slider

Những ký ức sâu sắc ngày Bác Hồ thăm “tuyến lửa” Quảng Bình

14 Tháng 09 Năm 2022 / 306 lượt xem

ThS. Lê Thị Cẩm Tú

Phòng Hành chính, Tổng hợp

Sau Hiệp định Genève năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam đã buộc cả dân tộc ta phải tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ thống nhất đất nước. Để động viên nhân dân miền Nam kháng chiến giải phóng dân tộc và trực tiếp động viên nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, xứng đáng là “tiền đồn” của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, ngày 16/6/1957, Bác Hồ đã về thăm “tuyến lửa” Quảng Bình.

Khoảng 8 giờ 15 phút, ngày 16/6/1957, chiếc máy bay mang số hiệu Li2 - số 203 đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành

Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Nguyễn Viết Kháng - Cục trưởng Cục bảo vệ Bộ Công an, đồng chí Hoàng Văn Diệm - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu 4, đồng chí Vũ Kỳ, bác sĩ Nhữ Thế Bảo đáp xuống sân bay Bờ Hơ phía bắc thị xã Đồng Hới. Bí thư Tỉnh ủy Cổ Kim Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tu Thoan và Chính ủy Sư đoàn 325 Hoàng Văn Thái ra tận máy bay đón đoàn.

Chiếc xe Pô-vi-đa từ sân bay đưa Bác vào Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình. Bác không đi ngay vào phòng đón tiếp mà vòng ra phía sau dãy nhà, qua hiên, qua nhà vệ sinh rồi vào nhà bếp, Người bắt tay hỏi thăm các anh nuôi, thăm chỗ ăn ở và khu vệ sinh. Bác nói với ông Cổ Kim Thành: “Sạch sẽ gọn gàng thế là tốt, nhưng có thường xuyên không, hay là vì có Bác vào, các chú mới làm thế?”.

Khoảng 2 tiếng sau đó, Bác làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bác hỏi tỉ mỉ về công tác xây dựng Đảng, số lượng đảng viên, tình hình đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân sau sửa sai cải cách ruộng đất, đoàn kết giữa lương và giáo, vùng mới giải phóng và vùng tự do, giữa nhân dân địa phương và cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam ra tập kết,... Người nhấn mạnh: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hoạt động liều lĩnh gì thì Quảng Bình và Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết”(1). Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo địa phương phải biết quan tâm đầy đủ đến đời sống quần chúng, nhất là cuộc sống của đồng bào miền núi. Cán bộ phải về cơ sở thường xuyên bởi có đi nhiều mới nắm được tình hình thực tiễn để giải quyết.

Đoàn đại biểu đầu tiên được vào gặp Bác là đoàn cán bộ Vĩnh Linh - Quảng Trị. Bác giản dị, ân cần bắt tay từng người, ai cũng cảm động đến chảy nước mắt. Bác hỏi về tình hình miền Nam nói chung và Quảng Trị bên kia sông Bến Hải nói riêng. Khi nghe báo cáo tình hình nhân dân miền Nam bị Mỹ, Diệm bắt tố cộng, lập ấp gây bao đau thương đọa đầy, Bác lấy khăn thấm nước mắt rồi nói: “Lần này Bác chưa vào Vĩnh Linh, cũng chưa có điều kiện vào miền Nam thăm đồng chí, đồng bào. Gặp được các chú đại diện cho đồng bào, đồng chí trong đó là Bác mừng. Bây giờ các chú nghỉ ngơi mai lại về trong đó cho Bác gửi lời thăm tất cả, mong đồng bào chiến sĩ giữ vững ý chí cách mạng, khôn ngoan mưu trí để chống địch và thắng địch. Nước nhà thống nhất, Bác sẽ vô thăm”(2).

Nghe tin đồng bào dân tộc ít người miền Tây Quảng Bình muốn được gặp, dù không có chương trình từ trước nhưng Bác đồng ý ngay. Bác thân tình hỏi: “Bây giờ đồng bào muốn gì?” Một già làng đứng lên thưa: “Người Vân Kiều xưa nay chưa có họ, xin được lấy họ của Bác làm họ chung, thưa Bác có được không ạ?”. Bác suy nghĩ một lát rồi gật đầu: “Cũng được, nhưng cốt yếu là sản xuất cho giỏi, thực hiện chính sách Nhà nước cho đúng”. Người Vân Kiều mang họ Hồ từ đó, thể hiện tình cảm thủy chung, son sắt mà đồng bào dành cho Đảng, cho Bác Hồ kính yêu.

