slider
Phát triển kinh tế số

Về hai tấm bản đồ nhà H.67

28 Tháng 05 Năm 2014 / 2625 lượt xem

Nguyễn Thị Thu

                                                                     Phòng ST- KK- TL

Từ giữa năm 1961, đế quốc Mỹ và Chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã tiến hành cuộc "chiến tranh đăc biệt" hy vọng chuyển sang thế tiến công để giành lại thế chủ động hòng "bình định" xong miền Nam trong vòng 18 tháng . Sau thất bại thảm hại của kế hoạch Staley-Taylor, tháng 3/1964, đế quốc Mỹ lại thực hiện kế hoạch Giônxơn- Manamara nhằm bình định miền Nam trong vòng 2 năm (1964-1965). Song mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đều vấp phải sức kháng cự vô cùng mãnh liệt của nhân dân cả nước, trực tiếp là nhân dân miền Nam. Những chiến thắng Bình Giã, Plây Cu, Ba Gia, Đồng Xoài… của quân và dân miền Nam đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Sau thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ lại điên cuồng ồ ạt đưa thêm hàng chục vạn quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, đồng thời huy động hàng trăm máy bay và tàu chiến tăng cường đánh phá miền Bắc Việt Nam, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, phá hoại hậu phương, hòng làm lung lay ý chí kháng chiến của nhân dân ta; kết thúc chiến tranh theo điều kiện có lợi cho Mỹ. Trong những ngày căng thẳng nhất của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ở và làm việc tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch.

Với cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước và là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị ngày đêm lo lắng cho sự an toàn của nhân dân và chỉ đạo sát sao cả hai vùng chiến sự miền Bắc, miềm Nam và từng bước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ ở miền Bắc. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (1), với quyết tâm “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã vạch ra những đường lối, chiến lược đấu tranh toàn diện nhằm đạt được mục tiêu “Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”(2) giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà.

Một trong những sử liệu minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mặt quân sự là hai tấm bản đồ “Bố trí binh lực địch ở miền Nam Việt Nam đến tháng 8-1969” và “Các bước leo thang của địch đánh phá miền Bắc tháng 8-1969 về trước” hiện đang được lưu giữ, trưng bày phát huy tác dụng tại Di tích nhà H67.

