slider

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: HỒ CHÍ MINH VỚI CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC

24 Tháng 07 Năm 2012 / 3862 lượt xem
N.V.D
Nhân dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2011), 100 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Hồ Chí Minh với con đường giải phóng dân tộc.
Cuốn sách Hồ Chí Minh với con đường giải phóng dân tộc là sự tập hợp các tham luận được lựa chọn trong số 78 bài gửi tới tham gia hội thảo trên. Sách dày 424 trang, kích thước 16x 24cm, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2012.
Nội dung cuốn sách gồm hai phần. Phần thứ nhất: Con đường cách mạng Hồ Chí Minh; Phần thứ hai: Tư tưởng Hồ Chí Minh - cách mạng và sáng tạo. Các bài viết của các tác giả trong cuốn sách đã tập trung phân tích: Một là, làm rõ bối cảnh lịch sử, mục đích và hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc; các yêu tố liên quan, tác động đến sự lựa chọn con đường giải phóng dân tộc cách mạng vô sản của Nguyễn Ái Quốc; Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và vai trò của Người trong việc sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…; Hai là, phân tích những nội dung cốt lõi của con đường giải phóng dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhất là những điểm có tính cách mạng, phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh về cách mạng thuộc địa, về xây dựng Đảng, về đại đoàn kết toàn dân tộc, về hội nhập quốc tế…; Ba là, làm rõ những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới; phân tích những giá trị lý luận và thực tiễn về tư tưởng, đạo đức, lối sống; những giá trị hội tụ, kết tinh của văn hóa Đông - Tây trong tư duy, phong cách, tình cảm Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo, phát huy những di sản hết sức quý báu đó của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.
Bối cảnh lịch sử tác động đến hành trình cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh
Đây là một trong những nội dung quan trọng đầu tiên và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu. Ở nội dung này, các bài viết trong cuốn sách tập trung làm rõ những tác động của bối cảnh lịch sử đến việc người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết định ra nước ngoài khảo sát thế giới và tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Một số bài viết đi sâu nghiên cứu những sự kiện lịch sử tác động mạnh mẽ trong quá trình hình thành con đường cứu nước của Người.
Theo các tác giả, vào cuối thế kỷ XIX, cũng như nhiều dân tộc phương Đông khác, đất nước ta bị tư bản phương Tây xâm lược. Từ một dân tộc tự do, vốn có hàng ngàn năm văn hiến, Việt Nam đã trở thành một dân tộc thuộc địa. Kế thừa truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường dân tộc, với khát vọng độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam đã liên tiếp vùng lên đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Ý chí đấu tranh và sự hy sinh anh dũng của các chí sĩ cách mạng, của những người yêu nước đã hun đúc, rèn luyện bản lĩnh dân tộc và tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm. Song, cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và dân chủ đó đều lần lượt thất bại. Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản là vì các phong trào đó còn thiếu một con đường và phương pháp đấu tranh đúng đắn, phù hợp với tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế thời đại bấy giờ. Theo tác giả GS. Song Thành,Phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc đứng trước một cuộc khủng hoảng, bế tắc cả về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Làm thế nào để đánh đuổi được chủ nghĩa thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào? Câu hỏi đó ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước thế hệ Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ.  Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước; được kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất của quê hương và gia đình, khi còn là một thiếu niên 15 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã sớm biết đau nỗi đau mất nước, xót xa trước nỗi thống khổ của đồng bào, đã sớm có chí đuổi giặc, cứu nước, giải phóng dân tộc. Nhưng bằng con đường nào? Liên minh với ai, dựa vào ai để chiến đấu? Trước khi đi đến quyết định, theo tinh thần “cách vật, trí tri”, anh cần tìm hiểu đến tận cùng thực chất của thời cuộc. Sau này, trong một lần trò chuyện với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, CT Hồ Chí Minh nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau: ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp?Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(1). Điều đó cho thấy, Nguyễn Tất Thành đã sớm có ý thức khám phá thời đại để tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.” (trang.137). Cũng theo tác giả Bùi Kim Hồng, Khu Di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, “trước hết, cần phải khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm con đường giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc với tấm lòng của một người Việt Nam yêu nước. Tinh thần yêu nước của Người được hun đúc bằng truyền thống yêu nước với bề dày hàng nghìn năm lịch sử của cha ông…”. (trang 78)
