slider

Về tác phẩm và số lượng bài thơ trong Ngục Trung Nhật Ký

15 Tháng 09 Năm 2022 / 525 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Ngày 13/8/1942, lãnh tụ Hồ Chí Minh sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng Việt Nam và Đảng CS Trung Quốc. Ngày 25/8, Người đến Ba Mông thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây và tạm trú ở nhà gia đình nông dân Từ Vĩ Tam. Mờ sáng ngày 28/8, thanh niên Dương Đào đưa Hồ Chí Minh đi Bình Mã. Đến xã Túc Vinh, huyện Thiên Bảo thì bị dân vệ Quốc dân đảng bắt giữ vì Hồ Chí Minh mang nhiều loại giấy nhưng đều hết hạn từ năm 1940. Từ ngày 29/8 cho đến ngày 10/9/1943 (một năm và 12 ngày), Hồ Chí Minh bị giam giữ, giải qua 18 nhà tù của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây (có tài liệu viết nhiều hơn là tính cả những nơi bị giải quay lại mấy lần như Quế Lâm, Liễu Châu). Những ngày trong ngục, Hồ Chí Minh viết Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) bằng chữ Hán. Bài viết này sẽ trình bày hai vấn đề sau:

1,            Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) có đúng là của tác giả Hồ Chí Minh?

Sở dĩ phải đưa vấn đề này ra là vì có một số nhân vật tự nhận là những trí giả, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học, những người viết sử hoặc dịch giả người Việt sống lưu vong ở nước ngoài đã nhiều lần xúc xiểm, ra vẻ khách quan nêu thắc mắc về tập thơ Ngục trung nhật ký (NKTT) và đặt ra mấy nghi vấn như: Bìa cuốn sách ghi thời gian từ ngày 29/8/1932 đến 10/9/1933 là không đúng với thời gian Hồ Chí Minh bị giam trong nhà tù ở Quảng Châu là từ 29/8/1942 đến 10/9/1943? Hồ Chí Minh không phải là nhà thơ, chưa nghiên cứu và làm thơ theo Đường luật thì tại sao lại làm được hơn một trăm bài theo kiểu Đường thi? (Nguyên tắc của một bài thơ theo Đường luật là ý nghĩa của hai câu 3 và 4 phải “đối” nhau và hai câu 5, 6 cũng “đối” nhau. “Đối” thường được hiểu là sự tương phản - về nghĩa kể cả từ đơn, từ ghép, từ láy - bao gồm cả sự tương đương trong cách dùng các từ ngữ. Các câu trong một bài thơ Đường giống nhau về luật thì được gọi là “câu niêm với nhau” - niêm ở đây được hiểu là giữ luật. Bố cục một bài thơ Đường luật theo truyền thống thường được chia gồm 4 phần: Đề, Thực, Luận, Kết. Hai câu Đề giới thiệu về thời gian, không gian, sự vật, sự việc. Hai câu Thực trình bày, mô tả sự vật, sự việc. Hai câu Luận diễn tả suy nghĩ, thái độ, cảm xúc về sự vật, hiện tượng. Hai câu Kết khái quát toàn bộ nội dung bài theo hướng mở rộng và nâng cao. Thơ thất ngôn bát cú có luật lệ gò bó khó làm nhất nhưng lại được người xưa ưa thích nhất, thường dùng để bày tỏ tình cảm ý chí, ngâm vịnh, xướng họa và người làm thơ thường có xu hướng không tìm quy luật chung về bố cục để làm thơ mà áp dụng cách làm đã có từ thời Thanh sơ ở Trung Hoa). Liệu trình độ Hán học của Hồ Chí Minh có đủ để làm được cả một tập thơ như vậy không? Rồi NKTT rất có thể là tác phẩm của ai đó mà Hồ Chí Minh tự nhận là của mình để nổi tiếng...!?

