slider

Vài suy nghĩ về công tác bảo quản ngôi Nhà sàn gỗ

19 Tháng 09 Năm 2011 / 1966 lượt xem
Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phòng Bảo quản Di tích
 
Nửa thế kỷ trôi qua, ngôi Nhà Sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch - một di sản văn hoá lịch sử - vẫn được bảo quản, lưu giữ nguyên trạng như những ngày cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc giữa lòng Hà Nội. Ngay từ lúc Bác đi xa,  39 năm qua công tác bảo vệ, bảo quản các di tích, các tài liệu hiện vật  tại Khu di tích Phủ Chủ tịch luôn được xác định là khâu công tác quan trọng trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị. Hiện nay công tác này lại càng có điều kiện thực hiện tốt hơn cùng với những phương tiện khoa học kỹ thuật để gìn giữ di tích được lâu dài. Bài viết này với mong muốn được trao đổi phương pháp bảo quản và trong tương lai có thể từng bước tháo gỡ những bất cập bảo quản di tích nhà Sàn gỗ của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
1. Bảo tồn di tích ngoài trời là việc khó, cần phải quan tâm đến các yếu tố, những nguyên nhân biến đổi huỷ hoại di tích và có qui trình xử lý.
+ Có nhiều nguyên nhân dẫn tới làm thay đổi hoặc huỷ hoại di tích:
               *. Vị trí và khí hậu
               *. Tác động của động vật và thực vật
               *. Thiên tai, mưa bão, ánh sáng, độ ẩm…
     *. Sự tự huỷ hoại do thời gian.
     *. Tác động của con người
+ Công tác bảo quản di tích ngoài trời với yêu cầu bảo tồn nguyên trạng là công việc vô cùng khó khăn. Biện pháp bảo quản phòng ngừa luôn được đặt lên hàng đầu, đó là biện pháp thích hợp trong công tác bảo quản vì tiết kiệm được kinh phí vừa gìn giữ lâu dài tài liệu, hiện vật và di tích, nhưng cũng đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề kỹ thuật rất phức tạp, còn bảo quản xử lý chỉ trong trường hợp bất khả kháng.
           Để bảo vệ cây và nhà di tích không bị ảnh hưởng của mùa mưa bão, Khu di tích đã triển khai chống bão bằng hệ thống dây chằng và tỉa cành. Đối với những ngày mưa, bão xung quanh nhà Sàn gỗ được buông mành, căng bạt tránh mưa bắt vào phần gỗ, sàn nhà và chằng dây chống bão 4 góc nhà có tác dụng chống bão và giảm được sự biến dạng của di tích.
Các nguy cơ cháy là rất cao đối với những ngôi nhà gỗ, bởi chúng được xây dựng bằng các chất liệu dễ cháy và do con người (sự phá hoại, sự cẩu thả) cùng nhiều nguyên nhân khác. Để ngăn ngừa mối hiểm hoạ này cho tới nay Khu di tích đã đầu tư trang thiết bị hiện đại như: lắp đặt hệ thống thiết bị báo cháy, chống cháy tự động, thành lập đội phòng cháy chữa cháy gồm các cán bộ ở các phòng, tập huấn biết sử dụng các phương tiện chữa cháy để có thể sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống khi cần.
Từng di tích có sổ nhật ký theo dõi ghi chép nhiệt độ, độ ẩm, tình trạng xuống cấp di tích qua đó kiểm tra tu sửa kịp thời và đề xuất kế hoạch tu bổ hàng năm.
2. Mỗi di tích có chu kỳ phát triển riêng do bị lão hoá của những vật liệu xây dựng nó. Hàng năm Khu Di tích có kế hoạch tu bổ định kỳ với các biện pháp xử lý về vật liệu, thành phần và gia cố di tích đảm bảo cho nó tồn tại lâu dài. Việc kéo dài chu kỳ này tuỳ thuộc vào vị trí và đặc điểm sử dụng của từng di tích cụ thể. Để xác định tình trạng di tích cần phải nghiên cứu khoa học về các yếu tố tác động đến di tích nhằm có được giải pháp và yêu cầu: 
-       Tính nguyên gốc
-       Tính xác thực
-       Tính tiêu biểu.
