slider

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: HỒ CHÍ MINH - MỘT BIÊN NIÊN SỬ

24 Tháng 07 Năm 2012 / 2490 lượt xem
Phạm Ngọc Huệ
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
 
Năm 1990, nhân dịp công nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới, Tổ chức UNESCO đã nhận định về Người như sau: “Một con người đã cống hiến cả đời mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, và qua đó đóng góp cho cuộc chiến đấu chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; đồng thời là một người có đóng góp quan trọng ở nhiều mặt trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”. Vậy, Hồ Chí Minh là ai? Nằm trong dòng chảy chung tìm hiểu để trả lời câu hỏi về nhân vật vĩ đại này trong suốt mấy thập kỷ qua, cuốn sách Hồ Chí Minh - Một biên niên sử của tác giả Hellmut Kapfenberger, do Nhà xuất bản Neues Leben xuất bản tại Cộng hòa Liên bang Đức năm 2009, thực sự là đóng góp không nhỏ của một học giả phương Tây nhằm vinh danh cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đối với bạn đọc quốc tế.
Hồ Chí Minh – Vị thánh của Chủ nghĩa cộng  sản
Trong cuốn sách, theo tác giả, có lẽ không khó để tìm câu trả lời cho câu hỏi của nhiều thế hệ sau này: “Vậy, Hồ Chí Minh là ai?”. Tác giả cho biết: Nikita Khrushchev - người đã gặp Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1950 với cương vị là Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và từ năm 1953 trở đi, sau khi Stalin mất, trở thành Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Liên bang Xôviết - đã hồi tưởng lại về Hồ Chí Minh như sau: “Những người theo tôn giáo trước đây vẫn thường nói về Vị lãnh tụ tinh thần tối cao của họ. Qua cách sống và các ảnh hưởng đến những người xung quanh của Hồ Chí Minh, có thể nói Người cũng là một Lãnh tụ tinh thần tối cao như vậy. Hồ Chí Minh là một tượng đài cách mạng. Tôi sẽ không bao giờ quên được ấn tượng toát lên từ ánh mắt của Người, ấn tượng về một sự chính trực và đức độ trong sáng. Đó là sự chính trực của một con người cộng sản chân chính và đức độ của một con người luôn trung thành với lý tưởng và những nền tảng truyền thống cốt lõi (…). Từng lời nói của Hồ Chí Minh đều như muốn khẳng định quan điểm rằng, tất cả những người cộng sản đều là anh em, và do đó, trong cư xử phải luôn chân thành và đúng mực với nhau. Hồ Chí Minh thực sự là một Vị thánh của Chủ nghĩa Cộng sản” (trang 317).
Bằng nguồn sử liệu phong phú, trích dẫn cụ thể và lối viết sinh động, tác giả đã cố gắng tái tạo lại những chặng đường đời của nhân vật huyền thoại này, từ cậu bé Nguyễn Sinh Cung, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, hay Nguyễn Ái Quốc và cuối cùng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động sôi nổi của Người thực sự gắn với những giai đoạn phát triển quan trọng của lịch sử dân tộc Việt Nam, của cách mạng Việt Nam, phong trào giải phóng dân tộc và Phong trào cộng sản - công nhân quốc tế. Ngòi bút tác giả hấp dẫn người đọc bởi cách đặt vấn đề thú vị và cách trình bày rất khéo léo đan xen giữa lối viết nghiên cứu và kể chuyện lịch sử, thấm đượm chất trí tuệ, sự hiểu biết sâu sắc, tình cảm kính trọng và yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm hữu nghị dành cho đất nước và con người Việt Nam, nhưng bên cạnh đó, vẫn không mất đi tính khách quan, xác thực cần có của cuốn tiểu sử về một con người có thực.
Người thay đổi diện mạo bản đồ chính trị thế giới
Theo tác giả, Hồ Chí Minh giành được sự kính trọng không chỉ từ phía những người cộng sản mà còn từ nhiều nhân vật nổi tiếng của các nước tư bản phương Tây. Bertrand Earl of Russell, nhà toán học và lôgíc học người Anh, đồng thời cũng là một triết gia và nhà phê bình nổi tiếng, người cực lực phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam do Mỹ gây ra, đã từng nói: “Những nỗ lực chiến đấu không ngừng nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì độc lập và thống nhất của Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ đã làm cho Người không chỉ trở thành nhà sáng lập của một nước Việt Nam mới, mà còn là một trong những nhân vật kiệt xuất góp phần tạo dựng nên diện mạo của bản đồ chính trị thế giới thời kỳ hậu chủ nghĩa thực dân”. Năm 1954, giữa lúc các cuộc tấn công càn quét của thực dân Pháp tại Đông Dương lên đến mức cao điểm nhất, Jean Sainteny, đặc phái viên của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle về vấn đề Đông Dương từ năm 1946 đến 1954, đã có nhiều lần tiếp xúc đàm phán với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận xét về Người như sau: “đằng sau vẻ ngoài giản dị của con người này là một nhân cách vĩ đại. Dáng vẻ và khuôn mặt của con người này toát lên đồng thời sự thông minh, khả năng nắm bắt nhạy bén và khôn ngoan. Kiến thức và sự hiểu biết toàn diện, quá trình tham gia vào rất nhiều hoạt động cách mạng cũng như phẩm chất giản dị không màng danh lợi bản thân đã làm cho nhân dân Việt Nam và thế giới dành rất nhiều sự kính trọng và yêu mến đặc biệt đối với Hồ Chí Minh. Dù Hồ Chí Minh nói hay làm gì thì tất cả đều nhằm hướng đến hòa bình. Không có gì phải nghi ngờ khi chúng ta nói rằng, ở thời kỳ này, Hồ Chí Minh giống như một Mahatma Gandhi của Đông Dương vậy”.
