“HỌC ĐỂ LÀM VIỆC, LÀM NGƯỜI, LÀM CÁN BỘ”
21 Tháng 04 Năm 2010 / 14628 lượt xem
Bùi Kim Hồng
Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc Việt Nam đã nói: tri thức không chỉ là nguồn ánh sáng nội lực mà còn là sức mạnh để mỗi cán bộ, đảng viên tổ chức, lãnh đạo quần chúng thực hiện những mục tiêu của cách mạng. Vì lẽ đó, để có thể lôi cuốn quần chúng, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ có phẩm chất chính trị vững vàng, tư cách đạo đức trong sáng, mà còn phải luôn phấn đấu vươn lên làm giàu vốn tri thức của chính mình bằng cách không ngừng học tập và rèn luyện.
1. Từ kinh nghiệm hoạt động cách mạng bền bỉ của mình, từ thực tế công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ, đảng viên của Đảng qua mỗi giai đoạn cách mạng, hiểu được tầm quan trọng của vấn đề cán bộ và năng lực lãnh đạo của cán bộ đối với sự phát triển của phong trào cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Cán bộ phải là những người vừa hồng, vừa chuyên. Song thực tiễn cho thấy, để người cán bộ đảng viên có đức vẹn tài, có vốn tri thức, có một năng lực trí tuệ nhất định, thì không thể không khổ công học tập, trau dồi và khổ luyện. Bản thân Người cũng không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng và cố gắng học tập, phấn đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Từ anh Văn Ba làm phụ bếp trên tàu đô đốc La Touche. sau những giờ làm việc mệt nhọc, vẫn cố gắng học tiếng Pháp, học hỏi anh em thuỷ thủ, cho đến khi trở thành nghiên cứu sinh, hoàn thành các môn học và làm dang dở bản luận án phó tiến sĩ với đề tài: “Cách mạng ruộng đất ở các nước Đông Nam Á” của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở nước Nga Xôviết, hay khi đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam DCCH, Người vẫn không ngừng học tập để làm giầu tri thức, bởi “học thì không bao giờ cùng, học mãi để tiến bộ mãi”.
Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu, hy sinh cho mục tiêu lớn lao “độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào”. Dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, khi tìm thấy “cẩm nang thần kỳ”, Người quyết định trở về Tổ quốc, hoạch định lộ trình giải phóng đất nước và nhân dân khỏi kiếp nô lệ lầm than. Tuy nhiên, phương pháp “làm cho dân ngu để dễ trị” của thực dân Pháp đã làm cho đại đa số nhân dân ta mù chữ. Vì vậy, điều kiện xuất thân của phần lớn cán bộ, đảng viên thời kỳ đấu tranh giành chính quyền dường như chưa hoặc ít có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Mặc dù rất trung thành và nhiệt tình, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, nhưng “lý luận còn thiếu, kinh nghiệm còn ít. Trong công tác, họ thường gặp những vấn đề to tát, họ phải tự giải quyết”(1), nên sự hạn chế về năng lực lãnh đạo đã làm cho một số cán bộ đảng viên lúng túng. Trong Thư gửi Ban phương Đông (16/1/1935), Người viết: “Đại đa số đồng chí của chúng tôi, trình độ lý luận và chính trị rất thấp. Hậu quả của tình trạng thiếu kiến thức về lý luận như vậy là gì? Hậu quả khá nhiều”(2), cho nên những vấp váp, sai lầm đã lộ diện. Bài học xương máu của một số cán bộ, đảng viên vì thiếu trình độ mà dẫn đến đổ máu, hy sinh đã không còn là cảnh báo. Vì vậy, khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, mở ra một thời kỳ lịch sử mới với những nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, bên cạnh việc chăm lo rèn luyện đạo đức cách mạng, Người còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao trình độ năng lực cho mỗi cán bộ, đảng viên.
