slider

Viết tiếp truyền thống “Mở đường thắng lợi”

15 Tháng 05 Năm 2021 / 2094 lượt xem

Cao Thanh Huyền

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tổ chức, giáo dục và rèn luyện các lực lượng vũ trang cách mạng của Việt Nam. Sinh thời, Người luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho Quân đội, trong đó có lực lượng công binh. Ngay từ buổi đầu quân đội mới thành lập, cách mạng nước ta còn trong thời kỳ trứng nước, Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển lực lượng công binh phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng, trong đó có việc thành lập Công chính giao thông Cục - tiền thân của Bộ Tư lệnh Công binh ngày nay. Từ đó, ngày 25/3 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Công binh. Sắc lệnh 34/SL nêu rõ: Công chính giao thông Cục có nhiệm vụ tổ chức và thi hành việc vận tải, thông tin, vẽ bản đồ và tổ chức công binh dùng vào việc chuyên môn: cầu cống, đường sá, máy móc...

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện Quân đội từ chiến thuật đến tầm chiến lược, từ kinh nghiệm chiến đấu của cha ông cho đến những kiến thức tác chiến hiện đại. Người nhận định: . .Ve quốc phòng, không thể không tổ chức lục quân được. Trong lục quân, người ta thường chia ra bộ binh, kỵ binh, pháo binh, công binh, chí trọng binh. Mỗi thứ binh ngũ ấyđều có binh khí riêng”(1). Đối với lực lượng công binh, Người chỉ rõ: “Nói đến công binh, có người cho là những người lính vác cuốc xẻng đi đào hào, đắp ụ, bắc cầu, xây cống. Đó là những công binh về thời trước. Còn công binh ngày nay phải hiểu biết những kỹ thuật về chiến tranh, phải là những đội quân cơ giới hoá biết dùng máy móc chạy bằng điện để kiến thiết trận địa, đào đường hầm, phá hủy những chướng ngại vật trên cạn, dưới nước. Ngoài ra, công binh còn phải bắc dây điện tín, điện thoại, đặt máy vô tuyến điện, đặt đường sắt, bắc cầu qua sông, v.v.. Trong thời đại chiến tranh khoa học, nhất là từ khi phát minh ra nhiều binh khí chuyển vận bằng điện, công binh đã đóng vai tuồng quan trọng trong lục quân”(2).

Tháng 3 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trung đội công binh đang đào hầm cho Bộ chỉ huy chiến dịch Hoàng Hoa Thám trong rừng Việt Bắc, Người giảng giải: “Quân đội ta có nhiều nhiệm vụ khác nhau và nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Bộ binh thì như nòng súng. Công binh như báng súng. Súng muốn được bắn phải cần có cả hai bộ phận ấy và nhiều bộ phận khác nữa, hoặc để dễ hiểu hơn: quân đội ta ví như cái mác, bộ binh như mũi mác, công binh như cán mác, lưỡi có sắc, cán có chắc thì mới đâm được giặc”(3).

