slider

Hoạt động đối nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm Người sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch

13 Tháng 11 Năm 2019 / 1688 lượt xem

ThS. Trần Thị Thắm
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
 

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại khu phủ Toàn quyền trước đây (nay được gọi là khu Phủ Chủ tịch) trong suốt 15 năm (từ tháng 12- 1954 đến tháng 9-1969). Phủ Chủ tịch là nơi Người đã chủ trì nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Quốc hội nhằm hàn gắn viết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đấu tranh đòi hòa bình thống nhất đất nước. Trong đó có các phiên họp của Hội đồng Chính phủ diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12-1955 đã thảo luận và đi đến quyết định về quốc ca, quốc kỳ, quốc huy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo củng cố miền Bắc về mọi mặt. Trong việc khôi phục kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trước hết phải khôi phục và nâng cao sản xuất nông nghiệp, Người đã soạn thảo bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói và khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(1). Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thì phải tiếp tục thực hiện “người cày có ruộng”, vì vậy Đảng và Chính phủ đã quyết định tiến hành cải cách ruộng đất đợt 5, đợt cuối cùng của cuộc đấu tranh xoá bỏ giai cấp phong kiến ở miền Bắc. Sau gần nửa năm tiến hành khẩn trương và gian khổ, cải cách ruộng đất đợt 5 đã căn bản hoàn thành ở đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi. Thắng lợi đó đã “mở đường cho đồng bào nông thôn ta xây dựng cuộc đời ấm no, góp phần xứng đáng vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh để đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.
 
Song song với việc phát triển nông nghiệp là đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Bởi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đời sống của nhân dân chỉ có thể được cải thiện khi chúng ta dùng máy móc trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, để đưa năng suất lao động lên cao. Để động viên nông dân và công nhân Người không chỉ đi thăm và tìm hiểu tình hình sản xuất cũng như đời sống của nông dân, công nhân các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, khu mỏ… mà còn gửi thư khen ngợi những đơn vị, cơ sở sản xuất có sáng kiến, thành tích trong sản xuất, như trong bức thư gửi cho cán bộ, công nhân Apatit Lào Cai Người khen ngợi công nhân vượt mức kế hoạch 70% và chúc anh em công nhân đoàn kết chặt chẽ để tiến bộ hơn. Những lời căn dặn của Người đã động viên nhân dân ta trong lao động sản xuất, học tập và công tác, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Đi đôi với việc lãnh đạo khôi phục kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng chỉ đạo phát triển văn hoá giáo dục để phục vụ những yêu cầu mới của cách mạng, bởi theo Người: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế và văn hóa”. Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp rất nhiều đoàn thầy, cô giáo và các em học sinh, trong buổi đón tiếp Người thường xuyên căn dặn các thầy cô giáo phải tìm cách dạy: “Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”.

Không chỉ quan tâm đến đời sống kinh tế, Người nhắc nhở cán bộ y tế việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Tháng 2-1955, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế , Người căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào... Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình... Lương y phải như từ mẫu”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới việc củng cố, xây dựng và phát triển quân đội và công an nhân dân, những lực lượng có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ nền độc lập của dân tộc, giữ gìn hoà bình, chống thù trong giặc ngoài, chống bọn phá hoại và làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Trong thời gian sống và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, nhiều lần đón tiếp các tướng lĩnh của lực lượng vũ trang, Người nêu rõ: Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hoà bình lại càng nhiều việc. Còn chủ nghĩa đế quốc, còn giai cấp bóc lột là còn bọn phá hoại. Muốn làm tròn nhiệm vụ, công an phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và của Chính phủ, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân và phải biết dựa vào dân. Còn đối với lực lượng quân đội, Người khẳng định: “luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị”(3).

Trước thực tế từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, từ chiến khu gian khổ trở về thành phố, một số cán bộ, đảng viên bắt đầu có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ. Để kịp thời giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, với bút danh Trần Lực, tháng 12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đạo đức cách mạng. Đây là một tác phẩm quan trọng, đề cập đến những nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng. Theo Người, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, là một công việc rất vẻ vang, nhưng cũng rất nặng nề, một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và rất phức tạp. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ mà cách mạng giao phó. Phải tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân vì: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.

