slider

BỘ SƯU TẬP BÁO CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐÃ ĐỌC HIỆN ĐANG TRƯNG BÀY TẠI DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

07 Tháng 11 Năm 2011 / 1591 lượt xem
Vũ Thu Hằng- phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu 
 
Ngay từ những năm đầu hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ báo chí là một vũ khí sắc bén, một phương tiện rất cần thiết để đấu tranh cách mạng. Chính từ nhận thức đúng đắn đó mà trong suốt chặng đường cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn sử dụng thứ vũ khí sắc bén này và trở thành một nhà báo cách mạng bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bên cạnh việc viết báo thì đọc báo là một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem rất nhiều các thể loại báo, từ báo Trung ương đến báo địa phương, báo trong nước đến báo nước ngoài, từ báo đảng đến báo các ngành, các giới. Trước hết, Người xem báo để nắm tình hình trong nước và thế giới, sau đó có sự chỉ đạo, động viên, khen thưởng, phê bình kịp thời. Bên cạnh đó qua báo chí Người thu nhập tài liệu viết sách, báo hoặc đi nói chuyện.
Những ngày cuối cùng của đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm việc, đọc báo và nghe đọc báo. Trên bàn làm việc của Người ở nhà sàn cũng như ngôi nhà Người chữa bệnh và qua đời vẫn còn nguyên chồng báo Người đang xem. Đó là những tờ báo xuất bản vào thời điểm tháng 8 và tháng 9 năm 1969, gồm các loại báo:
-         Báo Nhân Dân: 12 tờ
-         Báo Quân Đội Nhân Dân: 9 tờ
-         Báo Hà Nội mới: 3 tờ
-         Báo Tiền Phong: 1 tờ
-         Báo Thống Nhất: 1 tờ
-         Báo Tân Việt Hoa: 2 tờ
-         Báo Quảng Ninh: 1 tờ
Thời điểm tháng 9,10-1969 là những ngày vô cùng sôi động của cách mạng cả hai miền. Miền Nam tin chiến thắng ròn rã: Từ Bình Long, Tây Ninh chỉ trong 2 ngày diệt gần 1500 tên địch, phá huỷ gần 400 xe quân sự, bắn rơi 32 máy bay đến Trị -Thiên -Huế đồng loạt tiến công hơn 200 căn cứ Mỹ nguỵ…Miền Bắc với khí thế quyết giành vụ mùa thắng lợi và đón mừng Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, bên cạnh đó việc phòng chống lụt bão đang được khẩn trương tiến hành. Trên thế giới, tại Pari, phiên họp toàn thể lần thứ 30 và 31 Hội nghị Pari về Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra căng thẳng…Tất cả những tin tức đó đều được báo chí trong thời gian này phản ánh kịp thời và được Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi đều đặn.
Trong 29 tờ báo Người đã đọc và nghe trong thời gian cuối đời có 5 tờ và bài báo gồm báo Tân Việt Hoa và 4 bài báo cắt dán mà qua tìm hiểu và phân tích chúng tôi được biết Người đã để lại bút tích trên những tài liệu này (gồm các nét gạch, đánh dấu bằng chữ Hán, Việt).
Nghiên cứu trực tiếp các nét bút trên 29 tờ báo thì hầu hết trên các báo đều có chữ viết bằng bút chì đỏ với nét chữ to. Đồng chí Cù Văn Chước, người giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm đã cho chúng tôi biết đó là chữ đồng chí viết để phục vụ việc đọc báo cho Người. Trong các số báo này có tờ báo Tân Việt Hoa số ra ngày 13-8-1969 (số kiểm kê: 737/G-571); một bài báo cắt dán từ báo Nhân Dân số ra ngày 30-7-1969 (số kiểm kê: 1102/G-8-7); một bài cắt từ báo Nhân Dân số ra ngày 3-8-1969 (số kiểm kê: 1104/G-800); một bài cắt từ báo Nhân Dân số ra ngày 4-8-1969 (số kiểm kê: 1101/G-806); một bài cắt từ báo Quảng Ninh số ra ngày 26-7-1969 (số kiểm kê: 1103/G-808) là các tờ báo Người có để lại bút tích.
