slider

VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC BẢO TỒN CẢNH QUAN, MÔI TRƯỜNG DI TÍCH NHÀ SÀN BÁC HỒ

15 Tháng 09 Năm 2011 / 3209 lượt xem
ThS. Nguyễn Anh Minh
                                      PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Không gian, cảnh quan, môi trường của mỗi một di tích có vị trí và vai trò rất quan trọng trong tổng thể của di tích, đó là một phần không thể thiếu, tạo nên nét đặc trưng và giá trị của mỗi di tích nói chung và di tích lịch sử văn hoá nói riêng. Đối với di tích nhà sàn Bác Hồ -  một di tích đặc biệt trong tổng thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, không gian, cảnh quan, môi trường là một bộ phận vô cùng quan trọng và không thể tách rời. Đây cũng chính là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên cảnh quan đặc trưng độc đáo, những giá trị và những nét đẹp sinh động trong bức tranh toàn cảnh về di tích nhà sàn Bác Hồ. Ao cá, vườn cây, đường xoài, những cây dừa trước nhà sàn, cây vú sữa miền Nam, cây bụt mọc, cây đa kiên trì, hàng cây phượng vĩ v.v.., từ lâu đã trở thành những hình ảnh thân thuộc trong ký ức mỗi người Việt Nam và du khách quốc tế mỗi khi đến thăm di tích nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Di tích Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nằm trong một không gian, cảnh quan và môi trường hài hoà, có hồ nước, thảm cỏ, vườn cây với đủ loài khác nhau: cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ.v.v.., phát triển bên nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình. Khi đến thăm di tích nhà sàn Bác Hồ, điều đầu tiên mà chúng ta sẽ cảm nhận được đó là việc Bác Hồ sử dụng và cải tạo thiên nhiên thành một môi trường sống hài hoà và qua đó chúng ta càng hiểu thêm về nhân cách, lối sống của Người. Thủ t­ướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác từ nhiều năm nay nhiều ngư­ời ở nư­ớc ta và trên thế giới đã biết và xúc động lúc viếng thăm nhà sàn ấy. ở đây, Hồ Chí Minh đã sống với thiên nhiên. Đây không chỉ là khung cảnh mà còn là lối sống đem lại những niềm vui quí báu đối với con ng­ười và cái xã hội văn minh ngày nay hầu nh­ư muốn tư­ớc đoạt với những thành phố khổng lồ, những ngôi nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi, trong đó có những thứ không cần thiết, môi tr­ường bị ô nhiễm, phá hoại thiên nhiên và nguy hại cho con người”(1) .
Một trong những yếu tố hết sức quan trong tạo nên cảnh quan không gian Khu di tích nhà sàn là vườn cây xanh với nhiều loài đa dạng và phong phú. Trước khi Bác về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, Khu vườn ở đây không phải là một vườn cây tươi tốt và có nhiều loại cây như bây giờ. Sau khi Bác về ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, những khoảng đất xung quanh nhà sàn được dần dần cải tạo thành khu vườn trồng rau, trồng cây ăn quả (vú sữa, dừa, vải, nhãn, bưởi, cam, táo hồng…) và các loài hoa (Nhài, mộc, dâm bụt, phong lan...) và một số loài cây khác (cây xanh bốn mùa, cây bụt mọc...), bên cạnh việc trồng thêm các cây mới, những cây có từ trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch vẫn được giữ nguyên và phát triển tốt.
Cây trong vườn Bác Hồ gồm rất nhiều loài, tạo thành một hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng, làm nên cảnh quan đẹp, giản dị. Toàn bộ vườn cây có 1271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật, có 78 cây có nguồn gốc trong nước và 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài, có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh, có nhiều cây to lớn với tuổi thọ hàng trăm năm. Nhiều cây không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, gắn với quê hương đất nước, gắn với tình đồng chí, bè bạn quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc. Có cây Bác tự tay trồng và chăm sóc, cây Bác đặt tên, có cây Bác mang từ nước ngoài về, cây đồng bào trong nước gửi tặng v.v.., mỗi cây đều chứa đựng những kỷ niệm sâu sắc về Người.
