slider
Phát triển kinh tế số

Văn thơ được sử dụng trong đấu tranh cách mạng qua một số tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Giai đoạn trước năm 1945)

02 Tháng 11 Năm 2011 / 5781 lượt xem
Th.s Lường thị Lan
Phòng ST-KK-TL
 
Nguyễn Tất Thành được sinh ra và lớn lên trên miền quê giàu truyền thống cách mạng và cũng giàu truyền thống văn chương của dân tộc, vì thế Người sớm được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp đó. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc được sức mạnh của những áng văn thơ. Lịch sử dân tộc đã chứng minh điều này. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, Lý Thường Kiệt đã viết bài hịch Nam quốc sơn hà, bài thơ đã làm lung lạc tinh thần của quân địch, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, Trần Quốc Tuấn đã viết bài Hịch Tướng sĩ kêu gọi binh sĩ ra sức đánh giặc, hay Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi tổng kết 10 năm cuộc kháng chiến chống quân Minh bài ca khải hoàn, một bản tuyên ngôn độc lập. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành lớn lên trong buổi giao thời, khi chế độ cũ đã lạc hậu, mai một, nền văn hóa Nho giáo trở nên lạc lõng trong xu thế chung phát triển lịch sử.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi qua nhiều nước trên thế giới, độc lập có, thuộc địa có, nước giàu có, nước nghèo có, văn minh có, lạc hậu có. Chính cuộc hành trình này đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức đầy đủ và chân thực hơn cuộc sống của con người, sự quý giá của độc lập tự do khi con người được làm chủ bản thân mình, làm chủ đất nước mình.
 Sau một thời gian bôn ba, Nguyễn Tất Thành quyết định dừng chân ở Pháp. Tại Pháp, Người đã tích cực học tập làm việc và hoạt động trong các phong trào đảng phái chính trị, tham gia các buổi nói chuyện, hội họp trao đổi. Đặc biệt trong thời gian này Người còn tập làm báo, viết văn để tích cực phục vụ cho mục đích đấu tranh của mình. Người thường thích đọc các tác phẩm của Vicsto Hugo, Ban Zắc bằng tiếng Pháp, Sếch Pia, Dickens bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn, Anatole France, Léon Toilstoi bằng tiếng Pháp… Bên cạnh việc học làm báo, Người cũng tích cực viết văn thơ nêu lên đời sống khổ cực của người dân An Nam dưới sự “bảo trợ” của “nước mẹ” Đại Pháp. Chính vì mục đích đó nên sau này hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ là một tác phẩm văn học hiện thực mà còn mang ý nghĩa chính luận, đấu tranh sâu sắc và có hiệu quả “văn nghệ sĩ cũng là một chiến sĩ”. Văn thơ là công cụ để giáo dục cho con người những tư tưởng tình cảm lành mạnh, cao quý, là một phương tiện đấu tranh cách mạng đắc lực. Không chỉ là công cụ để phản ánh đời sống hiện thực xã hội mà còn là công cụ để truyên bá cách mạng tốt nhất.
Hầu hết các tác phẩm văn thơ của Hồ Chí Minh đều nhằm mục đích phục vụ cách mạng. Nhưng không vì thế mà mất đi giá trị nghệ thuật. Qua những tác phẩm của Người cho ta thấy tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu văn thơ, một tâm hồn tinh tế sâu sắc. Dù tự do hay trong gông cùm thì tâm hồn Người luôn tự do tự tại. Trên hành trình sang phương Tây khi vốn ngoại ngữ của người đang còn có hạn nên việc tiếp xúc với những tác phẩm văn học nghệ thuật bẳng tiếng bản địa còn là điều mới lạ đối với người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tuy nhiên, hiểu được tầm quan trọng của vấn đề học ngoại ngữ trong việc tìm hiểu nền văn hóa, hệ tư tưởng, con người của một quốc gia… Người muốn đọc, tìm hiểu triết học ánh sáng, hệ tư tưởng bình đẳng bác ái bằng chính ngôn ngữ bản địa.
