slider

Cuốn sách “Việt Minh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1960” có nhiều bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh

14 Tháng 11 Năm 2019 / 1022 lượt xem

Vũ Thu Hằng
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

 
Trên giá sách phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngôi nhà sàn gỗ tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, nơi Người đã sống và làm việc từ năm 1958 đến năm 1969, có nhiều cuốn sách của các tác giả nước ngoài viết về Việt Nam, về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc, để lại bút tích và đang được lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Trong số các cuốn sách đó có cuốn “Việt Minh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945-1960” của tác giả Bécna Phôn (Bernard Fall), được in bằng tiếng Pháp, do nhà xuất bản Quỹ quốc gia về khoa học chính trị Pari, Pháp xuất bản năm 1960, gồm 400 trang.
 
Qua nghiên cứu hồ sơ khoa học của cuốn sách, chúng tôi xin thông tin như sau: Nội dung sách viết về cách mạng Việt Nam từ năm 1945-1960, đặc biệt là vấn đề quan hệ đối ngoại với Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Nhật và một số nước láng giềng. Sách gồm có 10 phần:
-        Sự ra đời của một quốc gia
-        Tổ chức hành chính và tư pháp
-        Quan hệ đối ngoại
-        Đảng nắm chính quyền
-        Chiến tranh toàn cục
-        Bước nhảy vọt
-        Vận động quần chúng
-        Tổ chức và luật công nhân
-        Trăm hoa
-        Triển vọng
Ngoài ra trong sách còn có nhiều ảnh về lịch sử Việt Nam, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các biểu đồ, bản đồ...
 
Tác giả Bécna Phôn là tiến sĩ triết học, giáo sư trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế Trường Đại học Havớt Mỹ. Ông sinh năm 1926. Trong những năm 1946-1948, ông tham gia nghiên cứu tội ác của phát xít ở tòa án Nurambe. Năm 1949-1950 ông là sĩ quan của cơ quan nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc. Ông đã từng đến các nước Đông Dương trong năm 1953, 1957, 1959. Ông đã có mặt ở Thái Lan, Malaixia để nghiên cứu về quan hệ quốc tế ở khu vực này.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách “Việt Minh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1945-1960” và Người để lại 113 bút tích bằng bút bi mực đỏ ở nhiều trang. Bút tích là những nét gạch xiên (/), gạch chân(-), những dấu chấm hỏi(?) ở những đoạn, những số liệu, những dòng nhận định để lưu ý những vấn đề Người cần xem lại hoặc để lấy tư liệu của vấn đề đó đưa ra Bộ Chính trị thảo luận. Người có thói quen khi đọc chỗ nào có vấn đề cần lưu ý thì ghi chép, đánh dấu để dễ nhận biết những số liệu và thông tin cần xử lý. Thấy gương người tốt, việc tốt, Người dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ ghi bên cạnh dấu (0), nghĩa là thưởng huy hiệu, chỗ nào cần lưu ý Người đánh dấu(/), vấn đề nào chưa rõ còn nghi ngờ Người đánh dấu (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại, đã xem xong Người vạch hai vạch (//)…các đồng chí phục vụ cứ nhìn vào các ký hiệu đó để hiểu và thực hiện theo ý của Người. Người cũng hay sử dụng các chữ Hán, Anh, Pháp, Nga làm ký hiệu bên lề các trang báo, bản tin.
 
Một số nội dung chính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đánh dấu bút đỏ trong cuốn sách “Việt Minh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945-1960” như sau:
-        “Ở Việt Nam, vị trí của Đảng Cộng sản Đông Dương, về sách lược đã giải tán ngày 11/11/1945...” (trang 9)
-        “Trong khi những người khác nghĩ đến cách dựa vào Quốc dân đảng để nắm quyền ở Đông Dương thì Việt Minh tích cực chiến dịch tuyển mộ và gây ảnh hưởng khắp mọi nơi trên vùng núi Bắc Việt Nam.” (trang 19).
-        “Sau khi Nhật đầu hàng, ngày 15/8/1945, Hồ Chí Minh có tất cả những phương tiện cần thiết để trang bị cho một quân đội.” (trang 20)
-        “Nêru đã thấy ở Hồ Chí Minh một con người dễ thương và hữu hảo đặc biệt.” (trang 20)
-        “Như chúng ta đã thấy vào năm 1945, chính những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trong Quốc dân đảng đã đặt Hồ Chí Minh ở Bắc Việt Nam với hy vọng sử dụng Hồ Chí Minh để ngăn nhà cầm quyền Pháp trở lại, đó là một sai lầm về sách lược mà họ sau này phải trả giá đắt. “ (trang 28)
-        “Đến tháng 7/1930, các Xô Viết Nghệ An đã được thành lập. Ngày 19/12/1930, cuộc nổi dậy đạt đỉnh cao.” (trang 30)
-        “Ngày 6/6/1931 các văn phòng của Quốc dân đảng ở Hồng Kông bị cảnh sát Anh bao vây. Hồ Chí Minh là một trong những người bị bắt.” (trang 31)
 