a,            Trước hết, cần phải biết rằng thực tế không thể có một nhật ký của một người nào khác không phải là của Hồ Chí Minh lại viết tự sự trùng khớp với ngày, tháng mà Hồ Chí Minh bị bắt giữ và được thả tự do (29/8 và 10/9) chỉ có năm thì khác (cách nhau đúng 10 năm: 1932- 1933 và 1942 - 1943), trừ phi có người tù nào đó cùng bị giam với Hồ Chí Minh, bị giải đi các nhà tù cùng nhau và cùng làm thơ với Người? Việc này trong lịch sử rõ ràng là không xảy ra (anh thanh niên Dương Đào dẫn đường cùng bị bắt với Hồ Chí Minh, sau được thả nhưng bị bệnh lao, ốm nặng mất ở Liễu Châu). Còn về thời gian ghi chênh 10 năm thì như Người giải thích với Ban biên tập sách của Viện văn học khi làm công việc chỉnh lý và dịch cuốn thơ NKTT được xuất bản năm 1960 là: Mục đích cốt chỉ để bảo đảm an toàn cho tập thơ này.

Người cũng đã nói với thư ký Vũ Kỳ về chuyện này (đồng chí Vũ Kỳ đã kể lại trong buổi nói chuyện với cán bộ khoa học về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1993 tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch): Do không phải lính canh tù nào cũng biết chữ nên nếu không hiểu tù nhân viết gì chúng sẽ nghi ngờ khám xét, tịch thu, đưa lên cấp trên điều nghiên, đọc được nội dung những bài thơ mô tả đúng thực trạng nhà tù Quốc dân đảng thì chắc chắn tập thơ sẽ bị hủy, còn tác giả sẽ bị tăng hình phạt nặng. Vì thế, Hồ Chí Minh chủ ý viết con số đúng ngày tháng nhưng lệch năm ngay ở ngoài bìa tập thơ (trang đầu tiên) để dễ giải thích nếu như bị lính canh chất vấn về tập thơ. Hơn nữa, đúng là trong thời gian từ 1932 - 1933, Hồ Chí Minh cũng bị bắt và giam giữ tại Hông Kông nên điều này tất nhiên hợp lý! Tuy vậy, tại trang 53 của cuốn thơ, sau hai bài thơ cuối cùng, tác giả Hồ Chí Minh vẫn viết lại chính xác khoảng thời gian từ khi bị bắt cho đến khi được ra khỏi nhà tù là: 29/8/1942 - 10/9/1943 để ghi nhớ mốc ngày, tháng bị cầm tù và thời điểm sáng tác tập nhật ký bằng thơ này.

b,            Ngay từ thời đi học tiểu học rồi lên quốc học, cậu Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành) đã học chăm chỉ, tiến bộ rất nhanh và còn chịu khó đến nhà thầy giáo hỏi thêm bài. Khi học lớp Nhất trường tiểu học Pháp - Việt Đông ba, trò Cung là một trong 10 học sinh giỏi nhất lớp, được chọn để thi vượt cấp. Trò Cung học các môn đều khá, Hán văn thì không ai bì kịp, nhiều bài luận được thầy giáo khen trước lóp... Về sau, tuy không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp nhưng Hồ Chí Minh đã làm chủ bút, viết nhiều bài báo, vẽ nhiều minh họa và biếm họa, sáng tác khá nhiều thơ: từ khi sáng lập tờ báo Người cùng khổ ở Paris (Pháp) và báo Thanh Niên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Người còn đều đặn viết bài cho báo Thư tín quốc tế, Pravda ở Moscow (Liên Xô), Thế giới ở Berlin (Đức), Việt Nam độc lập ở Cao Bằng (Việt Nam). Trong thời gian hoạt động ở Siam (Thái Lan) những năm 1928 - 1929, Hồ Chí Minh còn sáng tác lịch sử Việt Nam bằng thơ để tuyên truyền cho kiều bào ta hiểu thêm về truyền thống anh hùng của Nhân dân, khơi dậy lòng tự hào dân tộc con Rồng - cháu Tiên, tinh thần đoàn kết như các bài: Quốc tế ca; Phỏng Quốc tế ca; Bài ca Trần Hưng Đạo; Nhịp kèn thân ái; Cô Vượng khuyên chồng. Từ tháng 11 đến tháng 12/1940, Hồ Chí Minh làm việc ở Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, với bút danh Bình Sơn, chỉ trong vòng một tháng, Người đã viết 11 bài báo cho tờ Cứu vong nhật báo của Đảng CS Trung Quốc như: Ca dao An nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc, Mắt cá giả ngọc trai, Việt Nam phục quốc quân hay là mãi quốc quân, Trò đùa của Rudơven tiên sinh... Người còn giới thiệu với độc giả Trung Quốc một bài ca dao do Người tự chỉnh lý. Từ tháng 9/1943, sau khi được trả tự do, trong thời gian ở Liễu Châu, Người tiếp tục viết nhiều bài bình luận chính trị, xã hội cho tờ Nhật báo Liễu Châu và báo Đồng Minh, những bài viết của Người được độc giả rất chú ý, còn giới văn sĩ luôn tấm tắc: “Nếu nói văn của Hồ tiên sinh khác nào nhả ngọc phun châu, thật chẳng phải nói quá. Sao lại có người Việt Nam viết văn Trung Quốc hay thế!”(1). Ngoài ra, còn phải kể đến bút tích của nhiều bản báo cáo gốc đánh máy, thư viết tay còn trong lưu trữ của nước ngoài và Việt Nam mà Người đã gửi cho Quốc tế cộng sản từ những năm 1925 đến 1938, tất cả những văn bản này đều được viết bằng các thứ tiếng Hán, Pháp, Anh, Nga một cách thành thạo, chính xác. Vì vậy, vấn đề hiểu biết và đọc, viết bằng ngoại ngữ của Hồ Chí Minh, đặc biệt là tiếng Hán chắc chắn miễn cần bàn thêm nữa!

