slider

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

14 Tháng 09 Năm 2022 / 1950 lượt xem

ThS. Nguyễn Văn Dương

PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

1.            Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính tất yếu và nội dung xây dựng Đảng

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về công tác xây dựng Đảng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những tư tưởng đó đến nay vẫn còn có ý nghĩa to lớn và mang giá trị định hướng lâu dài đối với công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cách mạng trước hết phải có Đảng để trong thì tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(1). Người cho rằng xây dựng Đảng là tất yếu khách quan xuất phát từ vị trí, vai trò rất quan trọng của Đảng và trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có từ sớm, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Năm 1947, Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc chứa đựng nội dung chỉnh đốn Đảng sâu sắc, toàn diện. Trong Di chúc (1965), Người viết “trước hết nói về Đảng”, và khẳng định “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng",

Đảng ta là Đảng cầm quyền, là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, có sứ mệnh lớn lao đưa dân tộc đến bến bờ phồn vinh, hạnh phúc. Thường xuyên tự chỉnh đốn, do đó, trở thành một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với Đảng cầm quyền. Quyền lực một mặt tạo ra sức mạnh và điều kiện để cán bộ đảng viên hoàn thành trách nhiệm được giao, mặt khác quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng để chống lại những mặt trái của quyền lực.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng, lạc hậu còn khó hơn nhiều”(2). Người chỉ ra rằng, chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ. Trong điều kiện cầm quyền, Đảng chịu trách nhiệm hoàn toàn mọi an nguy của dân tộc, nhất là phải đảm bảo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng cầm quyền là Đảng tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo của mình trong một hoàn cảnh mới: “Hoàn cảnh mới thuận lợi lớn cho Đảng Cộng sản thi thố điều Đảng ấp ủ vì dân, vì nước hàng nửa thế kỷ - đã nắm trong tay các phương tiện vật chất và sự nghiệp xây dựng cuộc sống nằm trong tầm với chứ không chỉ ước vọng- đồng thời cũng thuận lợi lớn cho những thói tật hư hỏng tăng cấp số, chủng loại, diện mạo, thậm chí tốc độ một khi Đảng đổi vị trí”(3),

Tư tưởng chỉ đạo của chỉnh đốn Đảng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”. Phải tập trung uốn nắn tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương pháp, cả việc sửa chữa nghị quyết: “khi tình thế thay đổi, ta đủ gan góc, đủ tinh thần phụ trách để quyết định phương hướng chính trị mới, thay đổi cách thức công tác và đấu tranh, dám bỏ những khẩu hiệu và những nghị quyết đã cũ, không hợp thời, đưa những nghị quyết và khẩu hiệu mới thay vào”(4). Một điều cực kỳ quan trọng nữa là phải tin vào dân, dựa vào dân mà xây dựng Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình trong Đảng là cần, nhưng cần hơn là tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Người viết: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(5).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng có bốn mặt: tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức.

Xây dựng Đảng về tư tưởng: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhất định phải làm cho lý luận Mác - Lênin trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng. Trong Đường cách mệnh, được nhắc lại trong Thường thức chính trị và các tác phẩm sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn ý kiến của Lênin về vai trò của lý luận cách mạng và khẳng định: “giữ chủ nghĩa cho vững”, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin. Người cho rằng, việc quan trọng nhất của Đảng là giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng, kiên quyết chống thói xem nhẹ tư tưởng. Xây dựng Đảng về tư tưởng phải chú trọng tăng cường tư tưởng của giai cấp công nhân và đấu tranh, rửa gột tư tưởng “phi vô sản”, giáo điều.

Gắn với tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh công tác lý luận, bao gồm cả nghiên cứu và học tập lý luận. Người chỉ ra tác hại của việc không học tập lý luận, dẫn tới “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng. Trong học tập lý luận phải có thái độ cầu thị, độc lập, tự chủ, sáng tạo, lý luận gắn với thực tiễn, lý luận và thực hành đi đôi với nhau.