Tác giả khẳng định: “Ngay cả những người ở bên kia chiến tuyến cũng không thể phủ nhận sự kính trọng mà họ dành cho Hồ Chí Minh. Dwight D. Eisenhower (1890-1969), Tổng thống thứ 34 của nước Mỹ (nhiệm kỳ 1953-1961) - người đề xuất và hiện thực hóa Bản Hiệp định Geneve về vấn đề Đông Dương năm 1954, và chỉ một năm sau đã ngầm phá vỡ Hiệp định đó, ủng hộ thành lập một chính phủ ngụy quyền ở miền Nam Việt Nam để ngăn cản tổng tuyển cử 2 miền dự kiến diễn ra năm 1956 - cũng đã viết trong cuốn hồi ký của mình như sau: “Nhìn chung, tất cả mọi người đều thừa nhận rằng, trong trường hợp bầu cử tự do được diễn ra ở Việt Nam, thì chắc chắn Hồ Chí Minh sẽ được cử tri cả 2 miền tín nhiệm bầu làm người đứng đầu Chính phủ (…). Khi nói chuyện hay trao đổi với bất kỳ chuyên gia nào thành thạo về các vấn đề Đông Dương, thì cả tôi và họ đều phải đồng ý rằng, nếu bầu cử diễn ra công bằng, ít nhất cũng phải có đến 80% người dân Việt Nam bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh”. William Fulbright, từng là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ trong thập niên 60, đã nhận xét vào năm 1966 rằng: “Sau 11 năm với rất nhiều công sức cả về quân sự, chính trị và tài chính để thiết lập và bảo vệ một chính quyền dưới sự bảo trợ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam thì cho đến hôm nay (1966), tất cả những gì mà Washington làm được ở đây chỉ là việc, cái tên Hồ Chí Minh đã trở nên phổ biến trên toàn miền Nam và toàn bộ người nông dân Việt Nam đều biết đến một chính trị gia, đó chính là Hồ Chí Minh” (trang 318).
Con đường trở thành Lãnh tụ của Hồ Chí Minh
Trong cuốn sách, tác giả không chỉ đặt ra câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi như: Hồ Chí Minh là ai? mà còn đi tìm câu trả lời các cho câu hỏi như: Người từ đâu tới? Xuất thân từ một gia đình như thế nào?...
Trong quá trình tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả viết: Khi ra đi với hai bàn tay trắng vào năm 1911 với mục đích tìm hiểu về thế giới văn minh phương Tây, để sau đó trở lại quê hương chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân, chàng trai trẻ 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã không ngờ được rằng, phải đến năm 51 tuổi mới có thể đặt chân trở về đất nước. Những khoảng thời gian lưu lạc thiếu thốn đầy gian khổ ở Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, rồi trở lại Liên Xô, sang Tây Âu trong đó có Đức, rồi về Xiêm (Thái Lan) và một lần nữa trở lại Trung Quốc với hàng chục bí danh, biệt hiệu và tên ngụy trang, đã tôi luyện nên nhân cách của một lãnh tụ cách mạng. Ở Pháp, với bí danh Nguyễn Ái Quốc, là một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp đồng thời cũng là người cộng sản Việt Nam đầu tiên, Người đã nhận ủy quyền của Quốc tế Cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt nam tại Hồng Kông vào năm 1930. Nguyễn Ái Quốc trở về quê hương năm 1941 (trước đó, Người đã bị tuyên án tử hình vắng mặt ở quê nhà từ năm 1929). Từ năm 1941 đến năm 1954, Người đã có 13 năm chiến đấu không ngừng nghỉ trong vùng núi Tây Bắc (Người có về sống ở Hà Nội một thời gian từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946) với mục tiêu giành độc lập và giải phóng Việt Nam khỏi thực dân Pháp. Dưới sự dẫn dắt của Người, Việt Nam đã giành được độc lập vào năm 1945. Như vậy, trong vòng 15 năm kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1930, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trở thành vị lãnh tụ tối cao của Nhà nước và của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tên gọi Hồ Chí Minh chính thức xuất hiện vào năm 1942; trước đó, Hồ Chí Minh vẫn được biết đến với tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thể hiện tài năng của mình trên cơ sở kiến thức được trang bị ngay từ lúc còn nhỏ, từ khi được sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục trong một gia đình hiếu học có truyền thống yêu nước. Cùng với đó là sự hiểu biết và khả năng nhìn nhận sâu sắc về thế giới, tinh thần nhân đạo cao cả, thái độ thân thiện với mọi người, lối sống khiêm tốn, giản dị mẫu mực cũng như sự