Sau khi ra đời, lực lượng công binh phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, gian khổ, thực hiện từ nhiệm vụ đánh phá giao thông, đánh công đồn đến các nhiệm vụ làm đường, bắc cầu, xây dựng sân bay, bến cảng, xây dựng các công trình phòng thủ... bảo đảm cho các lực lượng cơ động tấn công địch. Lực lượng còn ít, trang bị thô sơ nhưng bộ đội công binh đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của quân đội. Đặc biệt, kết thúc chiến dịch Tây Bắc năm 1952, do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bộ đội công binh đã vinh dự được Bác Hồ trao tặng lá cờ thêu bốn chữ vàng “Mở đường thắng lợi”. Bốn chữ vàng đó vừa là lời khen, vừa là phương hướng chiến lược mà Bác căn dặn bộ đội công binh cần thực hiện tốt. Từ đây “Mở đường thắng lợi” trở thành truyền thống vẻ vang của bộ đội công binh anh hùng. Luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, bộ đội công binh đã nỗ lực trên tất cả các mặt công tác, không ngừng nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, xứng đáng là “cán mác vững chắc” cùng toàn quân, toàn dân đánh giặc và giành thắng lợi trọn vẹn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Không chỉ quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng công binh, Bác Hồ còn dành cho cán bộ, chiến sĩ tình thương yêu bao la, sâu sắc. Có lần Người cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trần Đăng Ninh đến thăm Trung đội 2, Đại đội 250, Tiểu đoàn 333 bộ đội công binh. Sau khi thăm hỏi sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và được biết bộ đội công binh chỉ được ăn 8 lạng gạo một ngày, Người nói với đồng chí Trần Đăng Ninh: “Các chú công binh lao động nặng nhọc, vất vả, cần được ăn no. Từ nay chú cho công binh ăn 9 lạng gạo một ngày”. Rồi Người chăm chú nghe cán bộ, chiến sĩ báo cáo tình hình học tập, công tác và nhắc nhở cán bộ cần động viên anh em yên tâm phục vụ.

Năm 1959, phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của bộ đội Công binh phát triển khá sôi nổi, nên nhiều sáng kiến có giá trị lần lượt ra đời. Để động viên, cổ vũ phong trào, làm động lực thúc đẩy toàn lực lượng đi sâu nghiên cứu khoa học, làm chủ trang bị, khí tài phục vụ sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện, Cục Công binh đã tổ chức “Triển lãm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật Công binh” trong Binh chủng từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 05 tháng 4. Vinh dự trong lần triển lãm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện. Đồng chí Trần Thế Môn, Chính ủy Cục Công binh lúc đó đã xúc động kể lại giây phút được đón Bác đến xem triển lãm: “Bác tươi cười vẫy tay chào mọi người rồi bước vào phòng trưng bày đầu tiên của triển lãm. Đây là phòng trưng bày cờ Tổ quốc, cờ “Mở đường thắng lợi”, ảnh Bác và một số pa-nô ghi quá trình chiến đấu, xây dựng của Bộ đội Công binh từ ngày thành lập đến năm 1959. Bác dừng lại phòng này ít phút rồi đi sang phòng trưng bày Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các trung đoàn vượt sông. Tại đây, Trung đoàn Sông Thao, Trung đoàn Sông Lô, Tiểu đoàn 27 Quân khu Hữu Ngạn... trưng bày nhiều sáng kiến có giá trị được áp dụng rộng rãi vào thực tế. Bác đã xem không bỏ sót một sáng kiến nào và dừng lại khá lâu ở sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sản xuất thuyền sắt để bắc cầu phao và bốc thuyền sắt lên ô tô nhanh chóng, an toàn. Nghe thuyết minh xong, Bác chăm chú xem trình diễn động tác bốc thuyền. Vinh dự gặp Bác, với lòng tôn kính lãnh tụ và niềm cảm động lớn nên vừa trình diễn, các chiến sĩ vừa ngước nhìn Bác, do đó động tác có phần chậm và thiếu chính xác. Anh em hoàn thành nhiệm vụ, Bác im lặng suy nghĩ một lát rồi nói với tôi và các đồng chí xung quanh:

-        Bác thấy sáng kiến này so với trước có cố gắng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu hiện nay. Thời gian bốc thuyền vẫn chậm. Chiến sĩ vẫn còn phải làm nặng.

Ngừng giây lát, Bác dặn tiếp:

-        Ở nước ta sông ngòi nhiều, vấn đề bảo đảm bộ đội vượt sông trong chiến tranh rất lớn. Các chú không được coi nhẹ.

