slider

VÀI CẢM NHẬN VỀ BA BÀI THƠ THẤT NGÔN TỨ TUYỆT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MÙA XUÂN 1968

22 Tháng 11 Năm 2010 / 11807 lượt xem
 
                                                                       Mai Lệ Huyền
                                                        Phòng Tuyên truyền – Giáo dục
 
Văn chương không phải là sự nghiệp chính của người chiến sĩ cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh nhưng trong quá trình hoạt động vì độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân Người đã thấy rõ sức mạnh của văn thơ là một trong những vũ khí quan trọng và cần thiết để tuyên truyền, động viên quần chúng làm nên sự thành công của cách mạng. Các nhà thơ xưa nay đều xem thất ngôn tứ tuyệt là thể thơ khó viết, cấu trúc chặt chẽ, ngôn từ hạn chế, thơ tứ tuyệt phải hàm súc, có chiều sâu tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác phần lớn các bài thơ của mình theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Thơ thất ngôn tứ tuyệt cña Ng­êi không những đáp ứng được đầy đủ “niêm luật” cùng những hạn chế khắt khe của nó, mà còn được công nhận như những thi phẩm bất hủ, hội đủ mọi phẩm chất tốt đẹp của thi ca truyền thống và hiện đại... Trong số những bài thơ tứ tuyệt mà người đọc có ấn tượng thì những bài thơ Người viết mùa xuân năm 1968 trong bối cảnh ở xa đất nước vừa mang ý nghĩa nghệ thuật, tinh thần cách mạng nhưng lại thắm đượm tình cảm của một tấm lòng yêu nước thương dân vô hạn.
Ngày 28/12/1967, tại nơi ở và làm việc của Người trong Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III. Sau khi phân tích tình hình trong nước và thế giới. Hội nghị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Nhờ có sự quyết tâm của Bộ Chính trị, tinh thần đoàn kết, nhất trí chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, cuộc Tổng tiến công đã có những thắng lợi bước đầu.
Những ngày Tết nguyên đán Mậu Thân - 1968, trong căn phòng nhỏ ở ngoại ô Bắc Kinh, Người luôn lắng nghe từng chi tiết và tổng kết tin chiến thắng của quân và dân ta từng giờ, từng ngày. Tuy không đón Tết trong nước, nhưng niềm vui của Bác Hồ Biểu hiện rõ trên khuôn mặt qua từng trận thắng và từng cử chỉ khi Bác chỉ các điểm, đánh dấu trên bản đồ. Vào 6 giờ sáng ngày 26/3/1968, Bác sáng tác bài thơ "Không đề". Người đã đọc từng câu, từng chữ đó cho đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng chép lại:
Đã lâu không làm bài thơ nào,
                                    Nay lại thử làm xem ra sao.
                             Lục khắp giấy tờ vẫn chưa thấy
                                    Bỗng nghe vần“thắng” vút lên cao!(1)
Có lẽ nguồn cảm hứng mãnh liệt để Người sáng tác những vần thơ ấn tượng ấy chính là những chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam. Những ngày Tết Mậu Thân 1968 đã gợi thơ cho Bác, cả hồn thơ, cảm hứng thơ, mạch thơ dồn tụ và vút cao trong chữ “thắng”. Đặc biệt, khi những vẫn thơ ấy được thể hiện theo thể thất ngôn tứ tuyệt thì dòng cảm xúc của Người càng được biểu đạt một cách chân thực và trào dâng trong niềm vui lâng lâng
Bác của chúng ta vĩ đại nhưng lại rất mực khiêm tốn, trong sáng và giản dị chính vì lẽ đó thơ của Người cũng vậy. Mỗi khi gặp sự kiện đáng nhớ Bác đều làm thơ: từ ánh trăng, dòng suối, nhành mai, hoàng hôn đến cảnh cùm chân, cảnh chia nước trong nhà lao, cảnh ghẻ lở, một cái răng rụng… khi Bác bị tù đày, chịu bao cực khổ và đến giờ khi đất nước đang hòa chung niềm vui chiến thắng Bác lại sáng tác những vần thơ đặc biệt theo thể thất ngôn tứ tuyệt để diễn tả cảm xúc của mình. Có rất nhiều nhà văn, nhà thơ và độc giả đánh giá những vần thơ Người viết trong giai đoạn này mang một tinh thần thép. Người ta vẫn nói, bài thơ nào của Hồ Chí Minh cũng có thép, chất thép cách mạng, chất thép chiến sĩ. Phải đặt bài thơ trong hoàn cảnh cảm hứng sáng tác tại thời điểm đó chúng ta mới nhận ra tinh thần thép ẩn sau mỗi câu thơ. Cho đến sau này, những vần thơ của Bác lại hướng nhiều đến miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên, xã hội và con người đó là những bài thơ của nhà cách mạng trong thời đại mới. Con người và thiên nhiên trong thơ của Bác tràn đầy lãng mạn, tuy nhiên cũng có khi thơ Bác còn thể hiện nhiều băn khoăn, trăn trở của những người rất bình thường. Chung quy thì những vần thơ đó cũng vì dân vì nước không màng chút riêng tư, danh lợi mà vẫn vận động khỏe khoắn hướng về ánh sáng của cách mạng.
Năm 1966, khi sức khỏe của Bác có phần giảm sút nhiều so với những năm trước, để giữ gìn sức khỏe các bác sĩ đã đề nghị Người không hút thuốc và không uống rượu. Đây quả là một việc làm không dễ vì Bác đã hút thuốc nhiều năm, điếu thuốc là người bạn cùng Bác chia sẻ vui, buồn những suy tư trăn trở qua bao năm tháng, nói bỏ không dễ bỏ ngay được. Bác cũng đã nhiều lần khuyên anh em nên bỏ thuốc lá và Bác cũng đề nghị giúp Bác bỏ tật xấu này. Thực hiện quyết tâm đồng thời ghi nhận về quá trình rèn luyện bản thân, Bác đã tự mình làm bài thơ “Nhị vật” viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt:
