực dân Pháp, và cũng sáng tỏ tinh thần hoà bình trong danh dự, trong độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Tư tưởng hòa bình, nhân văn còn được Hồ Chí Minh khẳng định trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình”(8) và trong trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ: Việt Nam “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù chuốc oán với một ai”(9). Đó là đường lối ngoại giao hòa bình văn minh và tiến bộ. Đó là biểu hiện sinh động của văn hóa hòa bình. Chính những quan điểm hòa bình cùng với những hoạt động chỉ đạo kháng chiến không mệt mỏi của Hồ Chí Minh trong 9 năm kháng chiến đã góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ, mang lại hòa bình cho Việt Nam khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Giơnevơ.

Với kẻ thù khi đã buông súng đầu hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối xử với họ đậm tính nhân văn, bắt nguồn từ tấm lòng yêu thương con người một cách chân thực. Những cử chỉ, hành động của Người toát lên một cách thật tự nhiên, giản dị. Khi thăm trại tù binh trong chiến dịch Biên giới 1950, thấy một đại úy quân y Pháp đang rét run vì lạnh. Bác đã cởi chiếc áo khoác của mình trao cho anh ta. Viên sĩ quan Pháp cảm động trào nước mắt. Sau đó, Bác gọi đồng chí Cao Pha – Trưởng ban quân báo đến bảo: “Sao chú cho lột giày tù binh rồi treo lên cổ họ? Đối với người phương Tây, không có giầy dép họ đi lại rất khó khăn, khổ sở. Nếu sợ tù binh chạy trốn thì chí ít chú phải cho họ đi tất chứ!”(9). Trong chuyến trao trả tù binh cuối cùng sau kháng chiến chống Pháp ngày 03-9-1954, một người sĩ quan Pháp đã xúc động nói: “Trong tấm lòng biết ơn nhân dân Việt Nam, tôi không thể nào quên Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng khoan dung, đại lượng và chính sách khoan hồng của Người đối với chúng tôi”. Nhà thơ Đức Vili Xanbao đã viết: “Trong tầm nhìn của Bác, không những cho thấy Người là nhà Quốc tế đáng kính phục mà còn là nhà văn hóa lớn, giàu tình thương yêu nhân loại”(10).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta một lần nữa động viên quân dân Việt Nam kiên quyết để bảo vệ nền hòa bình và độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ cho nhân dân Việt Nam. Ngay từ trong quá trình vận động Cách mạng tháng Tám, vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồ Chí Minh đã có dịp tiếp xúc với người Mỹ, đó là Tư lệnh Quân đoàn không quân 14, tướng Sennôn và một số thành viên của tổ chức OSS và OWI. Hồ Chí Minh đã đích thân dẫn Trung uý phi công Uyliêm Sô, nhảy dù xuống Cao Bằng trả cho Bộ Chỉ huy Mỹ ở Côn Minh để họ thấy rõ sức mạnh của Việt Minh và có điều kiện yêu cầu Mỹ, giúp đỡ vũ khí, thuốc men và công nhận Việt Minh trên cương vị của tổ chức chống phát xít.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngay ngày 30-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Tổng thống Mỹ một bức điện (được coi là bức điện thứ nhất) đề nghị Hoa Kỳ phải có đại diện trong Uỷ ban liên đồng minh có nhiệm vụ giải quyết (tình hình) ở Việt Nam; Chính phủ Việt Nam, chính phủ duy nhất hợp pháp ở Việt Nam được giành quyền có đại diện tại Uỷ ban kể trên.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, với tinh thần kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do hoàn toàn thống nhất với bản chất yêu hoà bình và lòng mong muốn hoà hiếu, hữu nghị với các dân tộc. Tinh thần trên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ với phía Mỹ trong nhiều bức thư gửi tổng thống Mỹ Truman hoặc Quốc vụ khanh Mỹ Bơcnơ vào cuối năm 1945, đầu năm 1946. Trong bức thư gửi Truman ngày 16-02- 1946, Người viết: “Mục đích của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác hoàn toàn với Mỹ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để cho nền độc lập và sự hợp tác đó có lợi cho toàn thế giới”.

Những yêu cầu chính đáng nêu trên không được Chính phủ Mỹ đáp ứng, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ. Nhân ngày độc lập của Mỹ, Người kêu gọi nhân dân Mỹ lên án chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp do Mỹ bảo trợ. Đây thực chất là thông điệp phản đối chính sách đế quốc, phản hoà bình, “phản dân chủ và không Mỹ chút nào” của Chính phủ đương thời Mỹ.

