slider

Về ngôi trường mang tên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

23 Tháng 05 Năm 2020 / 3823 lượt xem

ThS. Phạm Nga

Phòng Hành chính, Tổng hợp

1. Trường Đảng Trung ương mang tên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chính thức được thành lập.

Tháng 01/1949, tại Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 diễn ra tại khu Việt Bắc, Báo cáo tích cực cầm cự và chuẩn bị Tổng phản công do đồng chí Trường Chinh trình bày tại Hội nghị đã chỉ rõ: “phải ra sức đào tạo cán bộ về mọi ngành, để có đủ người gánh vác công việc ngày một nhiều, một nặng…”(1). “Việc học tập chủ nghĩa cộng sản, nghiên cứu lý luận Mác-Lênin trong Đảng là một việc hằng ngày của mỗi đồng chí chúng ta. Đảng phải giúp cho các đồng chí đủ điều kiện học tập lý luận và chủ nghĩa, cũng như nghiên cứu đường lối chính sách của Đảng… Trung ương cũng như các khu cần mở trường huấn luyện thường trực, thống nhất chương trình huấn luyện các cấp và kiện toàn các ban tuyên huấn các cấp”. Hội nghị cũng đã ban hành Nghị quyết chỉ rõ: “Các trường Đảng mở luôn, liên tiếp, phân công rành mạch giữa trường Trung ương, khu và tỉnh”(2). Từ đây trường Đảng mang tên Nguyễn Ái Quốc trở thành trung tâm huấn luyện, đào tạo cán bộ thường xuyên của Đảng

Xác định rõ tầm quan trọng của Trường, theo sự phân công của Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp lãnh đạo công tác tuyên huấn, đồng thời phụ trách Trường. Đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, là Giám đốc đầu tiên của Trường. Từ năm 1949 đến năm 1951, các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Lê Tất Đắc, Hà Huy Giáp, Đào Duy Kỳ là Phó Giám đốc. Từ năm 1951 đến năm 1954, các đồng chí Nguyễn Chương, Lê Mạnh Chinh là Phó Giám đốc.

Trong hoàn cảnh kháng chiến, Trường được xây dựng giữa vùng rừng núi thuộc căn cứ địa Việt Bắc với địa điểm chính thức là ở xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Nơi ăn ở của học viên, lớp học, hội trường đều làm bằng tranh, tre, nưa, lá. Để giữ gìn bí mật, đề phòng địch nem bom bắn phá, nhảy dù “chụp” bắt cán bộ, địa điểm của Trường bao giờ cũng phải ngụy trang và luôn di chuyển. Cán bộ nhân viên và học viên nhà trường đã khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, nhiều lần tự mình xây dựng cơ sở của Trường. Để đảm bảo an toàn, tháng 8-1950, Trường chuyển lên xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tiếp đó, Trường còn chuyển nhiều lần ở các huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Quán triệt tinh thần học tập phục vụ thiết thực cuộc kháng chiến, nội dung giáo dục của Trường chủ yếu là những vấn đề cơ bản về đường lối, chính sách kháng chiến của Đảng và những vấn đề lý luận gắn liền với công tác kháng chiến nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Trong thời gian đầu thành lập, nhiệm vụ trọng tâm của Trường là vừa lựa chọn cán bộ xây dựng bộ khung cán bộ của nhà trường, đồng thời mở các lớp bồi dưỡng về lý luận, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Chính phủ, cho cán bộ trung cao cấp của Đảng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới, trực tiếp là sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Mục tiêu, nhiệm vụ của Trường được chỉ rõ trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người đến thăm Trường: Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, cho cách mạng, phải làm cho người học nhận thức rõ mục đích học tập, rèn luyện ở nhà trường, phấn đấu phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì lợi ích của nhân dân, và vì sự phát triển của nhân loại. Nhà trường không chỉ đào tạo, trang bị về kiến thức, về lý luận cách mạng mà phải đặc biệt chú ý rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Sự thành công của Trường trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện cán bộ, được đánh dấu về sự nhận thức và kết quả hoạt động thực tiễn, sự tu dưỡng đạo đức trong kháng chiến. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc hình thành với sự huấn luyện cán bộ thường xuyên là cột mốc lớn đánh dấu bước phát triển mới trong công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng. Nhà trường được mang tên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng, Người mở đầu sự nghiệp đào tạo những lớp cán bộ nòng cốt, những người con ưu tú nhât của cách mạng Việt Nam. Đây là vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn đối với đội ngũ cán bộ, học viện Nhà trường mang tên Bác Hồ.

