slider

Một số chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các họa sỹ Việt Nam

08 Tháng 08 Năm 2020 / 462 lượt xem

ThS. Phạm Nga

Phòng Hành chính, Tổng hợp

 Là người khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đặt nền móng cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà thời kỳ hiện đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật là di sản quý báu của văn hóa Việt Nam nói chung và nghệ thuật nói riêng(1), đặc biệt là sự quan tâm của Người với giới văn nghệ sĩ.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020); 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), nhằm thiết thực góp phần thêm phong phú nội dung thông tin tư liệu, tác giả đã tập hợp và chọn lọc một số sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm triển lãm mỹ thuật toàn quốc, những lời dạy của Người qua các câu chuyện kể cảm động của những nhân vật đã từng có dịp được tiếp xúc với Bác Hồ:

Ngày 13/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Tại đây, Người ghi vào Sổ cảm tưởng dòng chữ: Cần cố gắng hơn để tiến bộ hơn. Mỹ thuật cũng phải ra sức phục vụ nhân dân. Ngày 25/9/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Người đi xem các phòng trưng bày, sau đó Người đi thăm Trường Mỹ thuật và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên và sinh viên của trường.

Ngày 20/02/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Phòng triển lãm tranh, tượng của các họa sĩ và điêu khắc miền Nam tập kết. Người dừng lại xem rất lâu trong phòng tranh về phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam chống Mỹ - Diệm trong năm 1961. Nói chuyện với anh em họa sĩ và học sinh có tác phẩm trưng bày, Người căn dặn: Mục tiêu sáng tác là phải nhằm phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Ngoài việc thường xuyên sắp xếp thời gian sau đi thăm các công trường, đồng ruộng, trường học, các hội chợ, triển lãm..., Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành tình cảm đặc biệt, sâu sắc và sắp xếp thời gian gặp văn nghệ sĩ nói chung và họa sỹ nói riêng. Những câu chuyện kể dưới đây là minh chứng sinh động cho sự quan tâm của Người đến những nghệ sĩ Việt Nam và tình cảm của các nghệ sĩ đối với Người.

Bức chân dung đầu tiên với vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trong ngày lịch sử vĩ đại 02/9/1945, lần đầu tiên giới nhiếp ảnh Việt Nam được chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tấm ảnh đó là kỷ niệm vô giá về giờ phút trọng đại mà lịch sử và dân tộc giao phó.

Song, cũng vì không lên được lễ đài và không có ống kính chụp xa, hôm đó không một nhà nhiếp ảnh nào có được bức ảnh cận cảnh đặc tả về vị Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tại Quảng trường Ba Đình mùa thu lịch sử ấy.

Sau sự kiện đó không lâu, do yêu cầu của cách mạng, một số nhà nhiếp ảnh đang hoạt động tại Thủ đô Hà Nội được cử vào Phủ Chủ tịch chụp ảnh chân dung Người.

Ông Vũ Năng An, tác giả bức ảnh chân dung được chọn và phổ biến rộng rãi, kể lại:

Ông là một trong sáu người đại diện cho 32 hiệu ảnh Hà Nội được vinh dự cử đi chụp ảnh vào đầu tuần thứ hai trong tháng 9/1945. Ông còn nhớ như in ấn tượng khi nhìn thấy vị Chủ tịch nước bình dị như một lão nông, vầng trán rộng với những đường gân hằn rõ sang hai bên thái dương, có bộ râu thưa, đặc biệt là đôi mắt sáng lạ thường trên hai gò má gày, với phong độ giản dị nhưng rất đỗi tự nhiên của Người, không chỉ ở bộ quần áo kaki và đôi giày vải màu chàm.

Nhà nhiếp ảnh lão thành Vũ Năng An, trong giờ phút ấy, điều khiển máy và đèn chụp, đã cố gắng nhìn thật kĩ những nét nhân hậu và quắc thước trên gương mặt của Người. Ông An kể rằng, khi bước ra, Bác tươi cười nói:

- Chào các chú, cảm ơn các chú! Thế nào, làm ăn có tốt không?