c,             Về việc Hồ Chí Minh biết cách sử dụng thể thức và sáng tác được nhiều bài thơ Đường đúng luật thì câu chuyện sau sẽ giải thích rõ: Từ ngày 16/5/1966 đến cuối tháng 6/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi nghỉ và chữa bệnh tại Trung Quốc. Trong chuyến đi này, Người có ghé thăm Mao Trạch Đông ở Hàng Châu rồi nghỉ tại đây 20 ngày từ 9 đến 29/6/1966. Tháp tùng Người trong suốt thời gian chuyến đi này, ngoài thư ký Vũ Kỳ còn có phiên dịch Đoàn Sự (sau là Đại tá, Tổng biên tập nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Tại khu nghỉ dưỡng Hoa Giả Sơn Trang ở Hàng Châu, một hôm trong khi mấy Bác cháu đang vui chuyện đọc thơ, bình thơ, sửa vần thơ tiếng Hán, Người đã kể với ông Đoàn Sự rằng: “Khi bị giam trong tù ở Quảng Tây, Người tình cờ nhặt được một cuốn Đường thi tam bách thủ (cuốn tuyển tập hơn 300 bài thơ Đường do học giả Tôn Thù và phu nhân Từ Lan Anh tuyển chọn vào thời nhà Thanh) của ai đó bỏ lại, thế là Người nghiền ngẫm đọc kỹ luật thơ Đường rồi từ đó vận dụng nhiều dạng của thơ Đường, tuân thủ một hệ thống quy tắc phức tạp từ luật-niêm-vần-đối đến bố cục.”(2). Vậy là tập thơ NKTT ra đời theo đúng luật Đường thi.

d,            Nếu có ai đó vẫn còn nghi vấn về bản quyền tập thơ thì chỉ cần đọc lại tiêu đề các bài thơ trong tập NKTT cũng sẽ thấy nhiều bài nhắc đến những nhân vật liên quan trực tiếp đến Hồ Chí Minh từ trước khi bị bắt giam đến trước khi được trả tự do; những địa điểm, hành trình di chuyển và sự kiện lịch sử xảy ra trong thời gian Người bị giam giữ đã chứng minh tâm huyết và nghị lực phi thường của một nhà lãnh đạo cách mạng kiên cường, hết lòng với đất nước và Nhân dân Việt Nam. Không thể có bạn tù, thư ký hoặc lính cần vụ nào đi cùng Người và cũng không ai có thể sáng tác hộ, viết thay những dòng cảm xúc từ chính trong suy nghĩ và tâm hồn của Hồ Chí Minh. Ví dụ các bài thơ: Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh; Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây; Tết song thập bị giải đi Thiên Bảo; Nhà ngục Quả Đức; Đi Nam Ninh; Việt Nam có bạo động; Đến Liễu Châu; Đi xe lửa đến Lai Tân; Đến Cục chính trị chiến khu IV; Ngủ không được; Đoàn đại biểu Anh sang thăm Trung Hoa (Hồ Chí Minh sang Trung Quốc cũng là trên cương vị một đại biểu của Hiệp hội quốc tế chống xâm lược); Gửi Nehru (người đã gặp Nguyễn Ái Quốc năm 1927 tại Bruxell, Bỉ trong Hội nghị quốc tế chống chiến tranh đế quốc); Dương Đào ốm nặng