Từ những năm đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi cách mạng tháng Tám thắng lợi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tác phẩm văn thơ, không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có ý nghĩa đấu tranh cách mạng to lớn, vừa diễn tả chân thực bản chất chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân phong kiến, vừa có ý nghĩa truyền bá chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Mác-Lênnin cho nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung. Những tác phẩm văn học nổi tiếng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trước cách mạng tháng Tám đó là: Con rồng tre (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi hành (1923), Những trò lố của Varen và Phan Bội Châu (1925), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Nhật ký trong tù (1942)… Mỗi tác phẩm được Người viết trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết đều nhằm đả kích chế độ thực dân Pháp, chế độ phong kiến thối nát làm tay sai cho thực dân. Thông qua đó Người kêu gọi lòng yêu nước của cha ông ta đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênnin, khơi dậy tinh thần đấu tranh anh dũng, những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.
Năm 1922, thực dân Pháp đưa vua Khải Định sang Pháp nhằm quảng cáo cho công cuộc và “khai hóa” thuộc địa của chúng ở Đông Dương đúng vào dịp đang tổ chức Hội chợ Thuộc địa. Nhân cơ hội này, Nguyễn Ái Quốc đã viết một số tác phẩm để phản ánh sự kiện trên. Qua hai truyện ngắn rất xuất sắc là Lời than vãn của bà Trưng Trắc và Vi hành nhằm vào phê phán chuyến đi sang Pháp của Khải Định vào năm 1922. Thông qua hai tác phẩm này Khải Định đã bị vạch trần bản chất hèn hạ, ô nhục của tên vua bù nhìn. Hai truyện ngắn mang hai vẻ riêng độc đáo và rất giàu tính phê phán, mỉa mai vạch mặt kẻ thù. Ở tác phẩm Lời than vãn của bà Trưng Trắc, trong một cơn mơ hay đúng hơn với Khải Định là một cơn ác mộng, hắn đã gặp bà Trưng Trắc, người nữ anh hùng dân tộc. Với một vẻ đường bệ giận dữ, Trưng Trắc đã nêu lên bài học lịch sử về truyền thống bất khuất của cha ông và phán xét một bài học nghiêm khắc về tội lỗi của Khải Định: “Có thấy không con! Chưa bao giờ trong niên giám đất nước lại có một vua Nam nào chịu làm tôi tớ như mi…Trước đây mi đã từng phạm tội báng bổ là bệ lên bàn thờ linh thiêng của ông vải hình ảnh ghê tởm của thằng da trắng ngái ngủ và bụng phệ nọ, nó sặc lên mùi tỏi và ớn mùi thây ma…”(1).
Trong tác phẩm Vi hành, vua Khải Định bị Nguyễn Ái Quốc phê phán theo hướng khác, không những phê phán tên vua phong kiến mà đồng thời Người châm biếm những mặt trái của xã hội Pháp Chính quyền thực dân và vua chúa được miêu tả dưới ngòi bút sắc sảo của Người đã hiện lên một cách chân thực và sinh động. Thông qua sự miêu tả các nhân vật này, Nguyễn Ái Quốc đã vượt lên sự phê phán cá nhân mà tấn công vào chủ nghĩa thực dân xâm lược, vào chế độ vua quan phong kiến thối nát một cách triệt để và toàn diện.
 Những tác phẩm Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi hành, Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu, Con rồng tre…đây không phải là những ghi chép về những sự việc có sẵn, hoặc bằng những bài báo chí chính luận mà là những phản ánh phản ánh hiện thực xã hội dưới ngòi đả kích châm biếm. Nguyễn Ái Quốc đả kích chế độ phong kiến thối nát, vua quan bù nhìn làm tay sai cho thực dân. Đến năm 1925, trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã lột tả một bức tranh chân thực nhất về chế độ thực dân Pháp nói riêng và của chủ nghĩa thực dân nói chung.
