slider

Tư tưởng Hồ Chí Minh về liêm chính Hải quan

18 Tháng 05 Năm 2022 / 605 lượt xem

ThS. Cao Thị Hải Yến

PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Trên thế giới, liêm chính cũng là một trong những vấn đề chủ yếu luôn được các cơ quan hải quan quan tâm, chú trọng nhưng đến đầu những năm 1990 thì vấn đề liêm chính hải quan mới lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và thông qua Tuyên bố Arusha với những nội dung trọng tâm về tăng cường liêm chính và chống tham nhũng. Từ đó đến nay, WCO cũng như các cơ quan Hải quan trên thế giới, trong đó có Việt Nam dù ở các trình độ phát triển khác nhau đều hết sức coi trọng việc xây dựng và duy trì mức liêm chính cao trong các hoạt động hải quan. Điều đó cho thấy Tư tưởng liêm chính Hải quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang tầm quốc gia mà còn mang tầm quốc tế, một tầm nhìn vượt thời đại, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và phát triển lực lượng Hải quan Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hội nhập quốc tế, tạo hình ảnh tốt đẹp về cơ quan Hải quan và đất nước Việt Nam góp phần tăng tính cạnh tranh trong thu hút thương mại và đầu tư quốc tế.

Tư tưởng liêm chính Hải quan được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra ngay từ những ngày đầu thành lập lực lượng Hải quan Việt Nam. Ngày 10/9/1945, chỉ 8 ngày sau khi đất nước giành được độc lập, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu, khai sinh ra ngành Thuế quan cách mạng - tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay. Năm 1956, khi xem xét ban hành Điều lệ Hải quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: Điều lệ Hải quan phải ghi rõ đạo đức “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” của nhân viên Hải quan Việt Nam. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cụ thể hóa trong Điều 6 Điều lệ Hải quan năm 1960: “Nhân viên Hải quan phải có thái độ hòa nhã, tôn trọng hành khách, giữ gìn hàng hóa, nêu cao đạo đức: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

1.       Nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh về liêm chính Hải quan

1.1.    “Cần, kiệm, liêm, chính” là cốt lõi của liêm chính Hải quan

Đức “cần, kiệm, liêm, chính” được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là cái gốc, là nền tảng của con người mới xã hội chủ nghĩa nói chung, của cán bộ, đảng viên nói riêng. Đối với lực lượng Hải quan thì đó phải là đức tính đầu tiên, bởi vì đặc thù của ngành, cán bộ, công chức hải quan luôn tiếp xúc với nhiều thành phần kinh tế, tiếp xúc trực tiếp với tiền, hàng và những mặt trái của cơ chế thị trường. Các đối tượng luôn tìm cách lợi dụng, mua chuộc cán bộ, công chức hải quan để gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế. Nếu không giữ vững đạo đức, không có liêm chính thì công chức Hải quan sẽ dễ bị lôi kéo, mua chuộc, tự đánh mất hình ảnh và phẩm chất tốt đẹp của chính mình.

“Cần” đối với lực lượng Hải quan là sự siêng năng chăm chỉ, cố gắng, chủ động và hiệu quả trong công tác, chiến đấu ở từng lĩnh vực nghiệp vụ cụ thể, phải khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, không ngại hi sinh lợi ích cá nhân, thậm chí cả tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Kiệm” là tiết kiệm về thời gian, tài sản của mình, của Nhà nước và của Nhân dân, là không lãng phí, xa hoa, phô trương trong mọi lĩnh vực công tác, đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, là điều kiện quan trọng để thực hiện liêm chính. “Liêm” đối với lực lượng Hải quan là phải làm việc tuân thủ nguyên tắc và pháp luật, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không tham ô, nhận hối lộ, không tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của nhân dân, không xâm phạm đến lợi ích chính đáng dù là nhỏ nhất của doanh nghiệp, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. “Chính” là không tà, là thẳng thắn. Người cán bộ Hải quan có chính phải là người “Việc phải dù nhỏ mấy cũng làm, việc trái dù nhỏ mấy cũng tránh”, đồng thời phải có thái độ và trách nhiệm đấu tranh quyết liệt để bảo vệ chân lý, chính nghĩa, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh; phải trung thực, dũng cảm nhận rõ khuyết điểm của bản thân, chân thành học hỏi, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, vững vàng xử lý các tình huống tác động đến bản thân: bạo lực không làm khuất phục được ta, tiền tài không mua chuộc được ta, sắc đẹp không cám dỗ được ta; khó khăn không làm ta nản chí; gian nguy không sờn lòng, thắng lợi không kiêu ngạo, chủ quan, thất bại không chùn bưo'c...

Tuy mỗi phẩm chất có nội dung riêng nhưng “cần, kiệm, liêm, chính” lại gắn bó mật thiết với nhau, đòi hỏi phải thực hiện nó trong một tổng thể, cái này làm tiền đề cho cái kia để tạo thành chỉnh thể về nhân cách của người cán bộ, công chức Hải quan. Có “kiệm” mới “liêm” được, vì xa xỉ (không tiết kiệm) mà tham lam, tham tiền, tham địa vị, danh vọng, sống bất liêm, cần kiệm đi đôi với liêm chính, tương hỗ nhau, trong đó “cần, kiệm, liêm” là gốc rễ của “chính”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(1).