Thực tế sau khi nước nhà giành được độc lập, những quy luật vận động của thời kỳ xây dựng một chế độ xã hội mới, nền kinh tế mới, nền văn hoá mới gắn liền với con người mới đã hoàn toàn khác với những quy luật vận động của thời kỳ đấu tranh giành chính quyền. Vị trí của người làm chủ, yêu cầu cải tạo triệt để xã hội cũ, xây dựng toàn diện một xã hội mới là một sự biến đổi về chất trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Để xây dựng, điều hành và quản lý một xã hội mới “dân chủ ngàn lần hơn dân chủ tư sản”, thì người cán bộ đảng viên ngoài đạo đức cách mạng, “được dân tin, dân yêu”, còn cần phải có tri thức và kinh nghiệm tương ứng với nhiệm vụ được giao để “được dân phục”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Người cán bộ đảng viên có đức mà không có tài cũng chẳng khác gì ông bụt ngồi trong chùa, nên “đảng viên và cốt cán đều ước ao học tập để hiểu biết thêm, nâng cao thêm trình độ của mình. Cho nên dù khó khăn chăng nữa, họ cũng cố gắng học tập được”(3). Từ nhiệm vụ thực tiễn, cách mạng yêu cầu: cán bộ đảng viên không chỉ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, mà còn phải lãnh đạo quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối chủ trương ấy. Vì thế họ “1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng... 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng... 3. Phải tổ chức sự kiểm soát...”(4) và cán bộ đảng viên phải có năng lực lãnh đạo, (bao gồm cả năng lực trí tuệ và khả năng tổ chức thực hiện). Yêu cầu này đã trở thành tiêu chuẩn, thước đo góp phần quan trọng vào vào việc đánh giá hiệu quả công việc của người cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, muốn có được năng lực đó, dù đảm nhiệm cương vị công tác nào người cán bộ đảng viên cũng phải chịu khó học tập, rèn luyện, vì “cách mạng cũng là một nghề, làm nghề gì cũng phải học. Vậy làm cách mạng cũng phải học”(5).
Dù bận nhiều công việc quốc gia đại sự, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên đặc biệt chăm lo xây dựng Đảng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảng viên vừa hồng vừa chuyên. Khi đến thăm trường Nguyễn ái Quốc Trung ương, tháng 9/1949 (nay là Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), Người ghi trong trang đầu quyển sổ vàng của nhà trường: “Học để làm việc, làm người làm cán bộ. Học để phục sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng muốn có năng lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, người cán bộ đảng viên cần phải có “tài” ngang tầm với nhiệm vụ được giao, vì vậy mà cần phải học. Từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã nhấn mạnh cách học của mỗi cán bộ đảng viên: Đó là Huấn luyện lý luận, chính trị, văn hoá và nghề nghiệp. Yêu cầu đầu tiên là học lý luận khoa học Mác Lênin và đường lối quan điểm của Đảng để nâng cao trình độ, nắm vững quy luật biện chứng, quy luật về sự vận động và phát triển của xã hội trong mỗi bước chuyển của cách mạng, để không những cải tạo thế giới mà còn cải tạo chính bản thân mình, nắm tinh thần xử trí mọi việc, khoa học làm người. Việc này được thực hiện “trước hết là trong những cán bộ cốt cán của Đảng”. Người cũng chỉ rõ cách học (huấn luyện) không phải theo lối áp đặt, nhồi sọ, bởi: sống không có tình nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác Lênin được. Hơn nữa, với mỗi người cán bộ đảng viên đại diện cho “trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc” thì học lý luận, học trong sách vở thôi chưa đủ, còn phải học kinh nghiệm của nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có người cho là dân ngu khu đen. Thế là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm, sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi”(7).
