slider

CHÍNH SÁCH "THÊM BẠN, BỚT THÙ" CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI KỲ ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN

07 Tháng 04 Năm 2014 / 3872 lượt xem
Hà Thị Liên
                                                                             Phòng Tuyên truyền- Giáo dục
 
          Trong suốt quá trình vận động cách mạng, chuẩn bị đón thời cơ giành chính quyền, cùng với việc xây dựng thực lực cách mạng về quân sự, chính trị, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn luôn chú ý đến công tác ngoại giao và thực tế một trong những đối sách Người áp dụng có hiệu quả là “ thêm bạn, bớt thù” đã đóng góp một phần đáng kể cho việc giành chính quyền thắng lợi năm 1945.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai đang ở giai đoạn kết thúc, các nước đế quốc bắt đầu tính đến việc chia chác thị trường. Đến cuối năm 1943, giải pháp cho Đông Dương sau chiến tranh vẫn chưa ngã ngũ, mỗi nước trong khối Đồng minh tự hành động theo quyền lợi của mình nên đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Hồ Chí Minh hiểu rất rõ điều này, Người chủ trương triệt để tận dụng mâu thuẫn ấy để giành sự ủng hộ, viện trợ, hoặc cũng tạo sự phân hoá nội bộ Đồng minh, phục vụ cho mục đích thiêng liêng của Người là giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.
          Giữa tháng 8-1942, Hồ Chí Minh đi Trung Quốc để tìm kiếm sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân Đảng Trung Hoa với tư cách là đại diện của Mặt trận Việt Minh (MTVM) và đại diện chi hội Việt Nam của Hội Quốc tế chống xâm lược, nhưng Người bị nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam hơn một năm ở Quảng Tây. Cuối năm 1943, Người được trả tự do, nhưng vẫn bị quản thúc ở Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu, đóng ở Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây. Tại đó, lúc bấy giờ, tướng Trương Phát Khuê đã tập hợp với một số người Việt Nam thân Tưởng như: Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh,... thành lập tổ chức “Việt Nam cách mạng đồng minh Hội” (hay gọi tắt là Việt Cách) từ cuối năm 1942 mang danh nghĩa cách mạng Việt Nam để chuẩn bị cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”.
Theo chủ trương lúc đầu, tổ chức này không có cộng sản, nhưng sau một thời gian dài hoạt động, Trương Phát Khuê nhận ra rằng “Ban chấp hành Việt Cách không có khả năng lãnh đạo; tham ô công quỹ do Tưởng cấp; chỉ có cơ sở lưu vong, không có cơ sở trong nước; nội bộ nhóm nọ chống nhóm kia”(1) nên Trương quyết định cải tổ Hội. Đúng lúc ấy, Hồ Chí Minh mới được ra tù nhưng bị quản thúc ở ngay trong Bộ Tư lệnh. Trương Phát Khuê đã nhận ra chỉ có Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo là có cơ sở rộng rãi trong nước, có thể đương đầu với phát xít Nhật. Trương cũng biết rằng Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, song y cũng thừa hiểu: “Nếu Trung Quốc muốn làm gì ở Việt Nam có hiệu quả thì phải liên hệ và tranh thủ Việt Minh”(2). Trương Phát Khuê quyết định đưa Việt Minh vào Việt Cách và mời Hồ Chí Minh tham gia vào công việc cải tổ Hội. Đây là cơ hội tốt để Hồ Chí Minh tranh thủ sự ủng hộ của Quốc Dân Đảng. Trương đã giao cho Hồ Chí Minh thảo kế hoạch Hội nghị hải ngoại và kế hoạch Hội nghị toàn quốc của Việt Cách. Trong buổi gặp mặt các thành viên trù bị hội nghị, Trương nói: “ Tôi cũng như các đồng chí cách mạng Việt Nam, không ai muốn ngồi đây chờ Hội nghị này tan vỡ. Từ lòng mong muốn đó, tôi có nhờ Hồ uỷ viên dự thảo hai bản kế hoạch này…Tôi đã xem kỹ, đây là những kế hoạch cách mạng, thể hiện sự công bằng, nhằm đoàn kết các đảng phái cách mạng”(3).