Xây dựng Đảng về chính trị: chú trọng xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhưng phải biết giành thắng lợi từng thời kỳ, từng bước, giải quyết đúng đắn nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài. Đồng thời Đảng phải chống khuynh hướng “tả” và khuynh hướng “hữu”.

Xây dựng Đảng về tổ chức: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn, bởi vì Đảng gồm các đảng viên mà tổ chức nên, mọi công việc của Đảng do đảng viên làm. Vì vậy, việc lựa chọn đảng viên là nền tảng của tổ chức. Đảng là một tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh, chỉ có một mục đích là làm cho dân tộc hoàn toàn độc lập và tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Tổ chức đó trọng chất lượng hơn số lượng. Đảng viên của Đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có những chỉ dẫn cụ thể về “công tác đảng viên” bao gồm tiêu chuẩn đảng viên; nghĩa vụ của đảng viên; quyền lợi của đảng viên; tư cách và bổn phận đảng viên và đảng viên phải thường xuyên được giáo dục và tự giáo dục, phải rèn luyện tính đảng. Tính đảng là phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn.

Về mối liên hệ giữa đảng viên với quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đảng viên nhất định phải làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng; Theo nhu cầu quần chúng mà xây dựng tổ chức cách mạng; Làm gương mẫu trong mọi công việc; Vào sâu trong quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng, làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ủng hộ Đảng và tự giác, tự nguyện chịu sự lãnh đạo của Đảng; Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công việc gốc của Đảng là cán bộ và công tác cán bộ. Điểm đặc biệt trong quan niệm về cán bộ là Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của cán bộ là phải phục vụ nhân dân, suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Người chỉ rõ rằng “mấy chữ a,b,c đó không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”(6). Người đảng viên, cán bộ phải xác định phục vụ nhân dân nhiều hơn phục vụ Đảng, vì Đảng và Chính phủ cũng vì nhân dân mà phục vụ.

Xây dựng Đảng về đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng mục tiêu đạo đức trong xây dựng Đảng ngay trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng. Từ khi Đảng ra đời, nhất là sau khi trở thành Đảng cầm quyền, Người đặc biệt quan tâm tới tư cách của một đảng chân chính cách mạng và đạo đức cách mạng của đảng viên, cán bộ. Người chỉ ra cho mỗi đảng viên rằng, nếu lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mà chí công vô tư là đạo đức cao nhất của đảng viên, vì nó đắp bồi những tính tốt như nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Tổng kết 30 năm xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, vừa khẳng định sự vĩ đại của Đảng, vừa giáo dục, bồi dưỡng, khích lệ tinh thần phấn đấu, vươn lên của đảng viên, cán bộ và nhân dân.

2.            Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Các nghị quyết của Đảng về xây dựng Đảng trong hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII chính là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong bối cảnh mới. Để làm tốt công tác xây dựng Đảng hiện nay cần thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải dựa vào dân, phát huy quyền hành của dân để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nếu sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì chống suy thoái đạo đức, lối sống cũng phải là sự nghiệp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi trong lịch sử thì cũng chính nhân dân sẽ làm nên thắng lợi trong cuộc chiến chống cơ hội, thực dụng, tham nhũng hiện nay.

Đảng phải tin dân, dựa vào dân để kiểm soát quyền lực. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, tin vào dân, dựa vào dân, nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ, là gốc. Vì vậy, “muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(7). Đồng thời, “Dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hành chữ LIÊM. Dân ủy thác quyền lực cho cán bộ thì dân phải có quyền kiểm soát quyền lực đó. Nhà nước của dân thì dân phải được biết mọi điều một cách công khai, minh bạch (trừ bí mật quốc gia). Ở đâu tù mù thì ở đó có tiêu cực. Hiện nay chúng ta còn nhiều nơi, nhiều việc tù mù. Dựa vào dân để làm công tác cán bộ và tổ chức. Xưa nay, nhiều việc ta làm theo kiểu “tự mình”, có tính chất nội bộ, “đóng cửa bảo nhau, rút kinh nghiệm”. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến “tự chuyển hóa”, “tự chuyển biến”.

