slider

Cuốn sách “Trái tim tôi” với lời đề tặng của nhà văn Nga kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh

14 Tháng 09 Năm 2022 / 382 lượt xem

Trần Thị Thuấn

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Trong khối tài liệu, hiện vật của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều cuốn sách tiếng Nga do chính tác giả đề tặng Người. Một trong số đó là cuốn “Trái tim tôi” của tác giả Iuri Mennichuc, do nhà xuất bản Văn học quốc gia ở Kiep xuất bản năm 1962. Bìa sách cứng giả da màu xanh đen, mặt ngoài bìa trước in tên tác giả chữ màu trắng, tên sách in chữ màu đỏ. Sách tiếng Nga, khổ 13 x 20,5 cm, gồm 340 trang.

Trên trang trước của tờ bìa lót có lời đề tặng của tác giả, viết bằng tiếng Nga, chữ bút bi màu tím. Nội dung lời đề tặng:

“Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhân chuyến thăm của Đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô với lòng kính trọng chân thành.

Ký tên: Iuri Mennichúc. Hà Nội ngày 17/1/1963”.

Tác giả Iuri Mennichuc là thành viên trong Đoàn đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô (trước đây) do Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Ủy viên Ủy ban công tác đối ngoại Xôviết liên bang của Xôviết tối cao Liên Xô I.V. Anđrôpốp dẫn đầu thăm Việt Nam từ ngày 13/1/1963 đến ngày 20/1/1963. Ngày 13/1/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự buổi chiêu đãi đoàn tại Nhà khách Chính phủ ở phố Ngô Quyền, Hà Nội. Ngày 17/01/1963, đoàn đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và tác giả đã tặng Người cuốn sách trên.

Cuốn sách “Trái tim tôi” tập hợp những bài báo, phóng sự ngắn và các tiểu phẩm của tác giả Iuri Mennichuc trong những năm 1954-1961. Nội dung cuốn sách nêu rõ vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, chống phong kiến đế quốc, xây dựng đất nước đem lại hạnh phúc cho nhân dân Liên Xô và vì hoà bình thế giới. Tác giả ngợi ca lãnh tụ Đảng Cộng sản Liên Xô Khơrutsốp ở diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 15 tại New York năm 1960; đả kích tư tưởng tư sản dân tộc cản trở sự nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội và chỉ ra một tương lai tươi sáng cho nhân dân Ucraina dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Cuốn sách gồm 6 mục:

- Vì hoà bình và cuộc sống

- Những bức thư gửi người Mỹ

- Póc lưu Koprarep

- Hiến dâng trí tuệ cho dân tộc

- Về cuộc chiến tranh thần thánh

- Tình anh em

Theo lời kể của các đồng chí từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời sách, báo và các tài liệu gửi đến Người đều được kiểm tra cẩn thận và kỹ càng. Sách, báo, bản tin... từ nhiều nguồn khác nhau gửi đến như: Người đi thăm các nơi được tặng mang về; tác giả gửi Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại, Đại sứ gửi qua đường giao ngoại giao; cũng có khi sách được gửi đến Phủ Chủ tịch qua đường bưu điện; tác giả đến thăm và trực tiếp tặng sách cho Người (sách này thường có lời đề tặng). Cuốn sách “Trái tim tôi” được tác giả Iuri Mennichuc kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Đoàn đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô thăm Việt Nam đầu năm 1963. Cũng nhân chuyến thăm này, tác giả Iuri Mennichuc còn tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốn sách “Đảng Cộng sản - Người tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam”, cuốn sách cũng có lời đề tặng:

“Đồng chí Hồ Chí Minh kính mến!

Tác phẩm này nói về lịch sử Việt Nam, như người tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam, do Trường Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên I. Van Phrancô ở thành phố Lơvop thuộc Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Ucraina xuất bản.

Xin chuyển cuốn sách này đến tận tay Người đáng kính.