Chẳng bao lâu công việc cải tổ Hội hoàn thành và Hội nghị “các nhóm cách mạng hải ngoại” tiến hành họp từ ngày 25 đến 28/3/1944. Tại Hội nghị này, Hồ Chí Minh đã kêu gọi các đảng phái, tổ chức chính trị dẹp sang một bên sự bất đồng để đoàn kết, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chung là chống chủ nghĩa phát xít, giải phóng đất nước: “Mọi người đều hiểu rằng: làm một người dân mất nước thì đảng phái gì, chủ nghĩa gì cũng vô dụng, đồng thời mọi người cũng đã nhìn nhận, đều chung một mục đích là cứu nước nhà, cứu nòi giống… ngoài công việc cứu nước ra thì lý luận gì, công tác gì của một đảng phái nào cũng không được nhân dân ủng hộ. Mọi người đều phải theo trào lưu cách mạng thế giới: Trung Quốc thì Tam dân chủ nghĩa, nước Anh thì Đế quốc chủ nghĩa, nước Nga thì Cộng sản chủ nghĩa, nước Mỹ thì Tư bản chủ nghĩa, thế mà có thể hợp tác với nhau để chiến thắng quân thù…xem ra các đảng phái liên hợp để đủ sức cứu Tổ quốc, cứu đồng bào. Nước Việt Nam là một bộ phận của thế giới, quyết không thể đi ngược dòng lịch sử”(4).
Những người tham gia Hội nghị này như ông Hồ Đức Thành kể lại: “Với tư thế của quan toà, Bác đã cho ra một bản báo cáo, thực tế là một bản phán xét, rất nghiêm khắc đọc tại Hội nghị, có đủ bọn tai to, mặt lớn Quốc Dân Đảng” (5). Ông Lê Tùng Sơn thì viết: “ Trương Phát Khuê tỏ ra tự hào về Bác Hồ, vì nhờ có Bác mà Hội nghị Việt- Cách đã có được mầu sắc như ông ta mong muốn”(6). Trương nhận xét Hồ Chí Minh là một người có ý kiến kiên cường và nỗ lực làm việc, có một tri thức rộng lớn về những vấn đề quốc tế hơn hẳn các lãnh tụ Việt Nam khác. Đánh giá Hội nghị này, nhà sử học Trung Quốc Kinh Cheng cho rằng: “ảnh hưởng bao trùm nhất của Hội nghị là lực lượng của Việt Nam Quốc dân Đảng, vị trí của Đảng Cộng sản Đông Dương chưa mạnh. Tuy vậy, cũng thấy rõ ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương sẽ dần lớn lên và chẳng bao lâu nữa sẽ biến tổ chức của kẻ thù thành tổ chức của mình. Điều mà Hồ Chí Minh đã đặt kế hoạch thực hiện”(7). Tuy vậy sau Hội nghị, Hồ Chí Minh nói với các đồng chí của mình: “Ta tham gia Hội nghị này là đúng, nhưng không nên có ảo tưởng với Tưởng Giới Thạch phải lấy Trung Quốc làm cái cầu để tranh thủ các nước Đồng minh”(8).
