slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Châu, Trung Quốc

23 Tháng 05 Năm 2020 / 33410 lượt xem

ThS. Đỗ Đức Huỳnh

Phòng Hành chính, Tổng hợp

Trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động cách mạng ở nhiều nơi, nhiều nước. Trong đó, Trung Quốc là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động qua nhiều thời kỳ với khoảng thời gian cộng lại gần 10 năm. Đặc biệt, không thể không nhắc đến thời kỳ Người hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc (1924 - 1927). Thời kỳ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Nó đánh dấu thời kỳ Người trở về gần Tổ quốc “... đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập...”(1).

Tháng 6/1911, với tên gọi Văn Ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tổ quốc Việt Nam ra nước ngoài, mang theo khát vọng tìm được con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, giúp đồng bào thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ. Sau khi trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, năm 1923, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến thủ đô Mátxcơva, Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Những năm tháng trên đất nước của Lênin là khoảng thời gian Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm hiểu và trải nghiệm. Người đã nhận thức rõ nét hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, xác định hình thức mới đối với đường hướng và nhiệm vụ cách mạng của những người cộng sản trên toàn thế giới. Người nhận thức được rằng chỉ có thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, triển khai cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mới có thể giải phóng nhân dân Việt Nam ra khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Thực hiện mong muốn của mình và được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ thủ đô Mátxcơva đã đến Quảng Châu, Trung Quốc với tên gọi Lý Thụy, trên cương vị phái viên của Quốc tế Cộng sản, trong Phái bộ của Cố vấn Borodin, bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn. Theo các nhà nghiên cứu, việc Nguyễn Ái Quốc lựa chọn đến Quảng Châu, Trung Quốc là một bước đi quan trọng để thực hiện kế hoạch mà Người vạch ra từ năm 1923 khi đến nước Nga. Bởi khi đó Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rằng:

Thứ nhất, trong những năm 1923 - 1924, Quảng Châu đang được mệnh danh là “Mátxcơva của phương Đông”, thu hút nhiều nhà cách mạng đến từ những quốc gia bị áp bức. Hình thức cách mạng Trung Quốc có nhiều thay đổi lớn, phong trào cách mạng với Quảng Châu làm trung tâm đã thu được nhiều thắng lợi. Tại đây, nhà cách mạng Tôn Trung Sơn đã thành lập Chính phủ cách mạng, tuyên bố thực hiện 3 chính sách lớn “liên Nga, liên Cộng và giúp đỡ nông dân”, tiếp nhận sự trợ giúp của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô, cải tổ Quốc Dân Đảng với sự giúp đỡ của đoàn cố vấn do Liên Xô và Quốc tế Cộng sản cử tới. Những người cộng sản Trung Quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quen biết như Chu Ân Lai, Lí Phú Xuân, Trương Thái Lôi lúc này cũng đã có mặt tại Quảng Châu, tạo ra cục diện Quốc - Cộng hợp tác cùng thúc đẩy cách mạng Trung Quốc. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin rằng ở Quảng Châu lúc này kết hợp tham gia thực tiễn cách mạng Trung Quốc với thực hiện mục tiêu vận động cách mạng Việt Nam, nhất định sẽ có hiệu quả.

Thứ hai, Quảng Châu, Trung Quốc khi đó là nơi tập trung một lớp thanh niên mới đầy nhiệt huyết đến từ Việt Nam, theo lời kêu gọi của nhà cách mạng dân chủ Phan Bội Châu, tham gia tổ chức Việt Nam Quang phục Hội ở Quảng Châu. Nhưng rồi do bất đồng với khuynh hướng bảo thủ của các nhà cách mạng tiền bối trong Việt Nam Quang phục Hội và muốn tìm con đường mới, năm 1923, nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước này đã thành lập tổ chức Tâm tâm xã. Đó là một tổ chức yêu nước nhưng cương lĩnh chưa rõ ràng, phần nào chịu ảnh hưởng của một số tổ chức cánh tả ở Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc nắm bắt được tình hình đó và mong muốn đến Quảng Châu thay đổi tổ chức này, dẫn dắt thanh niên Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, học theo chủ nghĩa Mác-Lênin. (Sau này, những thành viên ưu tú của Tâm tâm xã đã trở thành hạt nhân của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu năm 1925. Chính Tâm tâm xã đã cung cấp cho cách mạng Việt Nam những thế hệ chiến sĩ cộng sản đầu tiên và xuất sắc như Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu...).