Ngày 17/1/1963

Iuri Mennichúc”

Tuy trong cuốn sách “Trái tim tôi” không có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng có thể khẳng định Người đã đọc cuốn sách này vì nội dung cuốn sách đề cập tới những vấn đề mà Người đặc biệt quan tâm, sách viết bằng tiếng Nga, ngôn ngữ mà Người rất thông thạo. Lời đề tặng của tác giả đã toát lên tình cảm gắn bó giữa nhân dân Liên Xô với nhân dân Việt Nam và giữa tác giả với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy, người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nhà văn hoá vĩ đại. Người đã dẫn dắt con thuyền cách mạng Việt Nam, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt bao phong ba, bão táp, thác ghềnh và cập bến vinh quang. Bất kể trong hoàn cảnh nào, Người luôn luôn kêu gọi nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ, huy động sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, sử dụng mọi hình thức đấu tranh, trong đó có đấu tranh ngoại giao để bảo vệ độc lập của dân tộc.

Bằng tài ngoại giao xuất chúng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là hai nước lớn Liên Xô, Trung Quốc. Riêng với đất nước Liên Xô, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian gắn bó lâu nhất, hơn 50 năm, có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người đã viết rất nhiều bài báo ca ngợi nước Nga - Xô Viết anh hùng đã chiến thắng chế độ tư sản, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Qua các bài viết có nội dung phong phú đa dạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác hoạ một bức tranh toàn cảnh về nước Nga - Xô Viết anh hùng, tươi đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế, một mẫu hình chủ nghĩa xã hội - là niềm tự hào và ước ao của nhiều quốc gia dân tộc đang xây dựng.Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từ năm 1954 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đi thăm, đi dự các đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, dự Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân thế giới tổ chức ở Mátxcơva... Trong các chuyến thăm này, Người có nhiều cuộc hội đàm, trao đổi với các nhà lãnh đạo Liên Xô, đặc biệt là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N. Khơrútsốp - nhân vật được tác giả Iuri Mennichuc đề cập đến trong cuốn sách “Trái tim tôi”.

Khơrútsốp, NX. (Khơrútsốp, Nikita Xécgâyêvích, 1894-1971) sinh ra ở Calinốpca thuộc tỉnh Cuốcxcơ và là công nhân mỏ vùng Đônbát. Năm 1918, ông gia nhập Đảng Cộng sản và tham gia Hồng quân chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông là Ủy viên Hội đồng Quân sự khu Kiép và mặt trận Tây Nam, mặt trận Xtalingrát. Năm 1943, ông được phong Trung tướng, Tổng Chỉ huy lực lượng du kích ở Ucraina. Năm 1947, ông là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Ucraina, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Ucraina, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô, ông là Ủy viên Chủ tịch Đoàn và Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 9/1953, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ tháng 2/1958, ông là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Ủy viên Chủ tịch Đoàn Xôviết tối cao Liên Xô cho đến năm 1964.

Cũng như một số nhà lãnh đạo Liên Xô khác như K.E.Vôsôsilốp (nguyên Chủ tịch Đoàn chủ tịch Liên Xô viết tối cao), L.Brêgiơnhép (nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô), đồng chí Khơrútsốp cũng là một người bạn đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đồng chí Khơrútsốp lên làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp tục giữ mối quan hệ anh em, Liên Xô tích cực ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa các chuyên gia, viện trợ vũ khí, lương thực thực phẩm, khoa học kỹ thuật giúp miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những chuyến thăm chính thức hoặc đi nghỉ hè tại Liên Xô vào các năm 1957, 1959, 1960, 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có cuộc gặp gỡ và hội đàm với đồng chí Khơrútsốp. Đặc biệt trong chuyến dự lễ kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1960, ngày 21/11 tại Điện Kremli, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc hội đàm quan trọng với đồng chí Khơrútsốp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành những bài báo viết về đồng chí Khơrútsốp như bài Hai chế độ, hai cuộc đi thăm, hai cách đón tiếp được Người ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân ngày 5/3/1960. Thông qua sự đón tiếp bài nguyên thủ Liên Xô và Mỹ ở nước ngoài, tác giả cho rằng sở dĩ đồng chí Khơrútsốp được nhân dân các nước đón tiếp vì chính sách hoà bình của Liên Xô, còn Aixenhao bị phản đối do chính sách gây chiến tranh, đe dọa hoà bình của Mỹ. Ngày 28/9/1960, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Hoan hô đồng chí Khơrútsốp, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2384, hoan nghênh bài phát biểu của đồng chí Khơrútsốp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc thủ tiêu vĩnh viễn chế độ thực dân, giải trừ quân bị triệt để nhằm loại trừ chiến tranh thế giới (đây cũng là một nội dung được tác giả Iuri Mennichuc đề cập trong cuốn sách “Trái tim tôi”).

