slider

VƯỜN CÂY BÁC HỒ TRONG KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

07 Tháng 09 Năm 2011 / 10908 lượt xem
Bùi Kim Hồng
Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây và môi trường. Người quan niệm rằng trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Những ngày đầu tại căn cứ địa Việt Bắc, trên những chặng đường kháng chiến gian khổ, nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tuềnh toàng với tranh, tre, lá, nứa, cây rừng... và có thêm một mảnh đất để tăng gia trồng rau. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến, Người vẫn chủ trương bảo vệ rừng và dựa vào địa hình thiên nhiên để xây dựng căn cứ bí mật, phục vụ cho công cuộc trường kỳ kháng chiến. Sau ngày kháng chiến thành công, trở về Hà Nội làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Bác Hồ chuyển đến sống và làm việc trong một ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa vườn cây xanh, bên bờ ao trong mát, Người đã trồng rau, cây ăn quả, nuôi cá ở giữa Thủ đô. Giữa trăm công nghìn việc bận rộn lo cho nước, cho dân khi hai miền Nam- Bắc còn bị chia cắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có những khoảnh khắc sống hoà mình với thiên nhiên như để tìm cái ung dung tự tại, sự bình tĩnh thanh thản mà sẵn sàng ứng phó với mọi biến cố phức tạp. Cũng từ khu vườn cây này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quan điểm xã hội, dân sinh tiên tiến, trong đó đặc biệt là vấn đề trồng cây góp phần bảo vệ môi trườngsinh thái. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tham gia cuốc đất trồng cây trong vườn Phủ Chủ tịch (1957)
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Tết trồng cây”trên báo Nhân dân, chính thức khởi x­ướng và phát động Tết trồng cây. Ngày 9/5/1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô, Hải Ninh (nay là Quảng Ninh). Người căn dặn: Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, lại lầm cho xứ sở ta thêm đẹp. Ngày 20/ 1/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức tết tr?ng cây” đăng trên báo Hà Đông (nay nay là Hà Nội mới), Người viết: “Muốn xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây...”. Không chỉ kêu gọi mọi người tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu gương cho mọi người bằng những hành động cụ thể. Năm 1960, Bác tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Năm 1961, Bác cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô của tuổi trẻ với vườn hoa Thanh Niên. Ngày 3/2/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong Hội trồng cây thống nhất của đồng bào huyện Đông Anh. Và hàng năm mùa xuân về, Bác lại tham gia trồng cây. Sáng mùng 1 tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khoẻ đã yếu đi nhiều, nhưng Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị. Sau khi thăm và nói chuyện với anh chị em chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân ở sân bay Bạch Mai, Bác lên đường chúc tết đồng bào Sơn Tây và trồng cây đa lưu niệm ở đồi Vật Lại - Ba Vì. Mùa thu tháng chín ấy, Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Ngườii lại một lần nữa nhắc việc trồng cây: "Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỉ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp".
Khu vực Phủ Toàn quyền Đông Dương, nay là Khu Phủ Chủ tịch - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc từ tháng 12/1954, trước đây không có nhiều loại cây như hiện nay. Từ sau khi Người về, những khoảng đất trống, um tùm cỏ dại dần dần được cải tạo thành khu vườn trồng cây, trồng rau và trồng cây ăn quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dành thời gian sau giờ làm việc để chăm sóc vườn cây, ao cá và hướng dẫn anh chị em cán bộ trong cơ quan tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Nhờ bàn tay chăm sóc của Người và anh chị