-        “Ngày 8/9/1945 Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổng tuyển cử ở Việt Nam; Ngày 18/12 Hồ lại ký một sắc lệnh hoãn cuộc bầu cử đến ngày 6/1/1946.” (trang 45)
-        “Theo nguồn tin Việt Minh trên 90% cử tri tham gia bầu cử và trong khu vực bầu cử của mình, Hồ Chí Minh được 100% phiếu bầu.” (trang 46)
-        “Lúc bắt đầu chiến sự từ ngày 19/12/1946 Việt Minh nắm hết các bộ và các cơ quan chủ chốt của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.” (trang 59)
-        “Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt ký ngày 6/3/1946 ở Hà Nội, tiếp theo là một thỏa thuận của Bộ tham mưu ngày 3/4/1946 quy định những thể thức về việc quân đội Pháp trở lại lãnh thổ hầu như đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam Dân chủ cộng hòa.” (trang 114)
-        “Rõ ràng là các mối quan hệ đầu tiên giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa với thế giới không cộng sản - có lẽ trừ việc tiếp đón thân mật Hồ Chí Minh khi sang thăm Pháp tháng 8/1945 - là khá thất vọng.” (trang 114)
-        “Sự cô lập của Việt Nam Dân chủ cộng hòa kết thúc vào năm 1949.” (trang 116)
-        “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mở rộng cửa ra thế giới khi Hội nghị chấm dứt chiến tranh ở Giơnevơ được mở đầu sau khi thất bại ở Điện Biên Phủ ngày 8/5/1954.”
(trang 120)
-        “Ngày 7/1/1955, một Hiệp định viện trợ kinh tế đã được ký giữa Hà Nội và Bắc Kinh tổng cộng là 800 triệu nhân dân tệ.”(trang 121); “Và ngày 28-2-1955 con tàu liên vận đầu tiên “Hà Nội-Bắc Kinh-Matxcơva-Béclin” dấu hiệu của sự thống nhất và sự rộng lớn của hệ thống Xô Viết đã rời ga Hà Nội.” (trang 122)
-        “Hồ đã thăm nhiều lần Bắc Kinh và Matxcơva, cũng như tất cả các nước dân chủ nhân dân châu Âu năm 1957.” (trang 123)
-        “Tất nhiên Hồ Chí Minh đã được đón tiếp trọng thể nhờ cương vị của mình ở Rănggun, Đêli và tháng 3/1959 ở Giacácta.” (trang 126)
-        “Sài Gòn thuộc Việt Nam từ năm 1689 và Hà Tiên, ở cực tây nam bán đảo đến năm 1714 mới thuộc Việt Nam, tức là gần 150 năm trước khi người Pháp đến.” (trang 126)
-        “Hồ Chí Minh thăm chính thức Giacácta tháng 3/1959, nguyên thủ một nước cộng sản thứ 6 đến thăm từ 1956.” (trang 134)
-        “Trường đại học Rănggun đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm Miến Điện năm 1958 (lúc nhận bằng Hồ mặc quần áo dân tộc Miến Điện).” (trang 135)
-        “Chính phủ nổi dậy của Angiêri đã được Hà Nội công nhận ngày 26/9/1958 vào 11 giờ GMT và Ghinê vào ngày 9/10.” (trang 136)
-        “Việc giải tán phái đoàn Việt Minh ở Pháp ngày 7/8/1949 là một hành động cụ thể và việc Pháp thừa nhận chính phủ Bảo Đại đã làm mất đi mọi tính chất hợp pháp của các cuộc tiếp xúc.” (trang 139)
-        “Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành lập một phái đoàn đại diện thương mại ở Pari ngày 10/3/1958 do ông Nguyễn Duy Lợi làm trưởng đoàn”. (trang 142)
-        “Một hiệp định Pháp - Bắc Việt Nam được ký kết chính thức ngày 4/6/1960 về việc hồi hương 7000 Việt kiều ở Tân thế giới.” (trang 146)
-        “Đại hội thống nhất mặt trận Việt Minh với Liên Việt họp vào ngày 11 đến 19/2/1951 tại Bắc Việt Nam.”. “Đảng Lao động Việt Nam do đó được họp ngày 4/3/1951.” (trang 149)
-        “Đảng Cộng sản Đông Dương có 20.000 đảng viên năm 1940.” (trang 151)
-        “Chỉ riêng lương thực, một sư đoàn Việt Minh phải đi 15 ngày với 12.000 chiến sĩ kè̀m theo một đoàn hậu cần gồm 15.000 dân công.” (trang 195)
-        “Hệ thống trại giam tù binh của quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức vào cuối năm 1950.” (trang 204)
-        “Điều đau đớn là sự hy sinh của 13.000 người Pháp ở Điện Biên Phủ là vô ích hoàn toàn.” (trang 225)
-        “Sự thật là Điện Biên Phủ là thất bại nặng nề nhất của châu Âu ở châu Á sau sự đầu hàng ở Xanhgapo năm 1942.” (trang 336)
-        “Điều 9 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1960: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội.” (trang 344)
-        “Điều 24 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.” (trang 345)
 
