slider

VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC GẮN BIỂN GIỚI THIỆU CÂY DI TÍCH TRONG KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

02 Tháng 11 Năm 2011 / 2247 lượt xem
Nguyễn Thị Lệ Thủy
Phòng Tuyên truyền – Giáo dục
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài kính yêu của dân tộc Việt Nam đã đi xa 42 năm, nhưng mỗi ngày hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước vẫn vào thăm nơi ở và làm việc của Người tại Khu di tích Phủ Chủ tịch, để được tận mắt thấy và cảm nhận về không gian nơi có ngôi nhà sàn đơn sơ mộc mạc cùng vườn cây, ao cá mang tên “Bác Hồ”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy tác dụng giá trị Khu di tích Phủ Chủ tịch, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cơ quan tiếp quản Khu lưu niệm về Người đã tiến hành thống kê, ghi chép, định vị và đánh số kiểm kê bước đầu cho các tài liệu, hiện vật và các di tích ngoài trời, trong đó có hệ thống cây di tích. Các cây di tích đã được gắn biển giới thiệu tên, nhưng cùng với thời gian và mức độ phong hóa của tự nhiên nên đến nay hệ thống biển giới thiệu cây di tích đã bị xuống cấp, hư hỏng và hao hụt dần, gần như không còn nữa. Điều này gây khó khăn cho các đối tượng khách thăm quan trong việc nhận biết tên của các loài cây trong vườn Bác.
Theo kết quả điều tra đánh giá hệ thống cây xanh trong Khu di tích Phủ Chủ tịch, toàn bộ khu vườn có 1.606 cá thể cây các loại của 161 loài, thuộc 54 họ thực vật. Trong đó có: 1.271 cây thân gỗ và 335 cây thân bụi. Cây thân gỗ lớn: 49 loài; cây thân gỗ nhỡ: 35 loài; cây thân gỗ nhỏ: 26 loài; cây thân cột (cau, dừa): 21 loài; cây thân bụi, cây cảnh trang trí: 29 loài; cây thân leo: 8 loài v.v.. Hệ thống cây xanh trong khu di tích là một sưu tập có giá trị lịch sử, văn hóa và mang tính nhân văn vô cùng sâu sắc. Cây trong vườn Bác đa dạng, phong phú. Nhưng thú vị hơn, mỗi loài hoa ẩn chứa một câu chuyện, mỗi thân cây đều lưu giữ những kỷ niệm về Người.
Những ngày Bác sắp đi xa, cây vú sữa miền Nam đã cao quá tầm mái nhà sàn Bác ở và tỏa bóng mát cho mỗi giấc ngủ trưa của Người. Vào những đêm đông gió bấc, hai cây dừa trước nhà sàn vẫn xào xạc trong gió làm lòng Bác càng thêm da diết nhớ miền Nam. Mỗi người dân miền Nam đều có mong muốn được ra Bắc để được về bên Bác, được sống trong tình yêu thương của Bác cho thỏa nỗi mong nhớ Người. Cây đa Kiên trì với bài học về sự quyết tâm và lòng kiên trì vượt qua gian khó, cây xanh bốn mùa với bài học về tình yêu thương đối với con người, cây Bụt mọc cho ta bài học về lòng bao dung độ lượng và cách giáo dục cán bộ, những cây xoài cổ thụ xen lẫn nhiều gốc xoài miền Nam gợi ta nhớ bài học Bác nhắc nhở về việc phải biết quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ để kế nhiệm…vv. Trên đường vào thăm quan các điểm di tích tại Phủ Chủ tịch, du khách được chiêm ngưỡng những cây xà cừ cổ thụ hàng trăm năm tuổi sừng sững cùng thời gian, hàng cau vua cao vút thẳng đứng chạy dài uy nghiêm càng tăng thêm vẻ đẹp trang trọng cho khu vườn, những cây săng xanh thân to xù xì cổ kính, cây bằng lăng nở rộ những cánh hoa tím ngắt và phượng vĩ cũng đua sắc rực đỏ cả một vùng trời khi vào mùa hạ. Cây vú sữa miền Nam vẫn lặng lẽ bên cạnh ngôi nhà sàn gỗ. Trong mảnh vườn nhỏ trước nhà sàn, vẫn còn đó các loại cây ít phải thay thế trong năm nhưng vẫn có hương thơm suốt bốn mùa mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc anh em làm vườn nên trồng để người lao động đỡ vất vả và đỡ tốn tiền bạc của nhân dân.