Bản án chế độ thực dân Pháp được Người viết năm 1925 là một tác phẩm phơi bày sự thật tàn nhẫn ở các nước thuộc địa, gây được lòng căm phẫn của người đọc phương Tây. Bởi vì tác giả đã biến những tài liệu ấy thành những tiếng nói phẫn nộ, những bức tranh linh loạt chứa chan cảm xúc“Ô!nhục nhã biết bao! Ô!thật không thể tưởng tượng được! Tội ác của bọn thực dân tày trời”(2). Bằng những câu chuyện, những hình tượng, những nhân vật, lời kêu gọi, tình cảm, khi giận dữ, khi xót thương, bằng lời văn chương trong sáng, sôi nổi, châm biếm sắc sảo, Người đã ghi lại những sự thật lịch sử của chủ nghĩa thực dân lúc bấy giờ gây ra đồng thời phân tích, tổng hợp những tài liệu, rút ra những kết luận khái quát, tạo thành một bản án kết tội hùng hồn và kịch liệt. Bản án chế độ thực dân Pháp phản ánh chế độ thuộc địa mà thực dân Pháp đã dựng lên: “Người ta nói: Chế độ thực dân là chế độ ăn cướp. Chúng tôi nói thêm: Chế độ hãm hiếp đàn bà và giết người”­­­­­­­­­­­­­­(3), “Một người đàn bà cõng con trên lưng, phải van xin mãi người ta mới cởi trói cho một tay để đỡ đứa con. Trong khi chạy, hai cụ già ngã xuống ngất đi vì đói lả; nhiều chị em gái bị khủng bố, đã bật hành kinh khi chưa đến tuổi; một người đàn bà có mang bị truỵ thai, con chết ngay khi đẻ; một người đàn bà khác sinh một đứa con bị mù mắt…”(4). Với Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã làm cho bọn thực dân “bắt buộc phải nhảy múa, khi nó nghe chính bản nhạc của nó dạo lên(5)”.
          Cùng với việc miêu tả sinh động, xác thực bản chất của chủ nghĩa tư bản, thông qua Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn lột tả hình ảnh những dân tộc bị áp bức, những người dân vô tội chịu kiếp nô lệ, trâu ngựa cho bọn tư bản tả, những dân tộc này đang “thức tỉnh”, chuẩn bị đập tan xiềng xích nô lệ. Người đi bôn ba khắp nơi nên hiểu thấu và thương cảm sâu xa hàng triệu người sống cuộc đời lầm than, khổ nhục. Hiểu rõ giai cấp công nhân, biết sức mạnh của họ, những người duy nhất có khả năng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Tác phẩm thể hiện đầy đủ, sinh động và chân thực tình hình chính trị được thể hiện trong Luận cương chính trị mà Người vạch ra sau này. Nguyễn Ái Quốc khẳng định, ở thời đại chúng ta cách mạng giải phóng thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản, khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong phong trào giải phóng dân tộc. Thông qua đó đề ra con đường đấu tranh cách mạng cho nhân dân Việt Nam mà sau này được Nguyễn Ái Quốc đề ra trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt khi thành lập Đảng Cộng sản.
Bản án chế độ thực dân Pháp một bức tranh sinh động và chân thực về chế độ thuộc địa ở các dân tộc bị áp bức. Bản án ra đời sau 7 năm kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đến năm 1925, Người đã đi hầu khắp thế giới, từ châu Á đến châu Âu, từ châu Phi đến châu Mỹ, Người đã tích lũy một kho tài liệu về cuộc sống của những dân tộc bị áp bức. Từ kho tài liệu sinh động đó, những sự kiện mắt thấy tai nghe, với những xúc động còn nóng hổi, với tâm hồn một nghệ sĩ vĩ đại, một chiến sĩ kiên cường, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênnin, Người đã viết Bản án chế độ thực dân Pháp. Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp Nguyễn Ái Quốc đã giáng một đòn gián tiếp vào chế độ thực dân phong kiến. Tác phẩm ra đời đã gây được tiếng vang lớn đối với nhân dân Pháp, nhân dân Việt Nam. Đồng thời Bản án chế độ thực dân Pháp là tiếng nói đanh thép thức tỉnh nhân dân Việt Nam, phơi bày cho nhân dân thế giới về việc “khai hóa” văn minh của chủ nghĩa thực dân, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
Từ tác phẩm Lời than vãn của bà Trưng, Vi hành… Nguyễn Ái Quốc phê phán chủ nghĩa thực dân phong kiến mà thực dân Pháp dựng lên ở Việt Nam đến Bản án chế độ thực dân Pháp, Người đã miêu tả chân thực sinh động bản chất xấu xa của chế độ thực Pháp, các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang theo ánh sáng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênnin. Tinh thần phê phán trong nội dung các truyện được thực hiện với tinh thần chủ động tiến công và quan điểm chính trị sắc bén. Phải có một quan điểm chính trị cách mạng và sự hiểu biết sâu sắc đời sống chính trị Pháp, ở các nước thuộc địa, phải có tài năng sáng tạo nghệ thuật vững chắc mới có thể có được những sáng tác giàu tính chiến đấu đó. Phê phán xã hội nhưng không trăn trở luẩn quẩn trong bế tắc mà luôn có những khơi gợi về một tương lai tươi sáng.
