slider

TÌM HIỂU NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA NGUYỄN TẤT THÀNH TỪ NĂM 1911 ĐẾN NĂM 1920

07 Tháng 11 Năm 2011 / 17327 lượt xem
Nguyễn Huy Hoan
         
Cách đây 100 năm, ngày 5/6/1911, Bác Hồ của chúng ta, lúc ấy mang tên Văn Ba đã rời bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), với công việc làm phụ bếp trên tàu đô đốc Latouche Trêville thuộc Hãng vận tải hợp nhất của Pháp để đi sang Pháp.
          Qua nhiều người tài liệu chúng ta biết, vào đầu thế kỷ XX có khoảng trên 100 người Việt Nam sang Pháp. Nhưng những người đó sang phương Tây chủ yếu là kiếm sốn, một số rất ít là sang để học hành.
          Riêng Nguyễn Tất Thành sang phương Tây với mục đích và tâm nguyện rất rõ ràng là tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước và đồng bào thoát khỏi vòng nô lệ. Tâm nguyện ấy chính Bác Hồ đã nhiều lần thổ lộ với các nhà báo nước ngoài.
          Từ năm 1919, trả lời phỏng vấn Yi Chê Bao (âm Hán là báo Nghị Xả) với câu hỏi “ông đến Pháp với mục đích gì?” Người nói rõ: “Để đòi những quyền tự do mà chúng tôi phải được hưởng” (1).
          Năm 1923, trả lời phỏng vấn báo Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) là Oxip Mandenstan, Người nói: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nge ba chữ Pháp Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy…Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài…”(2).
          Năm 1924, trả lời phỏng vấn của phóng viên người Ý Giôvani Giécmanetto “tại sao anh lại sang châu Âu?” Người nói: “Trước đây tôi có đọc một số tờ báo phát hành sang nước tôi, một vài tờ có tính chất chống đối ở An Nam. Có những người lê dương do Poincaré gửi sang để cải huấn, những người lính lê dương này đọc đủ thứ. Họ là những kẻ chống đối về bản chất. Họ cho tôi đọc các báo Pháp. Vì thế tôi nảy ra ý muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao và tôi đã tôi Paris” (3).
          Năm 1965, nói chuyện với bà Anna Lui – Xtơrông, người nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi.”
          Tóm lại, Nguyễn Tất Thành đi sang phương Tây là nhằm khảo sát thực chất xã hội phương Tây mà trên sách vở, trên ghế nhà trường được ca ngợi là văn minh, là tự do, bình đẳng, bái ái và đích cuối cùng là giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ thực dân.
          Cuộc hành trành ấy, tính cho đến ngày trở về Tổ quốc dài tới 30 năm. Người đã phải vượt qua bao gian khổ từng trong đời sống vật chất, bao gian truân trên bước đường hoạt động cách mạng.
          Từ năm 1911 đến năm 1920 có thể coi là giai đoạn đầu tiên của 30 năm đó nổi lên những hoạt động chính sau đây:
          1. Học tập: Để hiểu được một đất nước xa lạ ngay trên đất nước ấy, trước hết phải nâng cao trình độ ngoại ngữ.
          Năm 1961, nói chuyện tại Hội nghị chuyền đề sinh viên quốc tế tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Vai trò các tổ chức sinh viên trong việc phát triển nền giáo dục dân tộc, Người tâm sự rất chân thành: “Về văn hóa, tôi chỉ học hết lớp tiểu học. Vì chế độ thực dân đã kìm hãm việc giáo dục. Chỉ có con em một số nhà quyền thế và giàu có mới được học đến trung học và rất ít đến đại học”(4).
          Năm 1962, nói chuyện với giáo viên học sinh trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, Người kể lại: Trước đây, lúc tuổi thanh niên Bác hoạt động ở Pháp, cũng vừa lao động, vừa học tập, nhưng lúc đó lao động là lao động nô lệ cho đế quốc. Bác phải làm việc thể để tự kiếm sống, nhưng vẫn dành thì giờ để học tập, ngày lao động, đêm học tập, chứ Bác không được đến trường đâu”(5).
          Đọc Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, chúng ta biết khi làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latouche Trêville, Người đã rất tranh thủ thời gian để học: “Mỗi ngày 9h tối công việc mới xong, Anh Ba mệt lử, nhưng trong khi chúng tôi (những người Việt Nam làm công trên tàu) ngủ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11h hoặc nửa đêm”.
