slider

Văn hóa, đạo đức doanh nghiệp, doanh nhân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

23 Tháng 10 Năm 2015 / 21368 lượt xem

Nguyễn Văn Công

Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Đúng như danh hiệu mà tổ chức UNESCO đã vinh danh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, sự nghiệp cách mạng mà Người phấn đấu, ngọn cờ độc lập, tự do mà Người giương cao là một sự nghiệp chính trị phi thường, đồng thời cũng là một sự nghiệp văn hóa cao cả. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa, sự nghiệp văn hóa Người để lại là hiện thân của tinh thần, tài năng và tâm hồn nghệ thuật của nhân dân Việt Nam kết tinh những tư tưởng, tình cảm, những ước mơ lớn của nhân loại.

I. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa làm nên nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển. Sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân có dấu ấn của văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng bốn lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phải được coi là bốn vấn đề quan trọng như nhau trong xây dựng và phát triển đất nước. Văn hóa không chỉ là kết quả của sự phát triển nhanh, bền vững đối với kinh tể mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của bốn vấn đề đó. Phải đặt yêu cầu phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế và sự phát triển đó phải hoài hoà với nhau và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
  Là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, nhưng cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức giản dị, từ cái mặc, cái ăn, đến nơi ở của Người đều không khác biệt với cuộc sống của bao người dân khác, đã khẳng định một lối sống văn hóa mà Người chủ trương xây dựng là: "Phải làm cho văn hóa đi sâu vào tâm lý quốc dân, đi vào cuộc sống mới. Văn hóa phải sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho mọi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình nên được hưởng”(1). Văn hoá đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng xử vừa văn minh lịch sự, vừa khiêm tốn và giản dị. Khi Xí nghiệp May X10 (nay là Tổng Công ty May l0) gửi biếu Bác bộ quần áo mới, Bác nhận song lại gửi lại cho xí nghiệp kèm theo dòng chữ: "cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ áo, Bác đã nhận rồi. Nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua”(2). Khi các nhà điêu khắc trong và ngoài nước xin được tạc tượng Bác, Người nói: "Không có nhân dân thì không có Bác, các chú hãy nặn tượng đồng bào, chiến sĩ, nặn tượng thanh niên, thiếu niên anh hùng”(3. Khi ngành văn hóa xin phép dựng nhà lưu niệm về Người ở Kim Liên (Nghệ An), ở Pắc Bó (Cao Bằng), Người nói: "Dựng nhà lưu niệm tốt làm gì, nếu bà con ta ở vùng này ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa sạch. Phải tổ chức nhà giữ trẻ cho tốt, phải xây dựng trường học, bệnh xá cho tốt. Phải chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bà con xã viên. Đó là cách lưu niệm tốt nhất”(4).  Khi đang nằm trên giường bệnh, nghe nói về những ngày kỷ niệm trong năm 1970, Bác rất vui. Nhưng khi nghe báo cáo tới việc tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhật Bác, Người nhắc: Các chú nên bàn cho kỹ, còn ý kiến của Bác, Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970. Còn nghị quyết kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Lênin, 25 năm ngày thành lập nước nên có sớm kế hoạch để tuyên truyền trong nhân dân. Riêng giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu khỏi lãng phí. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá II nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao vàng, Người rất cảm động và nói: "Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội".  Và Người xin Quốc hội chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho Người Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng. Năm 1967, Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Người Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Xô viết - nhưng Người cũng đã từ chối, hẹn đến ngày đất nước Việt Nam thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.
II. Văn hóa doanh nghiệp theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là xây dựng đời sống, lối sống và môi trường kinh doanh lành mạnh, có văn hoá, có sự phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực mà còn là phát huy và thực hành dân chủ, quản lý dân chủ. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, thì dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó quan hệ chặt chẽ với nhau. Có dân chủ và có phát huy dân chủ rộng rãi mới làm cho cán bộ và quần chúng đưa ra sáng kiến. Mà sáng tạo và phát minh của con người tức là văn hóa. Những sáng kiến đó được áp dụng và khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái. Và khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái hơn thì khuyết điểm cũng bớt dần đi và ưu điểm cũng được nhân lên nhiều lần.