          Sau Hội nghị hải ngoại, Quốc Dân đảng Trung Hoa đã thay đổi chủ trương, chấp nhận cho Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh tham gia vào Hội Việt Cách, chấm dứt thời kỳ bọn phản động lũng đoạn Hội này. Đây là thắng lợi đáng kể về đường lối ngoại giao của Đảng ta và Hồ Chí Minh. Song vấn đề quan trọng là sau hội nghị, Hồ Chí Minh được hoàn toàn tự do và trở về nước, lãnh đạo cách mạng, tạo ra thuận lợi có tính chất quyết định đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, còn phải kể đến những viện trợ vật chất ngoài dự kiến trong chuyến đi công cán lần này của Người như: “ Giấy thông hành, bức thư của Trương, một bản đồ quân sự, thuốc men, và 76.000 đồng tiền Trung Quốc để chi phí đi lại và trợ cấp vào quỹ huấn luyện”(9) do Trương Phát Khuê cấp. Để làm yên lòng Trương và đặc biệt để ông ta không có những hành động cản trở đối với cách mạng Việt Nam, khi chia tay Trương, Hồ Chí Minh nói: “Tôi là một người cộng sản, nhưng điều quan tâm trước mắt của tôi là độc lập và tự do của nước Việt Nam, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản”(10). Đến khi phái đoàn quân sự của Pháp khẳng định với Quốc Dân Đảng Trung Hoa rằng Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc thì Người cùng các đồng chí của mình đã về nước an toàn.
          Thời gian này ở Trung Quốc, lực lượng Đồng minh chống phát xít có thế lực nhất là người Mỹ, đặt trụ sở tại Côn Minh. Qua phân tích tình hình, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra mâu thuẫn trong lập trường giữa Mĩ- Anh- Pháp về vấn đề thuộc địa nói chung và vấn đề Đông Dương nói riêng. Lợi dụng mâu thuẫn này, Người quyết định phải tranh thủ sự ủng hộ của người Mỹ trong việc chống phát xít Nhật ở Việt Nam. Người quyết định đi Côn Minh để gặp gỡ, trao đổi nhằm: làm cho người Mĩ hiểu rõ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam trong việc chống phát xít Nhật, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất, hơn nữa là nhằm hạn chế sự phá hoại của Quốc dân Đảng Trung Hoa, đang tích cực cho kế hoạch “ Hoa quân nhập Việt”.
          Nhân cơ hội cuối năm 1944, một chiếc máy bay Mỹ bị quân đội Nhật bắn rơi ở Cao Bằng, viên phi công Shaw được Việt Minh cứu thoát, đầu năm 1945, Hồ Chí Minh cùng người phi công Mỹ lên đường đi Côn Minh - nơi Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ đóng trụ sở. Chính những giấy tờ Trương Phát Khuê cấp cho Hồ Chí Minh khi dời Liễu Châu đã giúp Người đến Côn Minh một cách an toàn. Tại Côn Minh, các cuộc tiếp xúc với tướng Sennô, Sáclơ Phen (người của Sở Tình báo OSS và tổ chức cứu trợ không quân Mĩ), Pátty (sĩ quan tình báo của Mĩ)… Người đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với các quân nhân Mĩ trong các cuộc tiếp xúc. Trong con mắt họ, Hồ Chí Minh không biết có phải là cộng sản hay không nhưng là một người đáng kính, đang lãnh đạo một lực lượng đáng kể ở trong nước, có khả năng thực tế, hợp tác với quân Mĩ chống phát xít Nhật. Qua các cuộc tiếp xúc, giữa hai bên đã thoả thuận: Hồ Chí Minh nhận sẽ tổ chức cứu trợ những phi công đồng minh mắc nạn, cung cấp tin tức về quân đội Nhật ở Việt Nam. Phía Mỹ sẽ cung cấp thuốc men, vũ khí và những sỹ quan huấn luyện về kỹ thuật quân sự, vô tuyến điện cho Việt Minh.
