slider

Cuốn sách “Việt Nam” trưng bày trên bàn làm việc phòng ngủ tầng 2 Nhà sàn

09 Tháng 08 Năm 2020 / 1021 lượt xem

Nguyễn Thị Thu

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Trong khối tài liệu, hiện vật của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người đã sử dụng trong thời gian 15 năm Người sống và làm việc tại Khu di tích Phủ Chủ tịch, có rất nhiều cuốn sách của các tác giả nước ngoài viết về Việt Nam về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Một trong số đó có cuốn sách “Việt Nam” của nữ tác giả Mary McCarthy gửi đến tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được trưng bày trên bàn làm việc phòng ngủ tầng 2 ngôi nhà sàn.

Cuốn sách “Việt Nam” do Nhà xuất bản Harcourt, Brace & World, Inc (New York) xuất bản năm 1967, kích thước 15 x 23cm, gồm 106 trang, tiếng Anh. Bìa sách cứng, mặt ngoài bìa trước có nền màu đen, trắng và đỏ. Trên nền màu đen bên trái có chữ “Mary” to, màu trắng, phần bên phải là ảnh một phụ nữ châu Âu, ngăn giữa 2 phần là một đường kẻ màu xanh. Tiếp dưới nền đen là nền màu trắng, trên nền trắng là dòng chữ to màu đen “McCarthy” (Mary McCarthy chính là tên tác giả). Nền đỏ chiếm 2/3 trang bìa dưới, trên nền này có dòng chữ màu đen: “Viet Nam” (tên sách). Phía dưới cùng góc phải cuốn sách có dấu tròn, màu trắng; Mặt sau bìa sách cũng có 3 màu như bìa trước. Nền đen nằm phía trên cùng bên trái là tên sách, bên phải tên tác giả cuốn sách. Ngăn giữa 2 tên sách và tên tác giả là một đường kẻ màu xanh. Giữa bìa là nền đỏ, phía trong có những dòng chữ màu đen (lời tác giả) được tạm dịch như sau: “Tôi thú nhận rằng khi tôi tới Việt Nam vào tháng 2 năm ngoái, tôi tìm kiếm những thứ gây phương hại cho lợi ích nước Mỹ và tôi đã tìm thấy...”.

Phía dưới nền đỏ là nền trắng, chữ màu đen, đây là phần giới thiệu tên người chụp bìa, thiết kế bìa và tên công ty; Trang giáp bìa, giấy trắng chữ mực đen. Tên sách được in ở giữa, phía trên. Góc phải trên cùng có một khung dấu đỏ, trong khung có chữ: “Bộ Ngoại giao, phòng tư liệu. Hồ sơ số AV4/75”.

Tác giả cuốn sách là bà Mary McCarthy (1912-1989), một tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học và nhà hoạt động chính trị người Mỹ. Bà sinh ra ở Seattle, học tại trường Vasar College ở Pougnkeepsie, New Your và tốt nghiệp năm 1933. Sau khi chuyển đến thành phố New Your, bà đã ở đó trong nhiều năm. Bà có nhiều đóng góp vào các ấn phẩm có ảnh hưởng lớn như The New York Review of Books và tạp chí Harper. Các tác phẩm nổi tiếng của bà có thể kể đến là The Oasis (1949), Cast a Cold Eye (1950) và A Life Charmed (1955)... Bà là hội viên của Viện Nghệ thuật và Văn chương quốc gia. Bà được nhận cả hai Huân chương Quốc gia về Văn học và Huân chương Edward Mc Dowell năm 1984 và được nhận bằng danh dự của 6 trường đại học nổi tiếng là Bard, Bowdoin, Colby, Smith College, Syracuse University, the University of Maine at Orono, the University of Aberdeen, và the University of Hull. Bà mất vào ngày 25/10/1989 tại New York vì ung thư phổi.