Tiếp đó, tôi đưa Bác sang phòng trưng bày sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các đơn vị công trình. Sau khi xem lướt qua một lượt, Bác dừng lại khá lâu lắng nghethuyết minh và xem mô hình các sáng kiến bảo đảm đường cơ động cho xe pháo, phương tiện kỹ thuật. Bác chú ý nhất sáng kiến trình bày phương án đường quân sự làm gấp, mở đường qua bãi mìn. Bác hỏi cặn kẽ các đồng chí cán bộ công binh công trình về tốc độ mở đường chiến dịch, tốc độ phá mìn địch để bảo đảm cơ động, thọc sâu kịp thời và căn dặn:

- Ở nước ta, đường sá còn khó khăn. Các chú nên nghiên cứu giải quyết tốt vấn đề này. Không có đường sá tốt, không có tác chiến hiệp đồng lớn được.

Nghe Bác căn dặn lần này và nhớ lại những lời Người dạy bộ đội công binh trong kháng chiến chống Pháp, tôi càng thấy Người rất quan tâm tới việc bảo đảm mạng lưới đường sá phục vụ chiến đấu. Tiếp đó, Bác đi xem phòng trưng bày của công binh các Quân khu Hữu Ngạn, Tả Ngạn, Việt Bắc, Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc... Đến phòng nào, Bác cũng dừng lại mấy phút xem những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị và căn dặn nhiều điều bổ ích, thiết thực.

Bác đặc biệt chú ý tới sáng kiến dọn mìn và chướng ngại nổ ở Điện Biên Phủ của Phòng Công binh Quân khu Tây Bắc. Bác nhìn chiếc xẻng bị mảnh bom bươm bướm phá nhiều chỗ, có cái dài như một cây sào và hỏi các đồng chí cán bộ công binh Quân khu Tây Bắc:

-        Việc rà phá bom mìn ở Điện Biên Phủ kết quả đến đâu rồi các chú?

Các đồng chí cán bộ công binh Quân khu Tây Bắc phụ trách phòng trưng bày báo cáo tóm tắt kết quả rà phá bom mìn ở Điện Biên Phủ với Bác và giới thiệu lai lịch chiếc xẻng cán dài rồi làm động tác dò phá bom bươm bướm để Bác xem. Bác khen:

-        Các chú có sáng kiến tốt, hạn chế được thương vong. Nhưng các chú không được chủ quan mà phải tuyệt đối bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ, bảo đảm an toàn cho đồng bào sản xuất.

Xem hết các phòng, Bác ra xem sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trưng bày ngoài sân. Khi Bác tới gần chiếc bàn có cuốn sổ ghi cảm tưởng, cán bộ, chiến sĩ ùa quanh Bác. Tôi thưa với Bác:

-        Xin Bác ghi cảm tưởng chỉ dẫn cho chúng cháu phương hướng xây dựng lực lượng ạ!

Bác vui vẻ lấy cây bút ở túi ngực và ghi vào sổ vàng lưu niệm: “Các chiến sĩ, cán bộ trong ngành công binh ta đã cố gắng khá, thi đua tìm tòi nghiên cứu mãi, phát huy sáng kiến mãi, mục đích là làm cho công việc nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Thế là trực tiếp góp phần vào công cuộc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững mạnh đấu tranh thống nhấtnước nhà”. Vâng lời Bác, cán bộ chiến sĩ công binh không ngừng nỗ lực học tập, không ngừng làm việc, góp phần công sức của mình vào sự nghiệp chung.