Chỉ một tuần lễ trước khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, trong Hội nghị Trung ương 6 khoá II ngày 15-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước kia khẩu hiệu của ta là “kháng chiến đến cùng”. Nay vì tình hình mới, ta cần nêu khẩu hiệu mới là: “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”…”. Đây lại thêm một cố gắng nhân nhượng nữa để có thể giữ được độc lập, mang lại hoà bình mà không qua con đường chiến tranh bạo lực.

Thể hiện truyền thống yêu hòa bình của dân tộc Việt “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chủ động gửi thư cho các Tổng thống Mỹ, nhắc nhở họ hãy tỉnh ngộ, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, để hòa bình được lập lại trên bán đảo Đông Dương. Nhưng đáng tiếc là những đề nghị của Người không được các đời Tổng thống Mỹ: G.Kennơđi, L.Giônxơn xem xét nghiêm túc. Ngay sau khi lên thay Kennơđi, Tổng thống Giônxơn đã tuyên bố: “Mỹ tiếp tục viện trợ, tiếp tục duy trì nhân viên quân sự tại miền Nam Việt Nam”(11). Khi Mỹ đã dấn sâu vào chiến tranh Việt Nam, trong bài phát biểu tại Quốc hội ngày 08-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói thẳng với Tổng thống Mỹ Kennơđi: “Việt Nam xa cách Hoa Kỳ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ không thù oán gì nhau. Ông có lý do gì mà gây nên cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, hoang phí hàng tỷ đô la của nhân dân Hoa Kỳ để ủng hộ một chính quyền thối nát độc tài… Ông có quyền gì mà bắt buộc hàng vạn thanh niên con em người Hoa Kỳ sang giết hại người miền Nam Việt Nam vô tội rồi họ cũng bị chết trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, bẩn thỉu ấy?”(12).

Mặc cho thái độ hiếu chiến của những người đứng đầu Nhà Trắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì vận động, tìm kiếm một giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề Việt Nam. Người nói: “Từ trước đến nay, chúng ta luôn luôn chủ trương rằng: giải pháp duy nhất đúng đắn về vấn đề miền Nam là phải thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản cơ bản của Hiện định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương”(13). Với tâm nguyện và mục tiêu hoà bình, trong khi lãnh đạo toàn dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh chống Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh vẫn không ngừng cố gắng nhằm đạt tới một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, ngăn chặn chiến tranh lan rộng, kéo dài. Theo tài liệu của Liên hợp quốc do tuần báo Người bảo vệ Manchextơ đăng lại ngày 12-8-1965 thì sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Mỹ tiến hành đàm phán để tìm giải pháp cho vấn đề miền Nam. Phía Mỹ đã không trả lời đề nghị của Người(14). Để đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của chính quyền Giônxơn, ngày 01-01-1966, trong bức thư chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp đầu năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự quý trọng tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Mỹ; hoan nghênh và cảm ơn nhân dân Mỹ đã đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Người viết: “Nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình, nhưng hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thực sự. Vì đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, cho nên nhân dân Việt Nam phải chống lại để bảo vệ độc lập và giữ gìn hòa bình. Nhà cầm quyền Mỹ nói hòa bình nhưng thật sự là họ đang tăng cường chiến tranh”(15). Người chỉ rõ con đường dẫn tới hòa bình là Mỹ chấm dứt xâm lược, rút quân Mỹ về nước để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc của mình.Với mục đích chấm dứt chiến tranh bằng con đường hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi không muốn làm gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích”(16). Tháng 9-1964, trả lời thư của Tổng thư ký Liên Hợp quốc U Than gợi ý nên có những tiếp xúc riêng và không chính thức giữa Hà Nội và Oa-sinh-tơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ý sẵn sàng cử phái viên của Người đi gặp đại diện Mỹ ở Rănggun hay bất cứ một thủ đô trung lập nào khác ở Đông Nam Á. U Than chuyển lời của Người tới phía Mỹ. Mỹ lại không đáp ứng. Ỷ vào sức mạnh quân sự, Mỹ luôn dùng “hoà bình” như một con bài để loè thiên hạ, thực hiện đàm phán trên thế mạnh.