em cán bộ, vườn cây xanh, thảm cỏ trong Khu di tích Phủ Chủ tịch kết hợp với ao thả cá tạo nên một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, môi trường sống trong lành. Cây trong vườn Phủ Chủ tịch gồm rất nhiều loài, tạo thành hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng, làm nên cảnh quan đẹp, giản dị và có sức cuốn hút du khách; những cây xoài, cây dừa, cây vú sữa miền Nam, bưởi, cam... từ lâu đã trở nên thân thuộc, in đậm trong kí ức du khách trong nước và quốc tế mỗi lần đến thăm Khu di tích Bỏc H?. Đây là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết, gắn bó hài hòa trong tổng thể Khu di tích, góp phần tạo nên giá trị và những nét đẹp sinh động, độc đáo trong bức tranh toàn cảnh về nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Những cây gắn với kỷ niệm trong cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh được gọi là cây di tích, đó là những cây đa kiên trì, cây xanh bốn mùa, cây vú sữa, cây bụt mọc… Mỗi cây trong vườn mang một bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc hoặc một câu chuyện cảm động. Năm 1955, khi nhận cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu, Bác Hồ vô cùng xúc động. Tự tay Bác đã trồng và chăm sóc cây vú sữa. Hàng ngày trước và sau giờ làm việc, Bác thường chăm t­ưới cho cây, khi mùa đông giá lạnh Bác bảo các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây và lấy mùn tấp vào gốc để chống rét cho cây. Năm 1958 khi chuyển sang ở và làm việc tại nhà sàn, Bác đề nghị đưa cây vú sữa sang trồng cạnh nhà sàn để hàng ngày Bác chăm sóc vỡ miền Nam luôn ở trong trái timNgười; Tháng 8/1962, nhân dân Nam Tiến (Lâm Thao, Phú Thọ) gửi biếu Bác trái dừa hai mầm, Bác căn dặn anh em: “Đây là giống dừa lạ, các cô, các chú nên trồng gần đường để sau này giới thiệu với mọi người”. Nay gốc dừa hai thân ấy vươn cao ven đường đi và mùa nào cũng trĩu quả; Năm 1963, Trường Đại học Nông nghiệp I- Hà Nội biếu Bác 3 cây bưởi Pômêlô do trường chọn ra, đó là giống bưởi sinh trưởng khoẻ, quả to có màu sắc quả đẹp, rồi được Bác đem trồng tại vườn cùng với một số cây khác như: vú sữa, xoài, cam, bưởi; Trên con đường chính từ Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà sàn có một cây đa với 3 nhánh rễ buông từ trên cành xuống: Một rễ to nhất bên phải con đường, một rễ vắt sang bên trái, rễ thứ ba ở gần gốc cây đối diện với rễ cây thứ hai. Ba rễ này tạo thành thế vững chãi cho cây trong những ngày giông bão. Không phải ngẫu nhiên mà cây đa có được những rễ như vậy.Vào năm 1965, anh em làm vườn phát hiện một chùm rễ đa nhỏ từ trên cành rủ xuống lơ lửng. Lo chùm rễ phát triển dài sẽ làm vướng đường đi lại, mọi người định cắt bỏ. Biết được ý định đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tán thành và Người đã gợi ý cách kéo rễ đa xuống đất để vừa không vướng lối đi vừa tạo cho thế cây vững chắc. Làm theo cách Người h­ướng dẫn, sau gần 3 năm anh em mới đưa được rễ cây xuống đất. Khi hoàn thành công việc, anh em báo cáo kết quả với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người nói: Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công. Từ đó cây đa này còn được gọi là cây đa kiên trì; đầu đư­ờng Xoài có một cây đa mà rễ đư­ợc uốn thành hình vòng tròn, đây là một món quà đặc biệt Bác Hồ dành cho các cháu thiếu nhi. Một buổi sáng, sau trận mư­a to gió lớn, khi đi dạo trong khu vư­ờn. Bác phát hiện một cây đa con ở gốc có một nhánh rễ dài nằm trơ trọi trên mặt đất, cạnh gốc cây cọ. Cây đa con này vốn nảy mầm và phát triển từ hạt đa do chim ăn để lại trên bẹ lá cây cọ. Từ trên cao, rễ nó buông dần xuống mặt đất để hấp thụ đ­ược nhiều chất dinh dưỡng, sau trận mư­a gió đã bị đánh bật xuống bãi cỏ. Bác đã đề nghị các đồng chí làm v­ườn trồng lại cây đa ngay bãi cỏ đầu đường, cạnh giàn hoa phong lan và tạo dáng cho