“Cần, kiệm, liêm, chính” phải được thể hiện cụ thể trong thực tiễn công tác, trong đời sống xã hội và trong phong cách của từng cán bộ, công chức, đòi hỏi phải được tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì mới có được. Để rèn luyện được “Cần, kiệm, liêm, chính” theo lời dạy của Bác, cán bộ, công chức Hải quan cần phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghiệp vụ công tác của ngành, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu và xây dựng phong cách “Chuyên nghiệp - Hiện đại - Minh bạch - Hiệu quả”.

1.2.    Minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả là những biểu hiện cụ thể của liêm chính Hải quan theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Minh bạch trong hoạt động hải quan thể hiện ở việc giảm thiểu các quy định hành chính; các luật, quy định, hướng dẫn hành chính và các thủ tục hải quan cần rõ ràng, công khai, hài hòa, đơn giản hóa, có thể truy cập dễ dàng và được áp dụng một cách ổn định, chính xác; các quyết định của một nhân viên Hải quan được áp dụng, các lý do, cơ sở để thực hiện quyền của họ cần được ghi chép và lưu lại để có thể xem xét về sau này khi cần thiết; các chuẩn mực dịch vụ do cơ quan Hải quan cung cấp cần được xây dựng, triển khai và công bố công khai để các khách hàng được biết.

Hiện đại hải quan là việc tự động hóa, không ngừng cải cách, hiện đại hóa hoạt động hải quan. Việc tự động hóa bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hải quan, cải cách, hiện đại hóa các hệ thống, thủ tục hải quan sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả, loại bỏ nhiều cơ hội dẫn tới tham nhũng, tăng mức độ giải trình và cung cấp dấu hiệu bằng chứng cho việc kiểm tra, xem xét sau này đối với các quyết định hành chính và việc làm của nhân viên hải quan, giảm thiểu cơ hội cho việc làm không phù hợp của nhân viên hải quan trong mối quan hệ trực tiếp với khách hàng, việc làm thủ tục và chuyển tiền trực tiếp.

Chuyên nghiệp trong hoạt động hải quan thể hiện qua thái độ nhiệt tình, tinh thần tận tụy với công việc; thông thạo nghiệp vụ, xử lý công việc tuân thủ đúng quy trình, thủ tục quy định; văn minh lịch sự trong hoạt động và ứng xử của cán bộ, công chức hải quan.

Hiệu quả trong hoạt động hải quan thể hiện qua việc giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, giảm thiểu chi phí hành chính và thời gian thông quan; đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước về lĩnh vực Hải quan và quản lý sự tuân thủ pháp luật hải quan một cách hiệu quả.

Thực hiện minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả trong hoạt động hải quan chính là thực hiện đức “cần, kiệm, liêm, chính” của cán bộ, công chức hải quan theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về liêm chính Hải quan.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về liêm chính Hải quan tuy ngắn gọn nhưng dễ hiểu, dễ nhớ và mang tính cách mạng, chứa đựng giá trị lý luận, giá trị thực tiễn và nhân văn sâu sắc. Lời huấn thị đó là tài sản vô giá, là chuẩn mực đạo đức, phong cách, phương châm hành động, thái độ ứng xử, là mục tiêu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện trong suốt cuộc đời hoạt động của mỗi cán bộ, công chức Hải quan, dù ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh công tác nào.

1.3.    Xây dựng liêm chính Hải quan theo Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam hiện nay

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bất kỳ giai đoạn nào, thời điểm nào, ngành Hải quan cũng đặt ra yêu cầu quan trọng là hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, không ngừng cải cách, hiện đại hóa để vừa tạo môi trường làm việc lành mạnh, nâng cao đạo đức nghề nghiệp hải quan, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp. Trọng tâm xây dựng liêm chính của Hải quan Việt Nam là vấn đề chống tham nhũng, trong đó đặc biệt chú trọng đến yếu tố nguồn nhân lực và sự chuyển biến từ nhận thức đến tư duy hành động của đội ngũ cán bộ, công chức hải quan, không chỉ liêm chính của mỗi cá nhân mà còn liêm chính trong mỗi tổ chức, đơn vị trong ngành hải quan.

Để đạt được các mục tiêu liêm chính hải quan, ngành Hải quan đã đề ra nhiều giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể theo từng giai đoạn, thời điểm khác nhau, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể gồm:

- Về thể chế: trọng tâm là hoàn thiện hệ thống thể chế, quy trình thủ tục hải quan theo hướng tuân thủ các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Luật Hải quan, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng mô hình Hải quan điện tử.