Văn hóa doanh nghiệp, Doanh nhân trong hoạt động, sản xuất kinh doanh hôm nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần chú trọng đến văn hóa đạo đức, với các giá trị cốt lõi là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng văn hoá đạo đức doanh nghiệp của mình như là nét riêng, bản sắc riêng của doanh nghiệp. Bảo vệ và cải thiện môi trường vừa là văn hóa doanh nghiệp vừa có tính phát triển bền vững.
Trong văn hóa doanh nghiệp thì văn hóa doanh nhân là hạt nhân. Bởi vì con người là gốc của doanh nghiệp. Mọi việc đều do con người làm ra. Mọi sự thành công và thất bại của doanh nghiệp đều do doanh nhân tốt hay kém. Vì vậy, theo tư tường Hồ Chí Minh là phải gắn với văn hóa doanh nhân với văn hóa quản lý, văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh, văn hoá trong tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị- xã hội của doanh nghiệp. Đây là những vấn đề hết sức lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và khai thác một cách hiệu quả trong các hội thảo chuyên sâu, chuyên ngành như thế này.
Văn hoá, đạo đức danh nghiệp, doanh nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh được ra đời cách đây bảy thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò doanh nghiệp và doanh nhân theo tư tưởng của Người đã được Đảng, Nhà nước song hành trong quá trình xây xựng và phát triển đất nước. Đặc biệt là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta càng thấy rõ vị trí vai trò của Danh nghiệp, Doanh nhân luôn được Đảng, Nhà nước hết sức chú trọng và đặc biệt quan tâm. Sự quan tâm đó, không chỉ là quan tâm về phát triển kinh tế mà còn được chú trọng cả trong xây dựng môi trường văn hoá, văn hoá doanh nghịêp, doanh nhân. Điều quan trọng có ý nghĩa là trong khi thế giới, đất nước đã có nhiều đổi mới so với khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng di sản tư tưởng của Người về doanh nghiệp và doanh nhân vẫn mang tính thời sự nóng hổi như Người vừa mới viết ra và nó vẫn mang giá trị trường tồn. Nếu biết vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của Người về doanh nghiệp và doanh nhân, thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện không chỉ đứng vững, phát triển, mà còn có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng. Người thấy rất rõ vai trò của doanh nhân trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước. Trong bức thư gửi giới công - thương ngày 13-10-1945, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này”(5). Tiếp đó, tháng 11-1945, trong bài “Toàn dân kháng chiến” đăng trên báo Cứu quốc (số 83, ngày 5-11-1945),  Người kêu gọi: “Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, giao thông để tích cực tăng gia sinh sản, lưu thông buôn bán”. Có thể thấy rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một cách nhìn rất biện chứng, coi hoạt động công nghiệp, thương nghiệp là một nghề và đó là một nghề quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Cho nên, Người xác định sự toàn tâm, toàn ý với giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước Theo Người, nghề đó còn có mối quan hệ hữu cơ giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi Nhà nước bởi "dân có giàu thì nước với mạnh".
Muốn cho dân giàu, nước mạnh thì phải xây dựng Chủ nghĩa xã hội và muốn xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(6). Cán bộ quản lý kinh tế, Người ví như tiền vốn của đoàn thể. Đó chính là điều kiện quan trọng nhất của sản xuát kinh doanh và đảm bảo có lãi. Người quản lý kinh tế giỏi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải có đủ các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức, kiến thức chuyên môn vững vàng, nắm vững lý luận, sâu sát thực tế, có lý trí vững chắc, tình cảm trong sáng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hoá, đạo đức, chính trị và khoa học, chấp hành đúng pháp luật, hiểu biết về pháp luật. Trong vấn đề quản lý kinh tế, Người đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí và quan liêu. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước, vấn đề chống tham nhũng, lãng phí và quan liêu đang là vấn đề nóng hổi, không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực kinh tế và quản lý kinh tế mà còn là uy tín chính trị của Đảng và Nhà nước, là sự tồn vong của chế độ xã hội. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Thực tế cho thấy lúc nào và ở đâu biết vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ, quản lý kinh tế thì ở đó sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và tránh được thiếu sót, tiêu cực xảy ra.