Để phát huy hiệu quả không gian cảnh quan môi trường xung quanh di tích nhà sàn trước hết phải bảo tồn cây xanh trong khu vực không gian xung quan nhà sàn. Đây là yếu tố vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo tính nguyên gốc của không gian cảnh quan di tích, một phần không thể thiếu đối với di tích nhà sàn. Nhất là những cây xanh di tích gắn liền với Bác Hồ, những cây di tích không chỉ tạo ra không gian, cảnh quan hấp dẫn, mà còn mang ý nghĩa, gắn liền với những bài học sâu sắc về tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Trải qua hơn 40 năm, không gian, cảnh quan nhà sàn Bác Hồ, nhất là cây xanh di tích vẫn được bảo tồn gần như nguyên gốc, song để không gian và cảnh quan đó được bảo tồn lâu dài trong thời gian tới là một vấn đề rất khó khăn, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm mưa như nước ta là điều kiện thuận lợi cho sâu, bọ, mối, mọt phát triển xâm hại đến cây di tích. Bên cạnh đó theo quy luật của tự nhiên, mọi vật, hiện tượng đều có quá trình sinh truởng phát triển và diệt vong, cây xanh cũng nằm trong quy luật khắc nghiệt đó. Vì thế, bên cạnh việc chăm sóc theo cách thông thường, thì phải có kế hoạch lâu dài để bảo tồn và thay thế những cây đã bị hư hại hoặc bị chết. Một vấn đề đặt ra đầu tiên đó là phải xây dựng hồ sơ khoa học cho các cây trong tổng thể Khu di tích, nhất là những cây di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ sơ khoa học của cây di tích cũng được xây dựng như hồ sơ khoa học với những tiêu chí nội dung của một hiện vật bảo tàng, bên cạnh đó cũng cần bổ sung thêm những thông tin cần thiết khác liên quan đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây và những yếu tố tác động đến sự phát triển của cây như: chế độ dinh dưỡng, chất đất,… Đồng thời, một trong những yếu tố cũng rất cần thiết đó là để bảo tồn không gian cây xanh của Khu di tích nhà sàn phải tiến hành xây dựng bản đồ định vị và bản đồ xác định loài cây đối với từng cây trong khu di tích. Điều này sẽ giúp cho việc bảo tồn tính nguyên gốc của không gian các cây di tích, khi tiến hành việc thay thế khi cần thiết. Bên cạnh đó cần phải xây dựng vườn ươm để bảo tồn những cây trồng trong không gian di tích, nhất là cây cùng loại với cây di tích để có thể thay thế khi cây bị hư hại. Trước đây, Khu di tích cũng đã có một vườn ươm với quy mô nhỏ, chủng loại còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài. Vì vậy muốn bảo tồn lâu dài cảnh quan môi trường theo đúng nguyên tắc của bảo tồn, thì phải xây dựng lại một vườn ươm với quy mô lớn hơn (vườn ươm có thể xây dựng ở một nơi nào đó ngoài di tích) với những loài cây vốn có trong không gian cảnh quan khu di tích nhà sàn như dừa, vú sữa, cây xanh bốn mùa; các loại hoa như: hoa nhài, hoa sói, hoa mộc, dạ hương v.v.. Cây phải được lựa chọn tốt tránh mầm sâu bệnh, đồng thời việc chăm sóc, bảo tồn vườn ươm phải kết hợp với các cơ quan nghiên cứu lâm nghiêp, nông nghiệp, hội làm vườn. Đồng thời phải có chế độ chăm sóc và cắt tỉa cây sao cho hình dáng giống với những cây di tích, để khi thay thế không làm thay đổi cảnh quan và môi trường vốn có của di tích nhà sàn, đảm bảo về nguyên tắc khoa học của công tác bảo tồn di tích. Bên cạnh đó cần đầu tư khoa học kỹ thuật cho việc chăm sóc vườn cây, đồng thời tiến hành những lớp bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ những người chăm sóc vườn cây, sao cho việc nghiên cứu các giống cây nhất là những giống cây di tích và việc tiến hành chăm sóc cây được đảm bảo đúng quy trình và hơp lý.
