slider

Giới thiệu cuốn sách: HỒ CHÍ MINH VÀ 5 BẢO VẬT QUỐC GIA

20 Tháng 05 Năm 2014 / 15928 lượt xem

Nguyễn Văn Dương

Phòng ST - KK - TL

Ngày 01-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Số: 1426/QĐ-TTg công nhận bảo vật Quốc gia (đợt 1) cho các hiện vật, nhóm hiện vật. Trong đó có 5 di cảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đường Kách mệnh; Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù); Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước; Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp kỷ niệm một năm các di sản của Người được tôn vinh là bảo vật Quốc gia, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông kịp thời cho ra mắt cuốn sách Hồ Chí Minh và 5 bảo vật Quốc gia, với 300 trang, kích thước 16x 24cm.

Nội dung cuốn sách gồm có 5 phần:

Phần 1: Đường Kách mệnh: Giới thiệu toàn bộ nội dung  tác phẩm Đường Kách mệnh; ảnh (Scaner) toàn bộ các trang bản thảo gốc Đường Kách mệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết để minh họa; một số bài viết liên quan đến bối cảnh lịch sử, sự ra đời và giá trị, ý nghĩa của tác phẩm Đường Kách mệnh.

Bảo vật Quốc gia Đường Kách mệnh là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản, là nền tảng cho việc tìm hướng đi mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam và được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt nền tảng tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Khi nhận xét về tác phẩm Đường Kách mệnh, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 3-10-2007, đã viết: “Đường Kách mệnh là tác phẩm lý luận cách mạng đầu tiên ở VIệt Nam của lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tư tưởng và đạo đức của Người không những là ngọn cờ lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giái phóng dân tộc, mà còn mãi mãi dẫn đường nhân dân ta tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai cùng các nước trên thế giới”(trang 10). Theo tác giả Đỗ Hoàng Linh viết: Đường Kách Mệnh không những đặt nền móng cho việc thành lập một chính đảng cộng sản ở Việt Nam, là cơ sở cho cương lĩnh chính trị của Đảng mà cũng chứng minh một cách cụ thể, chính xác và sinh động nhất nội dung chính thống đầu tiên của phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh. ... không chỉ có giá trị thiết thực và ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam mà còn là cẩm nang quý báu cho mọi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của thời đại trên toàn thế giới”(trang 134, 135)

Phần 2: Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù): Giới thiệu toàn bộ nội dung 133 bài thơ bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ (đã được dịch) của tác phẩm Nhật ký trong tù; ảnh (Scaner) toàn bộ các trang bản thảo gốc Nhật ký trong tù do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc từ tháng 8/1942 đến 9/1943 với 133 bài thơ chữ Hán minh họa; một số bài viết liên quan đến bối cảnh lịch sử, sự ra đời và giá trị, ý nghĩa của tác phẩm Nhật ký trong tù.

Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp chúng ta hình dung được thế giới tâm hồn nhiều cung bậc của Người, thấy được tầm vóc trí tuệ của một con người vĩ đại, với khát vọng cao đẹp nhất là “Độc lập cho dân tộc và Tự do cho con người”. Như Giáo sư Phong Lê - nguyên Viện trưởng Viện Văn học thuộc Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam, trong bài viết “Nhật ký trong tù - bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh”, viết: “Với Nhật ký trong tù, ta may mắn có được bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh. Rồi với cuộc đời Hồ Chí Minh ta càng hiểu thêm giá trị Nhật ký trong tù. Không có độ chênh giữa tác phẩm và tác giả... Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng thơ, để hiểu con người, và để hiểu rộng ra nhiều điều khác nữa; và thơ - trong nững lay động sâu xa về tình cảm, và khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái Cao thượng... như trong Nhật ký trong tù lại là một sản phẩm quý giá, không gì thay thế được, càng không gì so sánh được” (trang 213). Ngoài ra, Nhật ký trong tù là một tác phẩm văn học vô giá của Hồ Chí Minh, khi công bố đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn quốc tế, đã chinh phục người đọc bởi những cảm xúc chân thật, chất phác, điềm đạm của một người chiến sĩ cộng sản, một nhà văn hoá lớn. Nhà thơ, nhà phê bình Văn học Trung Quốc Quách Mạt Nhược sau khi đọc đã khẳng định: "Tôi đã đọc đi đọc lại mấy lần bài thơ này, nó không đơn thuần là thơ, mà là một bộ sử bằng thơ, là một bức tự hoạ hay một cuốn tự truyện dưới hình thức thơ của một nhà cách mạng. Một trăm bài thơ, hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường, ấy là đồng chí Hồ Chí Minh. Thật là người làm sao thì thơ làm vậy....Có một số bài rất hay, nếu như đặt lẫn vào một tập thơ của các thi nhân Đường - Tống thì cũng khó phân biệt”(trang 224,229).