Không chỉ giáo dục cán bộ, đảng viên bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu gương sáng về lối sống giản dị, khiêm tốn. Sau mỗi giờ làm việc, Người thường cuốc đất, trồng rau, nuôi cá để cải thiện thêm đời sống cho anh em trong cơ quan, để lại những ấn tượng sâu sắc không những đối với người dân Việt Nam mà còn đối với bạn bè quốc tế, như nhà báo Mỹ Đavid Stamp đã viết: Tính giản dị của ông Hồ là một sức mạnh. Địa vị càng cao, ông càng giản dị và trong sạch. Ông Hồ không cố tìm kiếm cho mình những trang sức quyền lực vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của ông với nhân dân(4). Cũng trong thời gian này, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mong muốn được xây dựng một ngôi nhà mới để Chủ tịch Hồ Chí Minh có nơi ở, làm việc được tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với ý định này của Trung ương sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Từ chủ trương này, ngôi nhà sàn đã được xây dựng và hoàn thành trong một tháng, đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 68 của Người. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đêm tập  trung sức lực, trí tuệ để cùng Bộ Chính trị đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1954-1958, nhân dân ta ở hai miền Nam - Bắc đã kiên quyết thi hành Hiệp định Giơnevơ, hoàn thành cải cách ruộng đất, từng bước ổn định cuộc sống về cả tinh thần và vật chất. Đời sống của nhân dân miền Bắc đã từng bước ổn định, ý thức chính trị được nâng cao, kinh tế khôi phục, văn hoá, giáo dục, y tế theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, ngày càng phát triển. Để lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế và văn hoá, nhanh chóng thay đổi bộ mặt xã hội của miền Bắc, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức chăm lo đến công tác xây dựng Đảng, không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước dân chủ nhân dân. Một trong những nhiệm vụ cần phải làm là soạn thảo, thông qua các đạo luật và sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Nói về ý nghĩa quan trọng của Hiến pháp năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: Bản Hiến pháp này sẽ phát huy hơn nữa lòng yêu nước và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, sẽ động viên nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng thi đua hơn nữa để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Ngày 01-01-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 1, công bố Hiến pháp mới - Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở nước ta. Ngày 21-7-1960, Người ký lệnh công bố các luật: Tổ chức Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Tổ chức Toà án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao .

Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng Chủ tịch Hồ Chủ tịch dành nhiều thời gian quan tâm, gặp gỡ và tiếp đón các tầng lớp nhân dân, như kiều bào ta ở nước ngoài trở về Tổ quốc, đồng bào dân tộc thiểu số, các đơn vị bộ đội. Đặc biệt, đối với đồng bào chiến sĩ miền Nam, Người luôn dành những tình cảm thân thương nhất. Người thường xuyên thăm hỏi và gặp gỡ các đoàn đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc, các anh hùng và chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam. Những tình cảm của Người như của Cha đối với con, như của Ông đối với cháu, thân thương trìu mến. Sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và đồng bào miền Bắc là nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần vào những chiến công vang dội của quân dân miền Nam
 
Trong những năm tháng đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam ác liệt (1964-1968), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc. Năm 1966, bị lún sâu vào thế bị động, thua đau tại chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc ngày càng dữ dội. Đứng trước thách thức to lớn đó, tại ngôi nhà sàn đơn sơ bé nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn dân đứng lên chiến đấu chống Mỹ cứu nước ngày 17-7-1966. Qua làn sóng của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Dưới sự lãnh đạo và động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian này ở miền Bắc đã xuất hiện các phong trào thi đua: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Nghìn việc tốt”, “Tay cày, tay súng”... Các phong trào thi đua yêu nước đã đóng góp tích cực vào những thành tích lao động sản xuất và chiến đấu, góp phần chi viện cho miền Nam. Để gương người tốt việc tốt ngày càng nhân lên trong xã hội, trong lao động sản xuất, chiến đấu và học tập, đầu tháng 6-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với một số đồng chí cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc xuất bản sách Người tốt, việc tốt. Theo Bác, cần có những phần thưởng để khuyến khích, động viên, cổ vũ mọi người hăng hái làm tròn nhiệm vụ và “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Từ năm 1958 - 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gần 4.000 huy hiệu tặng tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.

Trong những năm cuối đời, tuy tuổi cao, sức khoẻ có giảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sáng suốt, cố gắng làm việc, vẫn cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước lúc đi xa, Người để lại cho muôn đời sau bản Di chúc lịch sử, là những lời căn dặn tâm huyết cuối cùng của Người đối với Đảng ta và nhân dân ta, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.
 
15 năm ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập thể Trung ương Đảng, Chính phủ đã hoạch định đường lối chiến lược đúng đắn, dẫn đường cho cách mạng Việt Nam từng bước giành được những thắng lợi vững chắc nhất. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng và dân tộc ta, mà còn “mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(5).
Chú thích:
 
1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 9, tr. 518
2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 9, tr. 29
3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 8, tr. 163
4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 15, tr. 532
5.       Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 88

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)