Nhà văn Mary McCarthy thuộc trong số nhiều người Mỹ nổi tiếng muốn tận mắt nhìn thấy cuộc chiến ở Việt Nam để viết về nó và phê phán công khai. Ngay từ những năm 1960, McCarthy đã hoà nhập cùng với đội ngũ các nhà văn phản chiến chống lại cuộc chiến tại Việt Nam và cuốn sách đầu tiên của bà chống lại cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra ở Việt Nam là cuốn “Việt Nam” xuất bản năm 1967. Sau cuốn sách này, bà đã cho ra đời một cuốn sách có tên “Hà Nội” xuất bản năm 1968. Cuốn sách được viết ngay sau chuyến đi thăm miền Bắc Việt Nam của bà, khi mà bà được tận mắt chứng kiến dân tộc Việt Nam trong những ngày tháng gian khổ, đầy bom đạn và máu lửa. Sau đó, vào năm 1972, bà viết cuốn sách “Medina” nói về vụ thảm sát ở Mỹ Lai. Từ 3 cuốn sách trên, bà đã tập hợp lại thành một cuốn sách có tên “Vĩ tuyến 17” xuất bản năm 1974 và bà còn là tác giả của hàng chục cuốn sách nổi tiếng khác.

Cuốn sách “Việt Nam” được nhà văn Mary McCarthy viết sau chuyến đi thăm Sài Gòn (miền Nam Việt Nam) vào đầu tháng 2 năm 1967. Trong chuyến đi này, bà đi qua nhiều nơi, có nhiều buổi gặp gỡ, phỏng vấn và chứng kiến những cuộc oanh tạc, những vết tích sau các cuộc ném bom của Mỹ; tìm hiểu tư liệu về cuộc sống và tinh thần chiến đấu dũng cảm, lòng tin vào chiến thắng của quân, dân miền Bắc Việt Nam. Mc Carthy đã hiểu ra rằng sự thật cuộc chiến mà Mỹ ở Việt Nam đó là các cuộc ném bom, bắn phá, rải chất độc hoá học, phá huỷ mùa màng, đầu độc con người và súc vàt... gây ra những thảm họa và tổn thất lớn cho nhân dân Việt Nam. Sau chuyến thăm miền Nam Việt Nam, với những gì mắt thấy chứng kiến và ghi chép được, bà Gemma Cruz Araneta đã cho ra mắt cuốn sách và bà cũng đã bày tỏ quan điểm của mình về cuộc chiến ở Việt Nam. Bà cho rằng: Cuộc chiến mà Mỹ gây ra ở Việt Nam đã làm mất đi những giá trị của người Mỹ và điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với nước Mỹ là thất bại trong cuộc chiến tranh này.

Cuốn sách “Việt Nam” đã được phát hành tại nhiều nước trên thế giới. Nội dung sách được chia làm 4 phần:

Phần 1: Chương trình nội bộ, tác giả kể lại những điều mình nhìn thấy và được nghe người Mỹ, người Việt Nam kể lại khi tác giả gặp họ ở Sài Gòn. Tác giả viết: “Tôi thừa nhận rằng khi đến Việt Nam đầu tháng 2/1967, tôi có ý định tìm những tư liệu đã làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ, và tôi đã tìm được những tư liệu đó, có lúc là ngẫu nhiên, có lúc là do lời kể của một viên chức. Tìm những tư liệu đó không khó khăn gì, vì người Mỹ không che giấu điều họ biết. Họ cảm thấy không cần thiết. Điều đáng ngạc nhiên là khi họ đến Việt Nam họ chẳng biết gì”.

Phần 2: Các vấn đề của sự thành công, tác giả kể lại chuyến đi một số địa phương ở miền Nam Việt Nam. Trên máy bay trực thăng từ Sài Gòn đi khắp nơi, tác giả tận mắt nhìn thấy rất nhiều vết tích để lại từ các cuộc ném bom của Mỹ. Bà viết: “Tôi đến Sài Gòn, đài phát thanh loan tin các cuộc oanh kích của máy bay Mỹ. Trong khi Johnson tuyên bố 10 tháng trước Mỹ phải đương đầu với các cấn đề thất bại, nay mỹ đang đương đầu với những vấn đề của chiến thắng!

Sự thật là các cuộc ném bom, bắn phá, các kế hoạch tiêu diệt Việt cộng, bình định dân chúng. đều không đem lại kết quả”.