 Phần 3: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: Giới thiệu toàn bộ nội dung Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; ảnh (Scaner) bản thảo gốc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến  do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn ngày 19-12-1946 tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, Hà Đông minh họa; ; một số bài viết liên quan đến bối cảnh lịch sử, sự ra đời và giá trị, ý nghĩa của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có giá trị lịch sử như một Cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết hy sinh để giành lại độc lập cho dân tộc; là mệnh lệnh tiến công cách mạng, tạo khí thế để nhân dân cả nước đứng lên chiến đấu với mọi vũ khí sẵn có với một ý chí quyết đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi Việt Nam. Lời kêu gọi của Người viết rất ngắn, súc tích chỉ có hơn 200 từ nhưng đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trình bày lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta, biểu lộ rõ càng thiết tha với hòa bình, càng kiên quyết đập tan mọi âm mưu quỷ kế của bọn phá hoại hòa bình. Người cũng đã vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến sẽ nhất định đi đến thắng lợi vẻ vang. Đọc lời kêu gọi của Người, mỗi người dân Việt Nam, dù tôn giáo, chính kiến, thành phần, dân tộc, nhận thức có khác nhau, song đều được gặp ở một hợp điểm: Là người Việt Nam, nay Tổ quốc lâm nguy, thì ai ai cũng phải đứng lên đánh thực dân Pháp, bằng bất cứ vũ khí gì, bằng bất cứ cách nào, miễn là góp được công sức cho công cuộc kháng chiến của dân tộc.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến “đã để lại cho chúng ta một bài học quý giá, đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với các thế lực xâm lược rằng: Mỗi khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một dân tộc gần 90 triệu người, với ý chí, quyết tâm thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, chúng ta có đủ sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bất kể chúng lớn mạnh thế nào và từ đâu tới” (Đại tá, PGS, TS. Vũ Như Khôi - Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - Lời thề thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, đã viết, trang 245).

Phần 4: Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: Giới thiệu toàn bộ nội dung Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước; ảnh (Scaner) toàn bộ bản thảo gốc Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 17/7/1966 để minh họa; một số bài viết liên quan đến bối cảnh lịch sử, sự ra đời và giá trị, ý nghĩa của Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Bảo vật Quốc gia Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước là một văn kiện lịch sử có giá trị như một lời hịch kêu gọi toàn dân tộc, một cuộc vận động lớn để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin, siết chặt đội ngũ để bước vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhận xét về Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, TS. Vũ Ngọc Am (Ban Tuyên giáo Trung ương), viết: “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện ý chí, tinh thần quật cường của dân tộc và văn hóa Việt Nam. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã trở thành khẩu hiệu hành động, quy tụ, đoàn kết và thôi thúc cả dân tộc bước vào cuộc trường chinh kháng chiến bằng tất cả sức mạnh của mình để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" (trang252). Đồng thời tác giả khẳng định: “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử có giá trị như một lời hịch kêu gọi toàn dân tộc đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiến lên giành chiến thắng. Lời kêu gọi là một cuộc vận động lớn để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin, siết chặt đội ngũ để đi vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả nhân loại tiến bộ trong thế kỷ XX...” (tran 255).

Phần 5: Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giới thiệu toàn bộ nội dung Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969; ảnh Scaner toàn bộ các trang bản thảo gốc Bản Di chúc gốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ ngày 10/5/1965- 19/5/1969 để minh họa; một số bài viết liên quan đến bối cảnh lịch sử, sự ra đời và giá trị, ý nghĩa của Bản Di chúc.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh thần tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp suốt đời phấn đấu hy sinh vì nước vì dân; vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi; là những lời căn dặn thiết tha; là sức mạng thôi thúc toàn dân tộc hành động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nói về Bản Di chúc trường tồn cùng lịch sử, TS. Văn Thị Thanh Mai (Ban Tuyên giáo Trung ương), viết: “Giờ đây, mỗi khi lật giở lại những trang bản thảo, những bút tích chỉnh sửa, bổ sung của Người trong bản Di chúc thiêng liêng như một Cương lĩnh hành động ngày nào, dường như vẫn thấy một Hồ Chí Minh đang cẩn trọng, cân nhắc từng ý, từng việc, để cô đọng nhất những trăn trở, những điều cần phải dặn lại. Đó là những vấn đề quan trọng, cần thiết phải làm, nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo cách mạng của một Đảng cầm quyền, đồng thời đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung, vì độc lập dân tộc và những tiến bộ xã hội. Đó cũng chính là những dòng chữ cuối cùng của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, người chiến sĩ quốc tế nặng lòng vì Đảng, vì dân, vì tình đoàn kết giữa các Đảng anh em và các dân tộc đang đấu tranh cho công lý” (trang 287).

Bên cạnh 5 bảo vật Quốc gia được trình bày một cách trang trọng, đọc cuốn sách, bạn đọc còn được tiếp cận những dòng cảm xúc của các nhà phê bình văn học trong và ngoài nước khi nghiên cứu về các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và khai sinh Nhà nước Việt Nam mới, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, cho hạnh phúc của nhân dân. Người đã được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn. 5 bảo vật Quốc gia này là 5 di sản trong khối di sản tinh thần mà Người để lại cho dân tộc Việt Nam.

Cuốn sách giới thiệu 5 bảo vật Quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhằm tôn vinh và ca ngợi các giá trị di sản mà Người để lại, mà còn giúp cho mỗi chúng ta tin tưởng và đem hết khả năng, sức lực cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho sự phát triển của đất nước. Mỗi di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại đều chứa đựng những giá trị, ý nghĩa lớn lao và luôn tỏa sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang và đang từng bước trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)