slider

Bác Hồ rèn luyện sức khỏe

08 Tháng 08 Năm 2020 / 1441 lượt xem

 Trịnh Tố Long

Ngày 26/7/1954, khi còn ở trong rừng sâu Việt Bắc, nhà đạo diễn điện ảnh Xô Viết R.Carmen hỏi Người bằng tiếng Nga: “Thưa Chủ tịch, Người làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày?”. Bác Hồ của chúng ta trả lời: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm khi trên bầu trời xuất hiện những vì sao”(*).

Thật là câu trả lời của một vĩ nhân mang tâm hồn nghệ sĩ lớn, bậc thầy! Bác Hồ đã dành riêng sức khoẻ của mình để phụng sự sự nghiệp cách mạng và nhân dân. Chúng ta đều biết, Bác Hồ suốt đời vì dân vì nước đã sớm sống cuộc đời lao động vất vả, thiếu thốn nên sức khoẻ không được tốt, nhất là sau hai lần bị giam giữ: lần thứ nhất trong nhà tù đến quốc ở Hồng Kông từ tháng 6/1931 đến tháng 12/1933; lần thứ hai Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam, đêm bị cùm kẹp, ngày bị xiềng xích giải qua 30 nhà tù tỉnh Quảng Tây từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943. Sau khi được tự do, mắt Bác bị mờ, răng rụng, đi lại khó khăn. Ngày ngày, sáng sớm Bác phải kiên trì tập leo núi Tây Phong, nhìn mặt trời, bơi sông... tranh thủ rèn luyện sức khoẻ để trở về Tổ quốc kịp lãnh đạo cách mạng giành chính quyền. Bác về nước ở hang Pắc Bó, cửa hang hẹp, toàn đá tai mèo lởm chởm. Bác lấy đất đắp một nền phẳng đủ rộng để ngày ngày ra tập thể dục. Người dùng dao đẽo gọt những cái chày gỗ to nhỏ làm tạ tay. Có lần ở nhà dân bị sốt rét, đắp chăn, sưởi lửa cho đỡ rét, Bác nảy “sáng kiến” trèo lên, tụt xuống cột nhà tới khi vã mồ hôi, hết rét. Người vẫn giữ nếp “chim hót” thì tập thể dục khi về Tân Trào và sau ngày 26/8/1945 khi về Hà Nội.

Ngày đó, chính quyền nhân dân còn trong trứng nước, thù trong giặc ngoài đủ loại dùng trăm phương nghìn kế âm mưu ám sát lãnh tụ, thủ tiêu các cơ quan đầu não của ta. Các phương án bảo vệ Bác luôn luôn thay đổi. Ngày Người đi, đến Bắc Bộ Phủ không theo quy luật nào, đêm di chuyển ở tạm nhiều nơi. Các xe đưa đón Bác thay đổi, nguỵ trang, đổi hướng ... theo tín hiệu mật báo dọc đường. Lương y Đặng Văn Cáp theo Bác từ Thái Lan về, hao hao giống Bác được giao đóng giả Người, tối tối vẫn từ 12 Ngô Quyền nơi Bác làm việc về số 8 Lê Thái Tổ bên Hồ Gươm. Một hôm Bác hỏi anh Lý bảo vệ, tức Hoàng Hữu Kháng sau này là Thiếu tướng Cục trưởng Cục cảnh vệ: - Bác nghe nói chú giỏi võ lắm phải không? Anh thưa, mình ham tập cả các môn côn, kiếm, gậy, nhưng luyện nhiều về quyền theo yêu cầu của công tác. Bác khen anh đi bài Bát lộ liên hoa quyền ra các đòn thế công, thế thủ đều hay. Bác nói vui Quân tử phòng thân và hỏi anh Người muốn tập bài này thì mất bao nhiêu ngày. Anh vừa mừng, vừa lo, suy nghĩ rồi thưa: nhanh cũng phải 8 - 10 buổi. Anh đâu có ngờ, chỉ 3 buổi sáng sớm trên sân thượng phía trái Bắc Bộ Phủ, theo yêu cầu của Bác, anh đã hướng dẫn xong 40 thế võ tiến thủ, và Bác đã lắp ghép thành thạo, đặc biệt là các thế: “Thái sơn áp đỉnh, Độc cước phi thân” .

