slider

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nền văn hóa công vụ của dân, do dân và vì nhân dân

06 Tháng 06 Năm 2023 / 208 lượt xem

Trần Thu Hà

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Nguyễn Thị Hồng

Phó Trưởng phòng tổ chức, hành chính Trường Chính trị tỉnh Hà Nam

 

Trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Người luôn chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, văn hóa trong các cơ quan nhà nước. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người sáng lập, kiến tạo nên nền văn hóa công vụ Việt Nam ngay từ năm 1945, khi chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 19/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(1). Người xác định văn hóa công vụ là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với nhân dân và xã hội.

Góp phần định hướng cho quá trình đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người thực thi công vụ trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau cho nền công vụ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Dân vận (ký bút danh là XYZ) đăng trên báo Sự Thật, số 120, ngày 15/10/1949, trong đó Người nhấn mạnh và nhắc nhở về bản chất của nền công vụ cách mạng như sau:

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2).

Quan điểm này của Người đã khẳng định giá trị nhân văn cơ bản của văn hóa công vụ Việt Nam là phục vụ nhân dân. Đây cũng là thước đo thực tiễn của nền văn hóa công vụ nước ta cho đến ngày nay.

Để xây dựng, phát triển văn hóa công vụ Việt Nam, việc trước tiên cần làm là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ thực thi công vụ có phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng tốt yêu cầu, đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi đường lối làm việc nêu ra những yêu cầu cụ thể đối với công việc của bộ máy chính quyền cách mạng, giúp cho cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thái độ đúng đắn khi thực hiện công vụ, bao gồm sáu nội dung:

- Phê bình và sửa chữa;

- Mấy điều kinh nghiệm;

- Tư cách và đạo đức cách mạng;

- Vấn đề cán bộ;

- Cách lãnh đạo;

- Chống thói ba hoa.

Với những nội dung trên đây có thể coi là một cuốn sách giáo khoa rất quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc cần được phổ biến, nhân rộng để giáo dục, rèn luyện, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, những người thực thi công vụ, hướng đến phát triển nền văn hóa công vụ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 20/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành Bản Quy chế công chức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lời nói đầu của Sắc lệnh đã nêu rõ nguyên tắc: “Công chức phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc”. Điều 2 cũng quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đây không chỉ là nguyên tắc bất biến, mà còn là chuẩn mực của văn hóa công vụ.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, miền Bắc được giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội. Văn hóa công vụ được hình thành trong nền văn hóa xã hội chủ nghĩa với những thế hệ con người mới có tinh thần làm chủ tập thể, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, cán bộ, công chức là “công bộc” của dân, phục vụ nhân dân, được nhân dân tin yêu. Từ đó, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, tập trung sức người, sức của để quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Để từng bước hoàn thiện, phát triển văn hóa công vụ, cần phải xây dựng văn hóa trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(3). Cán bộ, đảng viên là những người xung phong gương mẫu, làm trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ. Cái gì lợi cho Đảng, cho nhân dân thì khó mấy cũng phải làm, điều gì có hại đến Đảng, đến nhân dân thì cương quyết chống lại. Khi lãnh đạo nhân dân, cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là “công bộc”, là người “đầy tớ” trung thành của nhân dân, đại diện cho Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, giải quyết những công việc của người dân và doanh nghiệp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Trong các hoạt động thực thi công vụ, văn hóa công vụ phụ thuộc rất lớn vào đạo đức công vụ, được hình thành trên cơ sở đạo đức cách mạng, bởi “nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”(4). Người thực thi công vụ phải đặt những chuẩn mực đạo đức cách mạng lên hàng đầu, đó là “trung với nước, hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cùng với quyết tâm rèn luyện đạo đức cách mạng, phải coi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm và phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân ra khỏi mỗi con người.

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho mai sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục tiêu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là phải quyết tâm hướng tới “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(5). Theo Người, muốn làm được điều đó cần phải thường xuyên nêu cao quyết tâm “chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng” và phải quyết tâm sáng tạo ra được “những cái mới mẻ, tốt tươi”. Và để giành được thắng lợi trong “cuộc chiến đấu khổng lồ” này thì “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn nhân dân”(6).

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành những chủ trương, chính sách, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tạo cơ sở chính trị, pháp lý góp phần triển khai thực hiện văn hóa công vụ trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước. Cụ thể: Hội nghị Trung ương 9 Khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nêu rõ “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, mục tiêu của Đề án là “nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội”(7).

Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, nhằm nâng cao đạo đức công vụ, nói không với tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác để gắn bó với nhân dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW đã chỉ ra “xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị”; “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; “Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 chỉ đạo rõ: phải “xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ Nhân dân”.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên”(8).

Những chủ trương, chính sách, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đã tạo cơ sở chính trị, pháp lý, khẳng định quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đẩy lùi tiêu cực, nhũng nhiễu, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng hoàn thiện về phẩm chất, có tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ thời kỳ mới. Để xây dựng và phát triển văn hóa công vụ Việt Nam hiện nay cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân. Đặc biệt là, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về sứ mệnh cao cả của nền công vụ vì nhân dân phục vụ.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, tập 4, tr.21.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, tập 6, tr.232.

3.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, tập 12, tr.403.

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, tập 5, tr.123.

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, tập 15, tr.614.

6.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, tập 15, tr.617.

7.            Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số1847/ QĐ-TTg ngày 27/12/2018.

8.            ĐCSVN: Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Sự thật, Hà Nội, 2021.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)