Những ngày làm vườn cho ông chủ tài ở Saint Adouse “Anh Ba học tiếng Pháp với cô sen”.
Những ngày sống ở Anh thì “Hàng ngày buổi sáng sớm và buổi chiều, anh Ba ngồi trong vườn hoa Haydơ ở Luân Đôn, tay cầm quyển sách và một cây bút chì. Hàng tuần vào ngày nghỉ, anh đi học tiếng Anh với ông giáo sư người Ý”.
          “Ngoài những cuộc đi xem để học. Anh không thích chơi bời gì khác”
          Trước khi sang Đức để đi Liên Xô, Bác học tiếng Đức và tiếng Nga. Tháng 1-1964 đến tham dự hội nghị tổng kết công tác ngoại giao năm 1963, Người nói: “Ở Đức thì điều kiện học hành có khá hơn. Biết tiếng Pháp và tiếng Anh nên học cũng chóng hơn.”
          Qua các tài liệu, chúng ta biết Người đã học và biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Ý, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Thụy Điển. Trong các thứ tiếng đó có những ngôn ngữ Người đã uyên thâm.
          Với công cụ sắc bén là ngôn ngữ đã giúp Người đọc được nhiều sách báo tiến bộ để hiểu sâu bàn chắc của chế độ tư bản ở các nước Pháp và phương Tây…
          2. Quan sát và suy nghĩ về xã hội phương Tây và đời sống của nhân dân các nước thuộc địa.
          Đúng như lời Bác Hồ đã nói “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” (Trích Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch)
          Với tâm nguyện đó, Nguyễn Tất Thành đã tận dụng mọi cơ hội để đi được nhiều nơi trên thế giới.
          Ngày 6/7/1911, tàu đô đốc Latouche Treville đến Marocille, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đặt chân lên đất Pháp.
Ngày 6/7/1911, Nguyễn Tất Thành tới Le Harve, một hải cảng ở miền Bắc nước Pháp, tiếp đó ngày 26-8, Nguyễn Tất Thành đến hải cảng Dunkerque trên bờ biển Manche.
          Trong năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Chargeurs Réunis đi vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở bến cảng một số nước như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angieri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênigan, Rêuyniông…
          Cuối năm 1912 (trước ngày 15) Nguyễn Tất Thành đến nước Mỹ.
          Đầu năm 1913 Nguyễn Tất Thành sinh sống ở nước Anh…
          Cuối năm 1917 Nguyễn Tất Thành trở về Pháp.
          Qua những chuyến đi đó Nguyễn Tất Thành đã từng bước hiểu được xã hội phương Tây dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.
          Đến Marseille Nguyễn Tất Thành nhận ra một điều: “Ở Pháp cũng có người nghèo như bên ta!”. Sau mấy ngày ở Marseille, Nguyễn Tất Thành nhận xét: “Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương”. Đó chính là những nhận xét rất rõ ràng và đúng đắn về sự phân hóa giai cấp và thực chất những tên thực dân đang cai quản thuộc địa.
          Trong chuyến đi châu Phi, khi đến cửa biển Dacar, bể nổi sóng dữ, những người da đen bị thực dân Pháp bắt bơi ra liên lạc với tầu lần lượt bị sóng bể cuốn đi, Nguyễn Tất Thành hết sức xúc động và rút ra kết luận: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy chuyện như vậy xảy ra ở Phan Rang. Bon Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu.” (Trích Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).
          Bên cạnh những tội ác dã man của bọn thực dân, Nguyễn Tất Thành còn xúc động trước những tấm gương yêu nước như nhà đại ái quốc Terence Mac Swiney, thị trưởng thành phố Cork (Ireland) đã góp phần kiên trì và nâng cao lòng yêu nước, chí căm thù thực dân trong Nguyễn Tất Thành… Những nhận thức và khám phá bản chất chủ nghĩa thực dân đó được nâng cao hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo, từ 1921-1924.