Cụ thể: Trong tờ báo Tân Việt Hoa, ở mục đưa tin về chiến thắng của quân dân 2 tỉnh Quảng Trị và Gia Lai có những nét ngoặc đơn được đánh dấu bằng bút mực màu đỏ. Chúng tôi được đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Người và đồng chí Cù Văn Chước cho biết đây là bút tích của Người. Người rất lưu tâm tin chiến sự miền Nam, mỗi thắng lợi của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đều được Người trân trọng giữ lại. Hơn nữa, qua tìm hiểu chúng tôi được biết khi sinh thời Người, tại cơ quan Phủ Chủ tịch, loại báo Tân Việt Hoa (bản in bằng chữ Hán), chỉ có Người đọc được chữ Hán. Vì vậy, những nét ngoặc đơn trên tài liệu này chỉ có thể do Người để lại.
Trong 4 bài báo cắt dán (2 bài mang nội dung xây dựng Đảng, 2 bài mang nội dung sản xuất nhiều than cho Tổ quốc), ở đầu 4 bài báo này đều có chữ “cắt dán” được viết bằng bút mực màu đỏ, nét chữ tuy rõ nhưng không được cứng nét, thể hiện người viết đã run tay, sức khoẻ yếu. Ở bài “Kết quả và kinh nghiệm bước đầu của huyện Đại Từ”, cùng nét chữ với chữ “cắt dán” trên cùng bài báo có một nét gạch bằng bút mực màu đỏ hình vòng cung ôm trùm cả cột báo và một chữ Hán tạm dịch là “Đảng”. Ở bài “Chi bộ Phú Thành” cũng có một chữ Hán như vậy. Về hai chữ Hán này, như trên chúng tôi đã phân tích, thời điểm đó chỉ có Người viết và đọc được chữ Hán, hơn nữa trong cách đọc và sửa tài liệu của Người rất hay sử dụng chữ Hán và Người đã duy trì thói quen này trong cả lúc đọc báo. Điều mà chúng tôi chưa tìm hiểu được là vì sao trong cả hai bài báo về Đảng Người đều sử dụng chữ Hán để ghi chủ đề của bài báo mà ở các bài khác như bài “Công nhân vùng mỏ Quảng Ninh”, Người ghi luôn chủ đề là “mỏ” và không sử dụng chữ Hán.
Về chữ “cắt dán” ở 4 bài báo cắt dán này các đồng chí Vũ Kỳ, Cù Văn Chước, đồng chí Nguyễn Huy Hoan, người có nhiều năm nghiên cứu các dạng bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lưu Quang Lập, cán bộ phục vụ Văn phòng Phủ Chủ tịch đều thống nhất cho chúng tôi một ý kiến: đó là các bút tích của Bác. So sánh với những bút tích Người để lại trên tài liệu đã được Hội đồng xét chọn định giá hiện vật thông qua, chúng tôi thấy về kiểu chữ, kích thước thì hoàn toàn giống nhau, chỉ có nét chữ ở đây hơi run. Điều đó cũng dễ giải thích vì lúc này sức khoẻ Người yếu nhiều, tuổi cao, mắt kém đi thì nét chữ để lại cũng sẽ khác đi.