Cũng như mọi người, ông An chỉ vâng dạ một cách lễ phép, trong lòng đang lo không biết chụp Bác có đạt yêu cầu không. Bác nói tiếp:

- Các chú có cả thảy 6 người. Bác đề nghị thế này, mỗi chú chụp 5 phút, 6 người chụp nửa tiếng. Bác chỉ có chừng ấy thời gian.

Mọi người đều lần lượt thay nhau chụp, còn ông An chụp cuối cùng đúng 3 kiểu, rồi ông nhỏ nhẹ thưa với Bác: chúng cháu đã chụp xong, xin cảm ơn Bác!

Bác gật đầu có vẻ hài lòng:

- Thôi, về làm việc cho tốt nhé!

Trở về hiệu ảnh ông An tráng phim ngay. Được hai kiểu, còn một kiêu bị rung, cả hai kiểu do ông Vũ Năng An chụp đều được chấp nhận.Tấm ảnh Bác nhìn thẳng, được phóng to để Bác gửi tặng các bạn người Pháp, người Nga và các bạn quốc tế khác. Chính ông An được vinh dự đưa ảnh lên để Bác đề tặng cho các bạn của Người; ông nhớ phía sau ảnh tặng các đồng chí Mô-rít Tô-rê, Ca-sanh, Cu-tuy-ri-ê, Đuy-clô..., Người ghi: “Với tất cả trái tim” và ký tên.

Tấm ảnh này được in ra, phổ biến rất nhanh, thực sự đáp ứng lòng mong ước của toàn dân tộc khi nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu. Ở bức chân dung này, tóc Người chưa bạc lắm, đôi mắt sáng ngời, có cái nhìn không phi thường nhưng vẫn khác người, chòm râu đen thân thương trên gương mặt gày, vầng trán rộng mênh mông.Từ giờ phút ấy, hình ảnh Người đã đem đến cho đồng bào cả nước ta niềm tin yêu phấn khởi, sự tôn kính sâu xa. Đối với nhân dân nước ngoài cũng vậy. Có những bà mẹ Lào, Cam-pu-chia đã trân trọng cất giữ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh như một báu vật trong nhà. Ông thống lý ở cao nguyên Phiêng Sa của nhân dân Lào rất tự hào vì bức ảnh của Người được treo trên tường nhà ông. Ông đã “phát hiện” mắt của Hồ Chủ tịch có hai con ngươi. Ông nói “Mắt Hồ Chủ tịch có hai con ngươi, khác người thường, Người hiểu thấu khát vọng của mọi người dân, bất kể người đó là dân tộc nào, đó là lòng nhân nghĩa cao cả của Người”.

Câu chuyện về “Mắt Bác Hồ có hai con ngươi” cũng từng lưu truyền nhiều năm trong nhân dân ta. Người ta tin rằng Người là một ông thánh. Nhưng đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Làm gì có chuyện hoang đường như thế! Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy: hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to”(2).