Bên cạnh vấn đề then chốt là cán bộ quản lý kinh tế, sinh thời, trong hệ thống tư tưởng về kinh tế, Hồ Chí Minh đã dành một phần không nhỏ cho việc nghiên cứu và đưa ra các quan điểm về việc sử dụng các đòn bẩy kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo động lực xây dựng nền kinh tế mới. Người rất coi trọng vai trò động lực để phát triển kinh tế vàchỉ ra rằng muốn phát triển kinh tế thì phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, đặc biệt là coi trọng lợi ích vật chất của người lao động, thực hiện công bằng xã hội, cải cách hành chính và trọng dụng tài năng của nhà quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân”. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và cứu đói kêu gọi nông dân “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay”. Người nhận định: “Sản xuất và tiết kiệm cũng như dòng nước, cải thiện đời sống cũng như chiếc thuyền, nước càng sâu thì thuyền càng cao. Muốn cải thiện không ngừng thì phải không ngừng gia tăng sản xuất và thực hành tiết kiệm”.
Theo Hồ Chí Minh bên cạnh việc tiết kiệm tích lũy vốn phục vụ sản xuất thì việc huy động vốn trong dân cũng là một biện pháp hữu hiệu trong các đòn bẩy kinh tế. Người yêu cầu: “Huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân nhằm đưa vào sản xuất thì đồng tiền ấy mới sinh sôi, nảy nở và ngày càng thêm nhiều”. Đồng thời, với tầm nhìn chiến lược, Người coi việc xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế đúng đắn là biện pháp hàng đầu, là đòn bẩy mang tính phổ quát để phát triển kinh tế nước ta. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra yêu cầu, kế hoạch phải có tầm nhìn xa, thấy rộng nhưng khi đi vào thực hiện thì mỗi ngành, mỗi nghề phải rất tỉ mỉ, chu đáo và thật sát với mỗi cơ sở. “Đặt kế hoạch thật tốt, thật sát là rất cần nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành kế hoạch”. Phải coi trọng những động lực về nhu cầu và lợi ích của người lao động. “Có thực mới vực được đạo” – Hồ Chí Minh thấy rất rõ lợi ích cá nhân là “Phải thực hiện ba khoán một thưởng. Nếu ai thực hiện vượt mức quy định thì được thưởng. Có như thế mới kích thích mọi người cố gắng hơn nữa. Thưởng, phạt phải công bằng”. Theo Người, chính sách tiền lương chính là một trong những động lực quan trọng bởi tiền lương chính là thước đo giá trị sức lao động mà người lao động bỏ ra. Tiền lương không phù hợp còn là một trong những nguyên nhân của nhiều căn bệnh như: tham ô, tham nhũng, lãng phí…
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh nêu cao vấn đề phải thực hiện công bằng xã hội trong phát triển kinh tế. Theo Người, thực hiện công bằng xã hội chính là giải quyết mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong xã hội. Đồng chí Phan Anh, nguyên Bộ trưởng Công thương nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, kể lại: năm 1953, nhân một lần trao đổi ý kiến về vấn đề khen thưởng gia đình có con đi bộ đội, Bác hỏi: - Chú có biết câu: "Không sợ ít mà sợ không đều, không sợ nghèo mà sợ không yên" xuất xứ ở đâu không? Đồng chí thưa với Bác: - Đó là câu "Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an". Và đồng chí hiểu không phải Bác kiểm tra trí nhớ của mình mà ý muốn nhắc nhở mình về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương hồi đó đừng để xảy ra những bất công, sai lệch trong công tác phân phối lưu thông thời chiến (7).
Ngoài ra, Hồ Chí Minh cũng gợi mở hàng loạt biện pháp để thúc đẩy sản xuất, đó là phải thực hiện chính sách khoán vì "chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ.” Khoán là động lực kinh tế bởi nó có ý nghĩa khuyến khích tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế. Thêm vào đó là phải tiến hành cải cách Hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước. Trong đó Người nhấn mạnh: giảm đến mức tối thiểu số người làm việc hành chính, tăng cường cho sản xuất trực tiếp.