Hai là, tăng cường đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí. Để đẩy lùi được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cần phải làm theo cách Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: nhổ cỏ tận gốc, nhổ đi nhổ lại cho sạch hết cỏ rác quan liêu, tham nhũng. Bắt và xử lý một người tham nhũng, biến chất là cần thiết, nhưng “có nghĩa lý gì, vì còn hàng nghìn hàng vạn tên giặc như nó”(8). Vấn đề là phải tìm ra cái gốc sinh ra những con người đó. Một cá nhân không thể tự luân chuyển, tự lên chức, làm “thất thoát” hàng chục nghìn tỷ đồng. Không thể để tình trạng đổ lỗi cho nhau, không ai chịu trách nhiệm. Đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng lớn là cần, nhưng đó vẫn chỉ là ngọn. Việc cần phải làm là đào được gốc. Vì chưa đào được gốc nên vụ tham nhũng này chồng lên vụ tham nhũng khác, tiêu cực này đẻ ra tiêu cực khác. Khi đã tìm ra cái gốc rồi thì phải xử lý nghiêm. Nếu không xử phạt nghiêm thì sẽ mất cả kỷ luật, mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Phải thấm nhuần và thực thi theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì?(9)”.

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là do chủ nghĩa cá nhân, tức là giặc nội xâm, loại giặc này nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Vì vậy, phải có những biện pháp mạnh với loại giặc này, không thể vuốt ve, vỗ về. Loại người này không còn dây thần kinh xấu hổ nên không thể giáo dục chính trị tư tưởng, kêu gọi tự phê bình và phê bình. Nếu trong một tổ chức mà một bộ phận không nhỏ suy thoái thì việc giáo dục, tự phê bình và phê bình sẽ bị vô hiệu hóa; thiểu số tích cực sẽ bị đa số tiêu cực loại ra khỏi cuộc chiến chống cái ác.

Ba là, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Có một thực tế là, sự tha hóa không thể chấm dứt chỉ bằng tu dưỡng ý thức đạo đức; bằng giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Nó bị đánh bại bởi cơ chế, tính khoa học của bộ máy, tính nghiêm minh của pháp luật, sức mạnh của quần chúng, cơ bản nhất bởi nền dân chủ - dân chủ trong Đảng, trong xã hội, làm cho dân dám nói, dám phê bình Đảng, Chính phủ và cán bộ, đảng viên. Cơ chế, bộ máy tốt mà con người hư hỏng, cố tình xuyên tạc nó thì không cơ chế, bộ máy nào phát huy nổi hiệu lực, thậm chí thành công cụ của cái xấu, cái ác. Các giải pháp phải được tiến hành đồng bộ, hỗ trợ và bổ sung nhau. Nhưng giải pháp quan trọng nhất, cái gốc của mọi giải pháp theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Trên cơ sở nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, từ lời nói đến việc làm, từ “đức trị” đến “pháp trị”, từ cơ chế chính sách đến công tác cán bộ, từ nguyên tắc sinh hoạt đảng đến việc nêu gương, v.v.. phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu - dân tâm phục, khẩu phục, để củng cố, giữ vững lòng tin của nhân dân vào Đảng.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, có hiệu quả Kết luận 01 của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đảng lãnh đạo công tác xây dựng Đảng cần phải huy động sức mạnh và biện pháp tổng hợp: phải gắn nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng; xây đi đôi với chống. Phải kiên quyết, kiên trì, có quyết tâm chính trị cao, nói thật, làm thật, hành động có hiệu quả, ngăn chặn từ đầu, diệt tận gốc, đặc biệt là có cơ chế kiểm soát quyền lực. Muốn vậy, nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, biện pháp phải đúng. Phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong công việc chỉnh đốn Đảng, cũng như trong mọi công việc khác, quyết phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng. Phải dùng cách “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, tập 2, tr.289.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.402.

3.            Trần Bạch Đằng: Đến với tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, 2004, tr.59.

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.294.

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.326.

6.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.670.

7.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.325.

8.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.368.

9.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.127.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)