Bức ký họa Bác Hồ đầu tiên trên báo

Ông Phan Kế An kể lại, trong thời kỳ chống thực dân Pháp ở Việt Bắc, tờ Sự thật là tờ báo lớn nhất của chúng ta. Một hôm Tổng Biên tập Trường Chinh gọi ông An lên và bảo: “Cậu chuẩn bị lên gặp Cụ - Chủ tịch Hồ Chí Minh và vẽ một số chân dung Cụ để kịp cho số báo tới!”. Thế là tôi đeo ba lô, xách thuốc vẽ, giấy bút lên đường. Qua Đèo Gie, đến giữa rừng bạt ngàn cổ thụ, tại đây, tôi gặp anh Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến và các chiến sĩ bảo vệ Trung ương. Nhà Bác ở cách đó chừng 300m. Sáng hôm sau anh Vũ Kỳ dẫn tôi đến gặp Người. Đi được chừng 15m anh Vũ Kỳ chỉ vào ngôi nhà sàn ở phía trước mặt và bảo “Anh cứ đi thẳng, cụ đang chờ đó!”. Tôi vượt qua đồi sim có con đường nhỏ, đi được chừng 100m thì Bác từ nhà đi ra đón tôi. Tôi rất cảm động nắm chặt tay Người. Bác tươi cười gật đầu hỏi tôi nhiều chuyện, từ chuyện cơ quan báo chúng tôi tới chuyện riêng của gia đình tôi. Nhà của Bác ẩn mình dưới những cây cổ thụ. Bác đưa tôi đi và giới thiệu với từng người trong cơ quan hết một lượt. Sau đó Bác nói: “Bây giờ thế này nhé, An ở đây với mình. Hàng ngày, mình làm việc của mình, còn An cứ làm việc của An”. Và thế là kể từ hôm đó, tôi làm ở bên Người. Hàng ngày, Bác đưa các tài liệu ra nghiên cứu, rồi Người đọc các công văn, giấy tờ từ mặt trận gửi về, khi thì Bác ra chỉ thị cho các đơn vị, địa phương... Tôi vẽ Bác trong nhiều tư thế mặc dù trong một ngày làm việc Bác luôn luôn thay đổi địa điểm. Thỉnh thoảng, Bác lại châm lửa hút thuốc và mỗi lần như vậy Bác đều mời tôi hút thuốc.

Thời gian hai tuần thấm thoắt đã trôi qua. Tôi phải lên đường về lại cơ quan để chuẩn bị số báo tới. Trước khi ra về Bác nói: “Hai tuần ở đây An vẽ được cái nào thì cả cơ quan cùng xem đi!”. Tôi đưa tất cả số tranh vẽ Bác ra bày trước sân cơ quan để anh em và các đồng chí cùng xem. Bác xem xong một lượt nói: “Mọi người bình tranh đi chứ!”. Sau đó Bác chọn một bức tranh và nói với tôi: “Mình ưng bức tranh này vì trông có thần”.

Tôi chuẩn bị xong đồ rồi lên đường, Bác tiễn tôi một quãng, Người không quên chìa hộp thuốc lá ra mời tôi. Tôi rút một điếu nhưng không châm lửa mà giữ trong lòng bàn tay. Bác cười: “An trữ thuốc phải không?”. Tôi rất ngạc nhiên và lúng túng. Tôi đành thưa thật với Bác là tôi muốn dành một số thuốc của Bác cho để làm quà cho anh em và hẳn anh em cơ quan báo sẽ rất vui. Bác lại hỏi: “Thế An để dành được bao nhiêu điếu rồi?”. “Dạ thưa, được 13 điếu!”. Bác lại hỏi: “Thế Tòa soạn có bao nhiêu người?”. “Dạ 30 người ạ!”- Tôi đáp. Bác liền rút ra thêm 17 điếu nữa và đưa cho tôi. “An cứ hút điếu mình mời, còn đây là đủ số thuốc để làm quà cho anh em ở nhà đó!”. Tôi nghẹn ngào không nói nên lời. Bác bận trăm công ngàn việc mà vẫn ân cần quan tâm tới từng chi tiết nhỏ cho anh em chúng tôi.

Về tới tòa soạn, tôi đem tranh cho anh Trường Chinh xem. Anh Trường Chinh cũng ưng nhất bức chân dung mà Bác đã chỉ cho tôi. Thế là bức chân dung này, bức vẽ Hồ Chủ tịch đầu tiên được in trên báo(3).