Rồi những năm ở trên chiến khu Việt Bắc, Bác không những ôn luyện nâng cao mà còn luôn nhắc nhở anh em trong cơ quan, có khi hướng dẫn cả mấy vị Bộ, Thứ trưởng cùng tập luyện. Bây giờ còn nhiều phim ảnh ghi lại sáng sớm lãnh tụ tập thể dục, đi quyền, leo núi, đi công tác gần thì Người thích đi bộ, đi xa mới dùng ngựa. Chiều chiều sau giờ làm việc cùng anh em ra bãi đánh bóng chuyền, bơi suối, cuốc đất trồng rau, vào rừng hái củi . Người dặn anh em đi tìm nơi ở mới phải: Gần dân, không gần đường. Trên có núi, dưới có sông. Có đất reo trồng, có bãi vui chơi ... Thư ký của Bác, ông Vũ Kỳ (1921 - 2005) nhiều lần kể, vào ngày đông tháng giá giữa rừng sâu tay chân buốt cóng, ngồi làm việc không nổi, Bác bảo chuẩn bị cho “Khúc gỗ sưởi”. Ai cũng chỉ nghĩ: để đốt sưởi. Mà không, Người bày cách đẽo gọt nhẵn, tròn như quả bóng to, nặng; rồi tự ôm hai tay xoay đi xoay lại, nâng cao hạ thấp, đẩy ra kéo vào, chạy tới, lùi sau . Chỉ một lát người vã mồ hôi. Anh em vỗ tay hoan hô, xin làm theo. Lại giữa trưa hè nóng bức, ở trong nhà oi nồng đứng ngồi không yên, anh em không nghỉ trưa được. Bác bày cách tự mình đội mũ ra giữa trời nắng đi đi lại lại một lúc. Anh em cũng làm theo. Hoá ra cơ thể ra nắng thân nhiệt đang cao, vào nhà cảm giác mát hẳn, ai cũng chợp mắt nghỉ ngơi được ít nhiều. Ngay cả khi đau yếu không đi lại được, Bác có cách tập riêng. Người nhờ tìm cho ít viên sỏi tròn to bằng quả bóng bàn, bọc giấy vo tròn, ngồi

 

THÔNG TIN TƯ LIỆU, Sự KIỆN LỊCH SỬ

 

 

một chỗ, dùng một tay, hai tay thay nhau ném vào trúng sọt đựng giấy bỏ, để khoảng cách ném xa dần. Ông Vũ Kỳ bảo nhìn qua tưởng dễ. Nhưng không, với người ốm yếu, cách này cần vận động cả toàn thân: thần kinh, cơ khớp ... chống trì trệ cơ thể.

Năm 1955, Trung ương quyết định mời chuyên gia Trung Quốc, giáo sư Cố Lưu Hinh sang giới thiệu với Bác các bài tập Thái cực quyền. Tối tối, từ đường Phan Đình Phùng, 8 giờ, vị giáo sư vào Phủ Chủ tịch. Cứ tới sân tập là đã thấy Bác có mặt, đang chờ. Người chắp tay, dập chân, cúi đầu chào sư phụ đúng luật nhà võ. Thầy, trò, dạy, học đúng như không khí nơi lò võ. Giáo sư rất ít khi phải uốn nắn, chỉ hướng dẫn một lần, Bác tập theo rất nhanh. Giáo sư luôn miệng khen: Hảo, hảo, hấn hảo (tốt, tốt, tốt lắm). Tối hôm Bác mời cơm chia tay, trước khi vào bàn, Người đề nghị sư phụ xem “môn đệ” biểu diễn lần cuối để mong được nhận xét sửa chữa những bài đã học. Giáo sư Cố chăm chú theo dõi, vô cùng tán thưởng và tỏ ý muốn được thưởng ngoạn bài Thái cực quyền do Bác tự sáng tác để tập cho thích hợp với mình. Khi Bác vừa dừng lại ở tư thế kết thúc, vị giáo sư đã đứng phắt dậy chắp tay, cúi đầu lễ phép: Hấn hảo! Chuẩy hảo! Jing phụ chủ xị! (Rất hay! Cực tốt! Kính phục Chủ tịch). Vị giáo sư còn nói lại với người phiên dịch rằng: “Hồ Chủ tịch học 1 biết 10” .

Bây giờ, du khách thập phương về thăm Di tích Đá Chông - K9 trên Ba Vì, khi lên xuống đường bậc bê tông từ bờ sông Đà lên nhà sàn, nghe thuyết minh lòng ai cũng lắng sâu suy nghĩ, nhớ Bác, thương Bác vô cùng. Là chính nơi đây, Bác đã chọn đất ngày 19/5/1957, dự định sẽ làm nơi sơ tán chống máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc (xem Bác Hồ và vùng đất thiêng K9 báo Tiền phong ngày 16/5/2005) và từ mùa hè 1966, sau lần về Thái Bình, Bác bị cảm, bị co thắt động mạch não, liệt nhẹ nửa người bên trái, khi đi lại đã khá hơn, Người thường tranh thủ lên đây tập leo dốc từ dưới sông lên để mong sức khoẻ khá lên, tiếp tục đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Nay tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ “Thư gửi chú Duẩn”, đề ngày 10/3/1968.

Chúng ta khi đọc thư ít ai cầm được nước mắt! Bác gợi ý: Cách đi: B. sẽ làm công trên một chiếc tầu thuỷ. Cùng đi có hai chú Bảo và Kỳ (Bác sĩ Nhữ Thế Bảo và Vũ Kỳ). Việc này B. tự thu xếp, dễ thôi ... Sau đó, đồng chí Lê Đức Thọ trên đường qua Paris đàm phán với Mỹ, ghé thăm Bác đang chữa bệnh tại Bắc Kinh, Người lại nhắc: . không đi tầu thuỷ được thì đi máy bay qua Pnôm Pênh. Bác sẵn sàng . cắt bộ râu đi để cải trang . Tấm lòng của Bác với đất nước, với đồng bào miền Nam như thế đấy, dù Bác đã chống gậy vẫn cố tập đi bộ, tập thể dục như thuở nào trên chiến khu, sau lúc tiếng chim rừng đánh thức Người .

(*)Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tháng 7/1954

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)