slider

MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUA TÁC PHẨM SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC

29 Tháng 06 Năm 2008 / 5843 lượt xem

Bài viết đăng  báo Nhân Dân cuối tuần tháng 2-2007:

  

  

Bùi Kim Hồng

Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

 

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một Nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo phải là Nhà nước kiểu mới, khác về bản chất và tổ chức so với Nhà nước của các giai cấp bóc lột. Đó là Nhà nước của dân- do dân- vì dân và nhân dân mới là người chủ thực sự. Còn một Đảng cầm quyền là lực lượng chính trị lãnh đạo Nhà nước cùng toàn thể xã hội nhưng Đảng cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đồng thời cũng là người đày tớ trung với nước- hiếu với dân. Đảng có trách nhiệm vạch ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn để lãnh đạo Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện, nhưng đồng thời, Đảng cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về tất cả những kết quả đúng- sai, thành công- thất bại theo định hướng mà Đảng đã đề ra. Cũng vì hiểu rõ bản chất và vai trò chính trị của Đảng nên từ năm 1947, Người đã viết cuốn cẩm nang Sửa đổi lối làm việc để xây dựng cách lãnh đạo và lề lối làm việc cho cán bộ đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Sau khi tổng hợp và vạch rõ những căn bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân có thể làm đổ vỡ uy tín và danh dự, thậm chí phá hỏng cả  sự nghiệp vẻ vang của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, trước hết là lãnh đạo chủ chốt thực sự có đức, có tài, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của người đảng viên Đảng cộng sản. Qua thực tiễn hoạt động và những thành quả cách mạng đã đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một số bài học kinh nghiệm mà chúng ta có thể nghiên cứu, áp dụng, sáng tạo trong hoàn cảnh Đảng ta đang kiên trì và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ then chốt về xây dựng Đảng trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.

 

1. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong:

       Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:" Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém. Đó là một chân lý nhất định"(1). Để có được đội ngũ cán bộ tốt, ngay từ khi chính quyền cách mạng nhân dân được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời những nhiều nho sỹ, học giả, tri thức của xã hội cũ ra làm việc và tham gia vào công tác lãnh đạo chính quyền. Tất cả những ai có chuyên môn, cần dùng vào lĩnh vực nào nếu có nhiệt tâm đều được trọng dụng. Bên cạnh việc đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư làm công bộc cho dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kêu gọi các ngành các cấp và địa phương tìm và tiến cử nhân tài để kiến quốc. Nhờ sự góp sức đồng lòng của toàn dân, toàn quân mà cuộc kháng chiến trường kỳ của ta thắng lợi vẻ vang và sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng từng bước phát triển bền vững. Ngày nay, các thế hệ cán bộ của chúng ta được đào tạo cơ bản, đầy đủ, chính quy với số lượng đông đảo thường xuyên nhưng thực tế chất lượng cán bộ lại không đảm bảo, nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp còn can dự vào quốc nạn tham ô, hối lộ, lãng phí, quan liêu để làm nghèo đất nước khiến nhân dân phẫn nộ, suy giảm lòng tin. Ngoài ra, căn cứ vào thực trạng chung có thể nói rằng cán bộ của ta bây giờ thừa chức danh và bằng cấp nhưng lại thiếu chuyên môn giỏi và thạo việc. Khá nhiều cán bộ chuyên ngành có năng lực lại chưa thể có danh phận, họ đều bị phân biệt theo cấp bậc hoặc sử dụng theo chỉ tiêu vì phải nhường chỗ cho những đối tượng thân quen, họ hàng, quan hệ tình cảm, mà những vị này tất nhiên năng lực yếu, chuyên môn kém và phải vì họ mà nghĩ ra thêm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhắc nhở rằng:" Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự văn hoá, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài"(2).

 