Bức huyết họa vẽ Bác Hồ và các thiếu nhi của họa sĩ Diệp Minh Châu

Ông Diệp Minh Châu kể: Lúc còn ở trường Cao đẳng Mỹ thuật, tôi rất khâm phục Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, những người thiết tha yêu nước, có chí khí. Thỉnh thoảng tôi được nghe nhắc đến một cái tên với thái độ rất trân trọng: đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Một đồng chí cộng sản ở Bến Tre, quê hương tôi, cũng có nói đến đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tôi muốn được biết nhiều về con người đó, nhưng không thể biết được gì hơn rằng, đó là một lãnh tụ cách mạng xuất sắc, một người đã hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau tháng Tám năm 1945, anh em cho tôi biết thêm rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo cách mạng thành công, chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tôi rất mừng và rất hi vọng có ngày được gặp.

Tuy vậy, lúc đó tôi hiểu biết về Bác còn rất ít, đến hình dáng thế nào cũng không biết. Tôi cố tìm được một hình ảnh Bác. Một hôm tôi may mắn nhận được một bức ảnh có chân dung Bác. Tôi mừng quá, giữ ảnh đó rất kỹ, đi đâu cũng mang theo. Trong ảnh Bác rất gầy, chòm râu và mái tóc còn đen nhưng lơ thơ, nổi bật nhất là đôi mắt sáng mở to, trông hiền lành nhưng cương nghị lạ thường. Chỉ tấm ảnh đó cũng xác nhận những suy nghĩ của tôi về Bác: một con người bình dị, quên mình vì nước vì dân.

Tuy chưa biết Bác, nhưng tôi được biết và khâm phục đạo đức của những cán bộ của Đảng trong bộ máy lãnh đạo cuộc kháng chiến Nam Bộ và nghĩ một cách đơn giản: những người học trò của Bác còn tốt như vậy thì Bác phải tốt đến mức nào nữa...

Cùng với niềm vui sướng được chiến đấu dưới cờ một lãnh tụ vĩ đại như vậy, trong tôi lại nảy nở một ước ao mới: vẽ Bác hay nặn tượng Bác. Tôi nghĩ rằng ngành chuyên môn của tôi, ngành điêu khắc, có nhiều khả năng để thể hiện những nhân vật lịch sử vĩ đại, nhưng hoàn cảnh kháng chiến lúc bấy giờ không cho phép tôi làm việc đó, nên tôi chỉ có thể vẽ Bác. Tôi dựa vào bức ảnh duy nhất nói trên để vẽ, vẽ rất nhiều, vẽ đến thuộc lòng, không cần phải xem ảnh nữa. Tôi vẽ hình Bác để tặng những chiến sĩ đang hành quân, tặng những người sản xuất ở hậu phương và nhất là tặng những bà má chiến sĩ rất đáng yêu trong kháng chiến. Ai nhận được cũng xem là một tặng phẩm rất quý báu.

Nhưng có một điều làm tôi chưa thỏa mãn là do hoàn cảnh kháng chiến, không làm sao tìm ra được một bức ảnh khác, trước sau tôi chỉ vẽ được một kiểu. Bức tranh Bác, tôi chích máu ở cánh tay ra vẽ sau buổi lễ kỷ niệm độc lập 2/9/1947 ở Đồng Tháp Mười, cũng theo kiểu đó. Khi gửi Búc tranh này tặng Bác, tôi có viết một bức thư để nói lên lòng thương mến vô hạn của tôi đối với Bác; nội dung bức thư như sau:

Kính gửi Cha già: Hồ Chí Minh

Kính Cha,

Từ hai năm nay, tin Cha, vâng theo tiếng gọi của cha, con đã đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn Khu Tám, Cách mạng tháng Tám mà Cha già đã giải phóng cho nghệ thuật của con. Hôm nay, trong cảnh vĩ đại của lễ Độc lập chưa từng có ở Nam Bộ, sau khi nghe lời “Tuyên ngôn độc lập” của Cha, lời kêu gọi thống thiết của Cha, và lời ca “Hồ Chí Minh muôn năm” của đoàn Thiếu sinh Nam Bộ, con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em nhỏ Trung Nam Bắc đương xúm đầu lại dưới chòm râu của Cha, trên lụa mà quân đội ta đã đánh tan quân địch chiếm lấy ở trận Giồng Dừa hồi tháng 4/1947.

