slider

MỘT VÀI TƯ LIỆU VỀ BỨC TƯỢNG KHUẤT NGUYÊN Ở "NHÀ 54"

07 Tháng 05 Năm 2008 / 3851 lượt xem

Tháng 6 năm 1995, theo yêu cầu của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, theo thoả thuận của hai cơ quan, Bảo tàng Hồ Chí Minh bàn giao cho Khu di tích một số hiện vật gốc để tiến hành trưng bày di tích "nhà 54". Trong số các hiện vật đã bàn có pho tượng Khuất Nguyên đặt trên bệ lò sưởi của phòng ngủ được nhiều khách tham quan chú ý. Pho tượng có số kiểm kê là 1149/Đ49 trong sổ kiểm kê ban đầu của kho bảo tàng. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm các tài liệu, chúng tôi tập hợp được môt số tư liệu về nhân vật lịch sử Khuất Nguyên cùng giả thuyết nguồn gốc xuất xứ và thời gian pho tượng xuất hiện tại nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:

1. Về nhân vật Khuất Nguyên

Khuất Nguyên là một nhân vật lịch sử thời cổ đại của đất nước Trung Quốc. Ông là một nhà thơ lớn đồng thời cũng là nhà chính trị, nhà tư tưởng của nước Sở xưa kia. Ông sống cách thời đại chúng ta ngày nay trên 2200 năm (năm 340 - 278 trước Công nguyên). Tên thật ông là Bình, tên chữ là Nguyên, thường gọi là Khuất Nguyên. Tiểu sử của ông cho đến ngày nay chưa rõ, chỉ biết được rằng ông là người nước Sở. Thời đại ông sống là thời Chiến quốc trong lịch sử Trung Quốc. Dưới thời Sở Hoài Vương ông được trọng dụng, làm quan đến chức Tả đồ - một chức quan lớn trong triều đình. Ông là một trung thần, một hình ảnh tiêu biểu của người quân tử hết lòng trung quân ái quốc. Ông đã có nhiều chủ trương cải cách chính trị, sử dụng người hiền tài cho đất nước; nhiều lần can gián vua trong những chính sách trị quốc. Bởi thế nhiều người trong tập đoàn, quý tộc bị động chạm đến quyền lợi ganh ghét. Chúng tìm nhiều cách dèm pha, xúc xiểm và âm mưu ám hại ông. Nghe theo lời bọn nịnh thần, Sở Hoài Vương đã bỏ rơi, bãi chức và đày ông đi Hán Bắc. Đến thời Khoảnh Trương Vương ông lại bị đi đày. Lần này ông bị đày về vùng Giang Nam. Khi đang ở vùng sông Mịch La thì ông nghe tin Sính đô nước Sở bị quân Tần tàn phá. Đau buồn vì tiếng nói trung thực không được chú ý, xót xa uất ức vì nước mất nhà tan ông nhảy xuống sông tự vẫn.

Là nhà thơ lớn, các tác phẩm của Khuất Nguyên để lại đến ngày nay gồm kiệt tác LY TAO, THIÊN VẤN, CỬU CHƯƠNG... Trong đó LY TAO được coi là kiệt tác của nền thi ca Trung Quốc, có ý nghĩa đặt nền móng cho dòng văn chương bác học, văn chương có chủ thể tác giả. Thơ của ông phản ánh tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước tha thiết; phản ánh ý chí ngoan cường chống lại các thế lực quý tộc đồi bại nhưng vẫn bị hạn chế bởi tư tưởng "trung quân" thời bấy giờ. Thơ của ông cũng là tâm sự của một con người yêu nước, trung thực bị dèm pha, là lời cảm thán về đất nước và số phận của bản thân. Về nghệ thuật, thơ của ông viết bằng tiếng nước Sở, mang đậm đặc điểm của dân ca nước Sở; đồng thời sử dụng ngôn ngữ văn học mới của thời đại chiến quốc. Thơ của ông là sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố lãng mạn bay bổng với yếu tố thần thoại và trí tưởng tượng phong phú. Ông được coi là người sáng tạo nên thể loại thơ mới: Sở từ, hay còn gọi là Tao thể Sau KINH THI, các tác phẩm của Khuất Nguyên được coi là đỉnh cao xuất hiện sớm nhất của nền văn học và có ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển chung của thơ ca đời sau.

Đánh giá ông với tư cách nhà thơ lớn - danh nhân văn hoá, năm 1953 Hội đồng hoà bình thế giới đã ra lời kêu gọi tổ chức kỷ niệm ông trên toàn cầu.