-        Về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan: thủ tục hải quan được thực hiện “mọi nơi - mọi lúc - mọi phương tiện”, người khai hải quan thực hiện khai báo mọi nơi, với thời gian 24/7, trên các thiết bị cố định, di động, giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới; chuẩn hóa quy trình thủ tục hải quan; triển khai đầy đủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống thông quan điện tử...

-        Về quản lý thuế: tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thanh toán chi phí xuất nhập khẩu, đơn giản hóa một phần thủ tục, góp phần giảm thời gian thông quan, hướng tới thực hiện các thủ tục hải quan theo hướng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3-4, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, tăng tốc độ xử lý của cơ quan Hải quan.

-        Về công tác kiểm soát hải quan: nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hải quan thông qua hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến lĩnh vực kiểm soát hải quan; ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ, hiệu quả giữa phương thức kiểm soát hải quan hiện đại với phương thức kiểm soát hải quan truyền thống.

-        Về quản lý rủi ro: công tác quản lý rủi ro được thực hiện và áp dụng xuyên suốt trong tất cả hoạt động nghiệp vụ hảiquan nhằm tạo ra sự minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý hải quan; giảm tỷ lệ kiểm tra, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm tỷ lệ kiểm tra luồng Vàng, Đỏ...

-        Về kiểm tra sau thông quan: xây dựng hệ thống kiểm tra sau thông quan trong tổng thể Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 và những năm tiếp theo theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, chuyên sâu phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hoạt động tập trung, thống nhất và hiệu quả trong toàn ngành trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và phương pháp quản lý rủi ro, đáp ứng yêu cầu quản lý và yêu cầu cải cách phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan. Công tác kiểm tra hải quan được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đảm bảo sự đồng bộ trong kiểm soát các khâu trước, trong và sau thông quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu hợp pháp của doanh nghiệp đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý.

-        Về tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực: nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực, nâng cao năng lực công chức hải quan trên cơ sở các quy định về quản lý nghiệp vụ và quản lý nguồn nhân lực đã được chuẩn hóa, đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính.xây dựng khung đánh giá năng lực cán bộ nhằm triển khai Đề án sắp xếp vị trí việc làm của cán bộ, công chức hải quan.

2.       Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về liêm chính Hải quan vào công tác tuyên truyền, giáo dục cho công chức Hải quan tới tham quan, học tập tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích Quốc gia Đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng năm Khu di tích thu hút một lượng khách tham quan rất lớn, trong đó cán bộ, công chức của lực lượng Hải quan tìm đến tham quan, học tập cũng chiếm số lượng không nhỏ. Do vậy, việc nắm vững các sự kiện, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng Hải quan, đặc biệt tư tưởng liêm chính Hải quan của Người sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đối tượng là cán bộ, công chức Hải quan khi đến tham quan, học tập tại Khu Di tích. Để vận dụng Tư tưởng liêm chính Hải quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác tuyên truyền cho cán bộ, công chức Hải quan tại Khu Di tích, cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Một là, cần tổ chức nghiên cứu đưa Tư tưởng Hồ Chí Minh về liêm chính Hải quan để vận dụng vào xây dựng nội dung thuyết minh chuyên biệt cho đối tượng tuyên truyền là cán bộ, công chức ngành Hải quan phù hợp với từng nội dung thuyết minh tại các điểm di tích cụ thể trong Khu Di tích; lồng ghép những lời dạy của Bác với các câu chuyện về Bác Hồ với cán bộ, công chức nói chung và ngành Hải quan nói riêng.

Hai là, hiện nay các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Hải quan không nhiều, chưa được sưu tầm một cách có hệ thống, do vậy Khu Di tích cần phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để sưu tầm, bổ sung, trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng Hải quan, nhất là tư liệu về lời dạy liêm chính Hải quan của Người nhằm tăng hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho lực lượng Hải quan khi đến tham quan, học tập. Tăng cường phối hợp giữa Khu Di tích với các đơn vị trong ngành Hải quan để tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và Tư tưởng liêm chính Hải quan nói riêng vào các dịp kỉ niệm lớn, ngày lễ lớn của đất nước và ngày truyền thống của lực lượng Hải quan (10/9).

Ba là, cán bộ làm công tác tuyên truyền cần nắm vững nội dung cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh về liêm chính Hải quan và có hiểu biết về đặc điểm riêng biệt của ngành Hải quan, cán bộ, công chức Hải quan để vận dụng, chuẩn bị kỹ đề cương tuyên truyền với các nội dung được chọn lựa cụ thể, phù hợp, tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho mỗi cán bộ, công chức Hải quan khi tham quan, học tập tại Khu Di tích; cần thể hiện sự chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, thái độ lịch sự, nhã nhặn, vui vẻ trong công tác thuyết minh, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Liêm chính Hải quan kể từ buổi đầu thành lập ngành đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống xã hội và trong việc tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ công chức ngành Hải quan Việt Nam. Mỗi cán bộ công chức Hải quan cần thấm nhuần lời dạy của Bác để nỗ lực phấn đấu trong công việc góp phần xây dựng hình tượng người cán bộ hải quan liêm chính phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.122.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)