slider

VẤN ĐỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ MỚI THEO TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨCHỒ CHÍ MINH

15 Tháng 09 Năm 2011 / 3764 lượt xem
Mai Lệ Huyền
                                                                Phòng Tuyên truyền – Giáo dục 
 
Đạo đức Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Những quan điểm về đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đều mang tính cách mạng và khoa học, dựa trên cơ sở khẳng định những giá trị đạo đức truyền thống và tiếp thu, phát triển tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tư tưởng đạo đức của Người là ánh sáng soi đường cho hành động của mỗi con người và sự tiến bộ đi lên của cả xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một lãnh tụ cách mạng luôn quan tâm chăm lo đến sự nghiệp giáo dục đạo đức cách mạng cho người cán bộ. Hai mươi bốn năm trên cương vị là Chủ tịch nước Người luôn kiên trì rèn luyện cho cán bộ về đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Trong bài Đạo đức cách mạng, bút danh C.B, đăng báo Nhân dân ngày 6-6-1955, Người chỉ rõ: “Quyết tâm giúp đỡ loài người ngày càng tiến bộ và thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, luôn luôn giũ vững tinh thần chí công vô tư - đó là đạo đức cách mạng”(1). Cũng trong bài Đạo đức cách mạng, bút danh Trần Lực đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 - 1958, Người viết: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”(2).
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc và “một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng…”(3). Người cho rằng: Người cán bộ chính là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được và Người cũng đã khẳng định: "Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Mọi việc thành công hay là bại chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không"(4). Do đó, giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là công việc rất cần thiết đối với người cán bộ nhất là với đội ngũ cán bộ mới. Trong công tác giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ mới theo quan điểm của Người, không chỉ bồi dưỡng lý thuyết đạo đức suông mà phải hành động bằng những công việc cụ thể, thiết thực hằng ngày, qua đó, mỗi cán bộ sẽ tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Đây là điều kiện để người cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ và thực hiện thành công mục tiêu và lý tưởng cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Đạo đức có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi xã hội cũ thành xã hội mới và xây dựng mỹ tục thuần phong. Đảng ta từ trên đến dưới phải chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng, tăng cường tinh thần cảnh giác, mở rộng tự phê bình và phê bình”(5).
Các thế hệ cán bộ sinh ra và trưởng thành trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau, mỗi lớp người đều có mặt mạnh, mặt yếu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Phải thấy cái giới hạn khắc nghiệt của thời gian để tạo người thay thế, bổ sung cho tổ chức những lớp người mới, đủ sức lực và tài năng để gánh vác nhiệm vụ theo những yêu cầu mới. Theo Người: Cần cán bộ lớn tuổi, vì đó là những người từng trải, có kinh nghiệm đã được tôi luyện và thử thách, đồng thời cũng cần nhiều cán bộ trẻ vì công việc ngày càng nhiều, càng mới… Đáp lại niềm tin tưởng của Người, đội ngũ cán bộ mới cũng đã dần trưởng thành theo sự nghiệp phát triển của đất nước. Nhiều thế hệ cán bộ đã phấn đấu quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng được quần chúng tin yêu, mến phục. Những cán bộ đó đã ghi nhớ lời dạy của Bác: Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công  vô tư; sẵn sàng hiến dâng đời mình cho lý tưởng độc lập  dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng… thể hiện qua những hành động thiết thực hằng ngày. Nhưng đáng tiếc rằng, hiện nay không phải người cán bộ nào cũng tích cực thực hành đạo đức cách mạng. Đất nước đang đi vào đổi mới trên mọi lĩnh vực, mọi phương diện, không tránh khỏi sự du nhập của những yếu tố: kinh tế thị trường, phương tiện thông tin đa dạng, văn hoá ngoại lai… làm một bộ phận cán bộ thay đổi, biến chất. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng"(6). Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đang là vấn đề bức xúc trong xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài sự tác động mặt trái của kinh tế thị trường, còn do một số cán bộ đề cao chủ nghĩa cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ, nhận thức lệch lạc, không tích cực, không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phai nhạt lý tưởng, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu bản lĩnh, né tránh đấu tranh với những hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Một bộ phận cán bộ chưa thực sự lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, làm thước đo để thực hiện nhiệm vụ của mình mà chủ yếu làm vì mục đích cá nhân nên họ quan hệ với nhân dân thiếu bình đẳng, thiếu tôn trọng. Từ đó dẫn đến tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà đối với nhân dân, làm biến dạng hình ảnh người cán bộ chuẩn mực đạo đức trong nhân dân. Điều đáng lo ngại nhất là một số cán bộ, công chức không chỉ làm thiệt hại cho Nhà nước về kinh tế mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII, nhận định: “Một bộ phận cán bộ làm giàu bất chính, lãng phí của công; quan liêu, ức hiếp dân, gia trưởng độc đoán; có tham vọng cá nhân, cục bộ, kèn cựa địa vị, cơ hội, kém ý thức tổ chức kỷ luật, phát ngôn và làm việc tuỳ tiện, gây mất đoàn kêt nội bộ nghiêm trọng”(7). Điều đó làm xói mòn bản chất cách mạng của đội ngũ cán bộ, làm suy giảm uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân. Thế nhưng, trước thực trạng suy thoái nghiêm trọng của đạo đức cán bộ hiện nay, công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ vẫn chậm chạp, nội dung giáo dục chưa cụ thể, sát hợp với từng đối tượng, còn giáo điều, chủ quan phiến diện, lý thuyết, thiếu thực tế, thiếu cơ sở khoa học; hình thức giáo dục chưa rõ ràng cụ thể nên hiệu quả việc giáo dục đạo đức chưa cao đôi khi còn phản tác dụng và gặp nhiều trở ngại. Chúng ta phải nhận thấy đây là việc làm cần thiết và quan trọng đối với mọi cấp mọi ngành, mọi tổ chức, đơn vị… nên cần phải làm thường xuyên, kiên quyết và đồng bộ. Chúng ta cần phải có những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao đạo đức cán bộ, đồng thời giáo dục cán bộ có lối sống lành mạnh, văn minh và dám đấu tranh chống lại những biểu hiện và hành động làm tổn hại đến uy tín của người cán bộ cách mạng. Cần phải có những hình thức kỷ luật thật đích đáng dành cho những cán bộ thoái hoá đạo đức. Phải tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, bên cạnh đó cần phải động viên kịp thời, khen thưởng chính đáng để giúp cán bộ phát huy tốt vai trò và khả năng của mình.
 Đặc biệt là việc giáo dục đạo đức người cán bộ cách mạng mới theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay không chỉ dừng lại ở vấn đề nhận thức, mà phải được cụ thể thành những hành động, những việc làm thiết thực hằng ngày ở khắp mọi nơi, như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chỉ rõ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đẹp nhất, tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức và khí phách của dân tộc ta, Đảng ta. Giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống tốt đẹp theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vừa là yêu cầu cấp bách hiện nay, vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài"(8).
 
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t.7, tr.568
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.9, tr. 285
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.7, tr. 476
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t5, tr. 252, 253
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.7, tr. 568, 569
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H. 2006, tr. 48.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 78
8. Nông Đức Mạnh: Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, không ngừng Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, 3/2/2007, tr. 4.
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)