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng chí Khơrútsốp không chỉ trên phương diện cá nhân mà còn đối với những thành tựu của nhân dân Liên Xô đã đạt được dưới sự lãnh đạo của đồng chí, nhất là những thành tựu nổi bật và đi đầu của Liên Xô trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Mỗi dịp Liên Xô phóng thành công tên lửa vũ trụ như năm 1959, 1961, 1963... Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gửi điện chúc mừng tới đồng chí Khơrútsốp với những lời chúc tốt đẹp nhất: như điện mừng ngày 07/8/1961 nhân dịp Liên Xô phóng thành công con tàu vũ trụ Phương Đông 2 do anh hùng Liên Xô Thiếu tá Ghécman Titốp điều khiển; điện mừng ngày 20/6/1963 nhân dịp Liên Xô phóng thành công chuyến bay sóng đôi hai con tàu vũ trụ Phương Đông 5 và Phương Đông 6... Không những thế, năm nào đến dịp sinh nhật của đồng chí Khơrútsốp (ngày 16/4), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đều gửi thư chúc mừng. Việc làm của Người dù rất nhỏ nhưng luôn mang ý nghĩa lớn, giản dị nhưng rất chân thành thể hiện tình cảm của Người đối với bạn bè quốc tế. Ngày 26/4/1962, Người gửi điện chúc mừng đồng chí Khơrútsốp nhân dịp đồng chí được tái cử các chức vụ cũ. Đây cũng là thể hiện sự đồng tình ủng hộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Khơrútsốp ở cương vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô.

Có thể khẳng định, qua những hoạt động này, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng Cộng sản Liên Xô, Nhà nước Xôviết và nhân dân Liên Xô với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam càng thêm thắm thiết. Liên Xô đã ủng hộ thiết thực cả về tinh thần và vật chất, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc 15 năm (1954-1969). Tại đây có hàng nghìn tài liệu, hiện vật lưu niệm về Người đang bảo quản, lưu giữ và trưng bày phục vụ một cách tốt nhất đồng bào trong nước, bè bạn quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng nơi ở và làm việc của Người. Những cuốn sách của các tác giả tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cuốn sách Người để lại bút tích, đặc biệt là những cuốn bằng tiếng Nga, một ngôn ngữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thông thạo, là khối tài sản vô giá, minh chứng cho tình cảm gắn bó giữa nhân dân Liên Xô với nhân dân Việt Nam, cũng như giữa tác giả tặng sách với Chủ tịch Hồ Chí Minh- một mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, sâu sắc, thủy chung. Với ý nghĩa đó, mong muốn cuốn sách “Trái tim tôi” sẽ được đem ra trưng bày tại phòng làm việc tầng 2 ngôi Nhà sàn để phát huy tác dụng tại nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc, không những giúp đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế (đặc biệt đối với du khách Nga) hiểu sâu sắc hơn tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Nga cũng như tình cảm chân thành và lòng trân trọng của nhân dân Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn góp phần khẳng định và tăng cường hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị, bền vững giữa hai dân tộc Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)