Hai tấm bản đồ đã được xác định, ghi chép là hiện vật Bảo tàng từ ngày 21/12/1970 và được đánh số kiểm kê. Tấm bản đồ “Bố trí binh lực địch ở miền Nam Việt Nam đến tháng 8-1969” có số kiểm kê BTHCM 1112/G-816 và tấm bản đồ “Các bước leo thang của địch đánh phá miền Bắc tháng 8-1969 về trước” có số kiểm kê BTHCM 1110/G-815. Hai tấm bản đồ này được Cục đo đạc và bản đồ tái bản lại có chỉnh lý bổ sung theo tài liệu Hàng không do phòng bản đồ Bộ tổng tham mưu đã in từ năm 1960. Tấm bản đồ “Bố trí binh lực địch ở miền Nam Việt Nam đến tháng 8-1969”, in năm 1965, với kích thước 1,66x 2,33m và tỷ lệ 1/500.000. Còn tấm bản đồ “Các bước leo thang của địch đánh phá miền Bắc tháng 8-1969 về trước”, in năm 1967, với kích thước 1,40x 1,90m và tỷ lệ 1/100.000. Trên bản đồ “Các bước leo thang của địch đánh phá miền Bắc tháng 8-1969 về trước” lấy Hà Nội làm trung tâm, bản đồ được chia thành 12 vòng. Vòng trung tâm có bán kính 1km, vòng thứ hai có bán kính cách tâm 100km, vòng thứ 3 có bán kính cách tâm 200km, vòng thứ 4 có bán kính cách tâm  400km... cho đến vòng thứ 12 có bán kính cách tâm 1200km. Từ vòng có bán kính cách tâm 400km trở lên lại được chia thành 6 khu vực theo chữ số la mã. Nửa dưới dán nhiều mảnh giấy ghi và đánh dấu những phi đoàn, biên đội, phi đội, đại đội ở các căn cứ Không quân Mỹ, nguỵ, chư hầu trên hai tàu chiến ở vịnh Bắc Bộ, Thái Lan, Guyam, Ôkênaoa.  Dưới góc phải bản đồ dán giấy chỉ dẫn lực lượng không quân của địch trực tiếp tham gia trên 3 chiến trường A,B,C. Những chỉ dẫn được ghi lại trên nửa dưới tấm bản đồ cho thấy tầm nhìn chiến lược cũng như sự quan tâm về tình hình chiến sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo đồng chí Cù Văn Chước- nguyên Trưởng phòng Hành Chính- Quản trị Văn phòng Phủ Chủ tịch và đồng chí Vũ Kỳ- nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: Hai tấm bản đồ này được Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng mang đến Văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1965, để phục vụ việc báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị về tình hình bố trí binh lực địch ở miền Nam Việt Nam và tình hình bắn phá miền Bắc Việt Nam của không lực Mỹ. Qua đó, giúp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nắm bắt tình hình cuộc chiến kịp thời để chỉ đạo quân và dân 2 miền Nam, Bắc chiến đấu đi đến giành thắng lợi. Và ông cũng cho biết, thời gian đầu, hai tấm bản đồ trên đã được các đồng chí treo ở Căn phòng họp Bộ Chính trị và cũng là nơi Bác Hồ thường tiếp khách quốc tế (nhà CK1- đối diện với ngôi nhà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng sống và làm việc). Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị thường nghe các đồng chí ở Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không đến báo cáo tình hình chiến sự 2 miền  Nam – Bắc trên cơ sở hai tấm bản đồ này. Về sau, khi ngôi nhà H67 được xây xong (tháng 6/1967) thì khoảng đầu năm 1968 hai tấm bản đồ này mới được chuyển sang ngôi nhà H67 và được treo ở 2 vị trí như hiện nay.

Cũng theo các nhân chứng cho biết, gần như hàng tuần, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đều nghe báo cáo tình hình chiến sự diễn ra ở 2 miền Nam - Bắc Việt Nam. Các đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Cao Văn Khánh và đồng chí Lê Ngọc Hiền - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thường được Bác mời đến để báo cáo tình hình chiến sự ở miền Nam, còn đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không- Không quân, thường được Bác mời vào báo cáo tình hình chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ ở miền Bắc Việt Nam. Khoảng cuối năm 1967, Bác Hồ cho gọi đồng chí Phùng Thế Tài vào gặp, ngay phút đầu, Bác đã hỏi về tình hình máy bay B52 và nhận định: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì vậy nhiệm vụ của chú rất nặng nề”(3). Đầu năm 1968, bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” của Quân chủng Phòng không- Không quân đã được hình thành, tuy còn đơn sơ nhưng đã chứa đựng những nội dung cơ bản. Từ kinh nghiệm thực tế của các chiến trường, bản kế hoạch liên tục được sửa chữa, bổ xung để đến năm 1972, Quân chủng có thêm những “Phương án tháng 5”, “Phương án tháng 7”, “Phương án tháng 9”,  và cuối cùng là “Phương án tháng 11”- bản kế hoạch đánh B52 hoàn chỉnh nhất.

