slider

CHIẾC CHUÔNG Ở CẦU THANG NHÀ SÀN

28 Tháng 10 Năm 2009 / 3400 lượt xem
 
Nguyễn Thị Bình
Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
 
Nếu ai có dịp vào viếng Lăng Bác và thăm nơi ở làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch có lẽ đều rất cảm động khi nghe giới thiệu về chiếc Chuông bằng đồng được treo vào cánh cửa gỗ lên tầng 2 nhà Sàn của Người. Chiếc Chuông  hình dáng như một quả cân, bên trong buộc một thỏi kim loại tròn dùng làm con lắc để nếu chạm nhẹ vào cánh cửa gỗ là Chuông kêu leng keng, báo hiệu có người lên gác. Một chiếc Chuông nhỏ bằng đồng thật là đơn sơ, bình dị mà không phải là một chiếc chuông hiện đại dùng điện được gắn vào tường phát ra những âm thanh theo ý của gia chủ như hiện nay.
 Mùa hè năm 1958, theo nguyện vọng và yêu cầu của Bác muốn làm một ngôi nhà bên kia bờ ao, các đồng chí trong Bộ Chính trị đã chọn và chuẩn bị địa điểm để xây dựng ngôi nhà Sàn cho Bác. Ngôi nhà Sàn đã được hoàn thành trong vòng 1 tháng để mừng sinh nhật lần thứ 68 của Người. Ngôi nhà được làm giống nhà Sàn ở Việt Bắc, cầu thang lên gác gồm 13 bậc, trên sàn nhà có gắn một cánh cửa bằng gỗ được ghép bằng nhiều thanh gỗ giống như cánh cửa chớp mà ta thường dùng. Trên cánh cửa được treo một chiếc chuông bằng đồng nhỏ để có người lên gác động nhẹ vào cánh cửa là chuông đã kêu leng keng, Bác sẽ không bị giật mình và còn chủ động để tiếp khách. Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kể lại cho chúng tôi rằng: khi Bác đang làm việc thì Bác tập trung cao độ và Bác hay ngồi ở bộ bàn ghế mây đặt ở hành lang quay mặt ra hướng bờ ao. Nhiều lần Bác đang làm việc ở bộ bàn ghế mây đó, có người lên gặp Bác, cũng có lần là các đồng chí phục vụ Bác lên tới cầu thang chào Bác, đã không ít lần làm Bác giật mình. Thấy vậy chính các đồng chí phục vụ Bác muốn bảo vệ sức khoẻ cho Bác, nên đã nghĩ ra sáng kiến là phải lắp một chiếc chuông gắn vào cánh cửa của cầu thang lên xuống để khi có ai lên đến cầu thang động vào cánh cửa chuông kêu là Bác biết đã có người lên gác, Bác không bị giật mình nữa.
Theo các nguồn tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh như bản ghi chép hiện vật năm 1970 ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ảnh chụp các hiện vật sau ngày Bác mất 14 ngày và lời kể của các đồng chí nhân chứng, thì vào khoảng đầu năm 1962, ở cầu thang lên phòng ngủ và phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có treo một chiếc chuông nhỏ dùng báo hiệu mỗi khi có người lên gặp Bác, để Bác biết mà chủ động tiếp khách, tránh cho Bác bị giật mình. Các đồng chí phục vụ có sáng kiến đó lại chính là đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Cù Văn Chước. Đồng chí Cù Văn Chước - Nguyên là trưởng phòng Hành chính- Tổng hợp Văn phòng Phủ Chủ tịch, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ chí Minh cho chúng tôi biết: Chiếc Chuông bằng đồng này đã được các đồng chí phục vụ Bác xin bên Văn phòng Trung ương khoảng năm 1962, còn cụ thể ai là người mang về và mang vào ngày tháng năm nào thì đồng chí không nhớ. Sau ngày Bác qua đời, cùng với các di vật của Bác trong Khu Di tích Phủ chủ tịch, chiếc chuông đã được ghi chép vào sổ kiểm kê bước đầu và được bảo quản rất cẩn thận (1)