Thứ ba, Người cho rằng lúc này cần phải nhanh chóng tìm đến Quảng Châu, một địa điểm gần với Việt Nam, có điều kiện tương đối thuận lợi để triển khai những công việc cần thiết, sớm thực hiện mục tiêu về nước phát triển phong trào cách mạng. Đó là việc mở lớp huấn luyện cho những thanh niên yêu nước Việt Nam có mặt tại Quảng Châu về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, lôi cuốn thanh niên từ trong nước sang, huấn luyện xong lại cử họ về nước hoạt động, tuyên truyền cách mạng. Từ kết quả huấn luyện đào tạo, sẽ lập ra một số tổ chức cách mạng của thanh niên, chọn lọc trong đó những phần tử trung kiên, chuẩn bị hạt nhân để tiến tới thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.

Như vậy, Quảng Châu đã được Nguyễn Ái Quốc chọn là một điểm dừng chân, một địa bàn hoạt động, một “căn cứ địa quốc tế” của cách mạng Việt Nam. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã khẩn trương tiến hành các hoạt động chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Được sự giúp đỡ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ cách mạng ở Quảng Châu, từ đầu năm 1926 đến tháng 4/1927, tại Trụ sở số nhà 13 và 13/1 đường Văn Minh (nay là số nhà 248 và 250) đối diện với Trường đại học Trung Sơn (nay là Bảo tàng Cách mạng Quảng Châu), Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở ba lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam đang có mặt tại Quảng Châu với tổng số 75 người. Giảng viên chính của các lớp là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có một số giảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Liên Xô. Để tổ chức được ba lớp học đó, Nguyễn Ái Quốc đã phải vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, trước hết là về trụ sở, tài chính và các mối liên lạc. Nội dung các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc sau này được Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và in thành cuốn sách nổi tiếng Đường Kách mệnh. Đây là tác phẩm lý luận chính trị vô sản đầu tiên ở nước ta, đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin ở Việt Nam. Kết thúc khóa học, có người được giữ lại ở nước ngoài công tác, có người được cử đi học tiếp ở Liên Xô, hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu)... còn phần đông thì được cử về nước hoạt động, gây dựng và tổ chức, phát triển các phong trào cách mạng Việt Nam.

Trên đất Quảng Châu, tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc đã cải tổ Tâm Tâm xã, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức có tính chất quá độ, vừa tầm, thích hợp với thực tiễn Việt Nam lúc đó, giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các tầng lớp dễ tiếp thu chủ nghĩa cộng sản. Nguyễn Ái Quốc dùng tên Hội mà chưa dùng tên Đảng do muốn đưa tổ chức cách mạng đó vào quần chúng một cách thuận lợi, để quần chúng dễ tiếp thu cả về tổ chức, tôn chỉ, mục đích của Hội, từ đó sẽ phát triển lên ở mức cao hơn. Như Người đã giải thích: “Trong tư tưởng của những người đứng ra tổ chức thì Hội này sẽ là cơ sở cho một đảng lớn hơn và tương lai đã chứng minh điều đó”(2).

Được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, lấy tự phê bình và phê bình làm phương châm phát triển của mình, trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tất cả các hội viên phải hoạt động trong quần chúng, tuyệt đối giữ bí mật hoạt động của Hội. Hội được tổ chức thành 5 cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Huyện bộ và Chi bộ.

Mục đích của Hội là: “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mạng dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại được độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)” .

Điều lệ của Hội đề cập đến Chương trình hoạt động như kết nạp hội viên; tổ chức các đoàn thể như Công hội, Nông Hội, Hội học sinh, Hội phụ nữ..., thành lập chính phủ nhân dân, đoàn kết với các giai cấp vô sản của tất cả các nước và thành lập xã hội cộng sản. Điều lệ còn quy định cụ thể về điều kiện vào hội, lề lối tổ chức, cơ cấu các cấp Trung ương, xứ uỷ, tỉnh uỷ, huyện uỷ, chi bộ, vấn đề tiến hành hội nghị thường kỳ của các cấp và hội nghị toàn quốc, kỷ luật và nhiệm vụ của hội viên...

Có thể nói, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị về tư tưởng, chính trị cũng như về tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Thông qua những hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thông qua phong trào vô sản hoá, luồng tư tưởng mới của thời đại đã xâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, làm thay đổi tính chất, chiều hướng của phong trào đấu tranh cách mạng, đưa đến sự thắng lợi của khuynh hướng vô sản. Thông qua những nội dung hoạt động của mình, Hội đã thu hút đông đảo các lực lượng vào tổ chức cách mạng của mình, đồng thời có ảnh hưởng tích cực đến các tổ chức chính trị cùng thời khác.