Ngày 12-01-1967, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp hai nhà báo Mỹ: H.S. Axmôrơ, chủ bút tờ Acansát nhật báo, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ (CDS) và W.C. Bach, nhà báo, chủ bút tờ Tin tức Maiami, một thành viên của CDS. Trong buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật lên những bài học cơ bản của lịch sử Việt Nam và giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do. Người nói: “Lịch sử nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã dạy chúng tôi phải là người yêu nước. Nhân dân chúng tôi là người có lý trí, biết suy nghĩ và yêu hòa bình. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh này, nhưng nền độc lập tự do của Việt Nam không bao giờ lại bị đưa ra thương lượng một lần nữa. Mỹ đã đưa vào miền Nam gần 400.000 quân. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh và đưa họ ra; phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc. Nếu điều kiện đó được đáp ứng thì sẽ không còn trở ngại nào cho cuộc thương lượng có thể đi tới hòa bình… Còn Mỹ vẫn tiến hành chiến tranh mà lại thương lượng, thì đó là đi xin hòa bình, là đầu hàng. Đó là điều chúng tôi không bao giờ làm”(17).

Trong thư gửi Tổng thống Giônxơn tháng 02-1967, Chủ tịch Hồ Chí  Minh bác bỏ yêu cầu đó và tuyên bố dứt khoát: “Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hoà bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược”(18). Khi Mỹ đang sa lầy ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng trải thảm đỏ cho lính Mỹ về nước, nếu Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, hòa bình và nhân văn luôn thường trực trong con người Hồ Chí Minh. Ngay cả khi phải tiến hành cuộc chiến tranh một mất một còn với bọn để quốc thực dân để giành độc lập dân tộc, Người cũng luôn tìm kiếm một cơ hội đối thoại, đàm phán nếu có thể để né tránh một cuộc chiến bạo lực phi nghĩa. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, dù đang lâm bệnh nặng, trong lá thư viết trả lời Tổng thống Mỹ Níchxơn ngày 25- 8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thực sự”(19). Trong khi đẩy mạnh leo thang chiến tranh, tăng quân ở miền Nam, mở rộng đánh phá miền Bắc, trong diễn văn đọc tại Bantimo ngày 07-4-1969, Tổng thống Mỹ Giônxơn lại đưa ra “đề nghị ngừng bắn và thương lượng không điều kiện”. Trước đó,      khi quân dân miền Nam đang thắng lớn, Mỹ đòi miền Bắc phải “giảm hoạt động quân sự ở miền Nam, giảm thâm nhập vào miền Nam. Họ đưa ra công thức thương lượng “có đi, có lại”, đánh đồng giữa kẻ xâm lược với nước bị xâm lược.  Như vậy, lập trường hai bên hoàn toàn đối lập nhau. Nhưng với sức mạnh hơn nhiều lần về quân sự, kẻ xâm lược bị thất bại nặng nề trên chiến trường, “thua về quân sự, ý chí xâm lược suy sụp”, mới chịu ngồi vào bàn đàm phán và phải rút khỏi cuộc chiến. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và đòn “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là bằng chứng hùng hồn về điều đó.

Hòa bình và nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết những bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ. Tư tưởng đó bắt nguồn từ truyền thống dân tộc Việt Nam, được Người hun đúc trong hành trình cuộc đời đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam và giờ đã và đang trở thành xu hướng phát triển và giải các vấn đề mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới trong thời đại ngày nay.
 
Chú thích:
1.         Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2002, t1, tr435-436.
2.         Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 4.
3.         Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 4, tr.473.
4.         J.Xanhtơni: Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ, Nxb Công an nhân dân, H.2004, tr395-396)
5.         Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
6.         Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb. Thông tấn 2011.
7.         Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2010, tập 5, tr24.
8.         Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002 t4, tr469
9.         Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, tập 5, H.2011, tr220.
L.A.Pát-ti: Tại sao Việt Nam?, Ca-li-phooc-ni-a, Prét-xơ-lốt An-giơ-lét, 1980, tr.231.
10.       Dẫn theo Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 (tr. 252), 1990.
11.       Viện quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác Ngoại giao, Nxb Sự thật, H.1990, tr182.
12.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, T.9, tr. 494 - 495.
13.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
14.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2010,tr3.
15.       16, 17 Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ: Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước hội nghị Pari, Viện quan hệ quốc tế, H.1990, tr158, tr199, tr198-199.

18.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, T.10, tr. 516.
19.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t12, t488.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)