Hành trình cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh
Đây là một nội dung rất phong phú, đề cập tới mọi khía cạnh trong cuộc hành trình dài 30 năm qua 29 nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.
Các bài viết trong cuốn sách khẳng định, trong điều kiện lịch sử đó, cũng như nhiều nhà cách mạng: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… từ một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, người thanh niên giàu hoài bão cách mạng Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra nước ngoài để tìm một con đường đi mới cho dân tộc Việt Nam. Trải nghiệm và thấu hiểu những nguyên nhân không thành công của các phong trào yêu nước của bậc tiền bối, với nhãn quan chính trị và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Tất Thành đã sang phương Tây để “tìm hiểu các nước rồi trở về giúp đồng bào mình”. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đến nhiều quốc gia châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi… hiểu thấu bản chất của chủ nghĩa đế quốc, nỗi thống khổ và số phận của các dân tộc thuộc địa. Với tầm kiến văn rộng lớn, phân tích các xu thế tư tưởng và cách mạng của thời đại, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và quyết tâm đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, con đường của phong trào quốc tế vô sản. Nói cách khác, chính chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin như kinh nghiệm, tri thức hoạt động thực tiễn đã đưa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Và chính Người, bằng tư tưởng cũng như cống hiến vĩ đại của mình, đã trở thành một trong những lãnh tụ lỗi lạc của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc thế giới. Thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp đầy sáng tạo của Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam
Ở phần này, các tác giả đã trình bày quan điểm của Hồ Chí Minh về Nhà nước, về đoàn kết, về quân đội nhân dân, về Đảng Cộng sản, về tư duy biện chứng, về công tác vận động quần chúng, về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, về cán bộ, về giáo dục thanh niên, về văn hóa… Qua đây, rút ra những bài học kinh nghiệm, gợi mở những vấn đề thực tiễn nhằm kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay.
Bên cạnh đó, một số bài viết trong cuốn sách còn tập trung phân tích hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - niềm cảm hứng vô tận trong thơ văn Việt Nam và thế giới cũng như những di sản văn hóa mà Người để lại, sự ngưỡng mộ, lòng kính yêu sâu sắc của nhân dân thế giới đối với Người qua những công trình, địa điểm, di tích Hồ Chí Minh ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngày nay, đi theo con đường mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ ra: giải phóng dân tộc gắn liền với cứu nước, cứu dân; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, tiến hành hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975. Với các chiến thắng vĩ đại đó, dân tộc ta đã giành lại được nền độc lập dân tộc, giang sơn thu về một mối, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Dựa trên những nền tảng vững chắc đó, hơn hai thập kỷ qua, công cuộc đổi mới mà Đảng ta tiến hành đã thu được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Đất nước ta đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Dân tộc ta đã và đang xác lập được cho mình một vị thế quốc tế xứng đáng và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững và hòa bình ở khu vực. Con đường cách mạng Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xây đắp là nền tảng cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại và mãi tỏa sáng cho muôn đời con cháu mai sau. Tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam là sự kết tinh những gì tinh túy nhất trong tư tưởng nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Mặc dù Người đã đi vào cõi vĩnh hằng, song những bài học lớn về con đường cách mạng Việt Nam mà Người để lại luôn được toàn Đảng, toàn dân ta trân trọng, nghiên cứu, học tập, quán triệt một cách sâu sắc và vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang. Như tác giả Bùi Kim Hồng trong bài viết “Hồ Chí Minh - từ lòng yêu nước đến con đường giải phóng dân tộc” đã khẳng định: “… Dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tư tưởng, đường lối cùng với tình thương yêu bao la của Người để lại cho nhân dân ta vẫn còn sức sống bất diệt. Những tư tưởng ấy, tình yêu thương ấy vẫn sáng chói và soi đường cho chúng ta bước tiếp trong công cuộc phát triển phồn vinh và hội nhập quốc tế” (trang 86).
Với hơn 400 trang sách, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sinh viên và bạn đọc quan tâm về quá trình lựa chọn khảo sát và hình thành con đường giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
 


(1) Ba lần nói chuyện với CT Hồ Chí Minh. Báo Nhân Dân, số ra ngày 18-5 1965.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)