2. Chính sách thì đúng, cách làm thì sai:

      Rất nhiều những chính sách, đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước khi ban hành từ Trung ương hoàn toàn đúng, nhưng xuống đến các địa phương thì bị sai lệch, uốn nắn theo ý của lãnh đạo từng nơi rồi biến tấu, du di theo kiểu sáng tạo tuỳ hứng cho nên không thể làm đến nơi đến chốn, hoặc có chút ít thành quả cũng không như mong muốn vì đánh trống bỏ dùi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét nguyên nhân của sự việc là vì chúng ta không xét đến nguyên nhân cơ bản: trách nhiệm và năng lực của những người thi hành chính sách, một điều rất đơn giản:" Tức là vô luận việc gì, đều do con người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả"(3). Như vậy những người cụ thể điều hành và chỉ đạo chính sách thực tế ở cơ sở cũng quan liêu, không kiểm tra, kiểm soát sát xao, mà cũng có thể do chủ quan, kế hoạch không ăn khớp với hoàn cảnh, lý thuyết áp dụng chéo chân, cốt lấy thành tích cho xong chuyện, kết quả là công sức, tiền của, chất xám, thời gian đổ vào đầu tư đều là dã tràng xe cát. Ví dụ như khẩu hiệu dạy tốt- học tốt của ngành giáo dục. Chủ trương thì đúng nhưng thực tế là rất nhiều trường chạy đua lấy thành tích cao, lấy tiếng trường điểm nên đối phó, nâng điểm, chữa diểm, dễ dãi trong thi cử và ghi học bạ theo yêu cầu cho nên học sinh mất gốc, giáo viên biến chất. Dạy tốt đâu phải bắt học sinh đi học thêm, cấy điểm cho học sinh bỏ học 7 tháng vẫn lên lớp hoặc bắt học sinh ngậm giẻ vì mất trật tự? Học tốt đâu phải quan hệ tốt với giáo viên, đe doạ thầy cô, thậm chí lên lớp 8 còn chưa đọc thông viết thạo? Thậm chí tại một trường PTTH chuẩn của thành phố Hà Nội, người ta còn sửa điều cuối trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng thành: Tăng cường rèn luyện sức khoẻ để phục vụ cho phong trào thể dục thể thao nhà trường! Đành rằng chủ trương của chúng ta là nâng cao hiệu quả, đảm bảo uy tín của nhà trường và thành tích cao của ngành, nhưng cách làm đối phó và hình thức như vậy chỉ tạo điều kiện nảy sinh tiêu cực và giảm sút chất lượng giáo dục dài lâu. Tiếp theo những vụ xé rào chính sách, đến chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng sai mục đích, xây nhà phục vụ đối tượng không thuộc chính sách nào, rồi bảo hiểm y tế... Tất cả những ví dụ trên cho thấy việc thực hiện chủ trương, đường lối chỉ đạo của chúng ta không đúng đều gây hậu quả nghiêm trọng về vật chất và tinh thần. Ngoài ra một số địa phương cũng tham thành tích, mục đích phấn đấu là tất cả vì thành tích và danh hiệu cho nên thi đua ồ ạt, đã thiếu kinh nghiệm lại thêm nóng vội kết quả cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng. Cũng vì thế nên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:" Bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc"(4).

 

3. Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái:

       Trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng, chúng ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và sản xuất, phát huy nhiều sáng kiến và khích lệ tinh thần hăng hái cống hiến của quân và dân ta. Trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước để hội nhập thì dường như những sáng kiến và hăng hái không bằng thời kỳ trước. Cũng có nhiều cá nhân và tập thể doanh nghiệp đưa ra nhiều công trình, phát minh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ vì nhu cầu thực tế và phát triển kinh doanh nhưng trong các cơ quan hành chính sự nghiệp thì phần nhiều ý tưởng tự phát chứ chưa phải tự giác. Muốn phát huy được sáng kiến và lòng hăng hái thì phải đầu tư điều kiện phát triển về cả tinh thần và vật chất mà trong đó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ rằng chính cách lãnh đạo không được dân chủ và công tác tư tưởng không được tích cực là nguyên nhân cản trở sáng kiến và làm nguội nhiệt tình. Hiện tượng này cụ thể là:" Đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra, như vậy thành ra không dân chủ"(5). Chính vì những ấm ức, bức xúc để bụng nên cán bộ không thoải mái hăng hái đưa ra sáng kiến, họ sẽ dùng nhiều thời gian vàng ngọc xả bớt những chán nản dồn nén, sinh ra hiện tượng không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng; trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng lắm mồm; thậm thà thậm thụt và nhiều thói xấu khác nữa. Để giải quyết triệt để hiện tượng này thì cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới và đồng thời người lãnh đạo:" Phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa"(6). Khi đã thoải mái, hăng hái rồi ắt sẽ có sáng kiến. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng hai chữ sáng kiến không nên sử dụng một cách mênh mông không thiết thực (như một dạo người ta cho dự án thay nước hồ Tây bằng nước sông Hồng cũng là sáng kiến), chỉ nêu ra để đấy hoặc bất khả thi, làm không mang lợi chỉ thêm tốn tiền của công sức tập thể sẽ trở thành tối kiến. Chúng ta cũng nên xác định rằng:" Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực"(7). Cách hữu hiệu nhất để phát huy sáng kiến và lòng hăng hái là mở rộng dân chủ, khuyến khích cán bộ đảng viên ham học hỏi, nghiên cứu sáng tạo và lãnh đạo cần phải khen ngợi đúng người đúng việc.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X vừa qua đã thống nhất quyết tâm tạo chuyển biến rõ rệt về công tác xây dựng một Đảng tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, để Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ đảng viên đủ phẩm chất và năng lực. Chính vì vậy, trong giai đoạn cách mạng quan trọng này, chúng ta càng phải đi sâu nghiên cứu nghiên cứu những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để áp dụng vào quá trình đổi mới và hội nhập, đặc biệt là một số bài học trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Người sẽ giúp cán bộ đảng viên càng hiểu rõ trách nhiệm của mình, ra sức rèn luyện và phấn đấu để:" Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"(8)./

B. K. H

 

 Chú thích:

 

1, Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG 1995. Tập V, tr 240

2- 3, S.đ.d      nt                                                       , tr 241

4, S.đ.d          nt                                                        , tr 242

5, S.đ.d          nt                                                        , tr 243

6-7, S.đ.d       nt                                                        , tr 244

8, S.đ.d          nt                                            Tập XII, tr 498

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)