Với khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, bộ đội công binh đã chiến đấu dũng cảm, lao động quên mình trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gặp mặt, gửi thư khen, động viên lực lượng. Sáng mùng 1 Tết Bính Ngọ (21/01/1966), Người đến chúc tết cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội 27 bộ đội công binh Quân khu 3. Bác khen ngợi các đơn vị công binh đã lập được nhiều thành tích trong phục vụ chiến đấu, xây dựng các công trình quốc phòng, bắn rơi máy bay Mỹ, góp phần vào thắng lợi chung. Đồng thời Người căn dặn để đánh bại âm mưu thâm độc của địch thì “các đơn vị công binh cũng phải dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kiên quyết vượt mọi khó khăn, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, kiên quyết tiến lên giành nhiều thắng lợi mới to hơn nữa”, “cần luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu”(4). Bác thăm nơi ăn ở, chúc mọi người ăn tết vui vẻ và chụp ảnh chung với bộ đội. Trước khi ra về, Người dặn: “Năm nay là năm Ngựa, chúng ta phải phi nước đại... lập nhiều chiến công to lớn hơn nữa”(5). Hai tuần sau đó, ngày 05/02/1966, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Trung đoàn 239, Trung đoàn 249 bộ đội công binh Quân khu 3 đang diễn tập bắc cầu phao qua sông Hồng bằng khí tài hỗn hợp TPP và LPT thuộc địa phận xã Mễ Sở, Ninh Giang, Hải Dương. Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ công binh bắc cầu phao trong điều kiện đêm tối, giá rét, chiếc cầu phao dài hơn 600m đã nối liền hai bờ Nam - Bắc sông Hồng trong thời gian 90 phút, Bác rất phấn khởi. Người cùng Thủ tướng đi bộ qua cầu và dành thời gian nói chuyện với bộ đội công binh: “Nhiệm vụ của các chú rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Các chú cần cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa. Mỗi ngày làm nhanh hơn một chút, ba phút, năm phút, dần dần rồi rút ngắn lại, càng ngắn càng tốt. Các chú bắc cầu ngày một giỏi hơn, làm như thế, chúng ta sẽ mau chóng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”(6). Cán bộ chiến sĩ công binh vô cùng phấn khởi và tự hào ghi nhớ mãi những lời dạy ân cần, sâu sắc của Bác, hứa với Bác thực hiện tốt nhất những lời Bác dạy. Ngay sau đó, Binh chủng Công binh đã phát động phong trào thi đua rút ngắn thời gian mở đường, bắc cầu, bảo đảm vượt sông, xây dựng công sự trận địa trong các đơn vị, trên khắp các chiến trường. Cán bộ chiến sỹ công binh còn vinh dự được xây dựng căn hầm trú ẩn H66 và ngôi nhà H67 trong Khu Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ năm 1954 - 1969. Đây là những công trình đặc biệt được xây dựng để đảm bảo an toàn cho Bác trong những ngày máy bay Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc. Sau này cán bộ chiến sĩ công binh còn góp phần xây dựng công trình bảo vệ thi hài Bác trong những năm kháng chiến chống Mỹ và tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ gìn thi hài Bác lâu dài.

Cùng với yêu cầu và sự phát triển của cách mạng, ngày nay Công binh đã trở thành một Binh chủng kỹ thuật hiện đại thực hiện chức năng Tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng, vũ khí, trang bị công binh toàn quân; bảo đảm chiến đấu và chiến đấu, có vị trí, vai trò quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa nhưng cán bộ chiến sĩ công binh vẫn âm thầm thực hiện sứ mệnh của những người “đi trước, về sau”: rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; xây dựng nhiều công trình kinh tế và quốc phòng trọng điểm của đất nước. Đây là những nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” luôn đòi hỏi trí tuệ, sự hy sinh và lòng dũng cảm. Dẫu còn nhiều thách thức nhưng những người lính công binh luôn vượt qua mọi khó khăn, có mặt và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Binh chủng Công binh đang tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Phát huy kết quả đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ công binh tiếp tục phấn đấu với tinh thần: đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống của Binh chủng đã vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng.

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công binh luôn kiên định, vững vàng, vượt mọi khó khăn thử thách, tiếp tục xây đắp truyền thống vẻ vang “Mở đường thắng lợi” năm xưa Bác đã trao tặng, góp phần tô thắm phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Cán bộ chiến sĩ công binh luôn khắc ghi lời Bác căn dặn “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

 

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.337.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.339.

3.       Bác Hồ với các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2009, tr.19.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.30.

5.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2016, tập 9, tr.290.

6.       Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2016, tập 9, tr.296.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)