Giờ đây dù Bác đã đi xa, nhưng những cây nhài, cây sói, cây mộc, cây dạ hương, cây duối trước Nhà sàn gỗ và hàng trăm cây bóng mát, cây ăn quả, cây lưu niệm trong vườn Khu di tích vẫn được duy trì chăm sóc bởi những đôi bàn tay tận tụy và trái tim luôn yêu kính Người.
Khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người, mỗi người dân trong nước và bè bạn quốc tế đều không khỏi bùi ngùi xúc động và ngưỡng mộ sâu sắc trước con người vĩ đại mà vô cùng bình dị: Hồ Chí Minh - người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Quần thể khu di tích tại Phủ Chủ tịch là di sản vô cùng quý giá Người để lại cho dân tộc Việt Nam, cho các thế hệ người Việt Nam và nhiều bạn bè tiến bộ trên thế giới. Nơi đây ẩn chứa nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện lịch sử với biết bao kỷ niệm vô cùng sâu sắc liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cảnh sắc thiên nhiên nơi này thật yên bình, tao nhã và gần gũi. Cây trong vườn Bác đẹp và nhiều ý nghĩa là vậy, nhưng các đối tượng khách đến đây tham quan, học tập và nghiên cứu vẫn chưa được biết tên gọi của các loài cây.
Thiết nghĩ, cùng với việc gắn biển chú thích cho các điểm di tích chính như Nhà 54, Nhà bếp, xe ô tô… thì việc làm biển cho các cá thể cây di tích cũng rất cần thiết và không kém phần quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, chúng tôi đã khảo sát thực trạng biển giới thiệu cây di tích hiện nay và xác định rõ nguyên nhân gây nên sự hư hại, xuống cấp của các biển cây ngoài trời. Đồng thời, chúng tôi cũng đã tiến hành xác minh, lập bảng thống kê toàn bộ cây di tích và cây lâu năm cần được gắn biển giới thiệu tên gọi thông thường và tên khoa học.
Cây di tích được gắn biển giới thiệu tên gọi thông thường và tên khoa học, sẽ giúp du khách trong và ngoài nước hiểu biết đầy đủ hơn về cảnh quan môi trường nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho hướng dẫn viên của các công ty du lịch nắm được thông tin chính xác, tránh những sai sót đáng tiếc trong quá trình giới thiệu cho khách tham quan tại Khu di tích.
Cây di tích được gắn biển là một phần cơ sở khoa học cho nhiều thế hệ cán bộ làm công tác bảo quản, duy trì cảnh quan, sưu tầm, thuyết minh tại Khu di tích Phủ Chủ tịch và các nhà nghiên cứu khoa học trong những lĩnh vực liên quan có thể nghiên cứu, tìm hiểu, tham khảo và đối chiếu trong quá trình làm dự án hoặc đề tài khoa học. Với một hệ thống biển giới thiệu tên cây cụ thể, phong phú, Khu di tích Phủ Chủ tịch sẽ là địa chỉ được nhiều nhà trường chọn làm nơi tổ chức các lớp học ngoại khóa sinh động cho thiếu niên, nhi đồng, cho học sinh, sinh viên Thủ đô và nhiều tỉnh thành lân cận tìm hiểu, nghiên cứu về hệ thực vật phong phú v.v.. Công việc này thể hiện tính khoa học, tính chính xác và tính chuyên nghiệp cao trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Góp phần hoàn thiện công tác bảo tồn, bảo tàng và phát huy tác dụng Khu di tích tại Phủ Chủ tịch nói chung và hệ thống cây di tích nói riêng. Ngoài ra, những chiếc biển giới thiệu tên cây có kiểu dáng đẹp, kích thước và màu sắc thích hợp sẽ tăng thêm vẻ đẹp và sự trang nghiêm cho cả hệ thống di tích ngoài trời.
Qua việc khảo sát một số biển cây còn sót lại, chúng tôi xác định: Biển gắn lên thân cây được làm bằng chất liệu sứ tráng men rất dễ bị vỡ (do con người hoặc sự phong hóa của tự nhiên gây nên). Mặt khác, chất liệu bằng sứ có trọng lượng nặng hơn các chất liệu khác, nên khi bắt vít vào thân cây dễ bị vỡ và lỏng vít. Biển chú thích có hai kiểu dáng và kích cỡ khác nhau: hình bầu dục (10cm x 15cm) và hình tròn (f 10cm), kích thước biển nhỏ, in chữ bé và mảnh nên khó đọc. Do sử dụng chất liệu sứ tráng men sản xuất đơn chiếc và phải qua nhiều công đoạn, nên khi hư hỏng hoặc xuống cấp sẽ khó thay thế kịp thời.