Thấy máu con chảy, mọi người hoảng hốt băng bó, lo ngại. Con trả lời: Máu con là máu của Cha truyền cho, máu của con là máu của dân tộc, con có dám làm gì phao phí máu của con đâu! Tất cả thân con, đời con là của Cha rồi.

Con trân trọng gửi bức họa bằng máu của con đây lên Cha già để tỏ lòng biết ơn Cha đã giải phóng cho nghệ thuật của con, để tạo cho thể xác và linh hồn con thành lợi khí đấu tranh của cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc.

Kính chào Cha

Khu 8, 20/9/1947

Hai năm sau (tức là năm 1949), đồng chí Lê Đức Thọ, dẫn đầu phái đoàn của Trung ương vào Nam Bộ, có cho người tìm tôi. Gặp tôi, đồng chí Thọ tỏ ra mừng rỡ:

- Tôi tìm anh mãi. Trước khi lên đường vào Nam, Bác có dặn tôi, tìm gặp cho được anh và chuyển lời Bác cảm ơn anh về bức vẽ tặng Bác... Thế là nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành đấy nhé!

Nghe đồng chí Thọ, tôi vui sướng đến chảy nước mắt. Từ đó, cái ước ao được gặp Bác để trực tiếp vẽ Bác luôn bám chặt lấy tâm hồn tôi. Đó là hoài bão của tôi đối với lãnh tụ. Ước ao vậy chứ tôi cũng thấy khó mà thực hiện được, nhất là đối với những người ở xa Trung ương như Nam Bộ chúng tôi. Tôi có ngờ đâu chỉ hai năm sau (năm 1951), trong lúc toàn dân còn đang chiến đấu quyết liệt với quân thù, vinh dự đó đã đến với tôi. Và tôi nghĩ rằng chính vì tôi là một trong những đứa con ở xa nên mới được vinh dự đó.

Hôm ấy, tại hội trường, Đại hội sắp khai mạc, anh Phạm Văn Đồng dẫn tôi đến chào Bác.

Chúng tôi gồm họa sĩ Lê Minh Hiền, nhà quay phim Nguyễn Thế Dân và cả tôi được lệnh của Khu ủy Khu IX vinh dự đi theo đoàn đại biểu Nam Bộ ra Việt Bắc dư Đại hội Đảng lần thứ II.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn, một tâm hồn nghệ sĩ, yêu nghệ thuật. Vì vậy, Người đã có những lời chỉ bảo tận tình, cần thiết cho đội ngũ những người làm công tác nghệ thuật, đặc biệt là đội ngũ văn nghệ sỹ. Bác không chỉ động viên, khen ngợi, nhắc nhở các họa sỹ phấn đấu tiến bộ không ngừng trong nghề nghiệp mà còn có những nhận xét chi tiết về chuyên môn để họ khắc phục nhược điểm, khó khăn, làm việc hiệu quả hơn. Bác còn dành sự quan tâm đến đời sống hàng ngày và quan hệ gia đình, xã hội của các nghệ sỹ. Sự quan tâm, chăm sóc của Bác Hồ đối với đội ngũ nghệ sỹ là sự quan tâm đối với từng người cụ thể, không chỉ là mối quan hệ giữa một lãnh tụ đối với nghệ sỹ mà trước hết là tình thương của người cha, người bác đối với thế hệ đi sau. Đó là cái cốt lõi nhân văn mang đậm bản sắc dân tộc trong đạo đức, phong cách của một nhà văn hóa lớn./.

 

Tài liệu tham khảo:

1.       Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Văn hóa Thông tin

2.       Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 1, Nxb. Hội nhà văn.

3.       Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị Quốc gia

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)