Theo lời kể của ông Lê Hữu Lập nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch kể: Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến chiến dịch trên không và đặc biệt loại máy bay B52, từ những năm 1967-1968, khi ông được đọc bản tin cho Người, mỗi lần nghe thấy những bản tin nào nói về máy bay B52, Bác đều bảo đưa cho Bác xem và Người đánh dấu vào chỗ có ghi B52. Có lẽ lúc đó Bác đã nghĩ tới việc Mỹ sẽ đem B52 ném xuống miền Bắc. Và Người cũng tin vào khả năng của quân dân ta sẽ tìm ra cách phá máy bay B52, mặc dù thời điểm này chúng ta chưa có các loại vũ khí tối tân để phá B52 của Mỹ. Sau này khi chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân miền Bắc buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấp nhận rút hoàn toàn quân viễn chinh Mỹ và các nước phe Mỹ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tiến lên giành toàn thắng vào mùa xuân năm 1975, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phùng Thế Tài… cho biết thêm về tư tưởng chỉ đạo vĩ đại của Bác là phải đánh bại máy bay B52 thì mới có Hiệp định Pari sau này. Ngoài ra, đồng chí Vũ Kỳ cho biết, việc báo cáo tình hình bắn phá bằng Không quân của Mỹ ở miền Bắc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí ở Quân chủng Phòng không còn chuẩn bị thêm một tấm bản đồ giấy, kích thước khoảng 40x40cm (thường được để ở nhà cầu con) để nếu có báo động Bác xuống trú ẩn ở đó thì vẫn có thể theo dõi tình hình chiến sự. Trên bản đồ này, lấy Hà Nội làm trung tâm, chia từng vòng tròn nhỏ, mỗi vòng được tính cách 10 km để biết được vị trí máy bay bắn phá phía nào, cách Hà Nội bao nhiêu cây số.

Trong cuốn Bác Hồ với cuộc kháng chiến chống Mỹ có ghi: Ngày 28/12/1967, Người cùng Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt ngay bên nhà Bác Hồ và có bản đồ kê trên bục trong phòng họp và có nhiều tướng lĩnh đến báo cáo. Từ phân tích và nhận định tình hình, Bộ Chính trị đề ra: Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Trong cuộc họp, Bác Hồ căn dặn: “Tranh thủ giành thắng lợi sớm, nhưng phải chú ý đánh lâu dài, thuận lợi có nhiều, nhưng phải thấy những khó khăn. Nói giành thắng lợi sớm, nhưng phải chú ý đến giữ sức dân, người của kiệt thì quân nhiều không đánh được. Phải mở rộng du kích, tăng cường trang bị, làm sao càng đánh càng mạnh, đánh liên tục, đánh được dài (4).

Đồng chí Vũ Kỳ cho biết, kết thúc phiên họp Bộ Chính trị kéo dài và căng thẳng, Bác trở về nhà sàn, chân bước chậm rãi, có lẽ một điều gì đó kiến Bác chưa thật an tâm…Đến tối, đèn trên buồng ngủ của Bác tắt muộn hơn mọi tối…

Ngày 30 tháng 12 năm 1967, buổi sáng từ 7 giờ 15 đến 9 giờ 30 Bác lại dự họp Bộ Chính trị, nghe đồng chí Cao Văn Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng, báo cáo thêm những diễn biến mới nhất của tình hình chiến sự miền Nam. Bác ngồi nghe, một tay giữ lấy kính, chăm chú nhìn vào bản đổ khổ lớn treo trên tường. Ngoài ra, trong cuốn Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử có ghi: Ngày 10/5/1968, Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Phó tổng tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền báo cáo tình hình chiến sự miền Nam”; Ngày 7/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Phó tổng tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền và Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến sự miền Nam (5). Khi báo cáo, các đồng chí sử dụng hai tấm bản đồ trên. Khi được mời đến Phủ Chủ tịch để báo cáo, các đồng chí thường chuẩn bị nội dung, trong quá trình báo cáo, các đồng chí cắm lên bản đồ các chỉ số để việc báo cáo có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị dễ “hình dung”.

Khi báo cáo tình hình chiến sự hai miền Nam - Bắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị, các đồng chí ở Cục tác chiến và Quân chủng Phòng không sử dụng que chỉ bản đồ bằng gỗ. Báo cáo xong, các đồng chí để nó ở trên bàn đặt tại góc nhà H67 (Hai chiếc que chỉ bản đồ trên cũng đã được ghi chép và đánh số kiểm kê là hiện vật bảo tàng).