Sau đó, Bác tiếp đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân, các đoàn thể quần chúng, các nhân sĩ trí thức trong tỉnh và nói chuyện với hơn 600 đại biểu cơ sở cốt cán của Vĩnh Linh và các huyện trong tỉnh Quảng Bình. Đánh giá cao những đóng góp của nhân dân hai địa phương trong sự nghiệp cách mạng cả nước, Người khen ngợi: “Trong kháng chiến, cán bộ trong và ngoài Đảng có tinh thần chịu đựng gian khổ, anh dũng đấu tranh bảo vệ làng, bảo vệ dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Đó là những ưu điểm đáng khen. Từ ngày hòa bình lập lại, đảng viên và đoàn viên ra sức lãnh đạo nông dân sản xuất. Đó là việc tốt. Trong lúc phát hiện sai lầm cải cách ruộng đất, cán bộ, đảng viên đều lo lắng, đều ra sức tận tụy sửa sai, riêng thanh niên đã có thành tích trồng cây, khôi phục đất hoang để tăng gia sản xuất. Đó là ưu điểm đáng khen”. Tuy nhiên Bác đồng thời nhắc nhở phải phòng ngừa những căn bệnh dễ xảy ra có hại cho Đảng như: “Óc suy bì tị nạnh kèn cựa đãi ngộ”, “cứ ngồi lo tiền đồ”, “óc công thần” tự cao tự đại, “tự do cá nhân, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật”, “lãng phí của công”, “không thích học tập”, “kém đoàn kết"...

Sau buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Bình, Bác và đoàn nghỉ ăn cơm trưa. Hai ông Nguyễn Ngọc Linh và Cả Yêm được giao đảm nhiệm chuẩn bị bữa trưa. Trong bữa ăn hôm ấy có món tôm chua vì theo hai đầu bếp: “Tôm chua là món ăn rất Đồng Hới mà cũng rất Huế. Chỉ có hai nơi này tôm chua mới đúng vị. Bác đã từng sống ở Huế, lần này sẽ mời Người thưởng thức tôm chua Đồng Hới để giới thiệu thêm về ẩm thực miền Trung”. Món tôm chua hôm đó là món được Bác khen hơn cả. Trong bữa ăn đồng chí Cổ Kim Thành định dùng thìa xắn thêm miếng cá rán mời Bác thì Bác ngăn lại: Ấy đừng! Món nguyên ăn không hết nên để lại lần sau, rồi Bác trở đũa gắp những miếng cá vẫn còn cho các đồng chí Cổ Kim Thành và Nguyễn Tu Thoan.

Sau bữa ăn, khi mọi người ngồi uống nước, Bác vui vẻ hỏi đồng chí Cổ Kim Thành: “Chú biết Quảng Bình có vế đối “Bò-Đi-Đá-Nhảy” đến nay đã có ai đối được chưa?”. Đồng chí Cổ Kim Thành lúng túng, chỉ nhắc lại nghĩa đen của vế đối. Bác cười: “Đối cơ, chú nói vậy là diễn nghĩa vế đối”. Đồng chí Phan Thanh Đàm đứng cạnh thưa “Có ông Tú làng La Hà đối được ạ” và vế đối là “Hùm-Hét-La-Hà”. Bác nói “La Hà ba bề bốn bên là sông Gianh, sao Hùm lại về được mà Hét?”. Tất cả cười ồ, thú vị. Bác nói tiếp: “Khen cho vế đối của ông Tú La Hà là giỏi. Hồi còn nhỏ, Bác có lần đi cùng các cụ đồ Nho xứ Nghệ qua Quảng Bình để vào Huế. Qua làng Đá Nhảy sát biển Lý Hòa của huyện Bố Trạch ngày nay, Bác nghe các cụ đồ đọc ra vế đối đã được lưu truyền trong dân gian để thách nhau đố, nhưng từ bấy đến nay Bác chưa nghe ai đối được. “Bò-Đi-Đá-Nhảy” là bốn động từ, chỉ những hoạt động cơ thể của con người nhưng tách hai từ đầu và từ cuối làm một sẽ thành “Bò đi-Đá Nhảy”, có thể hiểu là con bò đi trên đất Đá Nhảy. Vế đối “Hùm-Hét- La-Hà” giỏi ở chỗ nó cũng là bốn động từ, chỉ bốn hoạt động của cái miệng con người. Nếu tách hai từ đầu hai từ cuối làm một nó sẽ thành “Hùm hét -La Hà”. Có thể hiểu là con hùm nó hét trên đất La Hà...(3).