Để hoàn thiện hồ sơ cho chiếc chuông và để biết được chiếc chuông được lắp vào thời điểm nào, có ý nghĩa ra sao, chúng tôi đã nghiên cứu và căn cứ vào những nguồn tư liệu như bản ghi chép của đồng chí Phạm Hồng Thăng ghi ngày 18-12-1970 của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ngay sau ngày Bác mất gần một năm, căn cứ vào những tấm ảnh chụp của đồng chí Đinh Đăng Định chụp ngày 14-9-1969 sau ngày Bác mất 14 ngày, căn cứ vào sách báo của nhiều tác giả trong và ngoài nước đã viết về Người và đặc biệt là căn cứ vào lời kể của các đồng chí nhân chứng là những người đã vinh dự phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, cũng chính là những người có sáng kiến và thực hiện việc lắp chiếc chuông đó. Sau khi được các đồng chí nhân chứng đó là đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, đồng chí Cù Văn Chước - người hàng ngày đã đọc báo cho Bác nghe, đồng chí Phạm Đỉnh - người bảo vệ Bác… cùng khẳng định sau khi dựng xong ngôi nhà Sàn được mấy năm thì lắp chiếc chuông và chiếc chuông xuất hiện vào khoảng năm 1962. Để thêm phần chính xác về thời gian tồn tại chiếc chuông, các đồng chí nhân chứng còn cho chúng tôi biết trong khoảng thời gian lắp chuông có một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ là Bác tiếp anh hùng vũ trụ G.Titốp từ ngày 21-1 đến ngày 25-1-1962. Trong buổi chiêu đãi tiễn đồng chí G. Titốp về nước đựơc tổ chức vào tối 24-1-1962 tại Phủ Chủ tịch, với tình cảm kính trọng và xúc động trư­ớc tấm lòng nhân ái bao la nh­ư trời biển của Bác, trong giờ phút sắp chia tay đầy lưu luyến ấy, đồng chí G. Titốp đã tặng Bác cuốn sách “700.000 km trong vũ trụ” của mình. Và  chiếc chuông đồng được lắp vào cánh cửa cầu thang lên tầng hai nhà Sàn cũng trong khoảng thời gian cuối tháng 1 năm 1962
Chuông màu đồng thau, cao 7,4cm (tính cả núm), đường kính miệng: 8cm, mặt ngoài khắc nổi số 12 có ngăn tròn lõm vào. Đỉnh có núm và lỗ tròn để luồn dây bằng một sợi dây vải gấp làm tư, buộc vào chuông vào thang cửa. Bên trong buộc một thỏi kim loại tròn dùng làm con lắc. Chuông bị ô xy hoá nhiều chỗ đen. Chuông được treo ở cánh cửa cầu thang nhà Sàn gỗ (K2A2), mang số kiểm kê 974/KL-29.
 Như vậy qua các nguồn thông tin đã được nêu ở trên và qua lời kể của các đồng chí nhân chứng là những người được trực tiếp phục vụ Bác, có cơ hội được tiếp cận với hiện vật đã kể. Chúng tôi đã nghiên cứu, đối chiếu, so sánh và rút ra kết luận: Chiếc Chuông đồng đã được gắn vào cánh cửa cầu thang lên nhà Sàn có vào khoảng đầu năm 1962. Sau ngày Bác qua đời, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ “Bác ơi” rất cảm động, qua bài thơ đó cũng phần nào được minh chứng cho hình ảnh quen thuộc của chiếc chuông khi sinh thời Bác, đã được Bác sử dụng trong khoảng thời gian Người sống và làm việc tại  ngôi nhà Sàn. Trong bài thơ đó có đoạn:
                   “ …Chuông ơi chuông nhỏ còn reo nữa
                          Phòng lặng rèm buông tắt ánh đèn…”
Với tác dụng và ý nghĩa lịch sử như vậy, chiếc chuông bằng đồng này là hiện vật gốc, là một trong số các đồ dùng mà sinh thời hàng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng mỗi khi Người lên xuống nhà Sàn từ năm 1962 đến năm 1969. Chiếc chuông đã chứng kiến những hoạt động thường ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người sống và làm việc tại nhà Sàn trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Đặc biệt hơn nữa chiếc chuông còn có tác dụng thông báo trước cho Bác có người lên nhà Sàn để Bác biết mà không bị giật mình ảnh hưởng đến sức khoẻ. Với những ý nghĩa như vậy, trong nhiều năm, hiện vật này vẫn được giữ ở vị trí vốn có của nó ở cánh cửa cầu thang lên tầng 2 nhà Sàn như sinh thời Bác, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho khách thăm quan Khu Di tích về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay hồ sơ khoa học của chiếc chuông đang được lưu giữ trong kho tư liệu của Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
 
 
 


(1) Về vấn đề này chúng tôi còn phải tiếp tục nghiên cứu tiếp

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)