slider
Phát triển kinh tế số

Về thăm nơi Bác ở

03 Tháng 07 Năm 2024 / 61 lượt xem

TS. Trần Viết Hoàn

Nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chứng kiến những đổi thay của lịch sử, của cuộc sống hiện tại trong thế kỷ XXI, nhìn lại chặng đường đã đi trong thế kỷ XX, trong lòng mỗi người dân Việt Nam càng thấy tự hào về một trang sử đặc biệt của mình, về một con người đặc biệt của lịch sử: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người Anh hùng dân tộc vĩ đại. Và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.

Đối với Đảng ta, dân tộc ta, cũng như đối với nhân loại cần lao và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, cuộc sống và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không có gì là bí mật. Song, trong kho tàng giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách mà Người để lại, càng đi sâu nghiên cứu thì càng khám phá ra nhiều điều mới lạ, càng toát lên sự anh minh vĩ đại, tấm gương đạo đức của Người trong sáng đến diệu kỳ. Trong kho tàng giá trị ấy, có di sản vô giá nói lên đạo đức cách mạng cao cả của Người, tinh thần toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, tình yêu nhân dân tha thiết, lối sống khiêm tốn và giản dị của Bác Hồ - Nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch đã đi sâu vào trái tim, khối óc của nhân dân ta và bạn bè thế giới, hôm nay và mai sau mọi người sẽ hội tụ tại đây để tìm giá trị đích thực cuộc sống của một con người đích thực của lịch sử, và như để có cái may trong cuộc đời mình có một lần được gặp Bác.

Vinh hạnh trong cuộc đời, tôi đã có mấy năm làm nhiệm vụ của người cận vệ cầm súng canh gác bảo vệ Bác Hồ ở Khu Phủ Chủ tịch này, nên có được những vinh hạnh: hàng ngày được nhìn thấy Người ngồi làm việc, đi bách bộ; chúng tôi thỉnh thoảng được Người trực tiếp đến xem việc ăn uống; được Người cho quà mỗi lần Người đi công tác nước ngoài về; được xem phim với Người vào tối thứ bảy hàng tuần tại nhà khách Phủ Chủ tịch; Tết Cổ truyền dân tộc hàng năm, Người mời một bữa cơm tất niên và chụp ảnh chung với Người..

Sau ngày Bác đi vào cõi Vĩnh hằng, tôi tình nguyện rời tay súng để cầm cái chổi, cây bút làm nhiệm vụ bảo vệ Di sản của Người. Nhờ hồng phúc của Người mà tôi đã trực tiếp được tiếp cận với hàng triệu, hàng triệu người dân trong nước, nước ngoài, với hàng trăm vị nguyên thủ quốc gia và cao cấp quốc tế ở các châu lục tới thăm nơi Người ở và làm việc từ 1954 - 1969 tại Khu Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

Năm 2024, tròn 20 năm tôi được Nhà nước cho nghỉ chế độ (sau 41 năm công tác với 38 năm được phục vụ trên mảnh đất Khu Phủ Chủ tịch nơi Bác Hồ ở và làm việc).

Hôm nay, cơ quan mời tôi tham dự Hội thảo: “55 năm Bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch”, tôi có dịp được về thăm lại nơi Bác ở và làm việc. Tôi xin đóng góp cùng hội thảo những nhận biết và tiếp cận của tôi trong những năm tháng mà tôi đã tay chổi, tay bút giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Bác để lại:

Nơi đây Bác Hồ đã ở và làm việc 15 năm cuối cuộc đời mình (1954-1969), là thời kỳ quyết định đối với vận mệnh của Đảng, dân tộc mà Người với cương vị Chủ tịch đứng ra gánh vác trọng trách; Nơi Người cùng với Bộ Chính trị định ra đường lối, chiến lược và sách lược cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, cho nền móng chắc chắn về sự nghiệp đoàn kết quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Nơi, ghi dấu sự thiên tài kiệt xuất của Người đã đóng góp cho nhân loại với nguyên lý "Trồng cây, trồng người"; với chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là chân lý lịch sử vĩnh hằng luôn cần thiết cho mọi quốc gia, mọi dân tộc, ở mọi thời kỳ lịch sử.

Nơi, Bác Hồ đã đặt nền móng cho sự nghiệp "Đổi mới là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi". Cho nên, công cuộc đổi mới của Việt Nam ta vào 15 năm cuối cùng của thế kỷ XX mà bạn bè Việt Nam đã đánh giá: "Đó chính là sự mở ra cho thế kỷ mới. Vì chính sách đổi mới thật sự vì dân giàu, nước mạnh"; "Là tiền đề để Việt Nam phát triển mạnh trong thế kỷ XXI".

Nơi, Bác Hồ đã chuẩn bị cho chúng ta "Con đường phía trước", là: "Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi... máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có máy thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hoá nước nhà... là con đường no ấm thật sự của nhân dân".

Nơi, Bác Hồ đã dày công chăm lo, chuẩn bị cái "gốc" cho con người, mà trong đó đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên, cái "gốc" đó là: "Gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau... Phải đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật”. Lời răn dạy sáng ngời lẽ sống mà Người gửi lại từ nơi đây là kim chỉ nam cho nội dung "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng".