Sau đó, 16 giờ, xe chở Bác vào sân vận động Đồng Hới. Ba vạn người với cờ, biểu ngữ đỏ rực đang đợi sẵn bỗng ào dậy khi Bác bước xuống xe, vẫy cờ, nón, mũ và hô vang khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Bác Hồ muôn năm”. Bác nói chuyện với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Bình và Đoàn Dân chính Đảng đặc khu Vĩnh Linh. Bác biểu dương thành tích nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh trong những năm qua, nêu những khuyết điểm mà nhiều cá nhân, tập thể, đơn vị mắc phải và hướng khắc phục. Bác kêu gọi mọi người đoàn kết, năng nổ trong lao động sản xuất và cảnh giác đập tan mọi âm mưu phá hoại cách mạng của bọn phản động. Bác chỉ rõ ý nghĩa của việc thực hành tiết kiệm, đóng thuế nghĩa vụ, trả nợ ngân hàng, vệ sinh phòng bệnh, thu mua nông thổ sản, thanh toán nạn mù chữ, chăm sóc tốt các gia đình chính sách, yêu thương đùm bọc đồng bào miền Nam tập kết. Bác nhắc lại câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Kết thúc cuộc mít tinh, Bác bắt giọng hòa nhịp cho tất cả cùng hát bài “Kết đoàn”. Khi bài hát kết thúc, Bác đã rời sân vận động.

Theo kế hoạch, xe đưa Bác chạy thẳng ra phía cửa biển Nhật Lệ. Hơn 5 giờ chiều mà vẫn nắng gắt, Bác cùng anh em trong đoàn xuống tắm. Nhìn bãi cát trắng mịn, từng làn sóng xanh từng đợt từng đợt xô vào bờ cát trắng xóa, Bác nói với mọi người: “Biển ở đây nước trong vắt, nền toàn cát, quá tuyệt”. Chiều tối, Bác không nghỉ trong nhà của Ban đón tiếp đã bố trí mà đưa chiếu trải ngoài hiên để nằm. Giữa cảnh trời biển, Bác tâm sự với đồng chí Vũ Kỳ: “Mẹ mình mất ở Huế, bố mình mất ở Cao Lãnh-Nam Bộ. Một chốn quê của mình còn mãi tận trong kia. Đi lần này phải dừng chân ở đây coi như đi đến nơi mà về chưa đến chốn. Vòng tròn bước chân quanh Tổ quốc chưa khép kín”. Mấy năm sau, trong chuyến thăm các nước XHCN anh em, một đêm nghỉ lại ở khách sạn một quốc gia bên bờ Bắc Hải, Bác yêu cầu cho nghỉ trong lều vải bên bờ biển. Cảnh biển êm ả, bao la và lung linh ánh điện đủ sắc mầu, chấp chới những con tàu ngược xuôi, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Chú Kỳ còn nhớ cái đêm ngủ ở cửa biển Nhật Lệ không?” Chưa kịp trả lời thì Bác lại tiếp: “Bãi biển ở đó đẹp và trong lành hơn ở đây nhiều”(4).

Do có công việc đột xuất, Bộ Chính trị mời Bác về gấp, kế hoạch Bác gặp chiến sĩ Sư đoàn 325 tại sân vận động, thăm hỏi bà con giáo dân vùng Tam Hòa và một số nơi trong thị xã Đồng Hới phải thay đổi. Buổi gặp của Bác với chiến sĩ Sư đoàn 325 (đóng quân tại Hải Thành, Đồng Hới) diễn ra sớm hơn, vào 4 giờ sáng ngày 17/6/1957. Bác nói: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển lời thăm hỏi đến lực lượng vũ trang nhân dân trong tỉnh. Đáng lẽ Bác nói chuyện nhiều với các cô, các chú nhưng có điện khẩn của Trung ương, Bác phải về Hà Nội ngay. Bác ủy nhiệm cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thay mặt Bác nói với các cô, các chú”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở lại nói chuyện với bộ đội còn đoàn xe đưa Bác ra sân bay.