Cuốn sách “Việt Minh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1960” đã có tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuối năm 1960 do Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà chuyển đến. Thống kê trong 400 trang sách thì có đến 113 dấu bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho thấy Người đã đọc rất kỹ cuốn sách vì nội dung cuốn sách tổng kết lại những thất bại của chính phủ Mỹ và nêu bật ưu thế thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó còn là sự quan tâm của người lãnh đạo tối cao của Đảng, của Nhà nước đến vận mệnh chính trị, xã hội của đất nước nên Người đã yêu cầu Bộ Ngoại giao tìm cuốn sách gửi về cho Người.
 
Hàng ngày làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh bận rộn với bao công việc lãnh đạo đất nước, thực hiện kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là hậu phương lớn cho miền Nam, cùng Trung ương lãnh đạo quân và dân miền Nam đánh bại chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ nhưng Người vẫn dành thời gian đọc, tham khảo các tài liệu, sách báo của nước ngoài viết về Việt Nam trong đó có cuốn sách này. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi sách báo, tạp chí trong nước và nước ngoài để khai thác, tìm hiểu thông tin, tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu tìm ra các kế sách cho nhiệm vụ đấu tranh chống kẻ thù. Người chọn lọc và đưa vào các bài viết của mình những thông tin hoặc trích dẫn ở một số báo của phóng viên nước ngoài như TASS, AFP, ABC, UPI...phản ánh về sự thối nát của chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu.
 
Trong quá trình xác minh xây dựng hồ sơ cho cuốn sách, chúng tôi đối chiếu những đoạn dịch ở những trang có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những bài báo, bài viết của Người trong những năm 1960-1966 và thấy rằng Người đã sử dụng tư liệu của cuốn sách để tham khảo. Người cũng có nhiều bài viết lên án tội ác của đế quốc Mỹ và thất bại của chúng ở chiến trường miền Nam như:
-        Báo Nhân dân số 4292 ngày 04/01/1966 có bài viết “Quân Mỹ chết nhăn răng. Tướng Mỹ nhăn răng cười” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Chiến Sĩ. Người viết về những thất bại của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam mà điển hình là thất bại của Sư đoàn không vận trên chiến trường Plâyme (Tây Nguyên). Bài báo cho biết: mặc dù lính Mỹ được trang bị đầy đủ nhưng lại thiếu tinh thần. Mỹ không thể che dấu được sự thật là 4 phần 5 đất đai và và 2 phần 3 nhân dân miền Nam đã được giải phóng.
-        Ngày 20/01/1966, Người viết bài “Lại chuyện chó Mỹ” đăng báo Nhân dân số 4308 với bút danh Chiến Sĩ. Bài báo đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về sự thất bại của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam và khẳng định quân và dân ta ở cả hai miền sẽ tiến mạnh trong công cuộc tăng gia sản xuất, kiên quyết chiến đấu và chắc chắn sẽ thu được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.
-        Ngày 01/02/1966, bài viết “Mỹ nhất định thua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân dân, số 4319. Tác giả dẫn lời một số quan chức cao cấp Mỹ, kể cả cố Tổng thống Mỹ Kennơdi nói về những khó khăn và tính chất phi nghĩa của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là đang chui vào đường hầm không có lối thoát. Sự thất bại của Mỹ là không thể tránh khỏi. Bài báo cũng nêu rõ tinh thần đoàn kết, quyết tâm của nhân dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và kết luận: “Ta nhất định thắng. Mỹ nhất định thua!”.
-        Ngày 11/3/1966, bài viết “Tin mừng cho lính Mỹ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân dân, số 4357. Tác giả trích đoạn một số báo Mỹ viết về tình trạng bi thảm của lính Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Giới báo chí Mỹ phải thừa nhận quân đội Việt Nam là một đội quân đội “tài tình nhất trong lịch sử”, là những người anh hùng lỗi lạc”.
-        Ngày 01/9/1966, bài viết “Chiến đấu giỏi, thắng lợi to” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh La Lập, đăng báo Nhân dân, số 4530. Bài báo lên án âm mưu và những hành động “leo thang” chiến tranh của Mỹ đối với miền Bắc. Máy bay Mỹ ném bom, bắn phá cả vào trường học, bệnh viện, đê điều. Nhưng đế quốc Mỹ phải gánh chịu những thất bại nặng nề. Hơn một nghìn máy bay bị bắn rơi trên miền Bắc, dư luận thế giới ngày càng lên án hành động của Mỹ.
 
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cùng với những tài liệu hiện vật được gìn giữ tại Khu di tích Phủ Chủ tịch như lúc sinh thời Người, cuốn sách “Việt Minh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945 - 1960” được trưng bày trên giá sách tầng 2 nhà sàn để phát huy tác dụng, phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)