Sau khi về nước ngày 28/1/1941, Khi Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt độngc cách mạng trong, Người viết một số bài thơ tả về những sinh hoạt đời thường của người chiến sĩ, đó chỉ là “cháo bẹ, rau măng” dù có như vậy nhưng “Cuộc đời cách mạng thật là sang” được Người viết trong Tức cảnh Pắc Pó. Hay dân cày, phụ nữ, công nhân, binh lính …cũng được Người thi vị hóa thành thơ, kêu gọi tất thảy đồng bào đứng lên cùng đấu tranh cách mạng. Phụ nữ Viết Nam, con cháu của bà Trưng, bà Triệu đã từng “Cưỡi voi đánh giặc, Vẫy vùng bốn phương” thì nay “Chị em cả trẻ đến già, Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh”; Công nhân thì “Trước là cứu nước, sau ta cứu mình”. Ngay cả kêu gọi nhân dân ta tham gia vào Mặt trận Việt Minh, Người cũng dùng thơ văn với thể thơ lục bát, ngôn từ dễ đọc, dễ hiểu, dễ tuyên truyền, lời thơ mang âm hưởng của ca dao tục ngữ khiến cho nhân dân ta tất cả các tầng lớp đều có thể hiểu và làm theo cùng “Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” để diệt kẻ thù chung…
Tháng 8/1942 Người quay lại Trung Quốc và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943 trong thời gian bị bắt giam và giải đi các nhà giam khắp 30 nhà tù ở Quảng Tây, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã viết tập Nhật ký trong tù ký dưới bút danh Hồ Chí Minh. Nhật ký trong tù là một trong những tác phẩm văn học nổi bật của chủ tịch Hồ Chí Minh với 133 bài thơ chủ yếu viết bằng chữ Hán. Đây cũng là thời gian khó khăn nhất, Người bị giam cầm về mặt thân thể dài nhất trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của mình. Vượt lên trên hoàn cảnh ấy với ý tưởng ban đầu chỉ là Ngày dài ngâm ngợi cho khuây, Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do, Người đã viết tập Nhật ký trong tù mà sau này trở thành một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng của Người và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, giữa lúc Nhật nhảy vào Đông Dương, Đức tấn công Pháp ở châu Âu…đã mở ra một cơ hội cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tình hình cách mạng trong nước có nhiểu biến chuyển nhanh chóng, con thuyền cách mạng đang cần biết bao người chèo lái vậy mà Người lại bị giam cầm trong nhà tù. Người không hề lo cho bản thân mình, lo cho tình cảnh mình đang gặp phải mà chỉ canh cánh trong lòng nỗi lo cho dân tộc.
          Toát lên trong Nhật ký trong tù đó là hình ảnh một người cách mạng bị giam cầm về mặt thân thể nhưng không hề nao núng tinh thần. Vươn lên trên tất cả là một tâm hồn yêu thơ ca, yêu thiên nhiên. Nhưng thông qua những vần thơ “nhật ký” đó Người đã thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng. Ngay mở đầu tập nhật ký, Người đã viết:
“Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn lên sự nghiệp lớn
Tinh thần phải càng cao”.