         Về bảo quản xử lý chỉ can thiệp mức tối thiểu nhất cho phép theo phương châm hỏng đâu sửa đấy, duy trì lâu dài di tích là chính, những bộ phận riêng bị hỏng thay thế rất hạn chế nếu không tuyệt đôí cần thiết. Chẳng hạn nứơc mưa và nước ngầm ngấm vào đất gây nhiều bất lợi cho nền và móng công trình tạo cho nấm mốc phát triển. Với cấu tạo mặt nền, sàn bao gồm: lớp mặt, lớp chống thấm, lớp vữa đệm khi bị ẩm ướt gạch và vữa dễ bị mủn theo thời gian do đó nước ngầm đã thẩm thấu lên phía trên bục bệ ngồi. Chúng tôi đã phối hợp với xí nghiệp 559- Tổng cục hậu cần lựa chọn các giải pháp kỹ thuật: Gia cố đục bỏ từng lớp nền, đổ lớp bê tông sỏi cốt thép (M200) cho di tích bền vững đủ sức chịu đựng sự phá hoại của thiên nhiên tạo điều kiện cho di tích tồn tại lâu dài.
Di tích nhà Sàn chủ yếu là vật liệu gỗ, một dạng vật chất có cấu tạo chủ yếu các thành phần cơ bản như: xenluloza (40-50%), hemixenluloza (15-25%), lignin (15-30%) và một số chất khác. Nhược điểm thường chịu tác động lớn của độ ẩm, nhiệt độ môi trường. Điều kiện tự nhiên của Khu di tích rất thuận lợi cho mối phát triển. Do vậy công tác bảo quản luôn phải thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, phát hiện mối để kịp thời xử lý. Một số cột gỗ của ngôi nhà Sàn ở những phần tiếp xúc với sàn, nước mưa đã bị mối xâm nhập, thời gian trước biện pháp chính là dùng hoá chất xua đuổi hoặc thử nghiệm phương pháp lây nhiễm, nhưng đều không đạt yêu cầu. Những năm gần đây Trung tâm nghiên cứu phòng trừ mối – Bộ Thuỷ lợi đã nghiên cứu thành công nhiều phương pháp phòng trừ mối bằng công nghệ cao và đã có hiệu quả.
         Với điều kiện khí hậu đã làm cho vecni của ngôi nhà bị biến màu nhanh chóng. Mỗi năm ngôi nhà đánh vecni một lần để bảo quản gỗ. Từ năm 1994 đã sử dụng loại sơn vecni chịu được nhiệt và tạo lớp màng phủ bảo vệ không thấm nước góp phần bảo quản gỗ tốt hơn. Mặc dù trong những lần tu sửa này đã sử lý làm giảm độ bóng và màu, nhưng nhìn ngôi nhà “vẫn mới so với thời gian tồn tại” mặc dù đáp ứng được yêu công tác bảo quản nhưng lại chưa phù hợp với màu sắc của thời gian Có ý kiến cho rằng: “ không nên đánh vecni gỗ, nên để màu gỗ tự nhiên, đây cũng là ý kiến cần nghiên cứu làm sao vẫn bảo quản được gỗ lại giải quyết được vấn đề kỹ thuật. Năm 2007 trong quá trình tu bổ Khu di tích đã bảo quản bằng loại vecni không bóng trả lại màu gỗ của ngôi nhà.
           Từ những công việc thực tế, trước khi có một quyết định về bảo tồn đều phải đưa ra xem xét điều kiện, tình trạng xuống cấp của di tích và lý do tại sao nó được bảo tồn. Trong quá trình tu bổ, chống xuống cấp di tích luôn cần phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích được thực hiện theo các bước sau:
-       Nghiên cứu, khảo sát hiện trạng, đo, vẽ, chụp ảnh hiện trạng.
-       Lập phương án, lập dự toán.
-       Phê duyệt- Tổ chức thi công.
       -    Lập hồ sơ thi công, lập nhật ký thi công.
-       Nghiệm thu từng bước và tổng nghiệm thu.
-       Hoàn chỉnh hồ sơ tu bổ.