          3. Liên lạc mật thiết với những người Việt Nam sống ở Pháp và bạn bè quốc tế.
          Tuy cho đến nay chúng ta chưa thu thập được đầy đủ các tài liệu, song bất kỳ ở đâu, Nguyễn Tất Thành đều luôn liên lạc mật thiết với người Việt Nam sống ở nước ngoài, những người Pháp có tư tưởng tiến bộ và bạn bè các nước, đặc biệt là những người dân thuộc địa đồng cảnh ngộ.
          Theo báo cáo của mật thám Pháp, từ khi tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện, gần như ngày nào người cũng gặp gỡ một số người Việt Nam sống ở Pari, như Trần Văn Quốc, Lê Văn Hạo, Khánh Kỳ, Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Bùi Lâm, Bách Thái tồng, Trần Xuân Hồ, Nguyễn Văn Duy…
          Cho đến nay, chúng ta đã sưu tầm được bút tích bốn bức thư, ký tên Tất Thành hoặc Cuồng điệt Tất Thành gửi cụ Phan Châu Trinh. Nội dung những bức thư ấy, tuy ngắn gọn nhưng đã thể hiện sự quan tâm của Nguyễn Tất Thành về tình hình thời cuộc của đất nước: “Sự thể bên ta thế nào?”, “Bên ta có gì mới không?”, “Cháu nghĩ trong vòng ba bốn tháng nữa, số phận châu Á sẽ thay đổi và thay đổi nhiều”; thổ lộ nguyện vọng của mình: “Ba hột đạn thầm hư tấc lưỡi, sao cho ích giống mới cam lòng” (trong thư viết chữ “mấy” là từ phương miền trung).
          Giữ cho những người Việt Nam sống và làm ăn trên đất Pháp, Nguyễn Tất Thành thường dùng từ ngữ rất chung là “đồng bào” và nhờ bà con cung cấp tin tức hoặc báo chí trong nước.
          Ở Pháp Nguyễn Tất Thành thường đến nhà số 6 phố Villa Des Gôbelins là nơi ở của ông Phan Châu Trinh và ông Phan Văn Trường mà Nguyễn Tất Thành kính trọng - Ngôi nhà đó cũng là nơi qua lại thăm hỏi, nghỉ ngơi của nhiều người Việt yêu nước từ mọi miền nước Pháp khi họ về Pari, của những thủy thủ Việt Nam trên các tàu viễn dương ghé qua Pháp tìm tới để chuyện trò tâm sự. Đây cũng là nơi các hội viên Hội đồng bào thân ái của một số người Việt Nam thành lập tại Pari từ năm 1912 tụ họp và khi có Nguyễn Tất Thành anh đã đem lại cho những người hội viên đó cách nhìn mới về xã hội và phương hướng đấu tranh mới. Một con người như Nguyễn Tất Thành đã từng đi qua nhiều nước, chứng kiến nhiều cảnh tượng thực tế, ham đọc sách báo nên trong suy nghĩ anh đã có những quan điểm khác với các bậc cha anh yêu nước.
          4. Bản yêu sách của nhân dân An Nam và những bài báo đầu tiên phê phán chủ nghĩa thực dân.
          Năm 1919, nhân Hội nghị các nước đế quốc họp tại Versailles, những người yêu nước Triều Tiên, Ai Cập, Trung Quốc đã đưa yêu sách của mình đến hội nghị mong được xem xét và giải quyết.
          Những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, đại biểu là Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành đã thay mặt “nhóm người yêu nước An Nam” đã thảo bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị, cuối bản yêu sách ký tên Nguyễn Ái Quốc – Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam. Có thể coi bản yêu sách được báo l’HumanitéLe populure đăng tải là hoạt động công khai đầu tiên, vô cùng dũng cảm của Nguyễn Ái Quốc. Lần đầu tiên nguyện vọng của nhân dân Việt Nam được đưa trên diễn đàn quốc tế. Bản yêu sách là đòn đầu tiên của Người tiến công thẳng vào bọn đế quốc. Bản yêu sách còn được in thành truyền đơn, lại được viết dịch ra tiếng Việt theo thể văn vần và dịch ra chữ Hán đã trở thành tài liệu tuyên truyền thức tỉnh nhân dân Việt Nam. Mật thám Pháp thì nhận định Nguyễn Ái Quốc chính là Nguyễn Tất Thành chứ không phải là ai khác, đó là linh hồn của nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.