(thanh niên đã tình nguyện dẫn đường cho chuyến đi của Hồ Chí Minh); Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách (Hầu Chí Minh là Chủ nhiệm chính trị chiến khu IV, đã trực tiếp trả tự do cho Hồ Chí Minh theo lệnh cấp trên và rất cảm phục Người); Trời hửng; Tiếc ngày giờ... Trong tác phẩm Vừa đi đường, vừa kể chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh T. Lan cũng đã nói đến việc sáng tác thơ trong tù như sau: “Bác không phải là người hay thơ, mà thơ của Bác cũng không hay. Mười mấy tháng bị nhốt trong các phòng u ám và quạnh hiu, một hình một bóng, không được nói chuyện với ai, không có việc gì làm. Muốn “du lịch” thì đi dọc chỉ năm bước, đi ngang bốn bước. Để “tiêu khiển” ngày giờ, chỉ có cách nghêu ngao, vắn tắt ghi lại sinh hoạt của người ở tù, cho khuây khoả thế thôi, phải thơ phú gì đâu”(3).

2,            Về số lượng bài thơ chính thức có trong tập NKTT?

Năm 1960, nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 15 của nước Việt Nam DCCH và cũng là chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh tròn 70 tuổi, một số nhà xuất bản đã công bố bản dịch cuốn NKTT của tác giả Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản văn học nhân dân Trung Quốc đã xuất bản tập thơ này với đầu đề: Ngục trung nhật ký thi sao để giới thiệu đúng 100 bài thơ. Ở Mỹ, cuốn NKTT bản tiếng Anh in năm 1971 của Harríon Salisbury cũng cho là chỉ có 115 bài. Ở Đức, ngày 10/9/2020 hai vợ chồng nhà văn Scherner cũng tái bản lần 3 cuốn NKTT có hiệu chỉnh với hơn 100 bài thơ. Ở Việt Nam, Viện Văn học đã công bố bản dịch tập thơ này năm 1960, trong đó có bài cuối cùng là: Mới ra tù tập leo núi có bút tích của tác giả viết tên bài gửi cho tiểu ban biên tập (không có trong bản thảo gốc của tập thơ NKTT). Sau đó một số nhà xuất bản khác cũng xuất bản nhưng số lượng bài thơ không thống nhất. Cuốn Hồ Chí Minh thơ tứ tuyệt của nhà xuất bản Giáo dục năm 2007 cũng chỉ in 102 bài? Sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập III của nhà xuất bản Chính trị quốc gia in năm 2011 cũng in lại tập thơ này nhưng chỉ có 121 bài và ghi rõ là bài Mới ra tù tập leo núi được sáng tác và đặt tên thời gian sau này, nếu tính gộp cả vào thì cũng chỉ là 122 bài cả thảy? Cuốn Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh tập VI do nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2012 có ghi đủ thứ tự từ bài đầu tiên đến bài cuối cùng tổng số có 134 bài thơ trong tập NKTT và tính cả bài Mới ra tù tập leo núi thì có tổng cộng 135 bài thơ (đây là bài thơ Hồ Chí Minh viết trong hồi ký Vừa đi đường vừa kể chuyện lấy bút danh T. Lan xuất bản lần đầu năm 1960 do chính tác giả đặt đầu đề và dịch). Tuy nhiên, nếu chỉ tính số lượng bài thơ được sáng tác trong thời gian Hồ Chí Minh bị giam trong các nhà tù Quốc dân đảng thì bài thơ số 135 không đúng, vì được sáng tác sau khi Hồ Chí Minh đã ra khỏi nhà tù, đang tập trèo núi Tây Phong Lĩnh để rèn luyện sức khỏe ở Liễu Châu.