Trước hết là sự đấu tranh với chính hoàn cảnh mà Người đang phải chịu đựng. Hồ Chí Minh đã ghi lại những khó khăn mà mình phải chịu đựng trong các bài thơ: Cái cùm, Đêm lạnh, Ghẻ lở, Ốm nặng,… Chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch đúng như Người miêu tả “Không rau, không muối, canh không có; Mỗi bữa đỏ lưng cơm gọi là…”. Đấy là ăn còn ở thì “Đầy mình đỏ tía như gấm hoa; Sột soạt luôn tay tựa gảy đàn; Mặc gấm bạn tù đều khách quý; Gảy đàn, trong ngục thảy tri ân”. Mặc dù bị giam cầm trong bốn bức tường nhưng tâm hồn Người vẫn luôn lạc quan, hướng về dân tộc, một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu thương con Người: “Tiên khách tự do trên thượng giới, biết chăng tiên cũng ở trong tù”.
          Là một tập nhật ký bằng thơ độc đáo viết trong tù ngục, đã ghi chép hết sức tỷ mỉ, chi tiết như một cuốn phim tài liệu về những điều mắt thấy tai nghe hằng ngày trong nhà lao, trên đường đi đày từ nhà giam này đến nhà giam khác,... tái hiện bộ mặt đen tối của nhà tù Quốc dân đảng, có sức phê phán mãnh liệt; hơn thế, còn cho ta thấy một phần tình trạng xã hội Trung Quốc lúc đó. Người không hề lung lạc ý chí, vẫn luôn tin tưởng vào tương lai mình được tự do, cũng như tin tưởng cách mạng sẽ thắng lợi. Thông qua Nhật ký trong tù, Người cũng lột tả sinh động tỉ mỉ, cụ thể về phương diện nhà tù, cuộc sống của người tù qua các nhà lao và biết được phần nào đời sống của nhân dân Trung Hoa và một số sự kiện chính trị trên đất nước Trung Quốc và trên toàn thế giới.
          Ngoài tập Nhật ký trong tù, năm 1941 khi sang hoạt động cách mạng ở huyện Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây), Hồ Chí Minh đã viết một bài thơ khắc trên một hang đá nơi Người đã lánh tạm bí mật một thời gian. Bài thơ Động trung tức cảnh:
“Phương Đông trời đỏ vầng dương mọc
Mắt phượng mày nga tựa cánh cung
Sao sáng đầy trời, treo tản mát
Mây đen che nguyệt, tối mông lung”(6)
Bài thơ tuy tả cảnh nhưng chứa ẩn ý nghĩa cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Cuộc cách mạng sẽ phải trải qua những khó khăn, gian khổ nhưng nhất định sẽ giành thắng lợi.
          Sức mạnh của ngòi bút, của văn thơ được Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sử dụng triệt để trên com đường đấu tranh cách mạng của mình. Người từng nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”(7).  Văn thơ trước hết là tiếng nói tâm hồn Người, nhưng quan trọng trên hết mục đích khi Người viết văn, làm thơ là phục vụ đấu tranh cách mạng. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh miêu tả chân thực, sinh động. bản chất chế độ thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai vua quan bù nhìn, hiện thực đời sống xã hội được Thông qua những tác phẩm của mình Người muôn khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân ta, truyền bá chủ nghĩa Mác– Lênnin, kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tuy ra đời trong hoàn cảnh nào hay được viết dưới hình thức nào thì những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đều mang đậm tính chiến đấu. Đúng như nhà thơ Sóng Hồng đã nói: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền.”
 
Chú thích:
          (1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995,
                 (2).  Hồ Chí Minh tác giả tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1997, tr 293
                (3) (4)  Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb Sự thật, Hà Nội 1960, tr12, tr110.
(5) Hợp tuyển văn học Việt Nam, tập 4, Nxb Văn hóa, Hà Nội 1970, tr 803.
                (6) Bác Hồ ở Hoa Nam. Nxb Công an nhân dân 2004.
                (7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, sđd, tr616.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)