slider

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghề giáo

14 Tháng 09 Năm 2022 / 615 lượt xem

Nguyễn Minh Đức

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ thầy giáo Nguyễn Tất Thành cho đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến giáo dục và đào tạo, đến vai trò của nghề giáo trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người từng ca ngợi: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”(1).

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà giáo là nghề có sự cống hiến thầm lặng nhưng rất mực vẻ vang bởi công việc dạy học đào tạo ra những thế hệ con người xây dựng xã hội. Vì thế, Người tôn vinh: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”(2). Nghiên cứu tư tưởng của Người, chúng ta luôn thấy được những trăn trở, những yêu cầu, những lời dặn dò và kỳ vọng to lớn đối với việc xây dựng đội ngũ những người thầy trong xã hội. Người cho rằng, đội ngũ giáo viên luôn giữ một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”, câu nói đó của Người khẳng định giá trị, vai trò không thể thay thế của người giáo viên trong sứ mệnh đào tạo con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, sự nghiệp giáo dục - đào tạo là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng trực tiếp và quyết định chính là ở đội ngũ giáo viên. Các thầy giáo, cô giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo, phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Tháng 10/1964, nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến trọng trách mà xã hội đặt lên vai nhà giáo: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được?Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang(3)”. Vị thế của người thầy vô cùng quan trọng và thiêng liêng, cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở mọi người cần có quan niệm đúng về nghề dạy học và người thầy trong xã hội: “Ai có ý kiến không đúng về người thầy giáo thì phải sửa chữa”(4). Lời Bác dạy đã giúp chúng ta hiểu thêm về vai trò của người thầy giáo đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà.

Cách mạng tháng Tám thành công, trên cương vị là người đứng đầu của nhà nước Việt Nam độc lập, trong bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Người đã đưa ra nhiều chính sách để phát triển nền giáo dục nước nhà như mở các lớp bình dân học vụ, quy định việc học chữ quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền. Người chỉ rõ tính tất yếu, tầm quan trọng của việc xây dựng nền giáo dục mới phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Gắn liền với xây dựng nền giáo dục mới của dân, vì dân là yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo có đạo đức, năng lực. Theo đó, nhiệm vụ của người thầy trong tình hình mới “không phải là “gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt người thầy ở vị trí cao quý và đòi hỏi các thầy, cô giáo phải có kiến thức vững vàng, sâu rộng về chuyên môn, trong đó kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết, thực tế và kinh nghiệm. Hơn nữa, người thầy không chỉ cần có vốn sống, vốn hiểu biết rộng rãi về con người, về tự nhiên và xã hội mà còn phải có óc sáng tạo, nhạy bén, luôn đi tìm cái mới thì hiệu quả giáo dục mới được đảm bảo, mới thực sự trở thành người thầy giỏi. Vì thế, Người mong muốn “giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”(6).

Trong bài phát biểu tại Lớp học Chính trị của giáo viên vào tháng 8/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu. Các cô, các chú phải thấy rõ trách nhiệm của mình” (7). Người căn dặn các thầy cô giáo: “Phải luôn luôn đặt câu hỏi: dạy ai? Nói chung là học trò. Dạy để làm gì? Dạy cho nó yêu nước , yêu nhân dân, yêu lao động, yêu chủ nghĩa xã hội, hay đào tạo thành một lũ cao bồi. Lúc đó mới tìm cách dạy. Về cách dạy thì quần chúng công nhân, nông dân, trí thức có nhiều kinh nghiệm. Giáo viên nên khêu gợi những kinh nghiệm để tìm cách dạy tốt. Không phải ngồi chờ Bộ Giáo dục nghĩ ra”(8).

Cũng trên nền tảng những phẩm chất cần có của người cán bộ cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức: “Có tài mà không có đức là hỏng, có đức mà chỉ i tờ thì dạy thế nào?”(9). Tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì thầy cô phải có đức, vì vậy các thầy cô giáo luôn phải gương mẫu. Đức và tài là một thể thống nhất, không thể tách rời cho nên người thầy phải rèn luyện cả đức và tài. Trong đó, phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, đức phải có trước tài, đạo đức là nền tảng để tài năng phát huy, toả sáng. Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý, con người ai cũng có điểm hay, điểm dở, có cái thiện, cái ác. Hai mặt này luôn luôn mâu thuẫn và đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh đó là “trường kỳ và gian khổ”. Do không chú ý điều này nên có người ở trong hoàn cảnh này thì tốt, nhưng sang hoàn cảnh khác không tiếp tục phấn đấu, rèn luyện lại rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất. Do đó, Người căn dặn việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của nhà giáo phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như đối với công việc, quan hệ đồng nghiệp, học trò, cha mẹ học trò, các tổ chức đoàn thể.