Sau khi hình thành với chức năng, nhiệm vụ, nội dung huấn luyện được xác định rõ ràng, Trường Đảng mang tên Nguyễn Ái Quốc đã đẩy mạnh hoạt động. Trong năm 1949, Trường mở liên tiếp 2 khóa bồi dưỡng. Khóa I mở từ tháng 2 và kết thúc từ tháng 4/1949, có 40 học viên. Trường mở khóa II vào tháng 9/1949, với 175 học viên.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ của nhà trường

Tháng 9/1949, trong ngày khai giảng lớp lý luận dài hạn khoá II, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Người nói chuyện và ở lại buổi tối, cùng tham gia liên hoan văn nghệ với cán bộ, học viên. Đặc biệt Người đã ghi vào Sổ vàng của Trường những lời huấn thị:

“Học để làm việc,

làm người, làm cán bộ.

Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư(3):

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích học tập đối với cán bộ tham gia huấn luyện, đào tạo tại Trường Đảng đồng thời cũng xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của Trường Đảng Trung ương đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, cho cách mạng. Người nhấn mạnh sự nhất quán giữa mục đích và phương châm, phương pháp học tập, giữa việc trao đổi, nâng cao kiến thức với rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Đó là những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo cán bộ.

Những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi tháng 9-1949 trong Sổ vàng nhà trường đã trở thành kim chỉ nam cho công tác đào tạo cán bộ của Đảng nói chung, của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay) nói riêng. Ngày Người đến thăm Trường lần đầu tiên trở thành Ngày truyền thống lịch sử của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Và từ buổi đầu đến thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, mỗi lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường về sau đều để lại cho đội ngũ cán bộ, học viên nhà trường những bài học sâu sắc, những lời dặn dò quý báu. Một lần, khi Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc còn ở căn cứ kháng chiến Việt Bắc, Bác đến dự Lễ bế giảng của Trường. Xuống thăm nhà bếp, Bác thấy làm cỗ có vẻ linh đình, Bác nói với đồng chí phụ trách trường: “Này, bế mạc, chứ không phải “bế bụng” đâu nhé ! Kháng chiến còn khó khăn lắm các chú ạ”.

Đến bữa ăn, thấy mâm cơm chỉ có một bát, một đôi đũa, Bác hỏi: “Thế Bác ăn với ai?”. Đồng chí phụ trách gãi đầu gãi tai: “Dạ, xin để Bác ăn riêng cho tiện.” Bác ngắt lời: “Không tiện gì cả. Thế ra các chú cho Bác ăn trên ngồi trốc à?”. Và Bác yêu cầu phải bê các món ăn của cán bộ, nhân viên nhà trường lên cho Bác xem, rồi Bác bảo kê thêm bàn ghế cho mọi người cùng ngồi ăn với Bác. Bố trí xong xuôi cả rồi, Bác mới vui vẻ bảo mọi người: “Ngồi cả vào đây ăn chung với Bác, ăn một mình thì Bác ăn sao được?”. Khi Bác lên nói chuyện với các học viên, đồng chí phụ trách Trường giới thiệu: “Bác Hồ sẽ huấn thị cho chúng ta”. Bác cười mà bảo rằng: “Tôi nói chuyện với các đồng chí thôi, chứ có “huấn thị” gì đâu”.

Buổi tối Bác ở lại Trường để làm việc. Các đồng chí mang đến cho Bác một chiếc đèn rất sáng. Khoảng 9-10 giờ tối, Bác cầm đèn đó xuống Văn phòng Trường và bảo rằng : “Đèn này to, tốn dầu lắm ! Bác còn làm việc khuya, một chiếc đèn con thôi cũng đủ. Các đồng chí đổi cho Bác chiếc đèn khác”.

Sáng sớm hôm sau, trước khi Bác chia tay Trường, đồng chí phụ trách hỏi Bác có điều gì căn dặn thêm về công việc của Trường, Người nói: “Tôi chỉ mong các đồng chí đừng quan tâm đến tôi quá mà phải quan tâm đến mọi người hơn”(4).

Theo dõi sát sao việc huấn luyện, đào tạo, học tập tại Trường Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời có những chỉ dẫn để Trường sửa chữa, khắc phục những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Ngày 21/4/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường. Nói chuyện với học viên, Người thẳng thắn phê phán việc thiếu quân sự hóa, chưa chú ý lối sống tiết kiệm, tự túc trồng rau, một số học viên có tiền hay đi “căng tin”... Người đã giáo dục tinh thần cần, kiệm, liêm, chính một cách thiết thực, nhắc nhở học đi đôi với hành, lời nói đi đôi với việc làm và yêu cầu mọi học viên phải thể hiện điều đó ngay trong cuộc sống ở Trường Đảng. Cùng với việc nêu cao đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phê phán tình trạng quan liêu hóa, xa rời quần chúng, thích dùng mệnh lệnh. trong một số cán bộ.