Qua sự phân tích trên đây chúng tôi có thể đi đến kết luận: 5 trong số 29 tờ báo đã được dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian cuối đời tại Phủ Chủ tịch Người đã để lại bút tích. Các số báo còn lại tuy không có bút tích của Người nhưng đã dùng phục vụ Người. Người trực tiếp soạn và đọc báo cho Người nghe trong những ngày này là đồng chí Trần Văn Vượng và đồng chí Cù Văn Chước đều cho biết là ngày nào Người cũng nghe đọc báo và chỉ sau ngày 24-8-1969 đồng chí Chước mới dừng việc đọc báo. Trên tất cả các số báo trong 2 tập báo này, đồng chí Chước đã ghi lại ngày nhận báo, đánh dấu những bài đã đọc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe. Qua việc đánh dấu của đồng chí, chúng tôi thấy tin chiến sự miền Nam và tin lụt lội ở miền Bắc được đánh dấu nhiều hơn cả. Đặc biệt chúng tôi thấy ở ngôi nhà H67, nơi Người chữa bệnh, vào thời điểm sức khoẻ của Người đang ngàn cân treo sợi tóc, cuộc sống của Người đang được tính từng giờ thì trên bàn làm việc của Người ngoài các tờ báo những ngày gần nhất còn có 2 bài báo cắt dán về chuyên đề xây dựng Đảng và 2 bài báo về ngành than ở Quảng Ninh. Với 2 bài báo về xây dựng Đảng đã nói lên sự quan tâm đặc biệt của Người đến công tác “làm trong sạch Đảng”. Tìm hiểu báo chí trong thời gian tháng 8; 9 năm 1969 chúng tôi thấy đâu đâu cũng dấy lên phong trào “xây dựng chi bộ bốn tốt”. Còn 2 bài báo về sự phát triển của ngành khai thác than ở Quảng Ninh cũng có một ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Vì sao Người lại quan tâm đặc biệt đến vấn đề này vào lúc mà sức khoẻ của Người rất yếu. Qua báo chí và lời kể của một số đồng chí đã chứng kiến giai đoạn lịch sử đó chúng tôi được biết: vào cuối năm 1968, đầu năm 1969 ngành khai thác than của ta do nhiều nguyên nhân đã bị giảm sút trầm trọng, sản lượng khai thác than rất thấp mà lúc này than là mặt hàng chiến lược để xuất khẩu của ta. Vào thời gian đó chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống tận địa bàn để xem xét và tìm cách tháo gỡ khó khăn. Việc Người đọc và để lại bút tích trên 2 bài báo, một của Trung ương và một của chính địa phương có ngành khai thác than đưa tin về sự tiến bộ của ngành, phải chăng tin vui này của ngành than cũng là tin vui mà Bác hằng mong đợi và cũng có khả năng Người muốn xem lại việc đưa tin của báo đúng hay sai nên 2 tờ báo này đã được lưu lại bên Người trong những giờ phút cuối cùng của một con người vĩ đại của dân tộc.
Tập báo để ở bàn làm việc tầng 2 nhà sàn với các số báo từ ngày 13-17/8/1969 và tập báo để ở căn phòng Người chữa bệnh và qua đời với các số báo từ ngày 17-27/8/1969 (trừ báo cắt dán), ở góc các tờ báo đều ghi ngày tháng bằng bút mực màu đỏ là ngày tháng ra báo. Có nghĩa là báo phát hành ở Hà Nội và hàng ngày được đưa đến phục vụ Người ngay đầu giờ sáng ngày đó, chỉ có báo địa phương thì Người thường đọc vào cuối tuần.
Ngoài các bút tích ghi ngày tháng ra báo, một số báo còn được Người đánh dấu bằng nét gạch cũng bằng bút mực đỏ: tờ Tân Việt Hoa có nét gạch ở góc trên cùng bên phải trang nhất tờ báo, nhiều tờ báo ở mục Người tốt việc tốt như bài “Trai anh hùng đội ba”ở số báo Quân đội nhân dân ngày 16-8-1969; bài “Thực hiện lời dạy của Bác Hồ thanh niên Quảng Ninh quyết đưa phong trào “Hai mũi tiến công thắng Mỹ” tiến lên mạnh mẽ” ở số báo Nhân dân ngày 15-8-1969; bài “Những bông hoa chiến công màu da cam” ở số báo Quân đội nhân dân ngày 14-8-1969; bài “Nuôi quân giỏi quản lý tốt” ở số báo Quân đội nhân dân ngày 15-8-1969; tin “Bộ đội công binh đoàn X, Y bộ binh khẩn trương tham gia phòng chống lụt với ý chí quyết thắng” ở số báo Quân đội nhân dân ngày 19-8-1969…được gạch dưới tiêu đề hoặc ghi dấu “O” ở bên cạnh.
  29 tờ báo các loại đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và nghe đọc trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại kho của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là những số báo cuối cùng mà Người đọc và nghe đọc có để lại bút tích, Nó mang đầy đủ các yếu tố là hiện vật gốc thể hiện sự quan tâm đến từng khía cạnh của cuộc sống nên đã mang đến cho 29 tờ báo này một nội dung lịch sử sâu sắc. Đây là nguồn sử liệu sống có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về cuộc đời phấn đấu không mệt mỏi cho hạnh phúc của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, như lời nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi Người trong bài thơ “Theo chân Bác”:
                     “Bác vui như ánh buổi bình minh
                      Vui mỗi mầm non, trái chín cành
                      Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
                      Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)