          Ngoài những vật chất kể trên, Hồ Chí Minh còn thu được những kết quả chính trị vô giá, đó là: bằng những cuộc tiếp xúc với hầu hết những cơ quan quan trọng của Mỹ trên đất Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã ngầm thông báo cho Tưởng Giới Thạch và phái bộ nước Pháp tự do của Đờ Gôn rằng: Mặt trận Việt Minh do Người lãnh đạo, là đại diện chính thức của Mặt trận Đồng minh thế giới chống chủ nghĩa phát xít, việc này đã hạn chế phần nào dã tâm chống phá cách mạng Việt Nam của Quốc dân Đảng Trung Hoa. Pátty nhận xét: Mặc dù tôi đã tỏ ra khách quan và cố tình tỏ ra thận trọng, không bị lôi cuốn vào khía cạnh chính trị của vấn đề Đông Dương. Nhưng sự chân thành, thái độ thực tiễn và tài hùng biện của ông Hồ đã gây cho tôi một ấn tượng không bao giờ quyên… Đối với tôi, ông Hồ không xuất hiện như một nhà cách mạng viển vông, hoặc một người cấp tiến cuồng nhiệt, mà là một người thông minh, hiểu rõ những vấn đề của đất nước mình, một người có lý trí, và toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Và đánh giá: “Ông Hồ đã đi một nước cờ tài giỏi nhằm thu hút sự chú ý của người Mĩ, đồng thời làm cho Quốc dân Đảng Trung Hoa bối rối”(11). Còn Sáclơ Phen - người trực tiếp quan hệ với Hồ Chí Minh thì nói: “ Hồ Chí Minh đã trở thành một lãnh tụ tuyệt đối của Đảng cách mạng vững mạnh. Điều kỳ lạ là người Pháp, người Trung Hoa và OSS bây giờ đều rất băn khoăn khi sử dụng mối quan hệ này”(12). Thực chất đến lúc này, cả Mỹ, Anh, Pháp và Quốc dân Đảng Trung Hoa đều không chấp nhận để Việt Minh cộng sản giành chính quyền, thành lập một Chính phủ độc lập, tự do trên đất nước Việt Nam. Nhưng bất chấp mọi mưu đồ xảo quyệt, bằng thực lực của chính mình, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhanh chóng chớp thời cơ, phát động khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước. Chiều 2/9/1945, trước sự chứng kiến của hàng chục vạn nhân dân, Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố: nước Việt Nam độc lập, nhà nước dân chủ nhân đân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Một nhà sử học Mĩ nhận xét: “Trong cuộc đấu trí này, không phải chỉ riêng có Pháp bị “nhỡ tầu” mà cả Quốc dân Đảng Trung Hoa ở ngay sát cạnh miền Bắc Đông Dương cũng bị chậm chân. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cụ Hồ, Mặt trận Việt Minh đã trở thành “chủ nhân” với một Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam mới”(13).
          Những thắng lợi ngoại giao đầu tiên kể trên là những bằng chứng điển hình của sách lược “thêm bạn bớt thù” của Hồ Chí Minh và chỉ có Người - nhà ngoại giao tài giỏi- bằng sự khôn khéo, thông minh, nhanh nhạy của một chính khách và tấm lòng của một người yêu nước chân chính mới có thể thực hiện thành công được. Thắng lợi đó tạo lợi thế cho cách mạng nước ta và hạn chế một phần những mất mát, hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền năm 1945.
                                          
Chú thích:
          1.Việt Nam và Trung Quốc(1938-19450), bản đánh máy, lưu tại kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, tr 20
          2. Nhật ký một chặng đường, Lê Tùng Sơn, Nxb Văn học, H.1978, tr 84.
          3. Sđd, tr 124
          4,5. Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Hội nghị Liễu Châu. Kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh bản đánh máy.
          6. Sđd, tr 125.
          7. Việt Nam và Trung Quốc (1938-1945), Sđd
          8. Sđd, tr126.
          9,10.Sđd, tr 33.
          11. Bác Hồ tiếp xúc với tình báo đối phương, Nxb Đà Nẵng, 1990, tr 12.
          12. Tạp chí Lịch sử đảng số 6-1990, tr 30
          13. Sđd, tr 40.
                                                                   

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)