“Thuốc không rượu chẳng có mừng xuân.
                               Dễ khiến thi nhân hóa tục nhân,
Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt,
                              Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần.”(2)
Bài thơ cũng chính là “chiến công” thầm lặng của Người trong mùa xuân thắng lợi. Người quyết tâm từ bỏ những “thói quen thân thuộc” của mình sau rất nhiều năm gắn bó. Mỗi câu thơ ấy là những lời giãi bày, lời tự an ủi của Bác khi phải kiêng cữ để đảm bảo sức khoẻ. Để vơi đi nỗi nhớ nhung hai “người bạn” lâu năm ấy, Người đành thoả mãn gặp gỡ họ trong mộng. Đó cũng chính là một minh chứng cho sự quyết tâm, ý trí kiên trì của Bác.
Nhà văn Pháp Rôghết Đơnuyx đã viết: “…Thơ Hồ Chí Minh nói ít mà gợi nhiều. Là loại thơ có màu sắc thanh đạm, có âm thanh trầm lắng, không phô diễn mà như cố khép lại trong đường nét chính để người đọc được thưởng thức lấy lại cái “ý tại ngôn ngoại”; phải yên lặng một mình ngồi đọc thơ Người…phải thỉnh thoảng ngừng lại để suy nghĩ, mới cảm thấy hết những âm vang của nó, và nghe thấy những âm vang ấy cứ ngân dài mãi ra”.(3)
Cũng vẫn là thuốc và rượu nhưng ở bài thơ “Vô đề” bằng chữ Hán: 
                                    “Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,
                                    Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
                                    Một năm là cả bốn mùa xuân.”(4)
Là những bộc bạch tâm sự của mình nhưng cách vào đề của thơ Bác làm người đọc thấy gần gũi bởi những lời nói thông thường biểu đạt ý nghĩa lại rất tự nhiên chân thật. Đọc mỗi câu thơ chúng ta cảm thấy đang hòa quyện cùng những dòng cảm xúc, những tâm trạng lúc ẩn lúc hiện của Người. Có thể coi đây là những vẫn thơ tứ tuyệt cuối cùng mà Người viết trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Mỗi câu thơ mang đầy niềm tin tưởng, tươi sáng vào ngày mai, thuốc và rượu được nói đến ở bài thơ này như một cái cớ để nói đến tinh thần lạc quan. Bác dùng cảnh ngộ riêng của mình để hòa vào niềm vui chung rộng lớn. Chúng ta không những bắt gặp điều này ở những bài thơ vừa được nhắc đến mà ở bất cứ bài thơ tứ tuyệt nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta đều thấy biểu hiện một quy luật chung đó sự vận động từ thiên nhiên đến xã hội, hiện tại đến tương lai, từ cái riêng đến cái chung, từ gian khổ đến niềm vui thắng lợi. Và những bài thơ này không nằm ngoài quy luật ấy. Thường thì câu thơ kết trong mỗi bài thơ tứ tuyệt của Bác bao giờ cũng có một vị trí đặc biệt, nó không chỉ là phần cuối mà là phần cốt lõi của bài thơ. “Một năm là cả bốn mùa xuân”, câu thơ như một lời tuyên bố hào hùng thể hiện niềm vui lớn lao nhưng cách thể hiện lại rất khiêm tốn, không khoa trương… Người dùng “xuân” cho bốn mùa để thể hiện sự trẻ trung tưng bừng của đất nước, con người đang hòa với niềm vui chiến thắng. Bởi vậy mà câu thơ gây ấn tượng mạnh tới người đọc không chỉ bởi cùng chung một tâm trạng cảm xúc mà còn bởi sự diễn tả mộc mạc chân thành đầy chất sáng tạo của người làm nên những vần thơ ấy. Chất liệu của sự thành công trong mỗi vần thơ tứ tuyệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính bởi sự bình dị, mộc mạc mang phong vị thơ ca dân gian truyền thống phù hợp với tâm hồn tình cảm của người dân Việt Nam cho dù được thể hiện dưới nhiều hình thức, thể thơ khác nhau. Bên cạnh đó, mỗi lời thơ ấy lại có tác dụng như những lời tuyên truyền, động viên, kêu gọi tình đoàn kết, nhất trí một lòng trong sự nghiệp đấu tranh để thống nhất Tổ quốc.
Đọc những vần thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh, chúng ta luôn thấy hiện lên trong mỗi câu từ là tư tưởng, tình cảm, tâm sự của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng và có thể hình dung nụ cười rạng rỡ với sức lan tỏa kỳ diệu của một nhà văn hoá lớn. Thơ của Ng­ười luôn chứa đựng tinh thần lạc quan yêu đời, tính nhân văn sâu sắc, bởi vậy nội dung thơ gắn bó với cuộc sống của nhân dân, ý tưởng chợt đến một cách rất tự nhiên, bừng sáng trong giây phút ngẫu hứng. Đó chính là điều kỳ diệu, là vẻ đẹp của thơ ca Hồ Chí Minh.
 
(1) Không đề, Hồ Chí Minh thơ và những lời bình, Nxb Văn học, H.2000, tr43
(2) Nhị vật, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, T4, tr335-336
(3) Vô đề, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, T4, tr340-341
(4) Văn thơ Hồ Chí Minh, Nxb KHXH, H.2000, tr135

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)