Ngày 28/8/1969, “Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu có dấu hiệu rối loạn nhịp tim và rối loạn phần truyền nhĩ thất - Tình hình sức khoẻ của Người có nhiều diễn biến xấu và rất phức tạp. Nhưng Người vẫn nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị đên báo cáo về tình hình chiến sự ở hai miền Nam- Bắc, đặc biệt là tình hình chiến sự ở Nam Bộ và Liên khu V. Người luôn hỏi: “Miền Nam chiến sự thế nào?” và để động viên mọi người khỏi lo lắng Người nói: “Hôm nay Bác khỏe hơn hôm qua!”(8). Chiều ngày 29/8/1969, Người rất mệt, lúc tỉnh dậy nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người lại hỏi về tình hình chiến sự ở miền Nam (9). Đặc biệt, trước lúc đi xa 2 ngày, ngày 31/8 và 1/9/1969, tuy sức khoẻ của Người diễn biến xấu nhưng khi tỉnh dậy nhìn thấy các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương đến thăm và theo dõi sức khoẻ, Người lại hỏi tình hình chiến sự ở miền Nam (10). Trên tờ giấy dán bên trái của tấm bản đồ “Bố trí binh lực địch ở miền Nam Việt Nam đến tháng 8-1969” vẫn còn ghi những thống kê binh lực địch ở miền Nam Việt Nam tháng 8/1969, có lẽ các đồng chí trong Bộ Chính trị vẫn thường theo dõi để lấy số liệu báo cáo Bác trong những ngày Bác sắp đi xa. Trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà sàn cũng như ngôi nhà Người chữa bệnh và qua đời vẫn còn nguyên chồng báo Người đang xem. Đó là những tờ báo xuất bản vào thời điểm tháng 9, 10- 1969 là những ngày vô cùng sôi động của cách mạng cả hai miền. Trong tờ báo Tân Việt hoa số ra ngày 13-8-1969, đưa tin chiến thắng của quân dân  2 tỉnh Quảng Trị và Gia Lai có những nét ngoặc đơn đánh dấu bằng bút mực màu đỏ. Chúng tôi được đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí  Minh và đồng chí Cù Văn Chước cho biết đây là bút tích của Người. Người rất lưu tâm tin chiến sự miền Nam, mỗi thắng lợi của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đều được Người trân trọng giữ lại.  

Với giá trị và ý nghĩa lịch sử, hai tấm bản đồ “Bố trí binh lực địch ở miền Nam Việt Nam đến tháng 8-1969” và “Các bước leo thang của địch đánh phá miền Bắc tháng 8-1969 về trước” không chỉ là kỷ vật vô giá, góp phần vào việc nghiên cứu về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nó giúp chúng ta hiểu hơn về năng lực chỉ đạo của một nhà chiến lược tài tình về quân sự Hồ Chí Minh đúng như đồng chí Phiđen Caxtơrô, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu Ba đã khẳng định: “Cuộc đời của Người là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, kiên nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy. Chưa bao giờ trên một mảnh đất hẹp như vậy, trong một thời gian ngắn ngủi như vậy lại diễn ra một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định vì loài người như cuộc chiến đấu mà Đồng chí Hồ Chí Minh đã tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Việt Nam, chiến luỹ bất khả xâm phạm của cuộc đấu tranh cách mạng trên toàn thế giới và tấm gương cao cả về hy sinh, về khí phách anh hùng và danh dự…(11).

Ghi chú:

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc Gia, H.2011, t.15, tr.130

(2). Bác Hồ Chúc mừng năm mới. Nxb VHTT, H.2007, tr.102

(3). Bác Hồ những kỷ niệm không quên, Nxb QĐND, H.2002, tr.232

(4). Bác Hồ với cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nxb CTQG, H.2006, tr.265

(5). Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.2009, tập10, tr.205

(6). Sđd. Tr.397

(7). Sđd. Tr.400

(8). Sđd. Tr.401

(9), (10). Sđd. Tr.402

(11). Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, H.2011, Tr.127

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)