Các bài viết, bài nghiên cứu khi đề cập đến tác phẩm NKTT cũng không thống nhất về số lượng bài thơ, lúc thì 133 bài, khi thì 134 bài? Sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập II do nhà xuất bản Chính trị quốc gia tái bản mới nhất năm 2016 ghi rõ quá trình sáng tác những bài thơ được đóng thành tập NKTT từ những bài đầu tiên được sáng tác tại nhà lao huyện Tĩnh Tây cho đến khi được thả tự do thì bài cuối cùng là Kết luận (bút tích ở trang viết gốc này còn ghi lại rõ thời gian làm thơ là từ 29/8/1942 đến 10/9/1943), vậy tập thơ có tổng cộng 134 bài, không có bài Mới ra tù tập leo núi. Thời gian sáng tác các bài thơ trong tập NKTT như sau: Từ ngày 29/8/1942 đến 24/9/1942: Hồ Chí Minh viết 22 bài thơ: Bài 1 Vô đề. 2: Khai quyển; 3: Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh; 4: Vào nhà ngục huyện TĩnhTây; 5 - 6 - 7: Đường đời hiểm trở (3 bài); 8 - 9: Buổi sớm (2 bài); 10: Buổi trưa; 11: Lời hỏi; 12: Quá trưa; 13: Chiều hôm; 14: Cơm tù; 15: Người bạn tù thổi sáo; 16 - 17: Cái cùm (2 bài); 18 - 19 - 20: Học đánh cờ (3 bài); 21: Ngắm trăng; 22: Chia nước. Tháng 9, ngày 25: 23 - 24: Trung thu. Ngày 26/9 đến 9/10: 25: Đánh bạc; 26: Tù cờ bạc; 27: Bạn tù họ Mạc; 28: Bạn tù L. nguyên là chủ nhiệm. Ngày 10/10 Người viết bài 29: Tết Song thập bị giải đi Thiên Bảo. Ngày 11/10 đến 1/11 Người viết các bài: 30: Đi đường; 31: Chiều tối; 32: Đêm ngủ ở Long Tuyền; 33: Điền Đông; 34: Mới đến nhà lao Thiên Bảo; 35: Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng; 36: Các báo đăng tin: Hội họp lớn hoan nghênh Uyki; 37: Tự khuyên mình; 38: Cảnh đồng nội; 39: Hàng cháo; 40: Nhà lao Quả Đức; 41: Sở trưởng Long An họ Lưu; 42 - 43: Giải đi sớm (2 bài); 44: Đồng Chính ngày 2 tháng 11. Ngày 3/11 đến 10/11 Hồ Chí Minh viết các bài: 45: Chiếc chăn giấy của người bạn tù; 46: Đêm lạnh; 47: Dây trói; 48: Rụng mất một chiếc răng; 49: Long An - Đồng Chính; 50: Trên đường phố; 51: Trên đường; 52: Gia quyến người bị bắt lính; 53: Pha trò. Ngày 11/11 Người viết các bài: 54: Đi Nam Ninh; 55 - 56: Cảnh binh khiêng lợn cùng đi (2 bài); 57: Hụt chân ngã; 58: Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh; 59: Nhà ngục Nam Ninh; 60: Buồn bực; 61: Nghe gà gáy; 62: Một người tù cờ bạc “chết cứng”; 63: Lại một người nữa...; 64: Cấm hút thuốc lá; 65: Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng; 66: Hoàng hôn; 67: Tiền công; 68: Ngủ không được; 69: Nhớ bạn; 70: Viết hộ báo cáo cho các bạn tù; 71: Ghẻ lở; 72: Nghe tiếng giã gạo. Ngày 11/11 Hồ Chí Minh viết các bài 73 - 74 - 75: Ngày 11 tháng 11 (I-II-III). Ngày 12/11 bài: 76: Báo động. Ngày 12 tháng 11; 77: Chiết tự; 78: Quán trọ. Ngày 13/11 bài 79: Nắng sớm. Ngày 14/11 bài 80: “Việt Nam có bạo động”. Tin Xích đạo, trên báo Ung Ninh 14/11. Từ ngày 15 đến 17/11 viết bài 81: Đoàn đại biểu Anh sang thăm Trung Hoa. Ngày 18/11 Người viết bài 82: Giải đi Vũ Minh 18/11. Ngày 19 đến 21/11 Hồ Chí Minh viết