slider
Phát triển kinh tế số

Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trí thức đến việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay

07 Tháng 06 Năm 2023 / 1172 lượt xem

ThS. Vũ Thị Kim Yến

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm khoa học, toàn diện, xuyên suốt về trí thức, khẳng định vai trò quan trọng của trí thức trong sự nghiệp cách mạng: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”(1). Người cũng chỉ rõ: “Để xây dựng nước nhà, chúng ta cần càng ngày càng nhiều trí thức tốt. Đảng và Chính phủ vừa phải giúp cho thế hệ trí thức ngày nay càng ngày càng tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới”(2).

1.            Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức và vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng

Một trong những cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh là các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lịch sử đã chứng tỏ dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, đã sản sinh ra được rất nhiều bậc hiền tài, đóng góp to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nhất là sau khi giành được độc lập từ phong kiến phương Bắc, với tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào nền văn hiến của mình, các triều đại phong kiến Việt Nam sớm coi việc tuyển chọn hiền tài ra giúp nước là một quốc sách. Thời Lý mở trường đại học đầu tiên (Quốc Tử Giám) năm 1076 để đào tạo nhân tài. Thời Trần, năm 1253, vua Trần Thái Tông chuyển nhà Thái Học thành Quốc Học viện, mở rộng cho cả người học giỏi trong dân chúng. Đến triều Lê, khoa cử quy củ, phát triển thịnh trị, Quốc Tử Giám trở thành trung tâm đào tạo nhân tài lớn nhất đất nước. Năm 1484, phụng mệnh vua Lê Thánh Tông, tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn bài văn bia “Đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442)”, đưa ra chân lý bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước càng mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp nguyên khí”(3). Truyền thống khuyến học, khuyến tài của dân tộc vẫn được tiếp tục giữ gìn và phát triển ở các thế kỷ sau. Thế kỷ XVIII, người anh hùng áo vải, cờ đào Nguyễn Huệ có “chiếu cầu hiền” với những lời thiết tha: “Trẫm thường mong mỏi, lắng nghe và liên tục hỏi những người tài cao, học rộng sao chưa thấy đến? Phải chăng trẫm kém tài, ít đức chẳng đáng phò tá hay sao? Trẫm luôn lo lắng và nghĩ rằng cái nhà to sức một cây cột làm sao chống nổi, sự nghiệp dân an quốc thái sức một người sao có thể đảm đương”(4).

Là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển truyền thống của ông cha lên một tầm cao mới. Ngay từ rất sớm, Người nhận thức rõ vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1923, trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản về tình hình Đông Dương, Người đã đề cập đến tinh thần cách mạng của trí thức: “Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã khích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ”(5). Điều này giải thích lý do, sau khi về Quảng Châu (Trung Quốc) vào cuối năm 1924, Người tập hợp các thanh niên Việt Nam yêu nước, xuất thân từ học sinh, trí thức, có một vài người là tú tài nho học vào các lớp tập huấn chính trị để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và chuẩn bị lực lượng nòng cốt tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Lời kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ vai trò của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng, từ đó Người căn dặn: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,..."16'. Với quan điểm “Trí thức là “vốn liếng” quý báu của dân tộc”, trong Chương trình Việt Minh cũng ghi rõ “khuyến khích và giúp đỡ các hạng trí thức được phát triển tài năng của họ”(7).

Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, để tỏ rõ quyết tâm của chính quyền cách mạng trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức và phải báo cáo đầy đủ, rõ ràng lên chính phủ tên, tuổi, nghề nghiệp, tài năng, chỗ ở, nguyện vọng của người đó. Với phương pháp đơn giản nhưng cũng đầy sáng tạo, thông qua việc công khai kêu gọi trước toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi gợi lên ý thức tự tôn, lòng tự hào dân tộc, và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt mỗi trí thức, mỗi người tài vì độc lập, vì tự do của tổ quốc.

Trước những khó khăn của thực tế và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đầy chông gai thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cần phải có “lao động trí óc và lao động chân tay”. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể của nước nhà, Người nêu rõ: Chúng ta cần “lao động trí óc kiêm lao động chân tay, nghĩa là lao động chân tay cũng phải có văn hóa, mà người lao động trí óc cũng phải làm được lao động chân tay. Nếu lao động trí óc không làm được lao động chân tay và lao động chân tay không có trí óc thì đó là người lao động bán thân bất toại”(8). Ngược lại, Người cũng khẳng định rằng: Lao động trí óc mà không có lao động chân tay, “chỉ biết lý luận mà không biết thực hành” thì cũng chỉ là “trí thức một nửa”. Từ đó, Người xác định việc bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đội ngũ trí thức, nhân tài là vấn đề hàng đầu, là nền tảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Đồng thời, phải tạo điều kiện để những trí thức xã hội chủ nghĩa phát huy mọi khả năng của mình trên mọi lĩnh vực. Nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 21/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đảng và Chính phủ phải giúp bằng cách giáo dục, để trí thức có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt, tác phong dân chủ. Nói tóm lại: giúp đỡ các bạn trí thức chính tâm và thân dân”. Về phương pháp giáo dục đối với trí thức, theo Người, đó là “nguyên tắc tự nguyện tự giác, giải thích, bàn bạc, thuyết phục, chứ không gò bó. Giúp trí thức thi đua trong học tập và công tác. Hướng dẫn trí thức sử dụng cách thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình để cùng nhau tiến bộ không ngừng, đoàn kết chặt chẽ, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”(9).

