slider

“Cán bộ làm công tác tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

22 Tháng 05 Năm 2020 / 666 lượt xem

Bùi Thế Đông

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Cốt lõi giá trị trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quan điểm vì con người và giải phóng con người, vì đất nước, vì dân tộc. Đây cũng là bản chất của nền tư pháp Việt Nam, được khởi nguồn từ những ngày đầu thành lập theo tư tưởng của Người. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác pháp luật cũng như đội ngũ cán bộ tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền”. Vì vậy, chỉ 10 ngày sau khi giành được chính quyền, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 28/8/1945, Bộ Tư pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được thành lập, đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của ngành tư pháp gắn liền với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong từng thời kỳ.

Năm 1950, trước yêu cầu xây dựng nền tư pháp kháng chiến, tư pháp nhân dân nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu Tổng phản công, đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp trong giai đoạn mới như cần phải xây dựng, thống nhất và tuyên truyền một lý luận pháp lý mới, phải “thống nhất tư tưởng người thẩm phán trong khi thi hành nhiệm vụ của mình là phải sống với thực tế, sống với nhân dân”... Với mục tiêu nói trên, Hội nghị học tập Tư pháp toàn quốc diễn ra từ ngày 02/5/1950 đến ngày 23/7/1950 tại Việt Bắc. Hội nghị đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và căn dặn những chỉ dẫn quý báu.

Hội nghị học tập Tư pháp toàn quốc được đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường. Mục đích của Hội nghị là để các Thẩm phán hiểu biết chế độ Dân chủ nhân dân và nhiệt thành xây dựng một nền Tư pháp Nhân dân, đồng thời để cải tạo tư tưởng và bổ túc về phương diện chuyên môn. Thành phần Hội nghị gồm 54 đại biểu chính thức: 23 đại biểu Liên khu Việt Bắc, 10 đại biểu liên khu III, 17 đại biểu liên khu IV, 02 đại biểu liên khu V, 01 công cáo ủy viên Tòa án quân sự, 01 Hội thẩm tòa án binh. Ngoài các đại biểu chính thức, còn có 01 đại biểu quân pháp, 02 đại biểu Nha Công an, 1 đại biểu Bộ Lao động, và 6 đại biểu Cục Tình báo đến dự thính phần chính trị trong chương trình. Chương trình học tập gồm 04 phần: Phần thứ nhất là phần chính trị; Phần thứ hai là phần pháp lý chính trị; Phần thứ ba nói về nhiệm vụ tư pháp trong giai đoạn chuyển mạnh sang Tổng phản công, tác phong của người thẩm phán trong chế độ Dân chủ nhân dân, sửa đổi lối làm việc; Phần thứ tư là pháp lý thực định.

Với thời gian học tập tập trung, kéo dài trong gần 3 tháng, Hội nghị học tập Tư pháp toàn quốc đã góp phần: Cải tạo cán bộ tư pháp cũ; Đả phá lập trường, tư tưởng, quan niệm tư pháp siêu hình của họ; Xây dựng và phổ biến lý luận tư pháp nhân dân trong hàng ngũ cán bộ, gây phong trào học tập lý luận đó, đồng thời chỉnh đốn lề lối làm việc cũ thủ công nghiệp của các Tòa án; Đào tạo cán bộ mới; Đưa cán bộ công nông vào ngành Tư pháp; Phát động phong trào tu dưỡng tư tưởng trong toàn quốc. Hành trang quan trọng nữa mà đội ngũ thẩm phán, cán bộ Tư pháp sau hội nghị học tập này mang về các địa phương là những lời chỉ dẫn quý báu về trách nhiệm của ngành Tư pháp nói chung, của cán bộ Tư pháp nói riêng trước nhân dân, trước dân tộc và cuộc kháng chiến, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Hội nghị đã căn dặn, như lời một cán bộ học viên đã xúc động phát biểu tại lễ bế mạc: “Người đã đem cho chúng tôi một niềm hân hoan không bờ bến và những lời căn dặn vô cùng quý báu. Hôm Người đến lưu lại một kỷ niệm sâu xa nhất trong đời chúng tôi, vì đó là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc vị Cha Già kính yêu của dân tộc. Chúng tôi nguyện sẽ tỏ lòng cảm tạ bằng cách ghi nhớ và tuân theo triệt để những lời dạy của Người và ông Phó Thủ tướng”(1).

Điểm nổi bật đầu tiên trong Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập Tư pháp toàn quốc năm 1950 là Người cô đọng khá rõ nét truyền thống và triết lý pháp luật tại Việt Nam trong giai đoạn mới. Người chỉ rõ mỗi một hệ thống pháp luật phải được hình thành trên cơ sở nền tảng đạo đức của xã hội mà hệ thống pháp luật đó tồn tại. Pháp luật phong kiến dựa vào đạo đức phong kiến: tôn vua, kính thầy, hiếu với cha. Pháp luật tư sản dựa trên nền tảng đạo đức gian ngoan và tinh vi hơn: tự do, bình đẳng nhưng thực sự chỉ có được đối với bọn tư bản. Trong chế độ mới - pháp luật phải được dùng để bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động, ngăn chặn những kẻ lợi dụng quyền tư hữu để bóc lột nhân dân lao động, bảo vệ quyền tự do, dân chủ cho nhân dân lao động.