2. Giả thiết nguồn gốc xuất xứ và thời gian pho tượng xuất hiện tại nơi ở làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần sang thăm Trung Quốc. Và cũng đã tiếp nhiều đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam với nhiều danh nghĩa khác nhau được gặp Người. Bởi thế pho tượng Khuất Nguyên có thể là một vật kỷ niệm của đoàn đại biểu hay cá nhân nào đó sang thăm Việt Nam tặng Hồ Chủ tịch hoặc có thể là kỷ niệm của một đơn vị, một cá nhân tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sang thăm Trung Quốc.

Khả năng thứ nhất, bức tượng được phái đoàn, cá nhân nào đó mang sang Việt Nam tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh khó có thể xảy ra. Vì rằng: Khuất Nguyên tuy là một nhà thơ lớn của Trung Quốc, một nhân vật lịch sử được thế giới kỷ niệm như một danh nhân văn hoá nhưng tác động của ông chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của thơ ca, văn học. Ông không phải là nhân vật có tác động sâu sắc tới sự phát triển lịch sử của quốc gia như một lãnh tụ, một nhà chính trị.

Chúng tôi nghiêng về khả năng thứ hai: tượng Khuất Nguyên là một kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được tặng và mang về Việt Nam trong dịp Người đến thăm nhà lưu niệm Khuất Nguyên (Trung Quốc) vào năm 1955.

Theo hành trình những chuyến đi thăm đất nước Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm: 1954 - 1969 có một chuyến đi đáng lưu ý, liên quan đến xứ sở, quê hương Khuất Nguyên và nhà lưu niệm về ông. Đó là chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc năm 1955. Lịch trình được ghi lại rằng: chiều ngày 22/6/1955, sau khi dự lễ đón tiếp đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu của đại diện Chính phủ Trung Quốc tại Mục Nam Quan, đoàn đi xe lửa đến Nam Ninh. Ngày 23/6/1955, 6h30' sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đến Nam Ninh - thủ phủ khu tự trị Choang - Quảng Tây. 8h30, Người cùng đoàn đại biểu rời Nam Ninh đáp máy bay đi Bắc Kinh. 12h máy bay dừng ở Vũ Hán nhưng sau đó không bay tiếp được vì trời rất mù, sương dày. Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nghỉ tại thành phố này cho đến sáng ngày 25/6/1955.

Trong thời gian dừng chân ở nơi đây, Người đã đi thăm nhiều nơi: công trường xây dựng cầu Trường Giang, Đông Hồ, Vũ Xương và nhà lưu niệm Khuất Nguyên(1).

Cuộc đến thăm nhà lưu niệm Khuất Nguyên để lại nhiều ấn tượng cho Hồ Chủ tịch. Về phía nhà lưu niệm Khuất Nguyên, cuộc tham quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nhân dân Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Để kỷ niệm và ghi nhớ cuộc viếng thăm này, để thể hiện tình hữu nghị và tình cảm sâu sắc, gần như chắc chắn rằng: nhà lưu niệm đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức tượng Khuất Nguyên, niềm tự hào của nhân dân Trung Quốc, người đi vào lịch sử Trung Quốc với tư cách nhà thơ lớn, danh nhân văn hoá và cũng là biểu tượng của nhà lưu niệm.

Sau khi thăm hữu nghị Trung Quốc, tiến hành hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Trung Hoa, ngày 8/7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời thủ đô Bắc Kinh đi thăm hữu nghị nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ và Liên Xô. Chiều ngày 18/7/1955, Người rời Matxcơva - thủ đô nước Cộng hoà liên bang Xô viết lên đường về nước. Trên chặng đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dừng chân tại Bắc Kinh vào buổi chiều tối ngày 20 tháng 7. Sáng ngày 21/7 Người lại cùng Đoàn lên đường về nước. Trưa ngày 22/7 (10 giờ) Người về đến Hà Nội. Những chuyến đi từ sau tháng 6/1955 trở đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm nhiều nơi, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng... nhưng chưa thấy thêm tài liệu nào nhắc đến địa danh có liên quan đến Khuất Nguyên.

Từ đó chúng ta đã thấy được rằng, pho tượng Khuất Nguyên được đặt tại "nhà 54" sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội và được giữ ở đó cho đến những ngày cuối đời (2/9/1969). Cũng cần phải nói thêm rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều kỷ vật của Trung Quốc tặng nhưng tại nơi ở của Người chỉ có pho tượng Khuất Nguyên. Theo chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở ông những nét tương đồng. Và, dường như Người khâm phục Khuất Nguyên vì hai tư cách lớn: một nhà chính trị, một người yêu nước chân chính, nhiệt thành, liêm khiết và một nhà văn hoá lớn, một danh nhân văn hoá của đất nước Trung Hoa và của nhân loại./

Trương Xuân Mai

Phòng Tuyên truyền giáo dục

 

 

 



(1) Hoàng Tranh. Hồ Chí Minh với Trung Quốc, NXB Quân giải phóng Bắc Kinh 1987, tr.146. Bản tiếng Trung.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)