các bài: 83: Thịt chó ở Bào Hương; 84: Phu làm đường; 85: Lính ngục đánh cắp mất chiếc gậy của ta; 86: Cột cây số; Ngày 22/11 Hồ Chí Minh viết bài 87: Cháu bé trong ngục Tân Dương 22/11. Từ ngày 23 đến 30/11 Hồ Chí Minh viết các bài 88-89: Gửi Nêru (2 bài); 90: Tiền đèn; 91: Sinh hoạt trong tù; 92: Tiên sinh họ Quách; 93: Trưởng ban họ Mạc. Ngày 1/12 Người viết bài 94: Nhà lao Thiên Giang 1/12. Từ ngày 2 đến ngày 8/12 Người viết các bài: 95: Đáp xe lửa đi Lai Tân; 96: Anh ấy muốn trốn; 97: Lai Tân. Ngày 9/12 Hồ Chí Minh viết bài 98: Đến Liễu Châu 9/12. Từ ngày 10/12 đến cuối tháng Hồ Chí Minh viết các bài: 99: Giam lâu không được chuyển; 100: Nửa đêm; 101: Nhà ngục Liễu Châu; 102: Đến dinh trưởng quan; 103: Bốn tháng rồi; 104: Ốm nặng. Đầu tháng 1/1943 Người viết các bài: 105: Đến Quế Lâm; 106: Tiền vào nhà giam. Đầu tháng 2/1943 Hồ Chí Minh viết các bài: 107 ? và 108 ?. Từ tháng 2 đến tháng 4: Hồ Chí Minh viết các bài: 109: Đến Cục Chính trị Chiến khu IV; 110: Nhà giam của Cục Chính trị; 111: Được ưu đãi; 112: Cảnh buổi sớm. Tháng 4 Hồ Chí Minh viết các bài: 113: Tiết thanh minh; 114: Cảnh chiều hôm; 115: Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng; 116: Bị hạn chế; 117: Dương Đào ốm nặng; 118: Đêm không ngủ; 119: Mưa lâu; 120: Tiếc ngày giờ. Từ tháng 5 đến tháng 7 Hồ Chí Minh viết các bài: 121: Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng; 122: Tướng quân Lương Hoa Thịnh thăng chức Phó tư lệnh; 123: Tặng chú Hầu (Hải). Tháng 8 Hồ Chí Minh viết các bài: 124¬125: Cảm thu (I-II); 126: Nhân lúc đói bụng; 127: Khoa viên họ Trần tới thăm; 128: Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách; 129: Được lệnh trên cho đi lại ngoài buồng giam; 130: Đêm thu. Đầu tháng 9 Hồ Chí Minh viết các bài: 131: Trời hửng; 132: Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”; 133: Tức cảnh. Thời gian này, Người có bút ký “Mục đọc sách”, “Mục đọc báo” ghi chen vào những trang thơ. Ngày 10/9/1943 Hồ Chí Minh được trả tự do, Người viết bài thơ 134: Kết luận . Căn cứ vào những tài liệu đã nêu, tập NKTT của tác giả Hồ Chí Minh có tổng cộng 134 bài thơ (tính cả bài vô đề và có đề). Ngày 14/9/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tập thơ NKTT cho Ban tổ chức triển lãm tại Hà Nội để trưng bày lần đầu tiên trước công chúng. Sau đó, cuốn thơ được chuyển cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ (nay là Bảo tàng lịch sử quốc gia). Đến nay, tập thơ Ngục trung nhật ký này vẫn là bản gốc duy nhất hiện có tại Việt Nam.

Chú thích:

1.            Chuyện kể về Bác Hồ, Nxb. Nghệ An, 2000, tập 1, tr.111.

2.            Báo Tiền phong số ra ngày 27/8/2019.

3.            Vừa đi đường vừa kể chuyện. Nxb. CTQG, 2008 ,tr.86.

4.            Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, 2016, tập 2, tr.156-172.

5.            Theo hồ sơ tài liệu của Bảo tàng lịch sử quốc gia.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)