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức yêu nước đã có tác dụng to lớn trong việc động viên sức mạnh và trí tuệ toàn dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, giúp cho người trí thức hiểu rõ về vị trí và khả năng cách mạng của họ, từ đó, sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân. Hòa vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, đội ngũ trí thức đã nhanh chóng trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng. Trong số đó có thể kể ra những tấm gương tiêu biểu như Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Lương Định Của, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Tụng, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Kha Vạn Cân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Duy Hưng, Nguyễn Khánh Toàn, Hồ Đắc Di,...

2.            Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức rõ tầm quan trọng và vai trò của đội ngũ trí thức đối với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo môi trường ngày càng tốt hơn để khuyến khích phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Nhờ đó, trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng và đã thực sự hình thành một đội ngũ trí thức mới. Trong giai đoạn 2008-2020, lực lượng lao động có trình độ từ đại học trở lên của Việt Nam đã tăng từ 2,7 triệu người năm 2009 lên 5,3 triệu người năm 2018 (tăng 95% trong 10 năm). Phát huy tài năng của mình, đội ngũ trí thức đã trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn học - nghệ thuật... đội ngũ trí thức luôn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu to lớn vì sự phát triển của đất nước: Đã có những kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại sản phẩm, thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu. Đội ngũ trí thức ở các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD (10). Hay có thể kể đến những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức ngành y tế giúp Việt Nam là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc thực hiện đúng lộ trình các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nhất là năm mục tiêu liên quan đến y tế, bao gồm: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em; giảm tử vong trẻ em; giảm tử vong bà mẹ; phòng, chống HIV, sốt rét và các bệnh khác (11).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, so với yêu cầu hiện tại, Việt Nam còn thiếu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức. Tình trạng phân bổ, cơ cấu đội ngũ trí thức còn chưa phù hợp, thiếu những chuyên gia đầu ngành, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Trong khi đó, chính sách phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức có trình độ cao hiện nay còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa có tính đột phá, thậm chí không khả thi. Môi trường và điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ, sử dụng, đặc biệt trong khu vực Nhà nước, chưa đủ mạnh để thu hút và giữ chân những trí thức tài năng. Ở một số ngành đã và đang xảy ra tình trạng chảy máu chất xám như tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục... Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ, đội ngũ trí thức đóng vị trí, vai trò là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải tập hợp, phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng nhu cầu phát triển và xu thế thời đại. Tiếp tục vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đội ngũ trí thức và nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực sáng tạo của họ vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước cần:

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý phát triển đội ngũ trí thức, theo đó, cần tập trung phát triển lực lượng trí thức nòng cốt, những cá nhân có đóng góp giá trị cho xã hội về vật chất, tinh thần, góp phần thúc đẩy đội ngũ trí thức phát triển.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách về thu hút, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tạo lập môi trường pháp lý, các điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức để họ cống hiến và sáng tạo, khơi dậy ở họ truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Như bao người lao động khác, người lao động trí óc, người trí thức cũng cần phải được đảm bảo về đời sống, được bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng mới cống hiến và sáng tạo được. Cần tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác; công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, trong triển khai ứng dụng khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội. Trang bị đầy đủ, hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị, có cơ chế thông thoáng, đơn giản của các thủ tục hành chính trong thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, đề án khoa học,... Đối với người trí thức, đời sống vật chất và tinh thần là hài hòa, nhiều khi nhu cầu về mặt tinh thần còn cần được chú trọng hơn. Như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Người luôn có phần thưởng vật chất thích đáng và những động viên tinh thần kịp thời. Đó có thể chỉ là một lá thư khen, một tấm áo lụa, một chiếc áo khoác chiến lợi phẩm, hoặc thậm chí là một lời chia buồn với những mất mát..."1'2'. Đó là những kinh nghiệm rất quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta cần phải học tập, vận dụng, đưa thành những quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ trí thức, nhân tài của đất nước.

Thường xuyên quán triệt, củng cố nhận thức chính trị của đội ngũ trí thức về vai trò, trách nhiệm đối với đất nước. Các cấp lãnh đạo, nhất là người đứng đầu nên quan tâm đến việc tập hợp, nắm bắt hiện trạng, nhu cầu học tập, làm việc của đội ngũ trí thức; cần có thái độ cởi mở, sẵn sàng trao đổi, lắng nghe, đối thoại với trí thức. Định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với trí thức để lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của địa phương, đơn vị...

Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên rèn luyện nhân cách, rèn luyện đạo đức của mình, có tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân trong mọi hoàn cảnh. Mỗi người trí thức cần xác định rằng, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Để từ đó phải đi sâu nghiên cứu, phấn đấu có những công trình phục vụ thiết thực đời sống xã hội và phát triển kinh tế; Không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, thành thục công việc; nâng cao trình độ lãnh đạo, trình độ quản lý, biết vạch phương hướng, chiến lược, dự báo khoa học để giúp cho Đảng và Nhà nước đề ra được những chính sách tốt.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.184.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.378.

3.            Kỷ niệm 500 năm ngày mất Thân Nhân Trung: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, 1999, tr.10.

4.            Trần Thế Linh, Gương sáng người xưa, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2003, tr.15.

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 1 tr.423.

6.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.3.

7.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.632.

8.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.400.

9.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.378.

10.          https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao- doi/vi-tri-vai-tro-cua-doi-ngu-tri-thuc-trong- su-nghiep-xay-dung-bao-ve-to-quoc.html.

11.          Bộ Khoa học và công nghệ, 2022, Dự thảo Đề án chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, tr.21,31,33.

12.          Thang Văn Phúc - Nguyễn Xuân Phương (đồng chủ biên), Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.303.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)