Nơi, Bác Hồ đã chuẩn bị hành trang cho chúng ta trong thế kỷ XXI là: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Và đặc biệt, nơi đây Bác Hồ đã nêu gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, về tư tưởng, trí tuệ, nhân cách, đạo đức, lối sống để mọi thế hệ người Việt Nam theo đó mà học tập và xem xét mình trong cuộc hành trình của cuộc đời mình. Tấm gương đó là:

 Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng thuộc thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền thời đó, sau đó làm nhà sàn nho nhỏ, phòng nghỉ, phòng làm việc mỗi phòng vuông vắn hơn 10 thước. Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, chính là để thực hiện ý tưởng "Trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của, nhiều người"; Khi kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ, mọi người ăn cơm độn với ngô, khoai, sắn, Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy, giống như cán bộ, với dân; Ngày hè nóng bức, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ, Người giải thích: để dành điện cho sản xuất, dành điện cho sinh hoạt của dân; Khi chiếc vỏ áo bông vá lần hai ở vai, xin Bác cho thay vỏ áo khác, Người bảo: "Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi"; Khi đôi dép cao su mà Bác đi hàng ngày đã quá cũ, Bác đề nghị lấy miếng cao su khác vá vào gót, và lấy những chiếc đinh nhỏ đóng vào quai của đôi dép cũ để giữ cho quai khỏi tuột, như thế là thay dép mới cho Bác rồi... Bác Hồ càng giản dị ở cương vị cao nhất như vậy có làm cho Bác tầm thường đi đâu, mà Bác Hồ càng vĩ đại. Chuyện nhỏ, đức lớn hài hoà ở một con người như thế, là lẽ sống nhân văn cao đẹp nhất của lẽ đời, đúng như điều Bác dạy: "Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt hay xấu truyền đến ngàn đời về sau". Và do đó "Bác Hồ sống giản dị, thanh bạch trong đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất càng giản dị thì càng phù hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là cuộc sống thật sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng cho thế giới ngày nay” (Phạm Văn Đồng).

 Lúc Bác còn sống, những ai đã có may mắn được gặp Người, từ thiếu niên, nhi đồng, đến các cụ già, từ cán bộ các ngành, các giới, từ khách trong nước, đến khách nước ngoài đều cảm thấy tự nhiên, thoải mái và thân tình khi ở bên Người. Cho nên, có nhiều người nước ngoài đã có dịp gặp Bác tại nơi ở và làm việc của Người, sau này khi trở lại Việt Nam đến thăm lại nơi này đã kể lại với giọng đầy xúc động: "Chúng tôi không thấy có gì cách biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với chúng tôi. Người rất hiểu chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy Người là người anh, người bạn, người đồng chí và cũng là Bác Hồ của chúng tôi". Và "Được gặp Người quả thật là một diễm phúc nhất trong đời...”. May mắn ấy, diễm phúc ấy còn được lưu lại trong những tập sách mà Bác Hồ để lại trên giá sách ở tầng 2 nhà Sàn, của một số tác giả nước ngoài gửi tặng Bác với những dòng đề tặng: Đi ốp ghi trong tập sách “Những vấn đề chính trị ở châu Phi da đen “Để kỷ niệm niềm vinh dự mà Ngài đã ban cho tôi khi tiếp tôi ở Hà Nội. Để tỏ lòng ngưỡng mộ một người thầy vĩ đại, xin kính tặng Ngài tập sách học trò này”. Trong cuốn Tuyển tập Bô-li-va, tác giả ghi: "Kính gửi đồng chí Hồ Chí Minh, người hun đúc nên hàng ngàn cán bộ, người dẫn đường gương mẫu của những người cộng sản trên thế giới". Ma-đơ-len Ríp-phô đã được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ghi lại tấm lòng mình trong cuốn sách Ở miền Bắc Việt Nam (viết dưới bom): "Kính gửi Bác Hồ, sự đóng góp nhỏ bé nhưng chân thành này vào cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam anh hùng với tất cả tấm lòng của cháu"; Được tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi ở và làm việc của Người ở Phủ Chủ tịch, nhà báo Bớc-sét đã ghi trong cuốn Miền Bắc Việt Nam: "Với tất cả lòng trung thành đối với Chủ tịch và nhân dân Việt Nam anh hùng”…

Trên những ý nghĩa giá trị đó, mà từ sau ngày Bác đi vào cõi vĩnh hằng, sự mong muốn được tiếp cận với những chứng tích, vật chất ghi lại cuộc sống nhân văn của bậc vĩ nhân được lưu lại, được minh chứng ở nơi ở và làm việc lâu nhất, nhưng còn được giữ nguyên vẹn, trong suốt quá trình chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, vượt qua bao hiểm nguy để tới đích vinh quang; nơi phát xuất những tư tưởng lớn lao có liên quan đến sự sống còn của sự nghiệp giải phóng của cả một dân tộc để tĩnh lặng, tư duy, suy tưởng: Những cái cao đẹp về cuộc sống nhân văn của một danh nhân: cái đẹp thực sự truyền thống nhưng hiện đại; cái đẹp giản dị nhưng văn minh; cái đẹp của đời riêng, nhưng phù hợp với quy luật của đời; suy tưởng những tinh túy của một di tích đáng giá của dân tộc, của quốc gia, của thế giới... là khát vọng nồng cháy tận đáy lòng của mỗi chúng ta. Đó là cuộc sống đã lắng đọng tại nơi ở và  làm việc của mình mà Bác Hồ đã gửi lại cho đời sau làm thứ hành trang cho cuộc đời của mỗi người. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là địa chỉ hết sức thiêng liêng, là nơi để mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đến để hiểu biết về công lao to lớn của Bác và đặc biệt là để học và làm theo tấm gương vĩ đại của Người. Đến đây mỗi người lắng đọng suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng làm việc xứng đáng với Bác”. Và nơi đây là địa danh mà như bạn bè của Việt Nam trên khắp các châu lục đã đến thăm đều có một điều nhắn nhủ: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thật sự? Vẻ đẹp của thế giới ở đâu? Sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu? Ở đâu có mùa Xuân? Xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình anh hùng của thời đại chúng ta”.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)