nhánh rễ thành một hình tròn thẳng đứng trên mặt đất, để khi cây lớn, vòng rễ tròn càng rộng hơn, các cháu thiếu nhi mỗi lần vào thăm Bác sẽ vui chơi, chạy quanh và thích thú luôn thoải mái qua vòng rễ; Xung quanh ao cá có rất nhiều những cây cổ thụ thuộc họ bách xanh, rễ nhụ cao khỏi mặt đất, to, nhỏ, cao, thấp khác nhau. Quê hương của loài cây này ở vùng đầm lầy Nam Mỹ, để thích nghi với hoàn cảnh sống, những rễ cây phải ngoi lên để lấy không khí. Vì rễ cây có hình dáng như những pho tượng Phật nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên loài cây này là cây bụt mọc. Có một cây bụt mọc ở đầu bên kia chiếc cầu từ nhà sàn qua ao bị mối ăn ruỗng hết hai phần ba thân. Anh em làm vườn định cắt bỏ cây nhưng Bác đã hướng dẫn cho anh em cách chữa bệnh cho cây như sau: cạo bỏ hết phần ruột cây bị mối ăn, lấy rơm và vôi cho vào thân cây để diệt côn trùng và tạo thân giả, sau đó lấy xi măng trát kín bên ngoài để nước mưa không ngấm vào làm hỏng cây. Sau một thời gian chăm sóc, cây lại phát triển bình thường. Trong một hội nghị về công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại câu chuyện chữa cây bụt mọc và nói đại ý: Cây cối giống như con người, trồng bao nhiêu năm mới được, cứ thấy cây bi bệnh mà chặt đi thì phí công, phí của, nên  cây bị bệnh thì phải tìm cách cứu chữa; người mắc khuyết điểm thì phê bình, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm  để tiến bộ chứ không nên gạt bỏ
Đồng chí Tông Bí thư Nông Đức Mạnh thăm vườn quả Bác Hồ nhân dịp vào thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch (6-2-2008)
Nhiều cây trồng trong vườn không những mang ý nghĩa văn hoá đặc trưng của nhiều miền quê hương trên đất nước như: sấu, vải, nhãn, xoài, cúc, bưởi, roi,... cũn gắn với tình đồng chí, bè bạn, tình hữu nghị quốc tế. Cạnh nhà sàn có loài cây lá xanh quanh năm được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là cây xanh bốn mùa. Loại cây này được Người đưa về sau một chuyến đi thăm Trung Quốc vào mùa đông năm 1957. Lúc ấy trời lạnh, nhiều cây lá rụng trơ cành nhưng riêng lá loài cây này vẫn xanh tươi. Nghĩ đến anh chị em làm vệ sinh ở các đường phố nước ta vất vả sớm khuya nhất là vào mùa lá rụng, Người nói với anh em trong đoàn tìm một số giống cây loại này mang về, trồng thử trong vườn, nếu phù hợp với khí hậu Việt Nam sẽ đem trồng rộng rãi trên các đường phố để người công nhân vệ sinh đường phố đỡ vất vả; Tháng 2/1959, trong chuyến thăm hữu nghị Inđonesia, nhân dân đất nước kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh hai cây dừa và Người đã trồng hai bên cầu ao trước nhà sàn; Dọc đường ven ao dẫn vào ngôi nhà sàn, có hai cây y lan cao lớn đứng cạnh nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho trồng hai cây y lan này nhân dịp Liên Xô phóng thành công hai con tàu vũ trụ Phương Đông 5 và Phương Đông 6 bay sóng đôi. Trong số các nhà du hành vũ trụ trên hai con tàu đó có chị Va-len-ti-na Tê-rờscô-va, người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chinh phục vũ trụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho hai cây y lan là cây vũ trụ; Tháng 5/ 1966, khi đi thăm đảo Hải Nam, Trung Quốc, Bác thấy ở đây có loại cây cọ có thể lấy quả ép dầu làm thực phẩm cho con người. Nghĩ đến đời sống của đồng bào vẫn còn quá nhiều khó khăn, Bác nói với những người đi cùng:" Vùng này, đất và khí hậu cũng giống nước ta, ta có thể xin lấy giống cây cọ dầu vùng này về trồng thử. Nếu cây phát triển tốt, sau này đề nghị ngành nông nghiệp nhân giống và phát triển loại cây này để lấy quả ép dầu cho nhân dân dùng". Hiện ba cây cọ dầu này vẫn còn trong khu vườn Phủ Chủ tịch; đồng chí Hoàng Lương - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kể lại: có lần Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cuba sang thăm nước ta, ông đến thăm nhà sàn của Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch và được tặng một quả bưởi hái từ cây do Bác Hồ trồng. Vị Bộ trưởng Cuba mang quả bưởi về nước biếu Chủ tịch Phiđen Castơrô. Chủ tịch Phiđen Castơrô tặng lại quả bưởi đó cho Viện Trồng trọt. Viện đã lấy các hạt bưởi đem nhân giống rộng rãi, vào dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 95 của Bác Hồ (1985), Hội hữu nghị Cuba - Việt Nam tổ chức trọng thể lễ trồng cây bưởi của Bác Hồ tại vườn Bách thảo Cuba. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện tình hữu nghị, sự trân trọng của nhân dân Cuba anh em dành cho Bác Hồ nói riêng, cho dân tộc Việt Nam nói chung.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cải tạo, chăm sóc vườn cây trong khu vực Phủ Chủ tịch, thổi hồn vào thiên nhiên, làm cho cảnh quan thêm đẹp, môi trường sống trong lành. Lúc rảnh rỗi, Bác thường tham gia trồng cây, làm vườn với anh em phục vụ. Bác thường nhắc nhở: Các chú các cô trồng cây phải biết để dành đất trồng rau. Có lần Bác nhân được củ xu hào rất to của một địa phương gửi biếu, Bác gọi anh em lại và bảo: Đồng bào trồng xu hào tốt thế này, xu hào cái chú trồng xấu lắm. Biết Bác nhắc khéo, anh em cũng cố gắng chăm sóc vườn quả, vườn rau tốt hơn. Ngoài những cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây cảnh..., trong khu vườn Phủ Chủ tịch còn có rất nhiều loài hoa, mỗi loài hoa mang một màu sắc, hương thơm, một nét đẹp riêng, gợi nhớ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trư­ớc nhà sàn và dọc theo con đường ven bờ ao phía đối diện, có hàng dâm bụt đỏ hoa quê, gợi nhớ cảnh làng Sen quê Người. Hoa phong lan khoe sắc màu tinh khiết. Hoa bư­ởi, hoa cam, hoa vải, hoa xoài... toả hương thơm ngát. Những cây hoa ban màu trắng, màu tím được trồng xen kẽ như những nét chấm phá làm tăng sự sinh động, phong phú của vườn cây. Ven ao cá, hoa phượng đỏ thắm, hoa chàm liễu đỏ tươi, buông sát mặt nư­ớc, hoa sữa toả h­ương thơm ngát, ngọt ngào. Quanh ngôi nhà 54 là những cây hoàng lan, ngọc lan h­ương thơm dịu ngọt và giàn ti gôn với những chùm hoa đua sắc tím hồng. Trước nhà sàn, những khóm mộc, sói, nhài, dạ hương, mẫu đơn đỏ, vàng được trồng trong các ô đất nhỏ làm cho không gian xung quanh ngôi nhà sàn luôn phảng phất hương thơm của hoa vườn. Vườn cây trong Khu di tớch Bác Hồ mang ý nghĩa vụ cựng sâu sắc đối với mỗi chúng ta, bởi nó thấm đậm quan điểm vì cuộc sống con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện nay, diện tích vườn cây xanh, thảm cỏ trong Khu di tích bao g?m hơn 65.000 m2.Toàn bộ vườn cây có 1.271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật; 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài và một số cây chưa rõ nguồn gốc; trong đó có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cùng với các điểm di tích khác trong quần thể di tích ngoài trời trong Khu Phủ Chủ tịch, mỗi loài cây ở vườn quả Bác Hồ đều mang những ý nghĩa cao đẹp, sâu xa và những bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình yêu thiên nhiên, thương yêu con người; cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Nhận thức được giá trị và ý nghĩa to lớn của vườn quả Bác Hồ, cơ quan Khu di tích vẫn thường xuyên duy trì, phối hợp với trường Đại học Nông nghiệp I và những công ty giống, cây trồng của các phương nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học- công nghệ vào công tác bảo tồn, tu bổ, cải tạo và nâng cấp vườn quả để góp phần vào việc bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục cho đồng bào trong nước cũng như khách quốc tế đến tham quan. Đây cũng là một trong những hành động thiết thực, hiệu quả của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, góp phần vào phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay./.
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)