Song hành cùng đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến phương pháp nêu gương của giáo viên bởi “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin của cả một lớp người. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dặn dò các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo. Người thầy nêu gương rõ nét nhất khi luôn đi tiên phong trong việc tự học, tự nghiên cứu nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được phân công. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây không chỉ là một trong những đặc thù của người trí thức, mà còn là nhiệm vụ hàng đầu của trí thức, của nhà giáo - “chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Người thầy phải gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong mọi công việc của cơ quan, đơn vị, làm việc hết sức mình, làm việc chất lượng, làm việc có hiệu quả, có năng suất. Bên cạnh đó, người thầy phải xây dựng cho mình một phong cách sống khiêm tốn, giản dị, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, không ham danh lợi, chức quyền. Đồng thời phải tránh thái độ thờ ơ, vô cảm, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể.

Không chỉ nhấn mạnh việc xây dựng năng lực, phẩm chất của đội ngũ nhà giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, tương trợ. Từ quan hệ gắn bó giữa thầy với thầy, thầy với trò để đoàn kết toàn thể nhà trường thành một khối, phát huy cao độ tinh thần dân chủ, tạo nên sức mạnh, phát huy tính năng động, sáng tạo và đổi mới trong giáo dục. Người nói: “Trong trường cần có dân chủ, đối với mọi vấn đề thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có vấn đề gì đều thật thà phát biểu, điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt, dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò” (10). Đoàn kết của nhà giáo thể hiện qua việc trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy, phối hợp trong quản lí, giáo dục học trò, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Việc đoàn kết, nhất trí của nhà giáo phải trên cơ sở vì sự phát triển của nhà trường và nền giáo dục nước nhà; phải bằng những hành động thiết thực, chân thành “thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng"(11).

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã là nhà giáo thì phải yêu người, yêu nghề, yêu trường, yêu lớp, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề của mình”. Yêu nghề, yêu người là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, yêu thương học sinh như con, em ruột của mình, không thiên tư, thiên vị. Chỉ như vậy, các thầy, cô giáo mới đi tới sự đoàn kết thực sự, chung sức đồng lòng, vì tương lai của con em ta, dân tộc ta. Người cũng yêu cầu nhà giáo phải luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Nghề giáo là một nghề lao động khó nhọc, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, nhưng không phải là nghề có thu nhập cao. Vì vậy nếu không tha thiết với nghề sẽ bị dao động trước những khó khăn, thử thách. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đối với trường học thì học sinh cùng cán bộ và thầy giáo cần phải cùng nhau gian khổ xây dựng trường, cần kiệm quản lí trường; dù trong điều kiện khó khăn mấy cũng cố gắng quản lí trường cho tốt, học tập cho tốt”(12). Người cho rằng nhà giáo yêu nghề phải có tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa sự nghiệp giáo dục phát triển. Thực tế cho thấy, giáo dục Việt Nam đã từng trải qua những thời khắc hết sức khó khăn, gian khổ, thiếu thốn trăm bề, nhưng đội ngũ nhà giáo có quyết tâm cao, có tinh thần hi sinh gian khổ nên đã vượt qua được.

Ngày 16/10/1968, nhân ngày khai giảng năm học 1968 - 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới. Đây là bức thư cuối cùng Người gửi cho ngành giáo dục, dành riêng cho các nhà giáo, học sinh, sinh viên cả nước trước lúc đi xa. Trong thư, một lần nữa Người thể hiện niềm tin tưởng và hy vọng đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và đội ngũ những người thầy nước nhà: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang. Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”(13). Bức thư có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và to lớn không chỉ đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, mà cả đối với dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thầy, một nhà giáo dục vĩ đại. Cả cuộc đời, Người đã giáo dục, đào tạo biết bao thế hệ cán bộ quản lý, lãnh đạo, những chiến sĩ ưu tú cho cách mạng. Có thể thấy rằng, những tư tưởng về nghề giáo mà Người nêu ra mang ý nghĩa thời đại. Sức sống lâu bền của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chứng minh, những lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi đất nước đang trên đường hội nhập quốc tế, nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển thì vai trò của người thầy càng rất quan trọng và cùng với đó là yêu cầu đặt ra cho người thầy cũng ngày càng cao hơn về mọi mặt.

Hiện nay, cả nước đang tổ chức thực hiện “Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngành Giáo dục trong đó có đội ngũ giáo viên đã và đang tích cực hưởng ứng phong trào thiết thực này bằng việc thi đua dạy tốt, học tốt, đó là đòn bẩy cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Người thầy cần phải thường xuyên thi đua trong mọi lĩnh vực của công tác giáo dục, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những thời điểm khó khăn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đạt được mục tiêu cao cả mà nền giáo dục đã đề ra hướng tới xây dựng một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. CTQG, H.2011, tr.345.

2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb. CTQG, H.2011, tr.402, 403.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. CTQG, H.2011, tr.266.

9.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. CTQG, H.2011, tr.269.

6, 7, 8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. CTQG, H.2011, tr.268-270.

10.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. CTQG, H.2011, tr.266.

11.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb. CTQG, H.2011, tr.402.

12.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb.CTQG, H.2011, tr.214.

13.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb.

CTQG, H.2011, tr.508.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)