Về Bức điện gửi ngài Stalin
31 Tháng 08 Năm 2011 / 2918 lượt xem
Hương Thảo Nguyên
Ngay sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trên cương vị Chủ tịch Chính phủ kiêm phụ trách ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì thực hiện sách lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt trong từng thời gian, phù hợp với từng đối tượng để phân hóa kẻ thù, nhằm giữ vững chủ quyền, độc lập và thống nhất của Tổ quốc, tranh thủ có nhiều thời gian chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Ngày 28-9-1945, với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, Người giao Hội đồng Chính phủ dự thảo Lời tuyên bố về chính sách ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dựa trên những nguyên tắc tự do, bình đẳng và quyền dân tộc tự quyết đã được các nước Đồng minh ghi nhận trong các Hiến chương Đại tây dương và San Phransiscô. Thay mặt Chính phủ, trước đó, Người cũng đã gửi Thông điệp cho Liên hợp quốc và các vị đứng đầu các cường quốc, hoan nghênh việc Liên hợp quốc thành lập Ủy ban tư vấn về Viễn Đông và phản đối việc nước Pháp là thành viên của ủy ban này.
Bức điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Xtalin là tài liệu chưa có trong bộ Hồ Chí Minh Toàn tập (12 tập) xuất bản năm 2000. Tài liệu đã được in trong Tạp chí Lịch sử cận hiện đại (tiếng Nga), số 3, 1998, trang 127 và chuẩn bị được công bố trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, 15 tập.
Điện gửi Chủ tịch Xtalin
Kính gửi Chủ tịch Xtalin, Mátxcơva
Về tình hình ở An Nam, tôi đề nghị Đại nhân chú ý đến những vấn đề sau:
1. Khi người Nhật bước vào Đông Dương - từ tháng 9 - 1940 đến tháng 9-1941 - Pháp theo biên bản tháng 7 - 1941 và theo Hiệp ước quân sự bí mật ngày 8 tháng 12 năm 1941 đã từ bỏ chủ quyền của mình ở Đông Dương và giữ lập trường chống lại các nước Đồng minh.
Trong thời gian đảo chính của Nhật, ngày 9-3-1945, người Pháp hoặc bỏ chạy, hoặc đầu hàng trước người Nhật, làm ngược lại những lời hứa đã được họ đưa ra trong Hiệp ước về bảo hộ tháng 3 năm 1874 và tháng 7 năm 1884, bằng cách đó họ đã xé bỏ tất cả các quan hệ hành chính và pháp luật với nhân dân Đông Dương. Ngày 19-8-1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập, giành lấy độc lập trên toàn bộ lãnh thổ từ tay người Nhật.
Sau khi người Nhật đầu hàng, lúc mà Chính phủ lâm thời Việt Nam, với tư cách là một Chính phủ độc lập, bắt đầu thực hiện một chương trình xây dựng theo tinh thần Hiến chương Đại Tây Dương và nghị quyết từ San-Phransixcô, người Pháp đã cố tình không đếm xỉa đến tất cả những hiệp ước hòa bình đã được Liên hiệp quốc ký kết vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai, đã bội ước tấn công chúng tôi ở Sài Gòn ngày 23 tháng 9 và hoạch định một kế hoạch chiến tranh xâm lược chống lại An Nam.
2. Nhân dân mong muốn hợp tác với Liên hiệp quốc vì sự nghiệp tạo ra nền hòa bình lâu dài trên toàn thế giới, và vì họ đã phải khổ cực bởi sự thông đồng của người Nhật và người Pháp vào năm 1941, nên họ hết sức cương quyết không để cho người Pháp trở lại Đông Dương nữa. Nếu như xẩy ra việc quân đội Pháp kéo vào từ Trung Quốc, nơi mà họ đã lẩn trốn trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Đông Dương, hoặc từ những nơi khác, để đặt chân vào địa phận nào đấy của Đông Dương, hoặc vào bất kỳ phần lãnh thổ nào của An Nam, thì nhân dân An Nam cương quyết đấu tranh chống lại chúng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
3. Nếu ở Viễn Đông, một sự hỗn độn đẫm máu hay là một cuộc khởi nghĩa toàn diện bắt đầu bởi những nguyên nhân đã nói ở mục 2 thì tất cả trách nhiệm trước toàn thế giới chỉ có thể thuộc về người Pháp.
Xin gửi Ngài lời chào kính trọng.
Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 1945
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI
CỘNG HÒA VIỆT NAM
HỒ CHÍ MINH