Không chỉ có vậy, để xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân thì mỗi cán bộ dảng viên “không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn”(8), nên còn phải được huấn luyện về chính trị. Đó là việc “xem báo, thảo luận và giải thích những vấn đề quan trọng”, là “thảo luận những nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng và Chính phủ”(9) và học những bài học kinh nghiệm của Đảng được tổng kết qua mỗi kỳ Đại hội, vừa học vừa hành, đem lý luận áp dụng vào thực tiễn, bổ sung những kết luận mới được rút ra từ thực tiễn sinh động của quá trình lãnh đạo cách mạng. Vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều có thể và đều phải học tập, tự cải tạo, vì thế mà “sao nhãng việc học tập là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa”(10).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng, học lý luận thôi chưa đủ, “công cuộc xây dựng CNXH” đòi hỏi Đảng ta phải nắm vững khoa học và kỹ thuật, do đó mỗi đảng viên đều phải cố gắng học tập văn hoá, học tập khoa học và kỹ thuật”, phải được huấn luyện về nghề nghiệp. Mỗi cán bộ đảng viên đều phải học, đặc biệt là “làm việc gì học việc nấy”, “cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy” để cùng với phẩm chất đạo đức tốt của người đảng viên cộng sản, trên nền tảng tư tưởng tốt, người cán bộ đảng viên còn phải là những nhà chuyên môn, quản lý giỏi. Mỗi giai đoạn cách mạng có yêu cầu cụ thể về nhiệm vụ khác nhau, song “để thạo việc”, đủ năng lực lãnh đạo, có thể giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề do tình hình cách mạng trong nước và thế giới đặt ra, người cán bộ đảng viên không thể lãnh đạo chung chung được. Hồ Chí Minh từng yêu cầu: Cán bộ chính trị cũng phải giỏi chuyên môn, “không biết, chỉ nói chính trị suông, thì không thể lãnh đạo được”, vì vậy, họ phải có tri thức. Muốn đạt được điều đó, “tất cả cán bộ đảng viên của Đảng phải vì Đảng vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui”(11) và việc học này phải được “huấn luyện lâu dài”, không phải một sớm một chiều.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời nhấn mạnh yêu cầu Đảng phải có kế hoạch huấn luyện, tạo điều kiện để cán bộ đảng viên nâng cao trình độ về mọi mặt, chỉ rõ việc phải chú trọng công tác huấn luyện cán bộ, lựa chọn cẩn thận người phụ trách công tác này: “Những người lãnh đạo cần tham gia việc dạy” và “không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”, đề cao việc được học tập và tinh thần tự giác học tập để nâng cao năng lực của mỗi cán bộ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: “Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định”(12).
Gần 60 năm qua, từ khi Người lưu bút trong trang đầu cuốn sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, đất nước ta đang từng ngày từng giờ tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế nước nhà theo những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đề ra. Nhiệm vụ lịch sử nặng nề mà đất nước tin tưởng giao phó đòi hỏi “đảng viên và cán bộ phải học: Học hiểu lý luận, chính sách, tình hình trong nước và trên thế giới để giáo dục cho quần chúng. Phải học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà Đảng và Chính phủ giao cho mình phụ trách”(13). Muốn có khả năng hành động độc lập, muốn có phương pháp làm việc khoa học, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở thành mực thước cho nhân dân thì mỗi cán bộ đảng viên phải chịu khó học hỏi. Và muốn sáng tạo, tránh giáo điều, giảm bớt sai lầm, vấp váp thì mỗi cán bộ đảng viên của Đảng phải làm giàu vốn tri thức của bản thân, phải trở thành một người cộng sản có văn hoá. Học tập và học tập không ngừng như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời sẽ giúp cho mỗi cán bộ đảng viên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng tự tin vào bản thân mình, đồng thời nâng cao hơn nữa quyết tâm phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Chỉ có học tập và kiên trì học tập, phấn đấu để trở thành người cộng sản có học thức mới biến quyết tâm đó trở thành những hành động thiết thực, để họ, những cán bộ, đảng viên của Đảng xứng đáng vừa là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân như mong muốn của Người. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhân loại đang bước vào kỷ nguyên trí tuệ, văn minh của nền kinh tế tri thức, khi UNESCO để ra 4 mục tiêu của việc học: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để làm người thì những căn dặn và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa càng trở nên có ý nghĩa biết bao. Muốn có tầm nhìn xa, muốn xử lý đúng trong mọi tình thế thì mỗi cán bộ đảng viên nhất định phải tự hoàn thiện suốt đời và vấn đề này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà đồng thời còn là hành động thiết thực Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1996, t5, tr.274
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1996, t5, tr.274
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.83
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.273
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.285
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.224
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.684
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.62
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.285
(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.271
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.231
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.212
(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.273
(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.273