cương trực của con người Hồ Chí Minh. Tất cả đã làm cho Hồ Chí Minh trở thành một nhân cách đặc biệt. Hồ Chí Minh hiểu biết rộng không chỉ văn chương, lịch sử, nghệ thuật của Việt Nam, mà còn thông thạo tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, giao tiếp được bằng tiếng Nga và tiếng Anh, nói được tiếng Thái và Bồ Đào Nha, thậm chí đã làm ngỡ ngàng những chính khách Đức khi có thể trò chuyện với họ bằng tiếng Đức. Chính vì thế, việc UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới” vào năm 1990 và kêu gọi toàn thể các nước thành viên của tổ chức dành sự trân trọng đối với những đóng góp của Hồ Chí Minh là hoàn toàn xứng đáng. Sau khi tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này, tác giả khẳng định: “Hồ Chí Minh là một con người mà không một cá nhân có ý thức nào đã từng sống trong nửa trước của thế kỷ lại có thể quên được. Người cũng vẫn là một khái niệm đối với cả thế hệ trẻ hướng về cánh tả…” (trang 4).
Theo tác giả, cái tên Hồ Chí Minh đã trở nên hết sức quen thuộc với nhiều thế hệ thanh niên Đức trước đây, nhất là trong những năm 60 của thế kỷ trước. Những năm 1960, Hồ Chí Minh là người lãnh đạo cao nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng nhân dân Việt Nam với những đóng góp vô cùng to lớn cho phong trào cách mạng và sự nghiệp phát triển của đất nước. Tuy nhiên, khi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị trao cho Người Huân chương Sao vàng vào năm 1963, thì Hồ Chí Minh đã từ chối với lý do nước nhà vẫn còn chiến tranh, và để đợi đến ngày nước nhà hoàn toàn độc lập, non sông hai miền thống nhất thì lúc đó, Người được nhận tấm huân chương này từ chính tay đồng bào miền Nam cũng chưa muộn. Năm 1967, khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô muốn trao tặng Hồ Chí Minh, với cương vị khi đó là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Huân chương Lênin vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp của giai cấp vô sản quốc tế nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga, thì một lần nữa, Người đã khiêm tốn từ chối nhận với lý do “để chờ đến khi nhân dân chúng tôi đánh bại hoàn toàn những kẻ xâm lược đế quốc và đất nước Việt Nam được hoàn toàn giải phóng” (trang 316).
Việc một học giả phương Tây cho ra đời công trình về Hồ Chí Minh ở thời điểm hiện tại - với một độ lùi thời gian nhất định khi nhìn về quá khứ - lại càng làm nổi bật những chiều kích giá trị và đóng góp vĩ đại không thể phủ nhận được của Hồ Chí Minh, không chỉ ở tầm vóc quốc gia mà còn ở bình diện quốc tế, không chỉ cho hôm qua mà còn cho hôm nay và mai sau. Nó cũng chứng tỏ một điều là, cuộc đời và nhân cách Hồ Chí Minh cùng hệ tư tưởng của Người không chỉ là ngọn đuốc soi sáng con đường đi tới của dân tộc Việt Nam mà vẫn đang là nguồn cảm hứng, khích lệ lớn lao đối với những khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi ách nô lệ, giành độc lập, tự do, hòa bình và xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, công bằng và bác ái trên thế giới. Và, không chỉ có thế, đó vẫn tiếp tục là đề tài thu hút sự chú ý, tìm hiểu, khám phá, lý giải của các học giả và tác giả trong nước cũng như ngoài nước.
Đây là cuốn sách của một học giả phương Tây viết về Bác Hồ, nguồn tài liệu tác giả tham khảo bao gồm một số ấn phẩm của Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài và phần lớn là ấn phẩm của các tác giả nước ngoài. Do vậy, trong cuốn sách, một số chi tiết hay dữ kiện lịch sử hoặc còn đang bỏ ngỏ, cần thêm thông tin để kiểm chứng hay cập nhật, hoặc là trình bày không hoàn toàn trùng khớp với nguồn sử liệu chính thức và quan điểm chính thức hiện tại của Việt Nam. Chính vì vậy, những nhận xét hay đánh giá của tác giả dựa trên nguồn tư liệu tiếp cận được hoàn toàn thể hiện cách nhìn của cá nhân tác giả và điều này làm nên nét khác biệt của cuốn sách.
Với hơn 300 trang sách, cuốn sách như một món quà dâng lên Bác, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2010) và nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Đức và Việt Nam (1975-2010).

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)