Ngày 06/5/1950, Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, bao gồm công tác của Trường Đảng Trung ương. Nói chuyện với Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã uốn nắn những thiếu sót, nêu và làm sáng tỏ những quan điểm cơ bản về công tác huấn luyện. Lúc này, việc huấn luyện ở các địa phương đã thành phong trào, song lớp mở quá nhiều mà học viên trong lớp lại quá đông. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán cái “dịch” mở trường tham nhiều mà không chu đáo, không biết “quý hồ tinh bất quý hồ đa” (quý chất lượng, không quý số lượng), Người đề ra yêu cầu hợp lý hóa việc huấn luyện, nghĩa là “mở lớp nào cho ra lớp ấy”, “lựa chọn người dạy và người đến học cho cẩn thận”.

Để đảm bảo công tác huấn luyện đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”. Ngoài việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, “lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin làm gốc”, những chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Người lưu ý những tài liệu thiết thực: “Đó là những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại, tức là những bài học quý, không phải cứ chờ đồng chí cấp trên đến nói chuyện thì mới là bài, là học”(5)

Nhằm phê phán việc học lý luận Mác- Lênin một cách sách vở, không thiết thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh kể câu chuyện đối thoại giữa Bác và một số học viên đi học về:

“Bác hỏi: Học có vui không?”

-              Vui lắm.

-              Thế học những gì?

-              Các Mác

-              Học thế rồi có biết gì không?

Họ ấp úng: “Không ạ”.

Thế là phí công, phí của, vô ích(6):

Điều quan trọng để đảm bảo hiệu quả của huấn luyện là giảng viên, Bác khẳng định: Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của minh... Người huấn luyện nào tự cho mình đã biết cả rồi, thì người đó dốt nhất”(7). Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị huấn luyện và học tập toàn quốc soi sáng cho công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong mọi giai đoạn phát triển.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương được chuyển từ Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Ngày 07/9/1957, nhà trường khai giảng khoá học lý luận dài hạn đầu tiên, mở đầu thời kỳ giáo dục lý luận một cách cơ bản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự lễ khai giảng và đọc Diễn văn khai mạc.

Ngày 23/8/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Đảng khi Trường đang trong quá trình xây với quy mô lớn khang trang hơn, đảm bảo việc ăn ở học tập, làm việc cho gần 1000 cán bộ và học viên. Bác xuống xe, đi vòng ra khu vệ sinh, vào thăm nhà ăn. Bác hỏi anh chị em phục vụ, động viên mọi người làm tốt công việc được phân công. Sau đó, Bác chia kẹo cho các cháu từ khu tập thể chạy đến đón Bác.

Vào hội trường, Bác nói chuyện với cán bộ, học viên về những vấn đề chủ yếu nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người nhắc nhở: Mỗi đảng viên theo chủ nghĩa xã hội đều phải chống chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ, học viên phải nêu cao đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, chí công vô tư. Học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là học thuộc lòng từng câu, từng chữ để biết Mác nói thế này, Lênin nói thế kia, mà học là để áp dụng vào thực tế “Học không phải chỉ để nói mà để làm”. Người nhấn mạnh: “Các cô, các chú phải làm thế nào cho xứng đáng với tên Trường của các cô, các chú đang học... như thế là góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”   .

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc khi đang trong quá trình xây dựng, như vậy chúng ta hiểu rằng chiến tranh hay hòa bình, dù khó khăn, gian nan đến cỡ nào thì Người vẫn luôn sát sao quan tâm chỉ đạo để Trường được phát huy giá trị cao nhất.

70 năm qua, tự hào luôn là mái trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu, mỗi bước trưởng thành và dấu mốc phát triển của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày hôm nay luôn gắn liền với tiến trình cách mạng Việt Nam. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường vẫn luôn giữ vững truyền thống là một trong những trung tâm truyền thụ trung thành chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng, tăng cường sự nhất trí trong Đảng và giúp cho cán bộ hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra(7).

Chú thích:

1, 2, 3, 5, 6, 7, 9. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 70 năm truyền thống vẻ vang.

4. Bác Hồ với chiến sỹ, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2001

  Bác Hồ với thủ đô Hà Nội, Thủ đô Hà Nội với Bác Hồ, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2013

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)