Bên cạnh không gian cây xanh, Ao cá Bác Hồ là một một phần không thể thiếu khi nói đến không gian cảnh quan nhà sàn Bác Hồ. Ao cá Bác Hồ không chỉ mang những giá trị về lịch sử văn hoá, gắn với cuộc sống đời thường và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Cụm từ “Nhà sàn Ao cá Bác Hồ ”đã trở nên quen thuộc và gần gũi đối với mỗi du khách đến thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.Ao cá Bác Hồ còn tạo nên một nét đặc thù riêng có trong không gian cảnh quan nhà sàn Bác Hồ, tạo ra một điểm nhấn làm tôn nên nét đẹp trong không gian cảnh quan môi trường nơi ở và làm việc của Người. Trong suốt những năm qua, sự tác động của điều kiện môi trường, địa chất, sự bồi lắng của phù sa ít nhiều cũng ảnh hưởng đến kết cấu về địa chất, cũng như môi trường nước của Ao cá Bác Hồ. Để bảo tồn nguyên trạng cảnh quan di tích Ao cá Bác Hồ trước hết cần phải có các biện pháp duy trì sự sinh trưởng phát triển của đàn cá. Để thực hiện điều đó cần phải tiến hành khảo sát định kỳ trên cơ sở kết quả khảo sát để đánh giá phân tích như: về mật độ đàn cá, lượng ô xy trong nước, từ đó đưa ra những giải pháp thích hợp để bảo tồn Ao các Bác Hồ một cách khoa học theo nguyên tác bảo tồn. Bên cạnh đó cũng thường xuyên tiến hành các biện pháp tu bổ định kỳ và áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật để tiến hành việc tu bổ như: nạo vét bùn, chống sự sạt lở, xói mòn v.v.. Trong suốt những năm qua, Ao cá Bác Hồ đã nhiều lần tiến hành tu bổ. Từ khi Bác đi xa đến nay, ao cá đã trải qua 6 kỳ tu bổ (định kỳ 5 năm một lần) theo phương pháp truyền thống gồm những công đoạn khá phức tạp, vất vả và tốn kém như: đánh bắt cá chuyển sang trại cá Đình Bảng - Bắc Ninh; tát cạn nước trong ao; vét sạch bùn đáy ao; xử lý đáy ao nước, ngâm đáy ao; tát cạn, cho nước mới; vận chuyển cá trở lại, huấn luyện cho cá trở lại cầu ao. Năm 2008, được sự giúp đỡ của các công ty của Cộng hoà Liên Bang Đức, “Ao cá Bác Hồ” được cải tạo bằng kỹ thuật và phương pháp mới, tiên tiến, gọn nhẹ và tiết kiệm. Đó là việc sử dụng công nghệ hút bùn làm giàu ôxy được áp dụng rộng rãi ở các nước Châu Âu, giúp bỏ qua được nhiều công đoạn mà không ảnh hưởng đến đàn cá, đặc biệt là khách vẫn có thể tham quan bình thường.            
Một trong những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn không gian cảnh quan của khu di tích nhà sàn đó là không gian và các công trình kiến trúc xung quanh khu vực nhà sàn nhất là khu vực phía Tây và Tây Bắc gần Trung đoàn 275 (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh), C2 thuộcTrung đoàn 600 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) và khu dân cư (rất gần với không gian Nhà sàn Bác Hồ). Trong những năm gần đây một số công trình kiến trúc của các đơn vị và nhà dân mọc lên, tuy chưa tác động trực tiếp, nhưng xét về tổng thể thì đã có ảnh hưởng đến sự hài hoà trong không gian kiến trúc nhà sàn Bác Hồ. Vì vậy, đã đến lúc Khu di tích cần phải phối hợp với Sở Quy hoạch, Kiến trúc thành phố Hà Nội và Cục di sản văn hóa, đề xuất phương án quy hoạch tổng thể khu vực không gian nhà sàn nhất là khu vưc phía Tây và Tây Bắc. Đây là một vấn đề rất lớn và khó khăn đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và cấp chính quyền địa phương.
Có thể khẳng định rằng Không gian, cảnh quan, môi trường của di tích nhà sàn không chỉ tạo ra một môi trường sinh thái đặc trưng và hấp dẫn đối với khách tham quan, mà còn gắn liền với những bài học sâu sắc về tấm gương đậo đức của Người. Không gian, cảnh quan, môi trư­ờng di tích nhà sàn Bác Hồ chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn cao cả, những ý nghĩa, thông điệp sâu xa và những bài học sâu sắc về tình yêu thiên nhiên của Bác, về những bài học ứng xử với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống, xây dựng một môi trường sống tốt đẹp trong nhân dân, góp phần không nhỏ trong sự nhận thức về môi tr­ường sống của các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, việc bảo tồn không gian cảnh quan môi trường di tích nhà sàn Bác Hồ là rất cần thiết, bởi Khu di tích nhà sàn Bác Hồ là một di tích đặc biệt của quốc gia nằm trong trung tâm Chính trị của Đất nước, nơi gắn liền với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.
 
Chú thích
(1)   Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư t­ưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, H.2008, tr.31

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)