Với mong muốn lựa chọn được phương án phù hợp nhất về chất liệu, kiểu dáng và kích thước cho hệ thống biển giới thiệu cây di tích, chúng tôi đã lên kế hoạch và tiến hành tìm hiểu điều kiện khí hậu, thời tiết phong hóa khắc nghiệt của miền Bắc, đồng thời quan sát thực tế lượng khách trung bình trên tuyến tham quan và cho gắn biển giới thiệu thử nghiệm trên hai loại thân cây chính (thân cây gỗ và thân cây bụi) v.v.. Khi đã nghiên cứu và phân tích những ưu điểm và nhược điểm của một số chất liệu, chúng tôi mạnh dạn đề xuất 02 loại chất liệu có thể sử dụng làm biển giới thiệu cây di tích và đồng thời đề xuất kích thước, kiểu dáng của biển cây như sau:
-  Về chất liệu:
Một là, Inox vàng xước. Đây là vật liệu bền, ít chịu sự tác động phong hóa của thời tiết; Chất liệu này có màu vàng nguyên bản, có độ sáng đẹp, dễ đọc thông tin, không bị bóng lóa; Đảm bảo sự hài và trang nghiêm của Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Hai là, Compozit giả gỗ. Đây là loại vật liệu nhựa công nghiệp chuyên dụng trong mỹ thuật, có thể tạo mẫu hình theo ý muốn, rất ít chịu sự tác động phong hóa của thời tiết. Loại chất liệu compozit có ưu điểm giữ mầu tốt khi sản phẩm đã hoàn thành (đã tạo mầu giả gỗ). Đảm bảo tính thẩm mỹ cao.
Nếu biển giới thiệu cây di tích được làm bằng một trong hai loại chất liệu này, khi bị hư hỏng đều có thể thay thế kịp thời.
- Về kiểu dáng:
Một là, nếu sử dụng chất liệu Inox vàng xước, nền biển màu vàng nguyên bản, chữ màu đen, kẻ chỉ trang trí góc (thể hiện trên phần Inox đã cho ăn mòn). Biển được làm hình chữ nhật.
Hai là, nếu dùng chất liệu Compozit giả gỗ, nền biển được tạo màu giả gỗ, chữ màu vàng (chữ được khắc lõm xuống hoặc đẩy nổi lên). Với chất liệu này, chúng ta có thể dễ dàng tạo kiểu dáng biển giới thiệu tùy theo loại cây thân gỗ hoặc thân bụi…
- Về kích thước:  
Các cá thể cây trong vườn đa dạng kích thước: cây thân gỗ lâu năm, cây thân nhỡ, cây thân nhỏ, cây thân cột, cây thân bụi, nên kích thước biển giới thiệu cần có 02 cỡ để đảm bảo được sự cân đối cần thiết và truyền tải đủ, rõ thông tin của các cá thể cây. Đề xuất các kích thước: 22cm x 14cm và 20cm x 12cm.
- Vị trí đặt biển giới thiệu cây di tích:
Trên tuyến thăm quan trong Khu di tích Phủ Chủ tịch, lượng khách thường đông, đi thành hàng sát nhau và không dừng lại, vì vậy biển giới thiệu nên gắn trực tiếp lên thân cây và đúng tầm nhìn của khách. Đối với cá thể cây thân gỗ và cây thân cột, biển được gắn trực tiếp lên thân cây đảm bảo ngoài tầm với và không bị che khuất tầm nhìn của người đi sau với người đi trước trong dòng khách thăm quan. Biển giới thiệu cây thân bụi cần có hệ thống sắt và thép cứng gia cố, đảm bảo an toàn ngoài tầm với của trẻ em…vv.
Trên đây là một vài suy nghĩ và đề xuất phướng án thực hiện việc gắn lại hệ thống biển giới thiệu tên cây di tích tại Khu di tích Phủ Chủ tịch. Qua quá trình nghiên cứu tư liệu, thăm dò và quan sát thực tế nhu cầu của các đối tượng khách đến với Khu di tích, chúng tôi nhận thấy việc gắn lại hệ thống biển cho các cá thể cây di tích là mục công việc cần được xem xét và quan tâm đúng mực, bởi nó không những có ý nghĩa trong việc hoàn chỉnh hơn hệ thống thông tin cung cấp cho nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế khi đến thăm quan, học tập, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nó còn từng bước hoàn thiện công tác bảo tồn, phát huy tác dụng mảng di tích ngoài trời nói riêng và cả quần thể di tích có ý nghĩa đặc biệt này nói chung.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)