Sau khi giúp cán bộ tư pháp nhận thức rõ hơn bản chất của mỗi hệ thống pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến bản chất pháp luật của ta: “Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động”. Tuy nhiên, Người cũng nêu một thực tế là “luật pháp của ta hiện nay chưa đầy đủ”, từ đó Người chỉ rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ ngành tư pháp“phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”.

Đặc biệt, trên quan điểm về tính giai cấp và tính lịch sử trong xác định vai trò của Tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cán bộ trong ngành “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ”. Điều này là một thực tế bởi phải có sự tham gia của nhân dân vào công tác tư pháp để xứng “tới tầm” của một nền tư pháp nhân dân. Để phục vụ nhân dân và muốn phục vụ nhân dân thì tư pháp phải gần nhân dân, tìm công lý trong nhân dân, của nhân dân. Mặt khác, phải tăng cường phổ biến pháp luật trong nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ(2). Có thể nói, đây chính là quan điểm pháp luật thấm sâu quan điểm đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. “Thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức” phải là những giá trị đạo đức cơ bản, phải được lấy làm chỗ dựa cho việc xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật trong chế độ mới. Tôn trọng quyền được hưởng hạnh phúc tự do không chỉ cho số ít người mà là cho tuyệt đại đa số nhân dân lao động là chính là đạo lý “ở đời và làm người”, đồng thời cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của mỗi công dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới được hệ thống pháp luật bảo vệ. Biết công tác tư pháp quan hệ nhiều với nhiệm vụ phòng chống tội phạm, xét xử những kẻ phạm pháp, làm trái pháp luật, Bác chia sẻ điều trăn trở: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. Người đặt ra yêu cầu: “Trong công tác xét xử, phải công bằng, liêm khiết, trong sạch”. Người cán bộ tư pháp không chỉ “chí công vô tư” mà còn phải “Phụng công thủ pháp”. “Phụng công” tức là phải biết trách nhiệm của mình được Nhà nước và nhân dân giao cho quyền thực thi pháp luật, làm việc để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Bên cạnh đó, là người cầm cân nảy mực, cán bộ tư pháp phải “Thủ pháp” là lẽ đương nhiên và cần phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, công bằng, công minh, khách quan, cho “chí công, vô tư” theo đúng quy định của pháp luật.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu tấm gương sáng về việc chấp hành pháp luật. Người đề cao và coi trọng phép nước, thiết diện vô tư, kiên quyết, cứng rắn, công bằng, công minh và cũng rất chí tình, chí nghĩa khi giải quyết công việc. Tấm gương sáng của Bác về tuân thủ pháp luật có sức giáo dục, thuyết phục rất lớn đối với cán bộ và nhân dân trong việc sống và làm theo pháp luật. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục nhân dân hiểu biết về pháp luật là cần thiết, vì điều đó tạo ra tính chủ động của người dân trong thực thi pháp luật. Nhưng cán bộ nhất là cán bộ ngành tư pháp - làm gương trong việc tuân thủ pháp luật rất cần thiết. Sinh thời Người từng nói: “Nói chung người phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Là những người được giao nhiệm vụ thi hành pháp luật, vì vậy hơn ai hết cán bộ tư pháp phải là những người gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, phải hết lòng vì sự nghiệp chung của đất nước, vì nhân dân mà bảo vệ pháp luật; không làm những việc hại dân, hại nước; không làm những việc mất uy tín của Đảng và Nhà nước như tham ô, lãng phí, quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền... Trên thực tế, vẫn có một số cán bộ phạm phải sai lầm, khuyết điểm do quan liêu, mệnh lệnh; xem thường pháp luật, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân, nhiều trường hợp do cán bộ chưa thông suốt pháp luật, chưa rành cách làm việc mà phạm khuyết điểm. Để sửa chữa những khuyết điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ và lời căn dặn đó như một cẩm nang để sửa chữa. Người nói, sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm chúng ta lo ngại. Chúng ta vừalàm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước nồng nàn và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công.

Đến nay, với hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ là phải dựa vào nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu và phục vụ, cán bộ ngành tư pháp đang không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ra sức rèn đức, luyện tài, xây dựng tác phong của người cán bộ tư pháp thực sự là “công bộc” của dân như Bác Hồ kính yêu đã dạy. Ngành Tư pháp Việt Nam đã có những bước trưởng thành về nhiều mặt, hệ thống tổ chức bộ máy chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tăng về số lượng và chất lượng, ngày càng ý thức hơn vai trò, vị trí của mình, của ngành Tư pháp trong công cuộc đổi mới hiện nay; thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước và tổ chức thực hiện các lĩnh vực công tác tư pháp được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung trong sự nghiệp cách mạng. Trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 là nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc. Góp phần quan trọng xây dựng, tăng cường tính dân chủ, tính nhân dân của nền tư pháp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chú thích:

1.            Tập Tài liệu về hội nghị học tập tư pháp toàn quốc năm 1950

2.            Cổng thông tin điện tử Bộ Tư Pháp www.moj. gov.vn.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)