          Sau yêu sách của nhân dân An Nam, những bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân xuất hiện trong tháng 8 và tháng 9 năm 1919 trên báo l’HumanitéLe populure đã mở ra một trận địa mới cho sự nghiệp cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Những bài báo đó vừa tố cáo tình trạng bị thảm của nhân dân Việt Nam dưới sự áp bức của thực dân Pháp vừa vạch rõ chính sách dã man, thâm độc vô nhân đạo của bọn thống trị, Người viết: “Người Âu hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt đối, còn người bản xứ thì bị bịt mõn và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca, vì nếu anh ta dám phản đối thì anh ta liền bị tuyên bố là kẻ phản nghịch hoặc là tên cách mạng, và bị đối xử đúng với tội trạng ấy” (6).
          Còn chính sách cai trị thì Nguyễn Ái Quốc vạch rõ: đó là chính sách thống trị bằng sức mạnh và chính sách ngu dân, người vạch rõ những con chó thông thái gây rắc rối hơn là có ích”.
          5. Vào Đảng xã hội và dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp.
          Từ hoàn cảnh sống của mình, Nguyễn Tất Thành có điều kiện tiếp cận với phái tả của cách mạng Pháp và năm 1919 anh gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng duy nhất bênh vực các dân tộc thuộc địa. Vào Đảng Xã hội, Nguyễn Tất Thành có điều kiện tiếp xúc với các cuộc tranh luận về con đường cách mạng, về cách mạng tháng Mười bùng nổ ở Nga, về Quốc tế cộng sản, về thái độ với vấn đề thuộc địa…
          Trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” Hồ Chí Minh đã nói rõ sự kiện đó: “Hồi ấy trong các chi bộ của Đảng Xã hội Pháp, người ta bàn cãi sôi nổi về vấn đề có nên ở lại Quốc tế thứ hai, hay là nên tổ chức một quốc tế hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lênin? Tôi dự rất đều các cuộc họp một tuần hai hoặc ba lần. Tôi chăm chú lắng nghe những người phát biểu ý kiến…
          “Điều mà tôi muốn biết hơn cả và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp là vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa”(7).
          “Trong một cuộc họp tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí trả lời: Đó là Quốc tế thứ ba chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một dồng chí đã đưa cho tôi đọc luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc điạ”(8).
          Những buổi sinh hoạt của Đảng Xã hội là môi trường để Nguyễn Ái Quốc ngày càng nâng cao nhận thức về con đường giải phóng dân tộc. Đúng như sau này Hồ Chí Minh đã viết về sự kiện đó: “Trước kia trong các cuộc họp chi bộ tôi ngồi nghe người ta nói, tôi cảm thấy người nào cũng có lý cả, tôi không phân biệt được ai đúng và ai sai. Nhưng từ đó tôi cũng xông vào những cuộc tranh luận. Tôi tham gia thảo luận sôi nổi”(9).
          Với tư cách là Đảng viên Đảng Xã hội, Nguyễn Ái Quốc đã dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, là đại biểu cho đảng Bắc kỳ trong 6 đảng bộ thuộc địa thuộc Đảng Xã hội Pháp lúc ấy. Nguyễn Ái Quốc cũng là người bản xứ duy nhất có mặt tại đại hội. Nhờ những người Pháp bảo vệ Nguyễn Ái Quốc mới thoát được sự khống chế của mật thám, chính thức ngồi vào hàng ghế phe tả cùng với Vaillant Couturier, Mancel Cachin… Nguyễn Ái Quốc dũng cảm tố cáo tội ác ghê tởm và những thủ đoạn áp bức bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân Đông Dương . Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu Đảng Xã hội phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong các nước thuộc địa, phải đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc điạ, phải hoạt động thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và những người cánh tả trong Đảng Xã hội Pháp đã hình thành bộ phận của Quốc tế cộng sản (Secnon Frangaise de l’Internationale Communisle)
          Trên đây là khái quát những hoạt động của Nguyễn Tất Thành từ năm 1911 lúc Người ra đi đến năm 1920 lúc trở thành người cộng sản. Năm 1960 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng cộng sản Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Riêng về cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ cộng sản xã hội chủ nghĩa”(10).
 
Chú thích:
          (1), (2), (3), (6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr456, tr461, tr465
                (4), (5), (7), (8), (9), (10), Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 10, tr389, tr590, tr126-127, tr241

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)