Phần 3: Các nhà trí thức, tác giả kể cuộc gặp thiếu tá Bé (thuộc quân đội Việt Nam Cộng hòa), hiệu trưởng của trường có 3000 học viên, đào tạo cán bộ chống cộng, tuyên bố: “Phải làm một cuộc cách mạng!”. Lúc đầu tác giả rất ngạc nhiên, tự hỏi “cách mạng gì? Thiếu tá Bé nói: “Phải làm một cuộc cách mạng thực sự”. Theo thiếu tá Bé, xã hội Việt Nam đã hoàn toàn thối nát: Các giai cấp cầm quyền chỉ lo lợi ích riêng, cán bộ đào tạo ở trường về phụ trách bình định một thôn, y nói: “quân đội Bắc Việt về với dân thì như cá về với nước, còn cán bộ ở đây về nông thôn thì không có nước”. Y kể về các bài giảng ở trường giống như giảng đạo. Hỏi: Ai sinh ra trời đất?. Trả lời: Chúa. Hỏi: Vì sao Mỹ tiến hành chống Bắc Việt Nam? Trả lời: Mỹ không gây chiến mà chỉ giúp Chính phủ tự do và nhân dân Cộng hòa miền Nam Việt Nam bảo vệ tự do và độc lập, chống xâm lăng từ miền Bắc Việt Nam. Hỏi: Tại sao Việt cộng thắng và kiểm soát một phần miền Nam Việt Nam?. Trả lời: Việt cộng cai trị bằng bạo lực và khủng bố, giết người và bắt cóc... Tác giả viết kế hoạch “Chiêu hồi” chỉ dựa vào áp lực quân sự, đặc biệt là ném bom, diệt lá cây, phá hoại mùa màng, phá hủy các kho thóc.

Phần 4: Các giải pháp, tác giả viết “bây giờ Mỹ phải làm thế nào? Sớm muộn thì những lời chỉ trích chính sách của Mỹ sẽ trở thành một đòn giáng mạnh vào chính sách đó”. Bà còn cho rằng: Cuộc chiến mà Mỹ gây ra ở Việt Nam đã làm mất đi những giá trị của người Mỹ và điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với nước Mỹ là thất bại trong cuộc chiến tranh này.

Theo lời kể của các các đồng chí đã từng làm việc, giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc nhiều thể loại sách, báo, tạp chí từ nhiều nguồn khác nhau gửi đến như khi Người đi thăm các địa phương và được tặng, tác giả gửi đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại và Đại sứ quán gửi về qua đường giao thông ngoại giao, tác giả đến thăm và trực tiếp tặng sách cho Người (sách này thường có lời đề tặng của tác giả), cũng có khi sách được gửi thẳng đến Phủ Chủ tịch qua đường bưu điện. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và thường yêu cầu các cán bộ ngoại giao, các đoàn đi công tác nước ngoài tìm kiếm các cuốn sách đưa về để Người đọc. Qua xem xét cuốn sách chúng tôi thấy ở trang giáp bìa phía trên góc phải có một khung dấu đỏ, trong khung có chữ: “Bộ Ngoại giao, phòng tư liệu. Hồ sơ số AV4/75”. Điều này có thể khẳng định tác giả không trực tiếp tặng sách Chủ tịch Hồ Chí Minh mà gửi tặng sách Người thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại và Đại sứ quán gửi về cho Người bằng đường giao thông ngoại giao. Tuy chưa thể xác định cụ thể thời điểm xuất hiện cuốn sách tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhưng có thể khẳng định quãng thời gian khoảng cuối năm 1967 đầu năm 1968 (sau khi cuốn sách được xuất bản 1967).

Đã hơn 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, cuốn sách “Việt Nam” vẫn được đặt ở vị trí vốn có của nó như sinh thời Người. Nó là kỷ vật thiêng liêng có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách không chỉ giúp chúng ta hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta mà còn minh chứng cho tình cảm, sự đồng tình và ủng hộ không chỉ của tác giả của nhân dân Mỹ mà còn của cả nhân dân thế giới đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)