3. Bảo tồn nguyên gốc di tích là yêu cầu hết sức khó khăn đối với công tác bảo quản di tích hiện nay. Qua tình hình thực tế công tác bảo quản vẫn còn đặt ra nhiều câu hỏi bởi khoảng cách giữa nguyên tắc và thực tiễn , giữa bảo quản và phát huy tác dụng thực sự là một vấn đề cần tháo gỡ.
     Để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, từ 15-2-1977 hệ thống cầu thang sắt phía sau Nhà sàn đã được dựng lên với mục đích khách tham quan có thể qua cầu thang sắt này thăm được tầng 2 nhà Sàn tránh cho ngôi nhà bị xuống cấp bởi ảnh hưởng trọng tải và dao động lớn của dòng người. Theo thống kê đón khách của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 39 năm qua đã đón được gần 50 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Như vậy độ rung do tiếng ồn, khí thở của con người gây ra cũng có thể làm hư hại hiện vật. Hiện nay nhiều chi tiết, bộ phận sắt thép của cầu thang bị ăn mòn, han gỉ đã được sửa chữa nhiều lần và không đáp ứng nổi trọng tải của lượng khách tham quan. Nên cần có kế hoạch bảo quản lâu dài, cải tạo hoặc làm mới để phù hợp và đáp ứng với lượng khách tham quan ngày một tăng.
        Hiện nay việc sử dụng hệ thống chiếu sáng dân dụng cho di tích và hiện vật trưng bày không đảm bảo an toàn cho hiện vật. Nếu chiếu sáng những điểm nhấn như trưng bày trong bảo tàng e rằng khách tham quan không nhận biết được đầy đủ ý nghĩa của hiện vật, vì đây là di tích lịch sử lưu niệm thuộc loại hình bảo tàng lưu niệm sinh hoạt đời sống danh nhân.Việc hạn chế ánh sáng trời và tăng ánh sáng nhân tạo để đạt được yêu cầu của ánh sáng trưng bày sẽ phải can thiệp đến kiến trúc. Như vậy sẽ phá vỡ tính nguyên trạng của di tích. Cần nghiên cứu đưa ra giải pháp về kỹ thuật lắp đặt hệ thống chiếu sáng trưng bày trong nhà di tích.
          Việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo quản thì cần phải có đội ngũ cán bộ bảo quản được đào tạo, bồi dưỡng theo hướng cơ bản về khoa học bảo quản ( kỹ thuật bảo quản từng chất liệu, tu sửa, phục chế, trùng tu….) có đủ trình độ và những kinh nghiệm nhất định đáp ứng được yêu cầu khó khăn và cấp thiết này.
          Công tác bảo quản luôn bị áp lực về thời gian. Ngoài công việc bảo quản thường xuyên phục vụ đón khách tham quan 365 ngày/năm, vì vậy thời gian chuyên tâm vào nghiên cứu bảo quản rất ít. Bên cạnh đó để bảo quản tốt đòi hỏi có sự dày công nghiên cứu và sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn đề xuất các vấn đề nghiên cứu để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
          Mỗi cán bộ bảo quản cần nắm vững kiến thức về bảo tàng, lòng say mê, tính kiên nhẫn, “hiểu rõ” di tích mình đang bảo quản và quá trình triển khai cần được tiến hành thận trọng từng bước đó là những yếu tố không thể thiếu trong công tác bảo quản.
         Nhìn lại chặng đường đã qua, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ vừa bảo quản tốt di tích và các tài liệu hiện vật, lại vừa phải mở cửa phục vụ khách tham quan ngày một đông thì vấn đề áp dụng các kỹ thuật và công nghệ mới là một điều kiện không thể thiếu được.
   Các di tích về Người đã trở thành nơi để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về thăm và là nơi tâm linh để mọi thế hệ người Việt Nam cháu con tưởng nhớ hướng về cội nguồn dân tộc. 39 năm qua công việc bảo quản giữ gìn di tích nhà Sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch được các thế hệ kế tiếp hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có nhiều bức xúc, trăn trở, cần phải trao đổi, nghiên cứu để có các giải pháp hữu hiệu hơn cho sự nghiệp giữ gìn lâu dài di tích nhà Sàn gỗ nói riêng trong di sản của Người để lại nói chung./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)