Trên đây mới chỉ là một số suy nghĩ về văn hoá, đạo đức doanh nghiệp, doanh nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng có thể khẳng định di sản lý luận mà Người để lại trong đó có tư tưởng văn hoá, đạo đức về doanh nghiệp doanh nhân và phát triển kinh tế vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Nếu chúng ta thực sự thấm nhuần sâu sắc và vận dụng một cách nhuần nhuyễn đó chính là kim chỉ nam chỉ dẫn chúng ta trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, tạo cơ sở lý luận cho việc xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã giành thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Tám 1945. Ngay sau khi cách mạng thành công, để phát triển kinh tế và xây dựng đất nước, Người đã coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng, trong đó Người đặc biệt thấy rõ vai trò của doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước. Chính vì thế, từ căn cứ Việt Bắc về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang của một trong những gia đình thương gia giàu có bậc nhất Hà Nội - nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Từ ngôi nhà này, Người đã viết “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 18-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp với các nhà Công Thương Hà Nội nhằm tranh thủ sự ủng hộ của những người giàu có để cùng Chính phủ vượt qua khó khăn về tài chính. "Tuần lễ vàng" được phát động, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ. Không những thế, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động "Tuần lễ vàng", khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.
Đánh giá cao vai trò của giới Công thương trong công cuộc xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh đã phân tích khúc triết, thấu tình đạt lý và cam kết ủng hộ đối với hoạt động kinh doanh trong Thư gửi các giới công thương Việt Nam ngày 13-10-1945. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là chủ trương của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa. Đường lối đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời đã tạo nên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn buổi đầu xây dựng chính quyền mới.
Ngày nay chúng ta đã và đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn khi tham gia tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Những vấn đề tưởng như mới mẻ nhưng thực ra, từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm, sẵn sàng hội nhập quốc tế để ổn định và phát triển. Người đã gửi “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” cho Đại Anh quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô…và các nước thành viên Liên hợp quốc đã khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: Một, nước Việt Nam dành sự tiếp nhận đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Hai, nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay, đường sá giao thông cho buôn bán và quá cảnh quốc tế. Ba, nước Việt Nam chấp nhận tham gia hợp tác quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc…” Nhắc lại điều này cho chúng ta có thêm tự tin, quyết tâm trong công cuộc hội nhập quốc tế, biết nắm lấy vận hội mới, khắc phục những hạn chế để tiếp tục đưa đất nước đi lên “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”. Công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới nền kinh tế do Đảng lãnh đạo là tiếp tục đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, kế thừa và phát huy những tư tưởng lớn của Người về văn hoá, đạo đức doanh nghiệp, doanh nhân theo tư tưởng của Người. Với những kết quả và thành tích chúng ta đạt được đã tạo nên thế và lực mới trong phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Vai trò xung kích và những đóng góp to lớn của doanh nghiệp, doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước đã được xã hội thừa nhận. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XI đã xác nhận: “Doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, xung kích trong sự nghiệp phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.
 Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khoá XI cũng đã khẳng định doanh nhân là một trong bốn lực lượng chủ yếu trong thời kỳ mới của cách mạng: “Bổ sung và hoàn chỉnh chủ trương, biện pháp xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Lực lượng doanh nhân nước ta lớn nhanh về mọi mặt. Họ sẽ là lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
 

Chú thích:
(1). Hội thảo quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hung giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, HN. 1990, tr.16,24,40,342.
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN.2002, t.9, tr.342.
(3). Bác Hồ như chúng ta đã biết, Nxb. Thanh niên, H. 1985, tr.103.
(4). Hà Huy Giáp: Suy nghĩ về đạo lý làm người của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, HN. 1990, tr.40.
(5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.49
(6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t5, tr 273.
(7). Thơ ca chiến khu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2001
 

 
 
 
 
 
 
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)