Nguyễn Ái Quốc cũng đồng thời cho xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Báo Thanh niên ra hằng tuần, bằng tiếng Việt, số đầu tiên của báo ra ngày 21/6/1925 (từ đây, ngày 21-6 hàng năm được chọn là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam). Báo có các chuyên mục: xã hội, bình luận, tin tức, diễn đàn, vấn đáp, phê bình, trả lời bạn đọc, v.v.. Những bài viết của báo Thanh Niên đều ngắn gọn, lời văn giản dị, trong sáng, dễ hiểu, thường đề cập những vấn đề chính: Đế quốc và thuộc địa; Cách mạng và cải lương; Thực tiễn của cách mạng Việt Nam; Đảng cách mạng và Đảng Cộng sản; Cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới; Cách mạng và mặt trận dân tộc thống nhất; Học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, v.v.. Thông qua báo Thanh Niên, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thống nhất về phương hướng và nội dung tuyên truyền giáo dục ở trong và ngoài hội. Là tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí vô sản nước ta, báo Thanh Niên đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam.

Giai đoạn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu 1924 - 1927 không chỉ có tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng của Việt Nam mà còn góp phần quan trọng trong phong trào cách mạng Trung Quốc cũng như Quốc tế Cộng sản.

Ở Quảng Châu, bên cạnh việc tiến hành công tác tuyên truyền và tổ chức cho phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị tốt cho việc thành lập chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình trực tiếp tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc. Đối với cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc luôn xuất phát từ những nét tương đồng trong bối cảnh lịch sử văn hóa Việt Nam - Trung Quốc, là mối quan hệ tương hỗ với cách mạng giai cấp vô sản quốc tế. Người đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Trung Quốc. Ngay từ khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ tương hỗ, tương trợ, cùng đấu tranh giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc qua các thời kỳ. Đây cũng là cơ sở để tình hữu nghị giữa hai nước được phát huy trong các cuộc kháng chiến chống Nhật hay cuộc chiến tranh giải phóng của Trung Quốc, hoặc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Việt Nam.

Đối với Quốc tế Cộng sản, những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu trong giai đoạn 1924 - 1927 đã làm phong phú hơn về mặt lý luận và thực tiễn của Quốc tế Cộng sản trong việc lãnh đạo cách mạng giai cấp vô sản toàn thế giới. Với vai trò là thành viên của Quốc tế Cộng sản khu vực phương Đông và đại diện của Hội Nông dân quốc tế, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tích cực liên lạc, tổ chức kết nối các nhà hoạt động cách mạng đến từ các quốc gia, các dân tộc bị áp bức tại Quảng Châu. Cùng một số người cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tham gia Hội nghị đại biểu đầu tiên của 20 vạn nông dân tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Đầu tháng 5/1925, Người tham dự Hội nghị lần thứ hai đại biểu công nhân Trung Quốc. Được Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân ủy nhiệm phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc và một số nước khác, tháng 7/1925, Người đã tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông nhằm đoàn kết các dân tộc bị áp bức ở châu Á trong một mặt trận chống chủ nghĩa đế quốc. Nguyễn Ái Quốc đã đặt cơ sở cho việc xây dựng tình đoàn kết giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng các nước.

Tại Quảng Châu, theo dõi và chỉ đạo phong trào nông dân ở Trung Quốc và Đông Nam Á, tìm hiểu được tình hình của cách mạng Trung Quốc, tình hình của các nhà hoạt động cách mạng đến từ các quốc gia, các dân tộc bị áp bức,... Nguyễn Ái Quốc giúp Quốc tế Cộng sản nắm được tình hình về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông; phân tích đánh giá để báo cáo với Quốc tế Cộng sản, hoặc viết bài đăng trên tạp chí Thông tin quốc tế của Quốc tế Cộng sản. Điều đó sẽ gia tăng ảnh hưởng, tăng cường mối liên hệ giữa Quốc tế Cộng sản và phong trào cách mạng ở các nước phương Đông, thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng giai cấp vô sản trên phạm vi toàn thế giới.

Có thể nói, thời kỳ 1924 - 1927 ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thực hiện được những công việc hết sức trọng đại, cống hiến công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam cũng như sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới./.

Chú thích:

1.            Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr58

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr41

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.            Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, 1924-1927, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998

2.            E. Cabelev, Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000

3.            Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)