Trong khi chờ các phi công chuẩn bị máy bay, Bác ngồi bên thảm cỏ nhìn về phương Nam rồi quay lại xúc động nói với mọi người: “Bác rất tiếc là thăm Quảng Bình - Vĩnh Linh chưa hết chương trình đã phải trở về. Bác mong Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình làm tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ cũng như những điều Bác dặn, Bác về Bác lại vô”. 5 giờ, chiếc chuyên cơ Li2 - số 203, quà tặng của Liên Xô do tổ lái Trung Quốc điều khiển, đã chở Bác rời đường băng lượn một vòng chào Đồng Hới, thị xã bên dòng Nhật Lệ, rồi hướng về thủ đô.

Tuy thời gian vào thăm chưa nhiều, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của quân và dân Quảng Bình, nhưng với các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, hay buổi nói chuyện với nhân dân, thăm các chiến sỹ lực lượng vũ trang,... Bác đã để lại cho nhân dân Quảng Bình ấn tượng về tình cảm sâu nặng và tấm lòng yêu thương vô bờ bến. Sau ngày Bác Hồ về thăm, tỉnh Quảng Bình đã ra nghị quyết phát động toàn dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, khắc phục khuyết điểm, phát huy các ưu điểm, thực hiện tốt những lời Bác dạy. Nhân dân Quảng Bình hăng hái thi đua, lao động sản xuất, trong đó Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy) vinh dự được Bác Hồ 2 lần viết bài ca ngợi đăng trên báo Nhân Dân. Bác viết: “Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của HTX Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót một nghìn HTX nhận thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong. Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta...” (Báo Nhân dân, số 2582, ngày 15/4/1961). Để động viên khích lệ bà con Đại Phong, ngày 20/3/1961, Bác đã gửi tặng HTX Đại Phong chiếc máy kéo DT54, do Đoàn thanh niên Cộng sản Công-xô-môn Lê Nin gửi tặng Bác. Học tập HTX Đại Phong, đã có 3.191 HTX trên toàn miền Bắc thi đua với Đại Phong, trong đó có 24 HTX được chọn là những Đại Phong của tỉnh, huyện mình. Năm 1962, HTX Đại Phong vinh dự đón 32 đoàn khách quốc tế, 480 chủ nhiệm HTX trong cả nước về Đại Phong học tập kinh nghiệm về lao động sản xuất .

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xứng đáng là tuyến đầu miền Bắc, nhân dân Quảng Bình luôn chắc tay cày, vững tay súng, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả vì miền Nam thân yêu. Ngày 17/7/1965, nhân thành tích quân và dân Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ và thu hoạch một vụ chiêm bội thu, Bác gửi thư khen “tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Ngày 29/8/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho quân và dân Quảng Bình. Sự quan tâm và tình cảm của Bác chính là sức mạnh cổ vũ quân và dân Quảng Bình vượt qua gian khổ, góp sức vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong từng giai đoạn cách mạng và trong điều kiện mới, thực hiện đường lối của Đảng và khắc ghi lời dạy của Bác: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có... Nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho nhà nước”(6), Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi”, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người/ năm được cải thiện, từ 0,46 triệu đồng vào năm 1990 tăng lên 49.3 triệu đồng năm 2021. Tận dụng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều điểm tham quan nổi tiếng: Hang Sơn Đoòng, động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chày, hang Tối, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, biển Đá Nhảy. và đặc biệt là Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã hai lần được vinh danh di sản thiên nhiên thế giới, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình. Tổng số khách du lịch đến tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2020 đạt 19.7 triệu lượt khách.

Quảng Bình hôm nay đã mang một vóc dáng mới, sức sống mãnh liệt vẫn đang được thắp lên từ quá khứ kiên cường. Trong chặng đường phát triển, quân dân Quảng Bình luôn nỗ lực, phấn đấu để đạt những thành tựu to lớn, thể hiện tình cảm, ý chí và khát vọng vươn lên của người dân Quảng Bình đoàn kết, đi theo con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và giương cao ngọn cờ lãnh đạo.   5

Chú thích

1. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: HCM-Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2008, tr.471.

2, 3, 4. Bác Hồ với Quảng Bình – Hồ Ngọc Diệp, Nxb. Thuận Hóa, 2021.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2011, tập 13, tr.113,114.

(6) Ty Văn hóa Quảng Bình: Quảng Bình ơn Bác, 1975, tr.89

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)